Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 10

ĐỀN THỜ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (3:16-22)

 

16 Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao? 17 Vì có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ.

18 Chớ ai tự dối mình: nếu có ai trong vòng anh em tưởng mình khôn ngoan theo cách đời nầy, hãy trở nên dại dột, để được nên khôn ngoan, 19 vì sự khôn ngoan đời nầy trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại dột. Như có chép rằng: Ấy là Chúa bắt những kẻ khôn ngoan trong mưu kế họ. 20 Lại rằng: Chúa thông biết ý tưởng của người khôn ngoan; Ngài biết ý tưởng họ đều là vô ích.

21 Vậy, chớ ai khoe mình về loài người, vì mọi sự đều thuộc về anh em: 22 hoặc Phao-lô, hoặc A-bô-lô, hoặc Sê-pha, hoặc thế gian, hoặc sự sống, hoặc sự chết, hoặc những sự bây giờ, hoặc những sự hầu đến. Hết thảy mọi sự đều thuộc về anh em, anh em thuộc về Đấng Christ, Đấng Christ thuộc về Đức Chúa Trời.

 

1. “Anh em há chẳng biết” (c. 1a) hàm ý gì?

2. Chúng ta là “đền thờ của Đức Chúa Trời” (c. 16a) nghĩa là thế nào?

3. “Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em” nhắc nhở chúng ta điều gì trong nếp sống hàng ngày?

4. “Phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời” (c. 17a) nói đến điều gì?

5. “Hãy trở nên dại dột để được nên khôn ngoan” (c. 18b) nghĩa là thế nào?

6. “Mọi sự đều thuộc về anh em” (c. 21a) nghĩa là thế nào?

7. Xin giải thích câu 22.

 

Anh em há chẳng biết (c. 16a) là thành ngữ Phao-lô dùng mười lần trong Thư I Cô-rinh-tô (chỉ được dùng một lần trong các thư tín khác) là một cách nhắc nhở nhẹ nhàng. Lời nhắc nhở nầy hàm ý đây là điều hiển nhiên, ai cũng phải biết. Chữ anh em chỉ về toàn thể Hội Thánh và đền thờ (naos) là điện thờ, nơi chí thánh, nhấn mạnh tính cách thiêng liêng và thánh khiết.

Thánh Linh Đức Chúa Trời là Đấng hiện diện trong Hội Thánh, nói chung (c. 16b) và cũng là Đấng hiện diện trong mỗi người tin Chúa (6:19). Thánh Linh Đức Chúa Trời cho thấy Đức Thánh Linh là một trong Ba Ngôi và Ngài chính là Đức Chúa Trời.

Chia rẽ, bè phái trong Hội Thánh là vấn đề Phao-lô đang nói với Hội Thánh Cô-rinh-tô (1:10-4:21), vì vậy phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời là nói đến việc gây chia rẽ. Chia rẽ, bè phái là phá hoại Hội Thánh của Chúa. Hình phạt đối với những người phá hoại Hội Thánh là Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ (c. 17a). Phá hủy mang ý nghĩa hình phạt tương xứng với việc người đó làm cho Hội Thánh. Phao-lô cũng nhấn mạnh: Đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ (c. 17b). Thánh nghĩa là biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời. Hội Thánh thuộc quyền sở hữu của Đức Chúa Trời, vì vậy phá hủy Hội Thánh của Đức Chúa Trời là một vấn đề rất nghiêm trọng!

Tiếp tục nói về vấn đề chia rẽ vì tôn cao con người, Phao-lô cảnh cáo Hội Thánh Cô-rinh-tô về nguy cơ nầy:

Chớ ai tự dối mình: nếu có ai trong vòng anh em tưởng mình khôn ngoan theo cách đời nầy, hãy trở nên dại dột, để được nên khôn ngoan (c. 18)

Chớ ai tự dối mình trong câu nầy nghĩa là người nào cho rằng mình là khôn theo tiêu chuẩn của đời, suy nghĩ như vậy là sai. Phao-lô dùng cụm từ nầy sáu lần trong Thư I Cô-rinh-tô hàm ý đang có người hành động như vậy và họ phải chấm dứt ngay. Một số người trong Hội Thánh Cô-rinh-tô ủng hộ một cá nhân nào đó, cho người đó là khôn ngoan và vì vậy họ cũng khôn ngoan theo. Phao-lô cảnh cáo, đó là khôn ngoan theo cách đời nầy. Trong Hội Thánh Chúa, vấn đề hoàn toàn khác (1:20-31). Hãy trở nên dại dột tức là sống với chủ trương mà người đời coi là dại, đó mới thực sự là khôn (2:14-15).

Sự khôn ngoan đời nầy (c. 19a) là khôn theo tiêu chuẩn của đời, nhưng trước mặt Đức Chúa Trời, theo tiêu chuẩn của Chúa hay nói về mặt tâm linh thì đó là dại dột. Con người không thể dùng khôn ngoan của đời để hiểu và tiếp thu vấn đề tâm linh. Phao-lô trích Gióp 5:13 để minh chứng điều nầy:

Như có chép rằng: Ấy là Chúa bắt những kẻ khôn ngoan trong mưu kế họ (c. 19b)

Mưu kế nghĩa là “xảo quyệt” (BHĐ). Con người xảo quyệt đến đâu cũng không thể vượt qua Chúa được. Phao-lô cũng trích Thi thiên 94:11:

Lại rằng: Chúa thông biết ý tưởng của người khôn ngoan, Ngài biết ý tưởng họ đều là vô ích (c. 20)

Có hai ý trong câu nầy: (1) Con người không thể che giấu tư tưởng của mình trước mặt Đức Chúa Trời. (2) Tư tưởng của con người, dù là người khôn cũng chỉ hư không (vô ích) trước mặt Chúa.

Kết luận phần nầy, Phao-lô muốn người Cô-rinh-tô thấy rằng, chia rẽ, tôn sùng một người nào (khoe mình về loài người) là tự giới hạn mình lại, bởi vì tất cả những người lãnh đạo, tất cả những giáo sư mà họ có đều là của họ. Thật ra, mọi sự đều là của họ qua Chúa Giê-xu (c. 21-22). Nếu tín hữu tại Cô-rinh-tô ý thức như vậy, họ sẽ không chia rẽ hay tôn sùng một cá nhân nào nữa!