Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

1:15-24 LÝ DO PHAO-LÔ CHƯA ĐẾN CÔ-RINH-TÔ

15 Bởi sự trông cậy đó, trước đây tôi có định đi thăm anh em, hầu giúp cho anh em được ơn bội phần. 16 Tôi định trải qua nơi anh em rồi đi xứ Ma-xê-đoan, lại từ Ma-xê-đoan trở về nơi anh em, tại nơi đó, anh em cho đưa tôi qua xứ Giu-đê. 17 Tôi định ý như vậy, nào có phải bởi tôi nhẹ dạ sao? Hay là tôi theo xác thịt mà quyết định, đến nỗi ở nơi tôi khi thì phải khi thì chăng sao? 18 Thật như Đức Chúa Trời là thành tín, lời chúng tôi nói với anh em cũng chẳng phải khi thì phải khi thì chăng vậy.

19 Con Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Jêsus Christ, mà chúng tôi, tức là tôi với Sin-vanh và Ti-mô-thê, đã giảng ra trong anh em, chẳng phải là vừa phải vừa chăng đâu; nhưng trong Ngài chỉ có phải mà thôi. 20 Vì chưng cũng như các lời hứa của Đức Chúa Trời đều là phải trong Ngài cả, ấy cũng bởi Ngài mà chúng tôi nói “A-men,” làm sáng danh Đức Chúa Trời. 21 Vả, Đấng làm cho bền vững chúng tôi với anh em trong Đấng Christ, và đã xức dầu cho chúng tôi, ấy là Đức Chúa Trời 22 Ngài cũng lấy ấn mình mà đóng cho chúng tôi và ban của tin Đức Thánh Linh trong lòng chúng tôi.

 

1. “Sự trông cậy đó” (c. 15a) là sự trông cậy gì?

2. “Trước đây tôi có ý định đi thăm anh em” (c. 15) nói đến dự tính của Phao-lô trong I Cô-rinh-tô 16:5-8. Xin đọc I Cô-rinh-tô 16:5-8 và cho biết lộ trình dự tính của Phao-lô.

3. Phao-lô dự tính như vậy, nhưng rồi ông đã thay đổi chương trình. Xin kể ra thay đổi đó, dựa trên II Cô-rinh-tô 1:16a

4. “Nhẹ dạ” (c. 17a) nghĩa là gì? Người Cô-rinh-tô cho rằng Phao-lô là người “nhẹ dạ” nghĩa là thế nào?

5. Hai điều Phao-lô hàm ý người Cô-rinh-tô trách ông là gì (c. 17)?

6. “Khi thì phải khi thì chăng” (c. 17b-18) nghĩa là thế nào?

7. Dựa vào câu 18-20a, xin cho biết Phao-lô đã biện minh như thế nào về lời cáo buộc của người Cô-rinh-tô cho rằng ông là người hay thay đổi, lúc thì nói “có” lúc thì nói “không.”

8. Phao-lô nói đến những điều Đức Chúa Trời làm cho chúng ta trong câu 21-22 như sau:

§  Làm cho bền vững (c. 21a)

§  Xức dầu (c. 21b)

§  Đóng ấn (c. 22a)

§  Ban của tin (c. 22b)

Xin giải thích mỗi điều. Chúng ta áp dụng những điều nầy như thế nào?

 

Vấn đề thứ ba Phao-lô cần giải thích cho Hội Thánh Cô-rinh-tô là việc ông thay đổi lịch trình thăm viếng. Do những lý do đặc  biệt, Phao-lô đã không thể đến thăm Hội Thánh Cô-rinh-tô như dự định (I Cô-rinh-tô 16:5-7). Vì thay đổi lịch trình như vậy, người Cô-rinh-tô cho ông là người không nhất quán, Khi thì phải, khi thì chăng (c. 17b) nghĩa là, “Lúc thì nói ‘Có’ lúc thì nói ‘Không’” (BHĐ). Trước khi xem lời giải thích của Phao-lô về sự việc nầy (c. 17-20), đây là tóm tắt những điều đã xảy ra giữa dự định của Phao-lô và điều ông thật sự làm, dựa trên các sự kiện trong sách Công vụ và những chi tiết Phao-lô nói trong Thư Cô-rinh-tô I và II. 

Chương trình nguyên thủy (I Cô-rinh-tô 16:3-8): Ê-phê-sô-> Ma-xê-đoan --> Cô-rinh-tô --> Giê-ru-sa-lem.

Chương trình thay đổi (II Cô-rinh-tô 1:16): Ê-phê-sô --> Cô-rinh-tô --> Ma-xê-đoan --> Cô-rinh-tô --> Giu-đê.

Phao-lô thay đổi chương trình nguyên thủy sau khi viết thư I Cô-rinh-tô. Điểm khác nhau giữa chương trình đầu và chương trình thay đổi là:

§  Chương trình đầu qua Ma-xê-đoan trước khi ghé Cô-rinh-tô.

§  Chương trình sau ghé Cô-rinh-tô trước khi qua Ma-xê-đoan và rồi trở lại Cô-rinh-tô trước khi về Giu-đê.

Phao-lô chẳng những thay đổi về chương trình như vậy mà trên thực tế, ông đã không thực hiện theo chương trình nào cả. Dựa vào những chi tiết trong 2:1; 12-13 và 12:21, ông đã thực hiện lộ trình như sau:

Lộ trình thực hiện (II Cô-rinh-tô 2:1; 12-13; 12:21): Ê-phê-sô --> Cô-rinh-tô --> Ê-phê-sô --> Trô-ách --> Ma-xê đoan (Phao-lô viết Thư II Cô-rinh-tô tại đây).

