Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 23

TRỞ NÊN MỌI CÁCH CHO MỌI NGƯỜI (9:15-27)

 

15 Phần tôi thì chẳng từng dùng quyền ấy chút nào, và viết thơ nầy chẳng phải để đòi quyền ấy lại, vì tôi đành thà chết còn hơn là chịu ai cất lấy cớ khoe mình nầy đi. 16 Ví bằng tôi rao truyền Tin lành, tôi chẳng có cớ gì khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi, còn không rao truyền Tin lành, thì khốn khó cho tôi thay. 17 Nếu tôi vui lòng làm việc đó, thì được thưởng, lại nếu tôi không vui lòng mà làm, thì cái chức vụ cũng vẫn phó thác cho tôi. 18 Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Ấy là khi giảng Tin lành, thì giảng nhưng không, chẳng dùng quyền tôi có như người giảng Tin lành. 

19 Vả, tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn. 20 Với người Giu-đa, tôi ở như một người Giu-đa, hầu được những người Giu-đa; với những người dưới quyền luật pháp, (dầu chính tôi chẳng ở dưới quyền luật pháp), tôi cũng ở như kẻ dưới quyền luật pháp, hầu được những người dưới quyền luật pháp, 21 với những người không luật pháp, (dầu đối với Đức Chúa Trời tôi không phải là không luật pháp, vì tôi ở dưới luật pháp của Đấng Christ), song tôi cũng ở như người không luật pháp, hầu được những người không luật pháp. 22Tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối, tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào. 23 Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó. 

 

1.  Quyền Phao-lô không dùng và cũng không có ý đòi lại (c. 15) là quyền gì? Tại sao ông làm như vậy?

2. Phao-lô nói về “khoe mình” trong cả hai câu 15 và 16. Hai sự khoe mình nầy khác nhau thế nào?

3. “Có lẽ cần buộc tôi” (c. 16b) nghĩa là gì? “Lẽ cần” đó là gì?

4. Tại sao Phao-lô nói: “Không rao truyền Tin Lành thì khốn khó cho tôi thay” (c. 16b)? “Khốn khó” là thế nào?

5. Xin giải thích câu 17. “Chức vụ cũng vẫn phó thác cho tôi” nghĩa là gì?

6. “Giảng nhưng không” (c. 18) nghĩa là thế nào?

7. Ý chính của Phao-lô trong câu 15-18 là gì? Nói lên tâm tình gì của Phao-lô? Áp dụng cho chúng ta thế nào?

8. “Được tự do” nhưng “đành phục mọi người” (c. 19) nghĩa là thế nào?

9. Tại sao “đành phục mọi người” lại “được nhiều người hơn” (c. 19b)” “Được nhiều người hơn” nghĩa là thế nào?

10. Xin điền vào các khoảng trống những điều Phao-lô nói trong câu 20-22a:

 

KINH THÁNH

NHÓM NGƯỜI

CÁCH PHAO-LÔ XỬ SỰ

Câu 20a

 

 

Câu 20b

 

 

Câu 21a

 

 

Câu 22a

 

 

 

11. “Trở nên mọi cách cho mọi người” (c. 22b) nghĩa là thế nào? Sống như vậy có phải là bất nhất (khi thế nầy, khi thế nọ) và thỏa hiệp không? Tại sao?

12. Lý do nào khiến Phao-lô sống “trở nên mọi cách cho mọi người”?

13. Các câu 19-23 nói lên một tâm tình hay một nguyên tắc sống của Phao-lô. Tâm tình hay nguyên tắc đó là gì? Chúng ta áp dụng cho mình như thế nào?

 

Theo I Cô-rinh-tô 9:1-14, quyền nói đến quyền lợi của chức vụ sứ đồ Phao-lô mô tả trong các câu nầy. Điểm chính của quyền lợi đó là nhận những giúp đỡ vật chất từ các tín hữu. Phao-lô nhắc lại quyền lợi nầy trong câu 13-14. Mặc dù nhắc lại quyền lợi nầy trong câu, Ai rao giảng Tin Lành thì được nuôi mình bởi Tin Lành (c. 14), Phao-lô cho độc giả biết rằng, ông chẳng từng dùng quyền ấy chút nào và viết thơ nầy chẳng phải để đòi quyền ấy lại (c. 15). Lý do Phao-lô không muốn nhận giúp đỡ vật chất từ phía tín hữu là vì đó là niềm hãnh diện của ông: Tôi đành thà chết còn hơn là chịu ai cất lấy cớ khoe mình nầy đi (c. 15b). Bản Hiệu Đính dịch câu nầy: “Tôi thà chết còn hơn để cho bất cứ ai tước đoạt mất niềm tự hào nầy!” Có thể nói đây là niềm vui của Phao-lô khi được phục vụ mà không phải nhận trợ giúp vật chất từ người khác. Ông gọi đó là phần thưởng của mình (c. 18a).

Phao-lô đối chiếu giữa hai điều: việc rao truyền Tin Lành và quyền lợi của người rao truyền Tin Lành. Đối với việc rao truyền Tin Lành, Phao-lô coi đó là bổn phận (lẽ cần nghĩa là bổn phận) cho nên không có gì để hãnh diện, đó là việc phải làm. Điều Phao-lô hãnh diện là rao truyền Tin Lành mà không nhận giúp đỡ vật chất từ người khác. Khoe mình trong câu 15 nghĩa là hãnh diện rao truyền Tin Lành mà không nhận giúp đỡ vật chất. Còn khoe mình trong câu 16 nói đến công tác rao truyền Tin Lành, điều bắt buộc phải làm, không có gì để hãnh diện.

