Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

HÃY ĐỢI CHÚA ĐẾN! (4:1-5)

 

1 Vậy, ai nấy hãy coi chúng tôi như đầy tớ của Đấng Christ và kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời. 2 Vả lại, cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành. 3 Về phần tôi, hoặc bị anh em xử đoán, hoặc bị tòa án nào của loài người xử đoán, tôi cũng chẳng lấy làm quan hệ gì. Chính tôi chẳng tự xử đoán mình nữa 4 vì tôi chẳng thấy mình có điều gì đáng tội, nhưng tôi cũng không nhờ sự đó mà được xưng là công bình: Đấng xử đoán tôi, ấy là Chúa.

5 Vậy, chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến, chính Chúa sẽ tỏ những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người. Bấy giờ, ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự khen ngợi mình đáng lãnh.

 

1. Những danh hiệu: “Đầy tớ của Đấng Christ” và “kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời” nói lên điều gì?

2. “Trung thành” trong câu 2 mang ý nghĩa gì? Tại sao “trung thành” là yếu tố quan trọng trong vấn đề quản trị? Chúng ta là người quản trị trên phương diện nào? Chúng ta bày tỏ lòng trung thành như thế nào?

3. Xin kể ra những đối tượng có thể xử đoán Phao-lô trong câu 3?

4. “Xử đoán” nghĩa là gì? Tại sao Phao-lô không quan tâm đến việc xử đoán nầy?

5. Phao-lô hàm ý điều gì khi ông nói: “Đấng xử đoán tôi ấy là Chúa” (c. 4b)?

5. “Chớ xét đoán sớm quá” (c. 5a) hàm ý gì? Chúng ta áp dụng điều nầy như thế nào?

6. Xin cho biết nguyên tắc Phao-lô nêu ra trong câu 5d. Chúng ta áp dụng nguyên tắc nầy cho mình như thế nào?

 

Vấn đề Phao-lô đang nói với các tín hữu là sự chia rẽ, đang xảy ra tại Hội Thánh Cô-rinh-tô (1:10-4:21). Chia rẽ xảy ra vì có nhiều phe phái trong Hội Thánh: mỗi nhóm trong Hội Thánh có một người họ ngưỡng mộ và coi đó là người lãnh đạo của mình (1:12). Cuối chương 3, Phao-lô kết luận là họ không phải là môn đồ của một người nào mà là của tất cả (3:21-22). Sau đó, Phao-lô cho thấy vai trò của ông và các bạn trong chương trình của Đức Chúa Trời. Phao-lô viết:

Vậy, ai nấy hãy coi chúng tôi như đầy tớ của Đấng Christ và kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời (c. 1)

Phao-lô bảo các tín hữu hãy coi ông và cộng sự của ông như là đầy tớ của Đấng Christkẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời. Đầy tớ, chữ gốc là hyperetes, người chèo ở chỗ thấp nhất trong các thuyền lớn ngày xưa. Đầy tớ ở đây vì vậy mang ý nghĩa phục vụ ở địa vị thấp và phải sẵn sàng tuân lệnh. Phao-lô nói ông và các bạn là những đầy tớ như vậy của Đấng Christ.

Kẻ quản trị (oikonomos) là người quản gia, quản trị những tài sản lớn cho chủ, thường là một nô lệ. Phao-lô gọi ông và các bạn là kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời. Sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời chỉ về Phúc Âm của Chúa (2:7) là điều trước kia bị che giấu nhưng nay được bày tỏ (Ê-phê-sô 3:3-6). Phao-lô thường dùng từ nầy để mô tả Phúc Âm của Chúa. Kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời vì vậy nói đến người rao giảng Phúc Âm và phục vụ Phúc Âm.

Khi nói đến người quản trị, Phao-lô cho thấy đặc tính không thể thiếu là trung thành (c. 2). Trung thành mang ý nghĩa đáng tin cậy, vì người quản trị là người được chủ giao phó toàn bộ tài sản. Quản gia mà không thể tin cậy thì không làm quản gia được. Đây chẳng những nói đến người hầu việc Chúa nhưng cũng là đặc tính của mỗi người tin Chúa (I Phi-e-rơ 4:10). Chúng ta là quản gia của Chúa, chẳng những trong những ân tứ Chúa ban nhưng cũng là quản gia về đời sống, thì giờ, tiền bạc và mọi điều Chúa ban. Những gì chúng ta có không phải là của chúng ta nhưng là của Chúa, chúng ta chỉ là người quản lý tất cả những điều đó cho Chúa.

