Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 22

Phủ nhận mình và theo Chúa Cứu Thế

Trong bài học Kinh-thánh hôm nay chúng ta sẽ nghiên cứu Phúc Âm Ma-thi-ơ chương 5:38-42 một lần nữa. Trong các bài trước chúng ta đã phân tích lời Chúa và nhận thấy điểm chủ yếu là: Người tin Chúa phải có cái nhìn thật chính xác về chính mình. Nan đề xảy ra là khi ta hiểu sai về mình. Chúa quan tâm đến con người của mỗi chúng ta hơn là những gì chúng ta làm. Những gì chúng ta làm cũng quan trọng vì cho thấy chúng ta là người như thế nào. Chúa dẫn chứng để giải thích điểm này. Chúa dường như nói rằng: Nếu các anh thật sự như các anh tuyên xưng, thì đây là cách các anh phải hành động. Như thế chúng ta không chú trọng quá về hành vi, nhưng phải quan tâm đặc biệt đến tinh thần đưa đến hành vi nào đó.

Trong phần Kinh-thánh này chúng ta thấy dạy về thái độ đối với chính mình trình bầy theo khía cạnh tiêu cực., phần tiếp theo đó trình bầy theo khía cạnh tích cực.

Chúa nói: "Các ngươi có nghe lời dạy rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù. Nhưng ta bảo các ngươi: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại các ngươi."

Có người cho rằng bài giảng trên núi không chứa đựng những giáo lý căn bản mà chỉ là một tuyên ngôn luân lý đạo đức. Thật ra bài giảng trên núi toàn là giáo lý căn bản.

Không ai có thể thực hành lời Chúa dạy trong phần Kinh-thánh này nếu người ấy chưa hiểu rõ chính mình, chưa biết quyền đối với mình, quyền quyết định những gì mình phải làm. Nói tóm lại, người theo Chúa không nên quan tâm quá nhiều về chính mình. Toàn bộ khó khăn nan đề trong đời sống là vì quá quan tâm về chính mình. Chủ yếu của Chúa là muốn ta hoàn toàn từ bỏ chính mình. Nghĩa là bỏ khuynh hướng coi nặng quyền lợi của chính mình, và lúc nào cũng xem thử mình có bị làm nhục, bị tấn công hay là bị đả thương, nghĩa là luôn luôn sống trong tình thể đề phòng. Đây chính là điều Chúa chú trọng. Tất cả những thái độ ấy cần phải từ bỏ, đừng quá nhạy cảm.

George Muller, một nhà truyền giáo trứ danh đã nói về chính mình như sau: "Có một ngày tôi thấy tôi chết, chết hẳn, chết đối với cái tên George Muller và những ý kiến, sở thích, khuynh hướng và ý muốn; chết đối với đời, chấp nhận hay khước từ của đời; chết đối với việc chấp nhận hay đổ lỗi cho các anh em tôi, bạn bè tôi; cho đến lúc ấy tôi mới biết được rằng mình được Chúa chấp nhận." Đây là một tuyên ngôn cần suy xét kỹ. Vì đó chính là câu tóm tắt lời dạy của Chúa trong bài giảng trên núi. Lời dạy từ bỏ chính mình.

Ta thấy cuộc từ bỏ này có một thứ tự hẳn hoi: trước tiên là từ bỏ sự chấp nhận hay lên án của người đời; sau đó là từ bỏ sự chấp nhận của người thân và bè bạn.

Muller nói rằng ông đã đạt được cả hai, vì trước đó ông đã chết chính mình, chết đối với con người George Muller. Khi đã chết về chính mình, tất nhiên có những hệ quả giây chuyền tiếp theo. Đó là cuộc từ bỏ đối với thế gian, rồi bạn bè và những quan hệ khác. Nhưng điều khó nhất vẫn là chết về chính mình, về sự chấp nhận hay lên án mình.

Nhưng sau đó là sự chấp nhận hay lên án của người gần và thân với mình. George Muller đã nhắc chúng ta nhớ rằng phải chết về chính mình.

