Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Luật Vàng Của Chúa Giê-xu

Ma-thi-ơ 7:7-12

" Hễ điều chi các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ" (Ma-thi-ơ 7:12).

Câu hỏi suy ngẫm: Hai mệnh lệnh "đừng làm" và "hãy làm" khác nhau thế nào và phản ảnh hai mối tương quan nào giữa người với người? Tại sao Chúa nhấn mạnh đến mệnh lệnh "hãy làm" hơn là "đừng làm"? Tại đây cho thấy đặc điểm nào của Cơ Đốc giáo? Bạn bày tỏ đặc điểm này thế nào trong đời sống?

Hãy xem hình thức tiêu cực của Luật Vàng khác với hình thức tiêu cực ra sao và xem điều Chúa Giê-xu phán đòi hỏi nhiều hơn điều các bậc thầy từng đòi hỏi thế nào.

Ở hình thức tiêu cực, luật Vàng đòi hỏi chúng ta phải tránh không được làm cho người khác điều mình không muốn họ làm cho mình. Đúng ra đó không phải là một quy tắc tôn giáo mà chỉ là một phát biểu về ý thức thông thường; không có nó, không có tương quan xã hội. Hơn nữa, hình thức tiêu cực của Luật Vàng chỉ là đừng làm một số điều nào đó, tránh một số hành động nào đó. Không làm điều gì không phải là việc khó lắm. Không làm hại người khác không phải là một nguyên tắc tôn giáo mà là một nguyên tắc luật pháp. Đó là loại nguyên tắc mà một người không tin hoặc không quan tâm gì đến tôn giáo vẫn có thể giữ được. Một người suốt đời không làm hại ai nhưng vẫn là một công dân vô dụng đối với đồng bào mình. Một người có thể giữ đúng hình thức tiêu cực của Luật Vàng bằng cách rất đơn giản là không hành động gì cả. Không làm gì hết có nghĩa là chẳng vi phạm gì; nếu sự thiện là không làm gì hết thì thật là trái ngược với sự thiện trong quan điểm Cơ Đốc giáo.

Khi Luật Vàng đặt ở hình thức tích cực, nó đòi chúng ta phải tích cực làm cho người khác điều chúng ta muốn họ làm cho mình, chúng ta sẽ thấy một nguyên tắc mới bước vào đời sống kèm theo một thái độ mới đối với anh em mình. Bảo rằng: "Tôi phải giúp đỡ kẻ khác, nhu hòa với họ như tôi muốn họ giúp đỡ, ăn ở tử tế với tôi" là một việc khác. Chỉ có tình yêu mới buộc chúng ta làm được như vậy. Thái độ cho rằng: "Tôi không được làm hại người" rất khác thái độ "Tôi phải hết sức giúp đỡ tha nhân." Một thí dụ đơn giản: Luật pháp buộc người lái xe không được lái ẩu gây tai nạn lưu thông, nhưng không có luật pháp nào buộc người ấy dừng xe cho một bộ hành mỏi mệt quá giang. Tránh làm hại người khác là điều đơn giản, nhưng tôn trọng xúc cảm cùng nguyên tắc của người là điều vô cùng khó khăn. Càng khó khăn hơn nữa là cư xử nhân hậu với mọi người y như mình mong họ cư xử tốt với mình, và coi đó là nguyên tắc sống.

Tuân thủ hình thức tiêu cực của Luật Vàng là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Người ta có thể tự khép vào kỷ luật không khó lắm, không làm cho người khác điều mình không muốn họ làm cho mình, nhưng chỉ người nào khởi sự làm theo thể tích cực của Luật Vàng mới là người có tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu trong lòng. Người tha thứ như chính mình muốn được tha thứ, giúp đỡ như mình muốn được giúp đỡ, khen ngợi như mình muốn được khen ngợi, hiểu biết như mình muốn được hiểu. Người không bao giờ từ chối làm việc gì và luôn tìm việc để làm. Điều này sẽ làm cuộc sống khó khăn hơn, người sẽ không có nhiều thì giờ lo lắng việc riêng, vì luôn luôn phải dừng lại để giúp người khác. Nó sẽ trở thành một nguyên tắc chi phối đời sống người ở nhà, trong xưởng máy, trên xe buýt, tại văn phòng, trên đường phố, trên xe lửa, ngoài sân chơi và ở khắp nơi. Chúng ta không bao giờ thực hiện được cho đến chừng bản ngã thực khô héo và chết hẳn trong lòng mình. Vâng giữ điều răn này sẽ trở thành một người mới và đời sống ta sẽ có một trung tâm mới. Nếu thế giới gồm toàn những người t uân thủ Luật Vàng, đó

sẽ thực là một thế giới mới.

Lạy Chúa, xin giúp con mỗi ngày thực hiện được điều Chúa dạy: Làm cho người khác điều con muốn họ làm cho con.

(c) 2024 svtk.net