Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 21

Trả Thù

Tiếp tục loạt bài nghiên cứu về bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu ghi trong Ma-thi-ơ 5, chúng ta sẽ phân tích phân đoạn Ma-thi-ơ 5:38-42 như sau:

Các ngươi có nghe lời dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Nhưng ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nều ai vả bên má hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn; nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo ngắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa; nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin của ngươi hãy cho, ai muốn mượn của người thì đừng trớ.

Trong các câu Kinh-thánh kể trên, Chúa Giê-xu đưa ra dẫn chứng thứ năm về cách Chúa giải thích luật Môi-se khác hẳn với các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời. Đây cũng là những câu Kinh-thánh hay trích dẫn và cũng dễ hiểu lầm nhất. Chúng ta sẽ lần lượt phân tích về điều luật nguyên văn với ý nghĩa của nó. Sau đó là cách giải thích luật của người xưa, và sau cùng là lời dạy của Chúa Giê-xu.

Trong Kinh-thánh Cựu Ước câu "mắt đền mắt, răng đền răng" được ghi trong Xuất Ê-díp-tô ký 21:24, Lê-vi-ký 24:20 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:21. Đây là điều luật được lĩnh tụ Môi-se ban cho dân tộc Israel, nhưng vì lý do nào là điều ta cần tìm hiểu. Cũng như các điều luật về tội gian dâm, li dị và thề nguyện. Nguyên tắc chính của luật Môi-se là tránh lạm dụng. Trong trường hợp này, điều luật đặt ra để chế ngự cơn giận, bạo hành và oán thù. Điều này không cần giải thích, ai cũng hiểu. Ai cũng thấy có lỗi. Khi bị ai làm hại, phản ứng tự nhiên là lập tức ta muốn trả đũa, nhưng thường còn làm nhiều hơn là trả đũa. Ngày xưa thế nào, hiện thời vẫn vậy. Khi bị thương tích nhẹ, người bị thương lập tức trả thù, gây thương tích cho kẻ thù và có khi sát hại hắn. Khuynh hướng nổi giận, và trả thù lúc nào cũng nằm sẵn trong bản chất của loài người. Nhìn vào trẻ thơ thì rõ. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, đã biết trả thù. Đó cũng là nhược điểm của con người từ khi tổ tông sa ngã.

Luật Môi-se ban hành nhằm chế ngự và giảm bớt điều kiện thù ghét hỗn tạp của loài người và ấn định một mức độ hẳn hoi về việc này.

Đức Chúa Trời là tác giả của chương trình giải cứu nhân loại khỏi xiềng xích và bạo tàn của tội, đã ấn định luật lệ để kiểm soát chế ngự tội.

Đức Chúa Trời của ân sủng, của tình thương cũng chính là Đức Chúa Trời của luật lệ. Đức Chúa Trời không những sẽ tận diệt tội ác hoàn toàn sau này, nhưng trong hiện tại, Ngài kiểm soát chế ngự và đặt một lằn mức cho nó. Nếu một người đánh người khác mù mắt, người ấy sẽ không bị giết chết, vì "mắt đền mắt". Hay nếu đánh gãy răng kẻ khác, thì nạn nhân cũng chỉ có quyền đánh gẫy lại một chiếc răng mà thôi. Nghĩa là sự trừng phạt xứng hợp với tội phạm chứ không quá đáng.

Như thế Luật Môi-se có mục đích ngăn cản người ta làm điều quá đáng. Nguyên tắc công bằng phải được tôn trọng, và công bằng không bao giờ được đòi hỏi quá đáng. Giữa tội ác và hình phạt có một tương quan, những gì đã vi phạm và những gì phải giải quyết. Mục tiêu của các luật ấy không phải là thúc giục người ta lấy mắt đền mắt, răng đền răng, và đòi hỏi như vậy trong mỗi trường hợp xẩy ra, nhưng chính là để tránh hành động quá đáng này, tinh thần trả thù ghê gớm này và việc đòi hỏi phải bồi thường, cũng như chế ngự kiểm soát cho không vượt ra ngoài giới hạn.

Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả là luật này không đưa cho cá nhân mà đặt trong tay quan án là người chịu trách nhiệm về pháp luật và trật tự trong những cá nhân. Quan toà phải xử sao cho công bằng, nghĩa là mắt đền mắt, răng đền răng, hình phạt tương xứng với tội phạm.

Người dạy luật thời xưa quên hẳn việc của quan án, mà chỉ hiểu theo đúng nghĩa đen, áp dụng cho riêng từng cá nhân. Không những thế họ còn cho rằng đó là bổn phận và quyền lợi được đền bù theo "mắt đền mắt, răng đền răng". Nghĩa là đây là những điều phải thúc đẩy, đòi hỏi chứ không phải nên ngăn ngừa. Như thế họ vi phạm hai tội. Biến một việc làm tiêu cực thành ra tích cực. Hơn thế nữa, tự họ giải thích ra như thế và thi hành đúng như vậy, cũng dạy người ta làm như thế, thay vì coi việc ấy là bổn phận của quan tòa là người có trách nhiệm về luật và trật tự trong xã hội.