Điểm tiếp theo rõ ràng là chỉ có người tin Chúa rồi mới làm được. Không ai đạt đến trình độ này được nếu chưa tin nhận Chúa thật. Đây chính là hình ảnh khác hẳn và đối nghịch với con người tự nhiên. Một mẫu người tốt mà thế gian này đưa ra là một người tranh đấu để bảo toàn danh dự và tên tuổi của mình. Nghĩa là luôn luôn sống trong đề phòng và tự vệ. Thế gian tôn trọng những người tự xác nhận chỗ đứng của mình và sẵn sàng chống lại những gì xúc phạm đến mình. Vì vậy ngược hẳn với con người Chúa đưa ra. Con người ấy cần được tái sinh, đổi mới trước khi sống theo khuôn mẫu đó. Không người nào có thể theo nguyên tắc sống của Chúa nếu chưa tuyên bố: "Tôi sống đây, không phải là tôi nữa, nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi." Đây chính là giáo lý tái sinh. Nói khác đi, Chúa dạy: "Các anh phải sống như thế, nhưng các anh chỉ có thể sống đúng như vậy khi các anh nhận được Thánh Linh, và có được đời sống mới hoàn toàn. Các anh sẽ hoàn toàn là con người khác; các anh hoàn toàn đổi thay, các anh là tạo vật mới."

Chúng ta đã nói đến giáo lý tái sinh trong lời dạy của Chúa. Chúng ta cần đặt một câu hỏi thực tế, đó là: "Làm sao tôi có thể sống như thế được?" Có người sẽ nói: "Anh đã đưa ra lời dạy của Chúa, nhưng tôi thấy rất khó thực hành, vì rất dễ thất bại. Làm các nào sống cuộc đời như vậy được?"

Điều đầu tiên ta phải làm là đối diện với vấn đề con người của mình một cách chân thành. Ta phải chấm dứt những câu thoái thác cố tránh né hay đi vòng vo. Đây là việc phải đối diện ngay thẳng và trực tiếp. Phải lấy toàn bộ lời dạy của Chúa và tự xét mình qua lời dạy đó. Cũng nên nhớ là phải đi vào từng chi tiết chứ không phải chỉ tổng quát mà thôi.

Mỗi khi ta nhận thấy mình có một phản ứng tự vệ, hay một cảm xúc bực rọc chán nản, hoặc là bi tổn thương và bị dồn vào chỗ bất công - nghĩa là lúc mà ta cảm thấy cơ chế tự vệ bắt đầu hoạt động. Ta phải yên lặng đối diện với chính mình và hỏi rằng: "Điều này tại sao làm ta bực? Tại sao ta buồn? Quan tâm chính của ta trong việc này là gì? Ta có quan tâm đến nguyên tắc công chính và thánh thiện không? Tôi thực sự bị xúc động và bối rối vì tôi có một lý do nào đó trong lòng tôi sẵn hay là chỉ vì chính con người của tôi mà thôi? Đây có phải là tình trạng cay đắng vì ích kỷ hay không? Phải chăng đây chỉ là vì kiêu hãnh không tốt và không lành mạnh chăng?

Việc tự xét mình như thế rất cần nếu ta thật sự muốn đắc thắng. Ta phải lắng nghe tiến nói trong thâm tâm mình rằng: "Ta biết rõ đây chỉ là vấn đề cá nhân, kiêu hãnh làm cho ta quan tâm về chính mình, danh dự của mình mà thôi..." Nếu đúng như thế, ta cần nhận và xưng tội với Chúa.

Hãy tự xét mình, cuộc đời của mình, việc làm, những cuộc tiếp xúc với người khác. Ta đang làm vì vinh quang của Chúa hay của mình? Nếu ta tự xét toàn bộ cuộc sống của mình, không phải chỉ hành động, nhưng cả cách trang phục, nét mặt v.v. ta sẽ thấy rõ thái độ không lành mạnh đối với chính mình xuất hiện.

Ta thử ôn lại tuần lễ vừa qua của mình, xem xét trong tư duy, trong lương tâm những giây phút bất mãn và căng thẳng, thái độ khó chịu, nóng nẩy, những gì ta đã nói, đã làm mà bây giờ thấy hổ thẹn, làm ta mất thăng bằng. Hãy xét từng việc một, ta sẽ ngạc nhiên thấy rằng tất cả đều trở về vấn đề bản ngã, cái tôi, quan tâm về tôi. Dĩ nhiên là như vậy. Bản thân ta là nguyên nhân của sự khó chịu trong cuộc đời. Ta có thể bảo: "Nhưng có phải lỗi tôi đâu? Người nào đó gây ra chứ không phải tôi." Vâng, nhưng xét kỹ, người nào đó cũng theo bản ngã mà hành động, và chính ta cũng vậy. Nếu thật sự yêu mến Chúa, ta sẽ vui lòng cầu nguyện cho người gây ra việc đó.

