Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 22

NUÔI MÌNH BỞI TIN LÀNH (9:1-14)

 

1 Tôi chẳng được tự do sao? Tôi chẳng phải là sứ đồ sao? Tôi há chẳng từng thấy Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta sao? Anh em há chẳng phải là công việc tôi trong Chúa sao? 2 Nếu tôi không phải là sứ đồ cho kẻ khác, ít nữa cũng là sứ đồ cho anh em; vì chính anh em là ấn tín của chức sứ đồ tôi trong Chúa. 3 Ấy là lẽ binh vực của tôi đối với kẻ kiện cáo mình. 4 Chúng tôi há không có phép ăn uống sao? 5 Há không có phép dắt một người chị em làm vợ đi khắp nơi với chúng tôi như các sứ đồ khác cùng các anh em Chúa và Sê-pha đã làm, hay sao? 6 Hay là chỉ một tôi với Ba-na-ba không có phép được khỏi làm việc? 7 Vậy thì có ai ăn lương nhà mà đi đánh giặc? Có ai trồng vườn nho mà không ăn trái? Hay là có ai chăn bầy vật mà không dùng sữa nó để nuôi mình? 8 Tôi nói vậy, nào phải chỉ theo thói người ta quen nói đâu? Luật pháp há chẳng nói như vậy sao? 9 Vì chưng có chép trong luật pháp Môi-se rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Há phải Đức Chúa Trời lo cho bò sao? 10 Quả thật Ngài nói câu đó về chúng ta phải không? Phải, ấy là về chúng ta mà có chép rằng ai cày ruộng phải trông cậy mà cày, ai đạp lúa phải trông cậy mình sẽ có phần mà đạp lúa.

11 Nếu chúng tôi đã gieo của thiêng liêng cho anh em, mà muốn thâu lại của vật chất của anh em, thì nào có phải một việc quá lẽ đâu. 12 Người khác còn có quyền ấy trên anh em, huống chi là chúng tôi? Dầu vậy, chúng tôi chẳng từng dùng quyền ấy; nhưng chúng tôi chịu mọi sự, hầu cho khỏi làm ngăn trở Tin lành của Đấng Christ chút nào. 13 Anh em há chẳng biết rằng ai hầu việc thánh thì ăn của dâng trong đền thờ, còn ai hầu việc nơi bàn thờ thì có phần nơi bàn thờ sao? 14 Cũng vậy, Chúa có truyền rằng ai rao giảng Tin lành thì được nuôi mình bởi Tin lành.

1. Theo ý quý vị, tại sao Phao-lô chuyển từ đề tài “Của Cúng Thần Tượng” trong chương 8 qua đề tài “Quyền Lợi Của Chức Sứ Đồ” trong chương 9?

2. Những câu hỏi Phao-lô đưa ra trong câu 1 hàm ý gì? Trả lời như thế nào?

3. Câu: “Tôi há chẳng từng thấy Đức Chúa Giê-xu là Chúa chúng ta sao?” (c. 1b) hàm ý gì? Tại sao Phao-lô nói như vậy? Phao-lô thấy Đức Chúa Giê-xu trong trường hợp nào?

4. Phao-lô nói: “Chính anh em là ấn tín của chức sứ đồ tôi trong Chúa” nghĩa là thế nào?

5. Những quyền lợi Phao-lô kể ra trong câu 4-7 là gì?

6. Phao-lô hàm ý điều gì trong câu: “Há phải Đức Chúa Trời lo cho bò sao” (c. 9b)?

7. Xin cho biết nguyên tắc hầu việc Chúa của Phao-lô trong câu 11-12.

8. Xin cho biết ý nghĩa của câu 13-14.

 

 Sở dĩ Phao-lô chuyển từ “Của Cúng Thần Tượng” trong chương 8 qua đề tài “Quyền Lợi Của Chức Sứ Đồ” trong chương 9 là vì vấn đề tự do của người tin Chúa ông nói trong 8:9. Đây cũng là điều Phao-lô nhắc đến nhiều lần trong các lá thư khác. Người tin Chúa được giải thoát khỏi luật pháp, sống đời tự do, không bị ràng buộc với luật pháp, được tự do hành động trong nhiều lãnh vực của đời sống. Dù được tự do, nhưng nếu hành động của người đó khiến người khác hiểu lầm hoặc gây vấp phạm thì đó là điều cần tránh.

