Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 34

THỨ TỰ THỜ PHƯỢNG (14:26-33a)

 

26 Hỡi anh em, nên nói thể nào? Khi anh em nhóm lại với nhau, trong anh em, ai có bài ca, hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói tiếng lạ, hoặc giải tiếng lạ chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng. 27 Ví bằng có người nói tiếng lạ, chỉ nên hai hoặc ba người là cùng; mỗi người phải nói theo lượt mình, và phải có một người thông giải. 28 Nếu không có ai thông giải, thì người đó phải làm thinh ở trong Hội Thánh, mình nói với mình và với Đức Chúa Trời. 29 Người nói tiên tri cũng chỉ nên có hai hoặc ba người nói mà thôi, còn những kẻ khác thì suy xét. 30 Song, nếu một người trong bọn người ngồi, có lời tỏ sự kín nhiệm, thì người trước nhứt phải nín lặng. 31 Bởi vì anh em đều cứ lần lượt mà nói tiên tri được cả, để ai nấy đều được dạy bảo, ai nấy đều được khuyên lơn. 32 Tâm thần của các đấng tiên tri suy phục các đấng tiên tri. 33 Vả, Đức Chúa Trời chẳng phải là Chúa sự loạn lạc, bèn là Chúa sự hòa bình. 

 

1. Xin kể ra các tiết mục trong một buổi thờ phượng tiêu biểu của Hội Thánh thời Tân Ước (c. 26):

(1) ____________________________________________________________

(2) ____________________________________________________________

(3) ____________________________________________________________

(4) ____________________________________________________________

(5) ____________________________________________________________

 

2. Mục đích của những điều nầy là gì? (c. 26b) “Gây dựng” nghĩa là thế nào?

3. Phao-lô đưa ra quy luật như thế nào về việc “nói tiếng lạ” (c. 27-28)?

4. Phao-lô đưa ra quy luật như thế nào về việc “nói tiên tri” (c. 29-31)?

5. Mục đích của việc “nói tiên tri” trong Hội Thánh là gì (c. 31)?

6. Xin giải thích câu 32.

 

Thư I Cô-rinh-tô 11:2 – 14:40 nói về hai vấn đề liên quan đến thờ phượng: Tiệc Thánh (11:2-34) và sử dụng ân tứ trong giờ thờ phượng (12:1 – 14:40). Sau khi liệt kê các ân tứ và chỗ đứng của mỗi ân tứ trong Hội Thánh, Phao-lô cho thấy ơn nói tiên tri cần thiết hơn ơn nói tiếng lạ mà thiếu phần thông giải vì mục đích chính của các ân tứ là xây dựng Hội Thánh. Áp dụng vào hoàn cảnh hiện tại của Hội Thánh Cô-rinh-tô, Phao-lô viết:

Thưa anh em, phải làm như thế nào đây? Khi anh em nhóm lại, người thì có bài thánh ca, người thì có lời dạy dỗ, người thì có sự mặc khải, người thì có tiếng lạ, người thì có sự thông dịch tiếng lạ. Hãy thực hiện tất cả để xây dựng Hội Thánh. Nếu có người nói tiếng lạ, thì chỉ nên hai hoặc ba người là tối đa. Mỗi người nói theo thứ tự, và phải có người thông dịch. Nếu không có ai thông dịch thì người nói phải yên lặng, chỉ nói với chính mình và với Đức Chúa Trời. Cũng chỉ nên có hai hoặc ba người nói tiên tri mà thôi, còn những người khác thì cân nhắc điều họ nói. Nhưng nếu có ai ngồi đó nhận được sự mặc khải thì người đang nói phải yên lặng. Vì mỗi người trong anh em có thể lần lượt nói tiên tri để ai nấy đều được học hỏi, ai nấy đều được khích lệ. Tâm linh của các nhà tiên tri phải thuận phục các nhà tiên tri (c. 26-32, BHĐ)

Đây là hình ảnh một buổi thờ phượng tiêu biểu của Hội Thánh thời Tân Ước với những tiết mục:

·      Thánh ca

·      Lời dạy dỗ

·      Sự mặc khải

·      Tiếng lạ

·      Thông dịch tiếng lạ

Dù ân tứ nào, nguyên tắc căn bản là: “Hãy thực hiện tất cả để xây dựng Hội Thánh” (c. 26b). Phao-lô chỉ dẫn rõ ràng cách sử dụng mỗi ân tứ như sau:

Nói tiếng lạ:

·      Hai, ba người tối đa

·      Theo thứ tự

·      Phải có thông dịch

·      Nếu không có thông dịch thì phải yên lặng (chỉ cầu nguyện riêng với Chúa)

Nói tiên tri:

·      Hai hoặc ba người

·      Người khác nghe và cân nhắc

·      Nếu có người có mặc khải thì người đang nói phải yên lặng

·      Mỗi người sẽ thay phiên nhau nói tiên tri

(“Tâm linh của các nhà tiên tri phải thuận phục các nhà tiên tri” hàm ý phải nhường nhau khi sử dụng ân tứ nói tiên tri).

Căn bản của những thứ tự trên là:

Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của sự hỗn loạn, nhưng của sự bình an (c. 33, BHĐ)