Chúng ta đến một mức độ cao hơn và nhìn thẳng vào giáo lý căn bản. Theo lời dạy của Kinh-thánh bản ngã chịu tráhc nhiệm về cuộc sa ngã của loài người. Sa-tan khôn khéo khi nó đụng đến bản ngã của con người. Nó nói: "Chúa bất công với hai ngươi, hai ngươi có một bất mãn và buồn lòng chính đáng." Con người đồng ý như vậy và đó là cả nguyên nhân của cuộc sa ngã. Tất cả vấn đề tội lỗi của nhân loại đếu khởi nguyên từ bản ngã, từ con người, từ cái tôi rất đáng ghét. Cái tôi lúc nào cũng chống lại Chúa. vì cái tôi muốn ngồi trên ngôi trong tâm hồn ta hơn là để Chúa ngồi. Vì thế cái tôi luôn luôn làm ta cách biệt với Chúa.

Tất cả cuộc bất hạnh trong cuộc đời sống xét cho cùng đều là do cuộc cách biệt này. Vì vậy khi một người thực sự tương giao với Chúa và với Chúa Giê-xu thì người ấy thấy sung sướng hạnh phúc. Người đó dù sống ở đâu, trong ngục tù, đang ở trên giàn hỏa thiêu, người ấy vẫn vui nếu còn tương giao với Chúa. Như thế nguyên nhân đau khổ ở đời là mất tương giao với Chúa. Và điều gây ra việc gián cách ấy chính là bản ngã, là cái tôi. Khi nào ta buồn và bất mãn là lúc ta chỉ nghĩ đến mình và làm mối tương giao với Chúa bị cắt đứt.

Theo Kinh-thánh thì mục đích của cuộc đời một người là làm cho danh Chúa được vinh quang. Vì vậy những ước muốn tự đề cao hay là bảo vệ những lợi ích riêng của mình là một tội, vì lúc ấy ta chỉ chăm về việc của mình mà không tôn vinh và đem vinh quang về cho Chúa. Đây chính là điều mà Chúa lên án. Lời dạy của Kinh-thánh về thánh khiết là được giải phóng khỏi cuộc đời tập trung tất cả vào bản ngã. Thánh khiết không được coi như nói về hành vi, nhưng chính là thái độ đối với bản ngã. Không phải chỉ là làm những điều nào và tránh những điều nào. Nhiều người không làm điều gì xấu xa cả, nhưng sống vị kỷ và kiêu hãnh, như thế cũng là phạm tội.

Bây giờ chúng ta sang một giai từng cao hơn và nhìn vào vấn đề con người trong ánh sáng của Chúa. Chúa Giê-xu Con Trai Đức Chúa Trời tại sao phải đến trần gian này? Chúa đến trần gian này để cứu con người khỏi bản ngã. Ta thấy rõ cuộc đời không vị kỷ của Chúa.

Khi Chúa ở trần gian, lúc nào Chúa cũng nói Ngài thực hiện mọi điều, nói mọi lời Cha truyền cho. Cuộc đời hạ mình của Chúa trong mấy năm phục vụ nhân loại chứng minh đức hi sinh và vị tha của Chúa.

Khi nhìn lên cảnh Chúa bị hành hình, ta thấy Chúa thật vô tội và trong trắng. Ngài không phạm một lỗi nào hay làm hại một người nào, Ngài bị rủa mà không đáp lại, chịu khổ mà không hề đe dọa, nhưng cứ giao thác cho quan án công bình.

Thập tự giá của Chúa Cứu Thế là dẫn chứng cao cả nhất và lý luận của Kinh-thánh Tân Ước là, nếu chúng ta nói rằng mình tin Chúa và tin rằng Ngài chịu chết vì tội chúng ta, thì chúng ta phải có ước muốn chết về bản ngã.

Như vậy Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá là để giải phóng bạn và tôi khỏi bản ngã nguy hiểm này. Phao lô dạy trong Cô-rinh-tô thứ hai chương 2 câu 15 rằng: "Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình." Đây chính là sự sống mà chúng ta được gọi vào. Một đời sống không tự vệ hay là nhạy cảm vị kỷ nữa nhưng là cuộc đời khi bị làm nhục, không trả thù; nếu bị tát má bên phải, sẵn sàng đưa má bên kia ra; nếu ai kiện ta đòi cái áo ngắn, sẵn sàng cho họ lột cả chiếc áo dài nữa; nếu bị ép buộc khuân vác đồ đi một dặm, sẵn sàng đi hai dặm. Nếu ai đến nhờ vả điều gì thì không trớ tránh.

Đó chính là cuộc đời mà Chúa kêu gọi chúng ta thực hiện