Phao-lô cũng nói thêm một khía cạnh khác trong việc rao truyền Tin Lành, đó là, Không rao truyền Tin lành, thì khốn khó cho tôi thay (c. 16b). Khốn khó trong câu nầy mang ý nghĩa khó khăn hay hình phạt. Phao-lô hàm ý, nếu không làm công tác rao truyền Phúc Âm, ông sẽ không tránh khỏi sự phán xét vì đã không làm tròn trách nhiệm được giao phó.

Câu 17 cho thấy Phao-lô không có sự chọn lựa trong việc làm của mình, vấn đề là làm cách vui lòng hay không vui lòng mà thôi. Vui lòng mà làm sẽ được thưởng. Không vui lòng mà làm thì vẫn phải làm nhưng không được thưởng!

Câu 18 tóm tắt lý do tại sao Phao-lô không chịu nhận trợ giúp từ người khác khi làm công tác rao giảng Phúc Âm:

 Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Ấy là khi giảng Tin lành, thì giảng nhưng không, chẳng dùng quyền tôi có như người giảng Tin Lành (c. 18)

Nhưng không nghĩa là không lấy tiền, làm “không công” (BHĐ). Đối với Phao-lô, giảng “không công” là phần thưởng của ông. Có thể nói, tiền công của Phao-lô khi giảng đạo là không lãnh tiền gì cả. Phao-lô có quyền lợi khi giảng Tin Lành nhưng ông đã quyết định không hưởng quyền lợi đó. Niềm vui và phần thưởng của ông là ở đó.

Tâm tình của Phao-lô trong phân đoạn nầy là tâm tình hy sinh, sẵn sàng ban cho và không nghĩ đến việc được đền đáp. Ông cũng là người tận tâm với Phúc Âm, coi việc rao truyền Phúc Âm là điều không thể thiếu trong đời sống. Động cơ thúc đây Phao-lô làm việc là vô vị lợi. Đó cũng là những điều chúng ta ghi nhận và áp dụng cho mình: hy sinh, tận tâm và với động cơ trong sạch.

 Chủ đề của Chương 9, như chúng ta đã biết, là việc người tin Chúa sử dụng tự do của mình. Đây là nguyên tắc sống đạo nổi bật của Phao-lô (10:23-24). Người tin Chúa có tự do nhưng luôn luôn nghĩ đến người khác, vì phúc lợi của người khác khi sử dụng tự do của mình! Phao-lô áp dụng nguyên tắc nầy cho chính mình trong công tác truyền bá Phúc Âm (c. 19-23). Câu 19 là nguyên tắc chung cho vấn đề nầy:

Vả, tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn.

Chữ đành phục trong nguyên văn mang ý nghĩa “tự trở thành nô lệ” (BHĐ). Ở đây, Phao-lô đối chiếu giữa “tự do” và “nô lệ.” Ông là người tự do trong cả hai ý nghĩa xã hội và tâm linh (công dân La-mã và tín đồ của Chúa Giê-xu). Nhưng Phao-lô sẵn sàng hy sinh tình trạng “tự do” của mình để trở thành “nô lệ” cho mọi người với mục đích là hầu cho tôi được nhiều người hơn (“để có thể chinh phục thêm nhiều người,” BHĐ), hàm ý đem được nhiều người trở về với Chúa.

Phao-lô cho thấy ông đã áp dụng nguyên tắc nầy như thế nào trong việc xử sự với người Do-thái và Dân Ngoại khi truyền giảng Phúc Âm (c. 20-22):

 

 

KINH THÁNH

NHÓM NGƯỜI

CÁCH PHAO-LÔ XỬ SỰ

Câu 20a

Giu-đa

Như một người Giu-đa

Câu 20b

Dưới quyền luật pháp

Như kẻ dưới quyền luật pháp

Câu 21a

Không luật pháp

Như người không luật pháp

Câu 22a

Yếu đuối

Yếu đuối

 

Phao-lô nói ông trở nên mọi cách cho mọi người (c. 22b) với chủ đích là để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào (c. 22c). Đây không phải là lối sống “gió chiều nào theo chiều ấy” nhưng là cách Phao-lô xử sự, sống hòa mình với mỗi đối tượng ông muốn chinh phục cho Chúa. Hai đối tượng chính Phao-lô muốn chinh phục cho Chúa là người Do-thái và Dân Ngoại (người Giu-đa/dưới quyền luật pháp và người không luật pháp). Ví dụ về cách cư xử nầy được thấy trong Công vụ 16:3 đối chiếu với Ga-la-ti 2:3-4. Sách Công vụ 21:20-26 cũng cho thấy điều tương tự. Ví dụ về những người yếu đuối là những người ngại khi ăn của cúng thần tượng (8:7) và Phao-lô đã tránh làm gương xấu cho họ bằng cách không ăn thịt đã cúng cho thần tượng (8:13).

Tâm tình của Phao-lô trong các câu 19-23 chính là tâm tình của Chúa Giê-xu trong Rô-ma 15:1-3 và Phi-líp 2:5-8. Ngài đã không làm cho đẹp lòng mình và đã trở nên giống như loài người. Chúa đã hòa mình với nhân loại để cứu nhân loại. Đây cũng là tâm tình chúng ta cần có để có thể đem người khác trở về với Chúa.