Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 36

TIN LÀNH CỦA PHAO-LÔ (15:1-11)

 

1 Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin Lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy, cùng đứng vững vàng trong đạo ấy 2 và nhờ đạo ấy, anh em được cứu rỗi, miễn là anh em giữ lấy y như tôi đã giảng cho bằng không, thì anh em dầu có tin cũng vô ích.

3 Vả, trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; 4 Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh; 5 và Ngài đã hiện ra cho Sê-pha, sau lại hiện ra cho mười hai sứ đồ. 6 Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi. 7 Đoạn, Ngài hiện ra cho Gia-cơ, rồi cho các sứ đồ. 8 Rốt lại, sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi xem, như cho một thai sanh non vậy. 9 Vì tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Đức Chúa Trời. 10 Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi. 11 Ấy vậy, dầu tôi, dầu các người khác, đó là điều chúng tôi giảng dạy và là điều anh em đã tin.

 

1. Xin cho biết những điều Phao-lô nói liên quan đến “Tin Lành” trong câu 1-2.

2. Xin cho biết ba điểm chính của Tin Lành trong câu 3-4.

3. “Theo lời Kinh Thánh” (c. 3-4) nghĩa là gì? Hàm ý gì?

4. Xin kể theo thứ tự những người Chúa Giê-xu đã hiện ra sau khi phục sinh (c. 5-8)

5. “Như cho một thai sanh non” (c. 8) nghĩa là thế nào? Tại sao Phao-lô lại nói như vậy?

6. Câu 9 cho thấy tâm sự gì của Phao-lô?

7. “Tôi nay là người thể nào là nhờ ơn Đức Chúa Trời” (c. 10a) nghĩa là gì? Áp dụng cho chúng ta như thế nào?

8. Phần còn lại của câu 10 cho thấy điều gì về chức vụ của Phao-lô?

 

I Cô-rinh-tô 15 là một trong những phân đoạn dài nhất trong Tân Ước, nói về sự phục sinh. Theo câu 12 thì trong Hội Thánh Cô-rinh-tô có những người không tin vào sự sống lại nên Phao-lô đã dùng phần cuối của lá thư để nói về vấn đề nầy.

Ông mở đầu với câu:

Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin Lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy, cùng đứng vững vàng trong đạo ấy (c. 1)

Nhắc lại không hàm ý bảo họ nhớ lại nhưng đây là một lời trách nhẹ nhàng: “Anh em đừng quên Phúc Âm tôi đã rao giảng cho anh em…” Ý Phao-lô muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của giáo lý phục sinh trong Phúc Âm. Những điều liên quan đến Phúc Âm (Tin Lành) Phao-lô nói là:

1. Phao-lô rao giảng.

2. Tín hữu Cô-rinh-tô tiếp nhận.

3. Tín hữu Cô-rinh-tô đứng vững.

4. Nhờ Tin Lành được cứu.

5. Phải giữ Tin Lành đó.

Đó là hình ảnh của một Cơ-đốc nhân. Cơ-đốc nhân là người nghe Tin Mừng (vì có người rao giảng), tiếp nhận, được cứu, giữ và đứng vững.

Tiếp theo Phao-lô cho thấy nội dung của Tin Lành, bao gồm ba điều quan trọng:

1. Chúa chết.

2. Chúa bị chôn.

3. Chúa sống lại.

Tất cả những điều nầy đều theo lời Kinh Thánh, nghĩa là được Kinh Thánh nói trước và sự việc đã xảy ra ứng nghiệm những lời Kinh Thánh đó.

 

 

LỜI KINH THÁNH

ỨNG NGHIỆM

CHẾT

Xa-cha-ri 12:10

Giăng 19:37

CHÔN

Ê-sai 53:9

Ma-thi-ơ 27:57-60

SỐNG LẠI

Thi thiên 16:10

Công vụ 2:24-31

 

Trong những sự kiện trên, việc Chúa sống lại là điều quan trọng nhất, vì vậy Phao-lô kể ra những người mà Chúa đã hiện ra cho thấy sau khi Ngài phục sinh:

1. Sê-pha (Phi-e-rơ).

2. Mười hai sứ đồ.

3. Hơn năm trăm anh em (phần lớn còn sống, một số đã qua đời).

4. Gia-cơ (em của Chúa, trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem).

5. Các sứ đồ (bao gồm mọi người chứng kiến lúc Chúa thăng thiên).

6. Phao-lô .

Những sự hiện ra nầy cho thấy việc Chúa phục sinh là một sự kiện rõ ràng, không phải là ảo giác của một số người.

Phao-lô kể sự việc xảy ra cho ông trên đường đến thành Đa-mách (Công vụ 9:1-19) là kinh nghiệm gặp Chúa phục sinh của ông vì Chúa đã trực diện phán với ông: “Ta là Giê-xu mà người bắt bớ!” (Công vụ 9:5; 22:8; 26:15). Ông gọi kinh nghiệm nầy là:

 Ngài cũng hiện ra cho tôi xem, như cho một thai sanh non vậy (c. 8)

Thai sanh non chỉ về một bào thai “bị hủy” hay “sảo thai.” Phao-lô tự nhận mình như một người sinh thiếu tháng trong chức vụ sứ đồ, kể mình không xứng đáng trong chức vụ nầy. Tác giả Alan Johnson trích lời Thiselton như sau: “Cuộc đời Phao-lô trước khi biết Chúa giống như một bào thai bị sảo cho đến khi Đấng Christ phục sinh hiện ra với ông và ông được sinh lại.”

Lý do Phao-lô cho rằng ông chỉ như một thai sanh non là vì:

Tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Đức Chúa Trời (c. 9)

Hành động bắt bớ Hội Thánh luôn luôn ám ảnh Phao-lô (I Ti-mô-thê 1:13) và trong suy nghĩ đó ông càng biết ơn Chúa và kinh nghiệm sâu xa ân sủng của Ngài:

Tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn (ân sủng) Đức Chúa Trời (c. 10a)

Đây chẳng những là kinh nghiệm của Phao-lô nhưng cũng là kinh nghiệm của mỗi người tin Chúa vì tất cả chúng ta đều được cứu bởi đức tin và do ân sủng của Chúa, không có gì cho chúng ta khoe khoang (Ê-phê-sô 2:8-9).

Phao-lô ghi nhận ân sủng Chúa ban là để ông có thể phục vụ Chúa nhiều. Tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác (c. 10b) không có nghĩa là Phao-lô làm được việc hơn những người khác nhưng là ông đã lao động, làm việc khó nhọc hơn nhiều người. Một lần nữa, ông nói:

Nhưng nào phải tôi, bèn là ơn (ân sủng) Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi (c. 10c)

Câu 11 nối tiếp với câu 4 là phần Phao-lô nói về Tin Lành (câu 5-10, ông nói về sự hiện ra của Chúa để minh chứng về việc Ngài phục sinh). Phúc Âm hay Tin Lành là điều chúng tôi giảng dạy và là điều anh em đã tin (c. 11b).