Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 20

ĐỘC THÂN VÀ TÁI HÔN (7:25-40)

 

25 Về những kẻ đồng thân, tôi chẳng có lời Chúa truyền, song nhờ ơn thương xót của Chúa, tôi được làm người đáng tin, nên tôi ban lời khuyên bảo. 26 Vậy tôi tưởng vì cớ tai vạ hầu đến, một người nam cứ ở vậy là nên. 27 Có phải ngươi đã bị vấn vương với vợ chăng? Chớ tìm cách mà lìa mình ra. Có phải ngươi chưa bị vấn vương với vợ chăng? Đừng kiếm vợ. 28 Nhưng nếu ngươi lấy vợ, thì chẳng phạm tội gì và nếu người nữ đồng trinh lấy chồng, thì cũng chẳng phạm tội gì. Song những người cưới gả sẽ có sự khó khăn về xác thịt và tôi muốn cho anh em khỏi sự đó.

29 Hỡi anh em, vậy thì tôi bảo nầy: thì giờ ngắn ngủi. Từ nay về sau, kẻ có vợ hãy nên như kẻ không có; 30 kẻ đương khóc, nên như kẻ không khóc; kẻ đương vui, nên như kẻ chẳng vui; kẻ đương mua, nên như kẻ chẳng được của gì; 31 và kẻ dùng của thế gian, nên như kẻ chẳng dùng vậy; vì hình trạng thế gian nầy qua đi. 32 Vả, tôi muốn anh em được thong thả chẳng phải lo lắng gì. Ai không cưới vợ thì chăm lo việc Chúa, tìm phương cho Chúa đẹp lòng. 33 Song ai cưới vợ rồi thì chăm lo việc đời nầy, tìm cách cho vợ mình thỏa dạ. 34 Người nữ có chồng và đồng trinh cũng khác nhau như vậy: ai không chồng thì chăm lo việc Chúa, đặng cho thân thể và tinh thần đều được thánh; nhưng ai có chồng thì chăm lo các việc đời nầy, tìm cách cho đẹp lòng chồng mình. 35 Tôi nói điều đó vì sự ích lợi cho anh em, chớ chẳng phải để gài bẫy, song để dắt anh em theo lẽ phải, hầu cho không phân tâm mà hầu việc Chúa.

36 Nếu có ai tưởng chẳng nên cho con gái đồng trinh mình lỡ thì, và phải gả đi, thì người đó có thể tùy ý mình mà làm, không phạm tội gì; trong cơn đó, người con gái nên lấy chồng. 37 Song có ai được tự chủ về việc mình làm, không bị sự gì bắt buộc, mà trong lòng đã quyết định cách vững vàng giữ con gái mình đồng trinh, thì nấy làm phải lẽ mà cứ theo như mình đã quyết chí. 38 Thế thì kẻ gả con gái mình làm phải lẽ; song kẻ không gả, còn làm phải lẽ hơn nữa.

39 Chồng còn sống bao lâu, thì vợ phải buột chặt với chồng bấy lâu; nếu chồng chết, vợ được tự do, muốn lấy ai tùy ý, miễn là theo ý Chúa. 40 Nhưng, theo ý tôi, nếu cứ ở vậy, thì có phước hơn. Vả, tôi tưởng tôi cũng có Thánh Linh của Đức Chúa Trời.

 

1. “Kẻ đồng thân” (c. 25) nói về nhóm người nào?

2. “Tai vạ hầu đến” (c. 26) là tai vạ gì?

3. Lý do nào khiến Phao-lô khuyên những người đang sống độc thân không nên lập gia đình (c. 26-28)? “Sự khó khăn về xác thịt” (c. 28b) là gì?

4. Xin cho biết quan điểm của Phao-lô về vấn đề độc thân hay lập gia đình (c. 25-28)?

5. Phao-lô muốn nói điều gì trong câu 29-31? Nguyên tắc cho chúng ta áp dụng là gì?

6. Lợi điểm của người sống độc thân trong sự hầu việc Chúa là gì (c. 32-35)?

7. Phao-lô muốn nói điều gì trong câu 36-38? Nguyên tắc áp dụng cho chúng ta là gì?

8. Câu 39 dạy điều gì về hôn nhân?

 

Đồng thân (pathernoi) được dùng sáu lần trong phân đoạn nầy (câu 25, 28, 34, 36-38). Chữ nầy thường chỉ dùng cho phái nữ (“trinh nữ,” BHĐ) nhưng nguyên tắc Phao-lô nêu ra trong phân đoạn nầy áp dụng cho tất cả những người không lập gia đình. Phao-lô đang trả lời các câu hỏi người Cô-rinh-tô nêu ra cho ông về vấn đề nên sống độc thân hay lập gia đình, Phao-lô chỉ nói quan điểm riêng của ông:

Tôi chẳng có lời Chúa truyền, song nhờ ơn thương xót của Chúa, tôi được làm người đáng tin, nên tôi ban lời khuyên bảo (c. 25)

Theo câu 26, Phao-lô khuyên nên sống đời độc thân vì điều mà ông gọi là tai vạ hầu đến (“khó khăn hiện tại,” BHĐ). Chúng ta không rõ “khó khăn hiện tại” nầy là gì, có thể là hoàn cảnh kinh tế khó khăn lúc đó. Trong hoàn cảnh đó, sứ đồ Phao-lô đưa ra những lời khuyên thực tế về hôn nhân:

Có phải bạn đang bị ràng buộc với vợ? Đừng tìm cách thoát ra. Có phải bạn chưa bị ràng buộc với vợ? Đừng kiếm vợ. Nhưng nếu bạn lấy vợ, bạn chẳng có tội gì; nếu một trinh nữ lấy chồng, nàng cũng chẳng có tội gì. Tuy nhiên, những người có gia đình thì sẽ gặp nhiều trở ngại thuộc đời nầy, tôi muốn anh em tránh khỏi điều đó (c. 27-28, Bản Hiệu Đính)

Ý của Phao-lô trong phần nầy là, dù trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, người đã lập gia đình đừng vì vậy mà bước ra khỏi hôn nhân (“Đừng tìm cách thoát ra”). Còn nếu chưa lập gia đình thì nên tránh lập gia đình (“Đừng kiếm vợ”). Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là không được lập gia đình vì “nếu bạn lấy vợ, bạn chẳng có tội gì; nếu một trinh nữ lấy chồng, nàng cũng chẳng có tội gì” (c. 28a, BHĐ). Một lần nữa, Phao-lô cho thấy lý do ông đưa ra lời khuyên nầy: “Những người có gia đình sẽ gặp nhiều trở ngại thuộc đời nầy, tôi muốn anh em tránh khỏi điều đó” (c. 28b, BHĐ).

Nói về việc nên lập gia đình hay không, Phao-lô đưa ra một nguyên tắc chung về quan niệm sống của người tin Chúa:

Thưa anh em, tôi muốn nói rằng: Thời gian còn quá ngắn, nên từ bây giờ, những người có vợ, hãy sống như không có. Những người than khóc, hãy sống như không than khóc. Những người vui mừng, hãy sống như không vui mừng. Những người mua sắm, hãy sống như không có vật gì. Những người đang gắn bó với thế gian, hãy sống như không gắn bó, vì hình trạng của thế gian nầy sẽ qua đi (c. 29-31, Bản Hiệu Đính)

Lý do nên sống như vậy là vì thì giờ ngắn ngủi (c. 29a). Thì giờ ngắn ngủi hàm ý ngày Chúa trở lại đã gần. Con dân Chúa trong mọi thời đại luôn coi ngày Chúa tái lâm gần kề, vì đó là hy vọng và lẽ sống của người tin Chúa. Một lý do khác khiến người tin Chúa phải sống trong thái độ mô tả trong câu 29-31 là vì hình trạng thế gian nầy qua đi (c. 31b). Qua những điều Phao-lô nhắc đến trong các câu nầy (hôn nhân, mua bán…) hình trạng thế gian chỉ về những kinh nghiệm trong đời sống: vui buồn, gia đình, xã hội, kinh tế… Tất cả những điều nầy sẽ chóng qua. Vì thì giờ ngắn ngủi (Chúa sắp trở lại) và vì hình trạng thế gian nầy qua đi (đời sống chóng qua) nên chúng ta cần sống với thái độ như sau:

1. Kẻ có vợ, hãy nên như kẻ không có.

2. Kẻ đương khóc, nên như kẻ không khóc.

3. Kẻ đương vui, nên như kẻ chẳng vui.

4. Kẻ đương mua, nên như kẻ chẳng được của gì.

4. Kẻ dùng của thế gian, nên như kẻ chẳng dùng.

Đây là cái nhìn trong quan điểm của người tin Chúa. Điều quan trọng không nằm ở những gì xảy ra trong hiện tại vì tình trạng hôn nhân, đau buồn, vui mừng, mua bán, sử dụng của cải rồi sẽ qua đi nhanh chóng. Chúng ta cần coi nhẹ tất cả những điều nầy và tìm kiếm những giá trị vĩnh hằng.

Kết luận phần nói về nên sống độc thân hay lập gia đình, Phao-lô đưa ra nhận xét sau:

Tôi muốn anh em khỏi bận tâm lo lắng. Người không lấy vợ thì chuyên lo việc Chúa, tìm cách làm vui lòng Chúa. Nhưng người có vợ thì chăm lo việc đời, tìm cách làm hài lòng vợ và họ bị phân tâm. Đàn bà không lấy chồng, hoặc trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, tìm cách để cả thân thể và tâm linh được thánh sạch nhưng người có chồng thì chăm lo việc đời, tìm cách làm hài lòng chồng (c. 32-34, Bản Hiệu Đính).