Trong việc ăn của cúng thần tượng, vì thần tượng là hư không, nên ăn của cúng không phải là vấn đề. Tuy nhiên, nếu việc ăn của cúng khiến người khác hiểu lầm, Phao-lô khuyên không nên ăn. Đây là ví dụ về cách người tin Chúa sử dụng tự do của mình. Chính Phao-lô trong chức vụ sứ đồ cũng có những tự do tương tự và ông cho thấy ông đã sử dụng tự do đó ra sao.

Theo cách dùng chữ trong nguyên ngữ, những câu hỏi Phao-lô nêu ra trong câu 1 là những câu hỏi mà câu trả lời phải ở thể xác định:

1. Tôi ĐƯỢC tự do!

2. Tôi LÀ sứ đồ!

3. Tôi ĐÃ từng thấy Đức Chúa Jêsus!

4. Anh em LÀ công việc tôi trong Chúa!

Câu đầu tiên cho thấy, là người tin Chúa ông được tự do. Ba câu còn lại xác quyết chức vụ sứ đồ của Phao-lô. Theo điều ông nói ở đây, một trong những điều kiện để được kể là sứ đồ là phải thấy Đức Chúa Giê-xu (Công vụ 1:21-22). Phao-lô đã từng thấy Chúa Giê-xu trên đường đi đến thành Đa-mách (Công vụ 9:3-9) do đó ông có đủ điều kiện để được gọi là sứ đồ. Ngoài ra, kết quả việc làm của ông (Anh em là công việc tôi trong Chúa) cũng là bằng chứng của chức vụ sứ đồ: Chính anh em là ấn tín của chức sứ đồ tôi trong Chúa (c. 2b). Ấn tín nghĩa là dấu ấn (BHĐ) hay con dấu, đóng ấn hàm ý Hội Thánh Cô-rinh-tô thị thực chức vụ sứ đồ của Phao-lô.

Có lẽ một số người trong Hội Thánh Cô-rinh-tô thách thức thẩm quyền sứ đồ của Phao-lô, do đó ông viết:

Nếu tôi không phải là sứ đồ cho kẻ khác, ít nữa cũng là sứ đồ cho anh em vì chính anh em là ấn tín của chức sứ đồ tôi trong Chúa. Ấy là lẽ binh vực của tôi đối với kẻ kiện cáo mình (c. 2-3)

Phao-lô nhắc đến ít nhất hai quyền lợi hay hai điều các sứ đồ có quyền hưởng:

1. Ăn uống (c. 4), hàm ý có quyền nhận chu cấp thực phẩm.

2. Cùng thi hành chức vụ sứ đồ với người phối ngẫu (c. 5) hàm ý có quyền được các Hội Thánh cung cấp chi phí cho cả vợ chồng cùng đi hầu việc Chúa. Phao-lô cho biết, những người em của Chúa (có lẽ là Gia-cơ và Giu-đe) cũng như Phi-e-rơ (Sê-pha) đã nhận quyền lợi đó (c. 5).

Câu 6 hàm ý rằng Phao-lô và Ba-na-ba đã không đòi hỏi những quyền lợi như các sứ đồ khác. Câu hỏi trong câu 6 và và các câu hỏi trong câu 7 là những câu hỏi mang tính hùng biện hay tu từ (rhetoric question) nghĩa là câu trả lời nằm sẵn trong câu hỏi:

Không phải chỉ Phao-lô với Ba-na-ba không có phép được khỏi làm việc! Không ai ăn lương nhà mà đi đánh giặc! Không ai trồng nho mà không ăn trái! Không ai nuôi súc vật mà không lấy sữa! Đây là điều tự nhiên và hiển nhiên trong đời sống. Cũng vậy, các sứ đồ được hưởng quyền lợi chu cấp thực phẩm, chi phí di chuyển (c. 4-5) đó là điều tất nhiên.

