Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Sứ điệp của Giăng - Sự ăn năn (I)

Ma-thi-ơ 3:7-12

"Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn" (c. #8)

Câu hỏi suy ngẫm: Ăn năn là gì? Tại sao đây là sứ điệp cơ bản trong lời giảng của Giăng và Chúa Giê-xu? Theo bạn sứ điệp này quan trọng như thế nào đối với Hội Thánh và cá nhân chúng ta hôm nay? Làm sao để sứ điệp này trở thành hiện thực?

Trong tất cả các lời giảng của Giăng, sứ điệp cơ bản là: "ăn năn" (Ma-thi-ơ 3:2). Đó cũng là sứ điệp cơ bản của Chúa Giê-xu, Ngài đã đến và truyền phán: "Các ngươi hãy ăn năn và tin Phúc Âm" (Mác 1:15). Rõ ràng chúng ta cần tìm hiểu ăn năn là gì, yêu cầu cơ bản của Vua và người dọn đường của Ngài là gì? Điều đáng chú ý là Chúa Giê-xu và Giăng đều dùng chữ ăn năn mà không có lời giải thích. Cả hai đều coi chữ này như một từ ngữ chắc chắn mà người nghe sẽ biết và hiểu rõ ý nghĩa.

Chúng ta hãy xem người Do thái dạy thế nào về sự ăn năn. Đối với người Do thái, ăn năn là trọng tâm của mọi đức tin tôn giáo, mọi sự liên hệ với Đức Chúa Trời. Chữ Do thái teshubah dùng chỉ sự ăn năn cũng rất hay. Đó là danh từ của động từ shub có nghĩa 'quay lại'. Ăn năn là xây bỏ điều dữ và quay lại cùng Đức Chúa Trời, thay đổi cách ăn nết ở, cải tạo đời sống luân lý và tôn giáo của toàn dân hoặc của cá nhân. Ăn năn là từ bỏ tội, khai trừ nó ra khỏi tư tưởng mình, hoàn toàn quyết định trong tâm trí sẽ không tái phạm nữa, như có chép rằng: "Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất nghĩa khá bỏ các ý tưởng." Trong Do thái giáo, sự ăn năn tự nó đã có một đòi hỏi đạo đức, đó là xây bỏ tội lỗi mà đến cùng Đức Chúa Trời với một sự thay đổi tương xứng trong hành động.

Khi Giăng đòi hỏi người nghe phải kết quả xứng đáng với sự ăn năn thì đòi hỏi đó hoàn toàn nằm trong truyền thống dân tộc. Có một lời cầu nguyện thật đẹp thường được đọc trong nhà hội: "Lạy Cha, xin làm cho chúng con trở lại với luật pháp Ngài. Lạy Vua, xin kéo chúng con đến sự phục vụ Ngài, hãy đem chúng con trở lại trong sự ăn năn hoàn toàn trước sự hiện diện của Ngài. Chúng con ngợi khen Chúa, vì Ngài vui lòng thấy người ăn năn."

Nhưng sự ăn năn đó phải được minh chứng qua nếp sống thay đổi. Người Do thái chủ trương sự ăn năn thật không chỉ biểu hiện bằng một cảm xúc buồn thảm mà còn phải thật sự thay đổi đời sống. Đây cũng là quan niệm của người Cơ Đốc. Người Do thái chủ trương kết quả chứng minh cho sự ăn năn thật, người Cơ đốc cũng thế. Người Do thái còn nhiều điều khác nói về sự ăn năn, chúng ta sẽ tiếp tục tra xét.

Lạy Cha, xin đem con trở lại trong sự ăn năn hoàn toàn trước hiện diện của Ngài. Con ngợi khen Chúa vì Ngài vui lòng nhận con khi con ăn năn trở lại với Ngài.

(c) 2024 svtk.net