Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 39

HẾT THẢY ĐỀU SẼ BIẾN HÓA! (15:50-58)

 

50 Hỡi anh em, tôi đoán quyết rằng thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được và sự hay hư nát  không hưởng sự không hay hư nát  được. 51 Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa, 52 trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát , và chúng ta đều sẽ biến hóa. 53 Vả, thể hay hư nát  nầy phải mặc lấy sự không hay hư nát và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết. 54 Khi nào thể hay hư nát  nầy mặc lấy sự không hay hư nát , thể hay chết nầy mặc lấy sự không hay chết, thì được ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng.

55 Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu? 55 Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh tội lỗi là luật pháp. 57 Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.

58 Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.

 

1. “Thịt và máu” (c. 50) chỉ về điều gì? Xin giải thích câu 50.

2. Theo câu 51-53 (đối chiếu với I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17) điều gì sẽ xảy ra khi Chúa tái lâm?

3. Tại sao Phao-lô kết thúc phần nói về sự sống lại với câu 58? Câu nầy dạy chúng ta điều gì? Áp dụng như thế nào?

 

Thịt và máu (c. 50a) là thành ngữ mô tả sự sống thể xác (Ga-la-ti 1:16; Hê-bơ-rơ 2:14). Nước Đức Chúa Trời trong câu nầy tương đương với sự không hay hư nát  (c. 50c) chỉ về sự sống đời đời, sự sống đời sau trong Nước Chúa. Sự hay hư nát là thể xác hiện tại (c. 42) còn sự không hay hư nát là thể xác thiêng liêng của chúng ta sau khi sống lại (c. 44, 46). Kết luận về sự sống phục sinh, Phao-lô cho thấy rằng, để có thể sống đời sống sau phục sinh, thân thể hiện tại cần phải được biến hóa. Thân thể hiện tại (thịt và máu) không thể hưởng (không thể sống) trong cõi thiêng liêng vĩnh hằng. Biến hóa vì vậy là điều cần thiết. Phao-lô nói về sự biến hóa đó như sau:

Nầy, tôi tỏ cho anh em một sự mầu nhiệm: chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng tất cả sẽ được biến hóa, trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, vào lúc tiếng kèn cuối cùng. Vì kèn sẽ thổi, người chết sẽ sống lại, không còn hư nát nữa và chúng ta sẽ được biến hóa (c. 51-52)

“Chúng ta sẽ không ngủ hết” là lúc Chúa tái lâm, tất cả những người tin Chúa sẽ được sống lại và được biến hóa. Sự thay đổi nầy xảy ra rất nhanh (“trong khoảnh khắc, trong nháy mắt”). “Tiếng kèn” hay tiếng loa là một trong những dấu hiệu lúc Chúa trở lại (Ma-thi-ơ 24:31; I Tê. 4:16). Sự thay đổi hay biến hóa nầy là “không còn hư nát nữa” (c. 52). Đây là thân thể phục sinh, thân thể thiêng liêng để sống đời đời với Chúa. Đây cũng là lúc không còn sự chết nữa:

Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng (c. 54b)

Điều nầy ứng nghiệm lời tiên tri trong Ê-sai 25:8.

Phao-lô viết câu 55 như một lời ca chiến thắng, chế nhạo sự chết, với ý từ Ô-sê 13:14.  Ông cũng nói, Sức mạnh tội lỗi là luật pháp (c. 56b) hàm ý rằng luật pháp chỉ cho người ta thấy tội nhưng không thể cứu rỗi con người (Rô-ma 7:7-13). Chỉ một mình Chúa Giê-xu, Đấng phục sinh, mới có thể hủy diệt tội lỗi và sự chết, đem chiến thắng đến cho chúng ta.

Phao-lô mở đầu chương 15 cho thấy phục sinh là giáo lý Phúc Âm quan trọng, không thể quên. Và rồi ông kết thúc với lời khuyên phục vụ Chúa hết lòng:

Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu (c. 58)

Vậy hàm ý tất cả những gì Phao-lô vừa trình bày: phục sinh là điều chắc chắn, chúng ta sẽ được sống lại vinh quang lúc Chúa tái lâm. Đây chính là động cơ thúc đẩy chúng ta hầu việc Chúa mà không nản lòng. Trái lại càng làm cách dư dật. Tất cả vì giá trị trường tồn trong cõi vĩnh hằng: Công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu! Đây cũng là suy nghĩ và động lực của chúng ta khi hầu việc Chúa.