Nam cũng như nữ, sống đời độc thân thì có nhiều thì giờ và tập trung tâm trí dễ dàng hơn để hầu việc Chúa. Có gia đình thì có những bổn phận vợ chồng phải chu toàn. Dù nói như vậy nhưng Phao-lô cũng đã cho thấy là phải được ơn mới có thể sống độc thân (c. 7) và những người lập gia đình cũng có thể cùng nhau hầu việc Chúa cách kết quả (Công vụ 18:26-28; I Cô. 16:19).

Phần tiếp theo (c. 36-38) có thể hiểu theo hai nghĩa vì chữ con gái đồng trinh trong phần nầy cũng có thể dịch là “vị hôn thê.” Nếu hiểu theo nghĩa “con gái đồng trinh” thì người đó (c. 36a) là người cha. Nếu hiểu theo nghĩa “vị hôn thê” thì người đó là người chồng hứa. Các bản dịch mới như NIV hay BHĐ thường hiểu theo nghĩa thứ hai: vị hôn thê. Bối cảnh của ý nghĩa nầy là, lúc đó có một số người sống theo tình trạng “kết hôn thuộc linh,” tuyên hứa vợ chồng nhưng không có quan hệ thân xác. Lời khuyên của Phao-lô là, nếu không thể giữ mình để tiếp tục sống như vậy thì nên tiến tới hôn nhân (chữ lỡ thì, c. 36a, khi áp dụng cho phái nam mang ý nghĩa “ham muốn mạnh”). Bản Hiệu Đính đã dịch phần nầy theo ý nghĩa đó như sau:

Nếu có người nào nghĩ mình không thể xử sự một cách phải lẽ với người vợ hứa của mình, nếu tình dục mạnh, và cần kết hôn, thì hãy làm theo điều mình muốn. Hãy để họ kết hôn. Điều nầy không có tội gì. Nhưng nếu ai xác lập trong lòng, không bị sự bó buộc nào, biết chế ngự ước muốn, và quyết định trong lòng cứ giữ nàng như người vợ hứa thì người ấy làm một việc tốt. Như vậy, người kết hôn với người vợ hứa của mình là làm điều tốt nhưng người không đi đến hôn nhân thì làm điều tốt hơn (c. 36-38, Bản Hiệu Đính).

Câu 39 là lời dạy cho góa phụ:

Chồng còn sống bao lâu, thì vợ phải buột chặt với chồng bấy lâu. Nếu chồng chết, vợ được tự do, muốn lấy ai tùy ý, miễn là theo ý Chúa.

Lời dạy nầy cho thấy hôn nhân phải ràng buộc cho đến khi một người qua đời. Dù không nói đến trường hợp người vợ qua đời nhưng hàm ý khi một trong hai người phối ngẫu qua đời, người còn sống có thể tục huyền hay tái giá, không có gì ràng buộc. Phao-lô chỉ nhấn mạnh một điều: Miễn là theo ý Chúa (c. 39c). Miễn là theo ý Chúa trong nguyên văn là “miễn là ở trong Chúa” (BHĐ) hàm ý phải lập gia đình với người tin Chúa.

I Cô-rinh-tô Chương 7 nói về hôn nhân và gia đình với các chủ đề sau:

1. Quan hệ thân xác trong hôn nhân (c. 1-6).

2. Ơn sống độc thân (c. 7-9).

3. Ly dị (c. 10-11).

4. Hôn nhân sau khi người phối ngẫu tin Chúa (c. 12-16).

5. Sống theo ơn kêu gọi (c. 17-24).

6. Vấn đề sống độc thân (c. 25-35).

7. Vấn đề vị hôn thê (c. 36-38).

8. Vấn đề tái giá (c. 39-40).

Trong tất cả các vấn đề nầy, chúng ta thấy Phao-lô nhấn mạnh đến đời sống độc thân. Ông gọi sống độc thân là:

·      Hay hơn (c. 1).

·      Muốn mọi người đều được giống như tôi (c. 7a, 8).

·      Một người nam cứ ở vậy là nên (c. 26).

·      Chưa bị vấn vương với vợ: Đừng kiếm vợ (c. 27b).

·      Cưới gả sẽ có khó khăn về xác thịt (c. 28b).

·      Sống độc thân hầu việc Chúa nhiều hơn (c. 32-34).

·      Không tục huyền/tái giá có phước hơn (c. 40a).

Phao-lô kết luận phần nầy với câu: Vả, tôi tưởng tôi cũng có Thánh Linh của Đức Chúa Trời (c. 40b) hàm ý nhắn nhủ với các tín hữu ở Cô-rinh-tô cho mình là những người thiêng liêng (3:1).