Vì Phao-lô kể mình là đầy tớ và quản gia của Chúa cho nên nhận định, ý kiến và phê phán của con người không quan trọng đối với ông:

Về phần tôi, hoặc bị anh em xử đoán, hoặc bị tòa án nào của loài người xử đoán, tôi cũng chẳng lấy làm quan hệ gì. Chính tôi chẳng tự xử đoán mình nữa (c. 3)

Xử đoán trong câu nầy mang ý nghĩa đánh giá theo ý của loài người. Vì tín hữu tại Cô-rinh-tô có những nhận định khác nhau về người lãnh đạo và đưa đến chia rẽ, nên Phao-lô nhắc điều nầy để họ không còn phê phán và chọn phe cho mình. Phao-lô nói đến sự xử đoán của anh em, tòa án loài người và chính ông (c. 3). Việc xử đoán nầy, theo cách dùng trong nguyên ngữ, mang ý sơ khởi. Phán quyết sau cùng của Chúa (chung thẩm) mới là điều quan trọng.

Phao-lô nói đến việc chính ông tự xử đoán là điều ông cũng không làm. Tự xử đoán mang ý nghĩa kiểm thảo, xem mức độ thành công hay thất bại của mình. Một số người có thể dùng thành quả hay thất bại để đo lường mức độ thuộc linh hay hiệu quả trong công việc của mình. Đó là tự xử đoán.  Tác giả Leon Morris cho rằng “làm như vậy có thể đưa chúng ta đến chỗ buồn nản quá đáng hay tự hào quá nhiều, cả hai đều không đúng!” Lý do Phao-lô không tự xử đoán là:

Tôi chẳng thấy mình có điều gì đáng tội, nhưng tôi cũng không nhờ sự đó mà được xưng là công bình (c. 4a)

Nếu tự mình xử đoán thì Phao-lô nghĩ rằng ông cũng đã không làm gì sai trong chức vụ: “Tôi không thấy mình có gì sai trái” (BHĐ). Mặt khác, Phao-lô cho thấy phán quyết sau cùng đến từ Chúa. Chúa mới là người quyết định Phao-lô có phải là người đã trung tín trong chức vụ hay không. Được xưng là công bình trong phần nầy mang ý nghĩa trung tín trong chức vụ chứ không nói đến sự cứu rỗi.

Xét đoán sớm quá (c. 5a) nghĩa là xét đoán “trước thời gian ấn định” (NIV). Thời gian ấn định đó là khi Chúa đến. Chúa chắc chắn sẽ đến, chỉ không biết lúc nào mà thôi. Hai điều sẽ xảy ra khi Chúa đến là:

1. Chúa sẽ tỏ những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng (c. 5b).

2. Bày ra những sự toan định trong lòng người (c. 5c).

Những sự giấu trong nơi tối nói đến những việc bị trần gian tăm tối che khuất. “Những gì hiện đang được che giấu trong bóng tối” (BHĐ). Những sự toan định trong lòng người nói đến mọi toan tính, ước ao, động lực, tốt cũng như xấu. Hai điều Chúa sẽ làm khi Ngài đến là: (1) Tỏ ra nơi sáng (“đưa ra ánh sáng,” BHĐ). (2) Bày ra (“phơi bày,” BHĐ) – Rô-ma 2:16.

Kết quả của việc Chúa đưa ra ánh sáng những gì bị che giấu và phơi bày mưu định trong lòng là lãnh sự khen ngợi mình đáng lãnh (c. 5d). Sự khen ngợi nói đến phần thưởng từ Chúa, đó là phán quyết tối hậu, không thể thay đổi (Ma-thi-ơ 25:21, 23).

Hai nguyên tắc Phao-lô nói đến trong phần Kinh Thánh nầy là:

1. Phán quyết sau cùng của Chúa, trong ngày Chúa trở lại mới là điều quan trọng. Chúng ta không nên quan tâm đến lời phê phán hay khen thưởng của loài người trong hiện tại.

2. Sự thật sẽ được phơi bày trong ngày cuối cùng, chúng ta không thể che giấu điều gì, nhất là động cơ phục vụ Chúa của chúng ta (Hê-bơ-rơ 4:13).