Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Sứ điệp của Giăng - Lời ngăm đe

Ma-thi-ơ 3:7-12

"Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn, và đừng tự khoe rằng: Áp-ra-ham là tổ phụ của chúng ta; vì ta nói cho các ngươi rằng Đức Chúa Trời có thể khiến đá này sanh ra con cái cho Áp-ra-ham được. Bây giờ cái búa đã để kề rễ cây; vậy hễ cây nào không sanh trái tốt, thì sẽ phải đốn và chụm." (c. #9-10).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ điệp của Giăng có lời cảnh cáo nào? Ở đây Giăng cho thấy thế nào về sự ăn năn thật? Tại sao dân Do thái không thể khoe về tổ phụ Áp-ra-ham của họ? Điều này bộc lộ chân lý thế nào về đức tin?

Trong sứ điệp của Giăng có cả sự ngăm đe lẫn lời hứa. Cả đoạn sách đầy những bức tranh sinh động. Giăng gọi những đạo sĩ Do thái giáo và Sa-đu-sê là dòng dõi rắn lục và hỏi, ai đã chỉ cho họ chạy trốn cơn giận của Đức Chúa Trời. Có thể Giăng nói lên hai hình ảnh sau đây, một là Giăng biết rõ hình ảnh sa mạc, có những nơi cỏ mọc ngắn thưa, khô héo với những bụi gai cằn cỗi, gầy, dòn vì thiếu hơi ẩm. Thỉnh thoảng có những đám cháy rừng, lúc ấy lửa như con sông đỏ rực tràn qua, và ngọn cỏ, bụi cây như mớ bùi nhùi. Trước đám cháy, rắn rết, bò cạp vội vã trốn chạy, cả đến những loài thường sống ẩn náu trong bụi cỏ hoặc lùm cây, chúng phải bỏ nơi trú ẩn chạy để cứu mạng mình. Cũng có thể có một hình ảnh khác mà Giăng dùng ở đây, có nhiều loài vật và côn trùng nhỏ trong cánh đồng bắp như chuột đồng, thỏ và chim chóc, nhưng khi người thợ gặt tới thì chúng bị đuổi khỏi tổ, khỏi hang, chúng phải chạy trốn cứu mạng khi cánh đồng bị gặt trụi... Giăng đã dựa vào những hình ảnh này để suy nghĩ. Nếu đạo sĩ Do thái và người Sa-đu-sê thật tâm đến cầu lễ báp-tem thì họ chỉ như những con thú chạy gấp để cứu mạng trước ngọn lửa sa mạc hoặc trước lưỡi hái của thợ gặt. Giăng cảnh cáo, dù họ có nại ra Áp-ra-ham tổ phụ họ cũng chẳng ích gì. Đối với người Do thái chính thống, đó là một câu nói không thể chấp nhận. Đối với người Do thái, Áp-ra-ham thật độc đáo, độc đáo đến nỗi những công đức của người, cả về sự thiện hảo và ơn Chúa, Áp-ra-ham có đủ cho mình và còn cho cả dòng dõi ông nữa. Giăng quở trách tinh thần ỷ lại đó. Có lẽ người Do thái đã đưa vấn đề đi quá xa, chúng ta không thể sống trên số vốn thuộc linh trong quá khứ. Một thời đại suy đồi không thể trông mong được cứu rỗi, dù đã thừa hưởng một quá khứ anh hùng. Một đứa con hư hỏng không thể hi vọng viện dẫn công đức của một người cha thánh thiện.

Một lần nữa, Giăng trở lại với hình ảnh về mùa gặt. Cuối mùa, người giữ vườn nho và vườn vả sẽ kiểm điểm kết quả. Nếu chúng không có trái sẽ bị nhổ tận gốc, vì đã choán đất vô ích. Sự vô dụng bao giờ cũng chuốc lấy tai hoạ. Một người vô dụng đối với Đức Chúa Trời và đồng loại thì ở trong sự nguy hiểm trầm trọng và bị kết án.

Lạy Chúa xin cho đời sống con thật sự hữu ích cho Ngài và cho người xung quanh con.

(c) 2024 svtk.net