Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 26

THÔNG ĐỒNG VỚI AI? (10:14-22)

 

14 Hỡi kẻ yêu dấu của tôi, vậy nên hãy tránh khỏi sự thờ lạy hình tượng. 15 Tôi nói với anh em cũng như nói với kẻ thông minh, chính anh em hãy suy xét điều tôi nói. 16 Cái chén phước lành mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là thông với huyết của Đấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao? 17 Vì chỉ có một cái bánh, chúng ta dầu nhiều, cũng chỉ một thân thể, bởi chưng chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh.

18 Hãy xem dân Y-sơ-ra-ên theo phần xác: những kẻ ăn thịt con sinh tế, há không thông đồng với bàn thờ sao? 19 Nói vậy có ý chi? Của cúng thần tượng có giá trị gì và thần tượng có ra gì chăng? 20 Chắc là không, nhưng đồ người ngoại đạo cúng tế là cúng tế các quỉ, chớ không phải cúng tế Đức Chúa Trời. Vậy, tôi không muốn anh em thông đồng với các quỉ. 21 Anh em chẳng có thể uống chén của Chúa và cũng uống chén của các quỉ, chẳng có thể dự tiệc của Chúa, lại dự tiệc của các quỉ. 22 Hay là chúng ta muốn trêu lòng Chúa ghen chăng? Chúng ta há mạnh hơn Ngài sao?

 

1. Theo I Cô-rinh-tô 8:4-12, lý do nào chúng ta không nên ăn của cúng thần tượng?

2. Theo 10:14-22 thì lý do không nên ăn của cúng thần tượng là gì?

3. “Cái chén phước lành” và “cái bánh mà chúng ta bẻ” (c. 16) chỉ về điều gì?

4. Câu 17 nói lên điều gì về ý nghĩa Tiệc Thánh?

5. Theo câu 18-21, điểm tương đương giữa Tiệc Thánh và việc ăn của cúng tế là gì?

6. Lý do nào chúng ta không nên ăn của cúng thần tượng theo câu 14-22?

 

Xem lại Chương 8:13, chúng ta thấy phần từ 9:1 – 10:13 là phần “trong ngoặc”:

·         9:1-27: Phao-lô chuyển từ “Của Cúng Thần Tượng” qua đề tài “Quyền Lợi Của Chức Sứ Đồ” vì vấn đề tự do của người tin Chúa ông nói trong 8:9.

·         10:1-13: Phần cuối của Chương 9, Phao-lô nói chính mình phải bị bỏ chăng (9:26) nên trong phần nầy Phao-lô nhắc đến   gương của con dân Chúa ngày xưa để cảnh báo độc giả (c. 12).

Bây giờ Phao-lô trở lại vấn đề của cúng thần tượng trong chương 8. Trong 8:4-9, Phao-lô cho thấy thần tượng là hư không, nên ăn của cúng thần tượng không phải là vấn đề. Vấn đề là ăn của cúng gây vấp phạm cho người khác (8:7-13) vì thế chúng ta không nên ăn. Trong phân đoạn nầy (10:14-22), Phao-lô cho thấy một lý do khác người tin Chúa không nên ăn của cúng thần tượng, đó là vấn đề thông đồng hay dự phần(c. 16-20).

Vậy nên (c. 14a) hàm ý dựa vào tội thờ hình tượng và những tội khác của con dân Chúa ngày xưa (c. 5-10) mà Phao-lô đưa ra lời khuyên nầy. Phao-lô tha thiết và gọi độc giả là kẻ yêu dấu của tôi (c. 14a). Phao-lô cũng đưa ra một mạng lệnh rất khẳng định: Hãy TRÁNH KHỎI sự thờ lạy hình tượng (c. 14b), cùng một mạng lệnh với dâm dục (6:18a). Đây cũng là mạng lệnh Phao-lô nói với Ti-mô-thê: Hãy tránh khỏi tình dục trai trẻ (I Ti-mô-thê 2:22a). Tránh khỏi mang ý nghĩa chạy cho xa, chạy trốn như Giô-sép đã chạy trốn khỏi cám dỗ của vợ Phô-ti-pha (Sáng 39:12). Như vậy, thờ lạy hình tượng bằng cách dự phần trong của cúng là điều nghiêm cấm.