Trong bối cảnh như vậy, Chúa Giê-xu dạy: "Ta bảo các ngươi: đừng chống cự kẻ dữ.", và những lời tiếp theo đó.

Đây là một đề tài thường được bàn cãi, cũng thường bị hiểu lầm và gây nhiều hoang mang. Vì lời dạy ở đây là đừng chống cự kẻ ác, mà phải thương yêu, tha thứ. Những người quá khích chủ trương hòa bình bất bạo động đã áp dụng lời dạy này một cách quá nhiệt thành, làm sai lạc lời dạy của Chúa. Nhưng lời dạy này phải đặt vào đúng khung cảnh thì giải thích mới thỏa đáng.

Chúng ta cần trở lại một số nguyên tắc giải thích Kinh Thánh mà phải tuân giữ nếu muốn tìm hiểu lời dạy đích thực của các vấn đề này.

Thứ nhất: Đừng bao giờ coi Bài Giảng Trên Núi như là luật lệ đạo đức hay là một số điều răn bao gồm mọi hành vi của ta. Cũng đừng coi như một thứ luật mới thay thế cho luật Môi-se, nhưng chính ra là sự nhấn mạnh vào việc hiểu đúng nghĩa chân xác của luật đó.

Thứ hai: Các lời dạy trong bài giảng trên núi không thể áp dụng máy móc như công thức được. vì đây là tinh thần, ý nghĩa thật của luật chứ không phải chữ nghĩa luật.

Thứ ba: Nếu lời giải thích các lời dạy này đưa chúng ta vào trường hợp khó xử, như thế là giải thích sai.

Thứ tư: Nếu lời giải thích các lời dạy này cho thấy không thể áp dụng được, cũng là sai. Vì Chúa không dạy điều gì vô lý, không đem vào thục tế được.

Thứ năm: Nếu chúng ta giải thích những lời dạy này phản lại với những điều Kinh-thánh dạy nói chung, thì lời giải thích của chúng ta đã sai lạc.

Căn cứ vào những điều kể trên, chúng ta hãy xét kỹ lời dạy của Chúa. Chúa dạy: "Đừng chống cự kẻ ác." Trong khi đó người ta dạy: "Mắt đền mắt, răng đền răng." Trước tiên ta phải hiểu đây không phải lời dạy phải theo đúng từng chữ, từng lời. Không thể áp dụng câu: "Đừng chống cự kẻ dữ" một cách tuyệt đối được. Nhà văn Léo Tolstoy đã sai lầm khi nói rằng: Thành lập quân đội, cảnh sát và ngay cả tòa án là chống lại Cơ-đốc-giáo, vì theo đúng lời Chúa dạy là không được chống lại kẻ ác.

Một số người khác không cực đoan như Léo Tolstoy nhưng chủ trương phản chiến, và không chấp nhận án tử hình. Đó là quá khích. Những người này đi đến chỗ chống lại nhà nước một cách sai lầm.

Nguyên tắc chính trong lời dạy này không phải cho các nước hay là cho thế giới. Cũng không phải cho những người không tin Chúa. Chúa dạy cho những người được nói đến trong phần đầu, về các phước lành. Những người "tâm hồn nghèo khó vì cần đến ân sủng của Chúa, những người than khóc vì tội ác, những người nhu mì, nhưng người sống khác với trần tục, những người đói khát công chính v.v. Lời dạy của Chúa sẽ hoàn toàn vô nghĩa đối với những người chưa bao giờ biết Chúa và tin nhận Ngài, có thể khẳng định như vậy.

Ngày xưa lĩnh tụ chính trị và tôn giáo Ni-cô-đem đến với Chúa Giê-xu hỏi Chúa đại ý: "Tôi phải làm gì cho được trở thành như thầy?" Chúa Giê-xu trả lời đại ý: "Ông đừng lầm tưởng ông có thể làm được chuyện gì, ông không có khả năng làm gì cả, ông phải tái sinh." Như thế bảo một người làm theo lời Chúa dạy khi người ấy chưa tin Chúa và chưa được tái sinh, là một việc không thể làm được.

Điều thứ hai, lời dạy này dành riêng cho cá nhân mỗi người, không ai khác cả, áp dụng cho việc giao tiếp cá nhân chứ không phải đối với quốc gia hay nhà nước.

Lời dạy của Chúa còn được giải thích rõ hơn trong các câu sau đó, chương sau chúng ta sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, bài học cho chương này là:

1. Ta nên tìm đủ cách để tránh hận thù và trả thù.

2. Ta nên chú trọng vào lối sống tích cự, giúp người, tha thứ hơn là tiêu cực, ích kỷ và căm giận.

3. Ta chỉ có thể làm theo lời Chúa nếu ta thật sự tin nhận Chúa.

Cầu xin Chúa giúp quý vị trong việc đọc, tin và làm theo lời Chúa.