§  So sánh chương trình nguyên thủy với lộ trình thực hiện, Phao-lô là người nói “Có” rồi nói “Không” rồi nói “Có.”

§  So sánh chương trình thứ hai và lộ trình thực hiện, thì Phao-lô là người nói “Có” rồi nói “Không.”

 

Phao-lô bắt đầu giải thích việc ông thay đổi lịch trình thăm viếng Hội Thánh Cô-rinh-tô như sau:

Bởi sự trông cậy đó, trước đây tôi có định đi thăm anh em, hầu giúp cho anh em được ơn bội phần (c. 15)

Sự trông cậy đó là điều Phao-lô nói trong câu 14. Trông cậy mang ý nghĩa tin tưởng (BHĐ) hay tin quyết. Phao-lô tin rằng người Cô-rinh-tô hãnh diện về ông và ông cũng hãnh diện về họ (c. 14), vì vậy ông định ghé thăm Cô-rinh-tô trước khi thăm Ma-xê-đoan và rồi trở lại Cô-rinh-tô trước khi về Giu-đê (c. 16). Phao-lô nói rằng làm như vậy là giúp cho anh em được ơn bội phần (c. 15b) nghĩa là “để anh em nhận được phước hạnh gấp đôi” (BHĐ). Phao-lô định thăm viếng Cô-rinh-tô hai lần tức là cho họ được phước hạnh gấp đôi, đó là định ý của Phao-lô. Vì định ý như vậy nên Phao-lô nói với người Cô-rinh-tô:

Tôi định ý như vậy, nào có phải bởi tôi nhẹ dạ sao? Hay là tôi theo xác thịt mà quyết định, đến nỗi ở nơi tôi khi thì phải khi thì chăng sao? (c. 17)

Ý của Phao-lô là, ông thay đổi chương trình với ý tốt chứ không phải ông là người nhẹ dạ (“hay thay đổi”). Ông cũng không thay đổi vì quyết định theo xác thịt, nghĩa là thay đổi bốc đồng như người đời. Phao-lô đưa ra ba lý luận cho thấy ông không phải là người hay thay đổi (lúc nói “Có” lúc nói “Không”):

1. Sự thành tín của Đức Chúa Trời

Thật như Đức Chúa Trời là thành tín, lời chúng tôi nói với anh em cũng chẳng phải khi thì phải khi thì chăng vậy (c. 18)

2. Chúa Giê-xu mà ông và các bạn rao giảng

Con Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Jêsus Christ, mà chúng tôi, tức là tôi với Sin-vanh và Ti-mô-thê, đã giảng ra trong anh em, chẳng phải là vừa phải vừa chăng đâu nhưng trong Ngài chỉ có phải mà thôi (c. 19)

3. Lời hứa của Đức Chúa Trời 

Vì chưng cũng như các lời hứa của Đức Chúa Trời đều là phải trong Ngài cả, ấy cũng bởi Ngài mà chúng tôi nói “A-men,” làm sáng danh Đức Chúa Trời (c. 20)

Ngược lại với hay thay đổi (lúc “có,” lúc “không”) là bền vững (c. 21a). Do đó, Phao-lô viết:

Vả, Đấng làm cho bền vững chúng tôi với anh em trong Đấng Christ và đã xức dầu cho chúng tôi, ấy là Đức Chúa Trời. Ngài cũng lấy ấn mình mà đóng cho chúng tôi và ban của tin Đức Thánh Linh trong lòng chúng tôi (c. 21-22)

Sự bền vững, không thay đổi của Đức Chúa Trời trong đời sống Phao-lô và các bạn được ông giải thích bằng bốn từ chuyên môn trong luật pháp và thương mại đương thời:

§ Làm cho bền vững (bebaioo) nói đến chứng từ của người bán xác nhận cho người mua. Đây là điều Đức Chúa Trời xác nhận cho mối quan hệ của chúng ta với Chúa khi chúng ta tin nhận Ngài.

§ Xức dầu (chrio) được dùng trong Cựu Ước nói về việc bổ nhiệm vua, thầy tế lễ và tiên tri. Ở đây, Phao-lô muốn nói đến việc Đức Thánh Linh ban quyền năng và trang bị để ông và các bạn hầu việc Chúa.

§ Đóng ấn (sphragizo) nghĩa là khằn, gắn xi, niêm phong. Đây là cách người thời xưa dùng để gắn kín một văn kiện hay một bao hàng rồi đóng triện lên trên để giữ kín hay xác nhận quyền sở hữu (Khải huyền 7:3-8). Người tin Chúa nhận được sự đóng ấn nầy của Chúa Thánh Linh khi tin nhận Chúa và nhận báp-têm (Công vụ 2:38; Ê-phê-sô 1:13; 4:30).

§ Ban của tin (arrabon) là một danh từ thương mại, nói đến chứng từ người mua trao cho người bán bảo đảm số tiền sẽ trả đúng kỳ hạn (tương tự như tiền đặt cọc). Từ nầy có nghĩa “chiếc nhẫn hứa hôn” trong tiếng Hy-lạp ngày nay. Đức Thánh Linh là “của cầm về cơ nghiệp chúng ta” (Ê-phê-sô 1:14) trong ý nghĩa đó.

Đây là những xác chứng đầy đủ, rõ ràng về mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời, không điều gì có thể thay đổi hay tách rời chúng ta khỏi mối quan hệ bảo đảm và bền chặt nầy.