Vấn đề nầy mang tính cách nghiêm trọng là việc dự phần hay thông công (c. 16-21). Người Cô-rinh-tô thường hãnh diện về sự khôn ngoan của mình nên Phao-lô dựa vào đó kêu gọi họ: “Tôi nói với anh em như nói với những người khôn ngoan, anh em hãy tự suy xét điều tôi nói” (c. 15, BHĐ). Người Cô-rinh-tô phải tự biết điều Phao-lô muốn nói.

Phao-lô nhắc đến cái chén phước lànhcái bánh mà chúng ta bẻ (c. 16) chỉ về Tiệc Thánh mà ông sẽ giải thích trong 11:17-34. Người Do-thái gọi chén rượu nho uống sau bữa ăn lễ Vượt Qua là chén phước lành hay “chén tạ ơn” vì thường đi kèm với lời tạ ơn Đức Chúa Trời khi uống chén đó. Chúa Giê-xu thiết lập Tiệc Thánh dựa trên lễ Vượt Qua (Lu-ca 22:7-20) nên chén phước lành cũng nói đến chén trong Tiệc Thánh. Ngoài việc để nhớ đến Chúa, ý nghĩa của chén và bánh trong Tiệc Thánh (11:24-25) còn mang ý nghĩa dự phần hay thông công: cái chén… thông với huyết, cái bánh… thông với thân thể (c. 16). Chữ thông trong nguyên ngữ là koinonia nói lên ý chia sẻ, hiệp thông. Khi dự Tiệc Thánh, chúng ta dự phần với thân và huyết của Chúa. Ngoài ra, trong Tiệc Thánh, chúng ta cũng dự phần hay thông công với nhau vì cùng chia sẻ một ổ bánh (c. 17).

Với hình ảnh chia sẻ trong Tiệc Thánh, Phao-lô cho thấy việc dân Y-sơ-ra-ên ăn sinh tế cúng cho thần tượng trong Cựu Ước cũng giống như vậy:

Hãy xem dân Y-sơ-ra-ên theo phần xác: những kẻ ăn thịt con sinh tế, há không thông đồng với bàn thờ sao? (c. 18)

Chữ thông đồng trong câu nầy cũng là chữ koinonia trong câu 16, mang ý nghĩa thông công, dự phần. Ngày xưa dân Y-sơ-ra-ên ăn thịt sinh tế cúng cho thần tượng là họ dự phần với bàn thờ thần tượng. Nếu người Cô-rinh-tô ăn của cúng thần tượng thì cũng tham dự, hòa đồng với thần tượng như vậy.

Phao-lô trở lại ý thần tượng là hư không (8:4) trong câu 19:

Nói vậy có ý chi? Của cúng thần tượng có giá trị gì và thần tượng có ra gì chăng? Chắc là không… (c. 19-20a)

Đúng, thần tượng là hư không và vì vậy của cúng thần tượng cũng hư không. Tuy nhiên, ăn của cúng cũng mang ý nghĩa dự phần hay thông công với việc cúng tế, chính vì vậy mà chúng ta không nên ăn của cúng. Phao-lô kết luận:

Đồ người ngoại đạo cúng tế là cúng tế các quỉ, chớ không phải cúng tế Đức Chúa Trời. Vậy, tôi không muốn anh em thông đồng với các quỉ (c. 20b)

Phao-lô cũng nêu lên nguyên tắc chúng ta không thể sống thỏa hiệp, đi hàng hai:

Anh em chẳng có thể uống chén của Chúa và cũng uống chén của các quỉ, chẳng có thể dự tiệc của Chúa, lại dự tiệc của các quỉ (c. 21)

Và cuối cùng là lời cảnh cáo:

Hay là chúng ta muốn trêu lòng Chúa ghen chăng? Chúng ta há mạnh hơn Ngài sao? (c. 22)

Lòng Chúa ghen mang ý nghĩa kỵ tà (Xuất 20:5) nói lên đức thánh khiết tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Chúng ta há mạnh hơn Ngài sao? hàm ý con người không tránh khỏi hình phạt khi phạm tội thờ hình tượng, chống lại Chúa.

Tóm lại, lý do chính chúng ta không nên ăn của cúng thần tượng là vấn đề thông công hay tương thông. Ăn của cúng là tương thông với thần tượng, điều mà người tin Chúa không thể làm vì đã tương thông với Chúa.