Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 18

HÔN NHÂN VÀ LY DỊ (7:10-16)

 

10 Về những kẻ đã cưới gả rồi, thì tôi, nhưng chẳng phải tôi, bèn là Chúa, truyền rằng vợ không nên lìa bỏ chồng, 11 (ví bằng đã phân rẽ nhau, thì nên ở vậy đừng lấy chồng khác, hay là phải lại hòa thuận với chồng mình), còn chồng cũng không nên để vợ. 12 Đến như những kẻ khác, chẳng phải Chúa, song là chính tôi bảo họ rằng: Nếu người anh em nào có vợ ngoại đạo bằng lòng ở đời với mình, thì không nên để bỏ. 13 Lại nếu một người đàn bà có chồng ngoại đạo bằng lòng ở đời với mình, thì vợ cũng không nên lìa chồng. 14 Bởi vì, chồng không tin Chúa, nhơn vợ mình được nên thánh, vợ không tin Chúa, nhơn chồng mình tin Chúa được nên thánh, bằng chẳng vậy, con cái anh em nên chẳng sạch, song nay đều là thánh. 15 Nếu kẻ không tin Chúa muốn phân rẽ, thì cho phân rẽ: trong cơn đó, người anh em hay là người chị em chẳng phải cầm buộc gì. Đức Chúa Trời đã gọi anh em ăn ở trong sự bình an. 16 Hỡi kẻ làm vợ kia, biết đâu ngươi sẽ cứu được chồng mình? Hỡi kẻ làm chồng kia, biết đâu ngươi sẽ cứu được vợ mình? 

 

1. Hai câu: “Chẳng phải tôi bèn là Chúa” (c. 10a) và: “Chẳng phải Chúa song là chính tôi” (c. 12a) khác nhau thế nào? Tại sao Phao-lô nói hai lời khác nhau về hai vấn đề nầy?

2. Câu 10-11 dạy gì về vấn đề ly dị?

3. “Đến như những kẻ khác” (c. 12). “Kẻ khác” chỉ về ai?

4. “Chồng không tin Chúa, nhơn vợ mình được nên thánh,” và: “Vợ không tin Chúa, nhơn chồng mình tin Chúa được nên thánh” nghĩa là thế nào? “Nên thánh” trong ý nghĩa gì?

5. Nguyên tắc Phao-lô nêu trong câu 15a là gì? Xin giải thích.

6. “Ăn ở trong sự bình an” nghĩa là thế nào?

7. Theo câu 16, “cứu được chồng” hay “cứu được vợ” trong ý nghĩa nào? “Cứu” nhờ tiếp tục chung sống hay nhờ phân rẽ?

 

Sau khi nói về tình dục trong hôn nhân, Phao-lô bàn đến hôn nhân và ly dị. Trong phần nầy, Phao-lô phân biệt hai điều: (1) Mạng lệnh trực tiếp của Chúa (c. 10). (2) Mạng lệnh đến từ Phao-lô (c. 12). Điều nầy không có nghĩa là điều Phao-lô truyền dạy ngược với Lời Chúa hay không có giá trị như lời dạy của Chúa nhưng ông chỉ muốn phân biệt hai trường hợp: (1) Cả hai đều tin Chúa (c. 10-11). (2) Chỉ một người tin Chúa (c. 12-16).

Trường hợp cả hai đều tin Chúa, chúng ta có mạng lệnh rõ ràng từ Chúa Giê-xu (Mác 10:2-12). Trường hợp chỉ một người tin Chúa, chúng ta không có mạng lệnh rõ ràng từ Chúa nhưng Phao-lô đưa ra những lời khuyên với tư cách sứ đồ của Ngài.

Trong vấn đề ly dị, theo Phao-lô, Chúa Giê-xu dạy rõ ràng như sau:

1. Vợ chồng không được ly dị (c. 10b, 11c).

2. Nếu đã ly dị, không được tái hôn nhưng vợ chồng phải cố gắng trở lại với nhau (c. 11a).

Về phần người chồng (c. 11b) Phao-lô không nói thêm điều gì nhưng chúng ta tin rằng những gì áp dụng cho người vợ cũng áp dụng cho chồng.

Đến như những kẻ khác (c. 12) nói đến trường hợp cả hai vợ chồng đều không tin Chúa nhưng rồi sau đó một người tin Chúa. Trong trường hợp nầy, người đã tin Chúa, dù là vợ hay chồng đều không nên ly dị. Lý do không nên ly dị là:

Bởi vì, chồng không tin Chúa, nhơn vợ mình được nên thánh, vợ không tin Chúa, nhơn chồng mình tin Chúa được nên thánh. Bằng chẳng vậy, con cái anh em nên chẳng sạch, song nay đều là thánh (c. 14)

Nên thánh mang ý nghĩa biệt riêng cho Chúa. Người vợ hay người chồng khi tin Chúa, người đó được biệt riêng ra cho Chúa và ảnh hưởng nầy lan đến người phối ngẫu và cả đến con cái nữa. Nói như vậy không có nghĩa khi vợ hay chồng tin Chúa, người phối ngẫu sẽ tự động trở nên con cái Chúa nhưng vì vợ và chồng là một nên ảnh hưởng thánh khiết khi một người tin Chúa sẽ lan đến người phối ngẫu. Con cái là hậu duệ của kết hợp vợ chồng nên cũng sẽ nhận được ảnh hưởng thánh khiết đó (Sáng thế ký 17:7).

Trong trường hợp vì vợ hoặc chồng tin Chúa mà người kia không muốn chung sống nữa (c. 15), người tin Chúa sẵn sàng chấp nhận việc ly dị nầy:

Nếu kẻ không tin Chúa muốn phân rẽ, thì cho phân rẽ (c. 15a)

Cuối cùng, Phao-lô nói:

Đức Chúa Trời đã gọi anh em ăn ở trong sự bình an (c. 15b)

Ăn ở trong sự bình an bao gồm cả hai trường hợp:

·         Tiếp tục chung sống khi người không tin Chúa bằng lòng chung sống (c. 12-14).

·         Chấp nhận ly dị khi người không tin Chúa muốn chia tay (c. 15).

Ăn ở trong sự bình an là vui vẻ chấp nhận dù là trong hoàn cảnh nào.

Kết luận phần nầy (c. 10-15), Phao-lô viết:

Hỡi kẻ làm vợ kia, biết đâu ngươi sẽ cứu được chồng mình? Hỡi kẻ làm chồng kia, biết đâu ngươi sẽ cứu được vợ mình? (c. 16)

Câu nầy cũng áp dụng cho cả hai trường hợp: tiếp tục chung sống hay ly dị. Nghĩa là khi một người tin Chúa sẵn sàng quyết định như lời dạy của Phao-lô ở đây, Chúa có thể dùng ảnh hưởng tốt của người vợ hay người hay chồng để cứu người phối ngẫu. Và ngay cả trong quyết định ly dị vì người không tin muốn như vậy cũng có thể khiến người đó hồi tâm và tin nhận Chúa.

Tóm tắt dạy dỗ của I Cô-rinh-tô 7:10-16 về hôn nhân và ly dị:

1. Tuyệt đối không được ly dị (c. 10, 11c).

2. Khi đã ly dị không được tái hôn (c. 11a).

3. Cách tốt nhất để giải quyết ly dị là trở lại với nhau (c. 11b).

4. Hai vợ chồng lập gia đình trước khi tin Chúa, khi một người tin Chúa:

(1) Phải tiếp tục chung sống, không ly dị.

(2) Nếu người không tin muốn ly dị, chấp nhận ly dị đó nhưng với hy vọng người kia sẽ đổi ý.