Ngoài thường tình của đời (theo thói quen người ta quen nói, c. 8a), đây cũng là điều được dạy trong Kinh Thánh. Phao-lô trích câu: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa (c. 9a) và rồi đặt câu hỏi: Há phải Đức Chúa Trời lo cho bò sao? (c. 9b) hàm ý điều luật nầy nêu lên một nguyên tắc rộng lớn hơn việc con bò đạp lúa được phép ăn lúa. Điều luật nầy cho thấy, làm việc gì, người làm việc đều trông mong hưởng công lao của mình (c. 10).

Lý luận của Phao-lô trong câu 11-12 là: ông đã cung cấp cho các tín hữu Cô-rinh-tô những điều thuộc phạm vi tâm linh (của thiêng liêng) thì việc họ cung cấp lại cho Phao-lô những điều cho nhu cầu thể xác (của vật chất) là điều tự nhiên. Ý Phao-lô muốn nói là, ông đã truyền Phúc Âm và dạy dạo cho họ thì việc họ nuôi sống ông là điều hợp lý (Nào có phải một việc quá lẽ đâu). Ông cũng nói: Người khác còn có quyền ấy trên anh em, huống chi là chúng tôi (c. 12a). Người khác có lẽ nói đến Phi-e-rơ hay A-bô-lô là các sứ đồ có liên hệ với Hội Thánh Cô-rinh-tô. Tuy nhiên, dù có quyền được Hội Thánh Cô-rinh-tô chu cấp nhu cầu vật chất, Phao-lô đã không sử dụng quyền đó:

Dầu vậy, chúng tôi chẳng từng dùng quyền ấy, nhưng chúng tôi chịu mọi sự, hầu cho khỏi làm ngăn trở Tin lành của Đấng Christ chút nào (c. 12b)

Lý do Phao-lô không đòi hỏi quyền lợi sứ đồ tại Cô-rinh-tô là hầu cho khỏi làm ngăn trở Tin lành của Đấng Christ chút nào. Ngăn trở hay trở ngại (BHĐ) hàm ý, nếu nhận chu cấp vật chất từ tín đồ có thể khiến người khác hiểu lầm Phao-lô làm công tác sứ đồ chỉ vì lợi lộc vật chất.

Dù chính Phao-lô không sử dụng quyền lợi đó, ông nhắc người Cô-rinh-tô nhớ rằng:

Anh em há chẳng biết rằng ai hầu việc thánh thì ăn của dâng trong đền thờ, còn ai hầu việc nơi bàn thờ thì có phần nơi bàn thờ sao? Cũng vậy, Chúa có truyền rằng ai rao giảng Tin lành thì được nuôi mình bởi Tin Lành (c. 13-14)

Đây là nguyên tắc muôn đời từ Cựu Ước: Ai hầu việc thánh thì ăn của dâng trong đền thờ nói đến việc các thầy tế lễ phục vụ trong đền thờ ngày xưa được hưởng một phần các của lễ dân chúng dâng cho Chúa. Ngày nay cũng vậy, người rao giảng Phúc Âm tất nhiên nhận được hỗ trợ vật chất từ những người được nhận Phúc Âm (Ma-thi-ơ 10:10; Lu-ca 10:8).

Phần Kinh Thánh nầy nhắc chúng ta hai bài học quan trọng:

1. Người hầu việc Chúa cần phục vụ với tinh thần hy sinh, không đòi hỏi quyền lợi.

2. Người tín đồ phải biết bổn phận của mình là cung ứng đầy đủ nhu cầu vật chất cho những người đã dâng trọn cuộc đời hầu việc Chúa.