Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 9

3:1-6 CHỮ LÀM CHO CHẾT

1 Chúng tôi há lại bắt đầu tự phô mình hay là như người khác cần có thơ gởi gắm cho anh em hoặc nhờ thơ gởi gắm của anh em sao? 2 Ấy chính anh em là thơ gởi gắm của chúng tôi, viết trong lòng chúng tôi, mọi người đều biết và đều đọc. 3 Vả, rõ thật rằng anh em là bức thơ của Đấng Christ, bởi chức vụ chúng tôi viết ra, chẳng phải viết bằng mực, nhưng bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống, chẳng phải viết trên bảng đá, nhưng trên bảng thịt, tức là trên lòng anh em. 

4 Nầy là sự tin chắc của chúng tôi nhờ Đấng Christ mà có trong Đức Chúa Trời: 5 Không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời 6 và ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước về chữ, bèn là giao ước về Thánh Linh. Vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống. 

 

1. “Tự phô mình” (c. 1a) nghĩa là gì? Tại sao Phao-lô đặt câu hỏi nầy với người Cô-rinh-tô?

2. “Thơ gởi gắm” là thơ gì? Tại sao Phao-lô nhắc đến “thơ gởi gắm” ở đây?

3. Theo câu 2, các tín hữu tại Cô-rinh-tô chính là “thơ gởi gắm” của Phao-lô. Phao-lô nói như vậy hàm ý gì?

4. Theo câu 3, Hội Thánh Cô-rinh-tô là “bức thơ của Đấng Christ.” Xin cho biết những đặc điểm của bức thơ nầy khi so sánh với những bức thư thông thường:

 

 

BỨC THƯ CỦA ĐẤNG CHRIST

BỨC THƯ THÔNG THƯỜNG

NGƯỜI VIẾT

 

 

CÁCH VIẾT

 

 

PHƯƠNG TIỆN DÙNG ĐỂ VIẾT

 

 

5. Xin đọc thêm Xuất 24:12; 31:18; Giê-rê-mi 31:33; Ê-xê-chi-ên 11:19; 36:25. Những câu Kinh Thánh nầy giúp chúng ta hiểu câu 3 như thế nào?

6. Phao-lô muốn nói điều gì trong câu 4-5? Dạy chúng ta điều gì?

7. Xin giải thích câu: “Chữ làm cho chết song Thánh Linh làm cho sống” (c. 6b).

 

Phô mình (c. 1a) nghĩa là ca tụng, đề cao hay tán thưởng. Tự phô mình nghĩa là “tự đề cao” (BHĐ). Hai chữ phô mìnhgởi gắm (c. 1b) trong nguyên văn là cùng một chữ, vì vậy Phao-lô muốn nói ông không tự gởi gắm (tự phô mình) cũng không cần thư gởi gắm của ai. Thư gởi gắm là văn kiện giới thiệu một người cho một hội đoàn hay một nhóm người khi họ không biết người đó. Phao-lô nhắc đến thư gởi gắm vì có người trong Hội Thánh Cô-rinh-tô đặt vấn đề chức vụ sứ đồ của ông, nói rằng ông đã đến Cô-rinh-tô mà không được ai giới thiệu. Nhưng Phao-lô cho thấy, ông không phải là người giả mạo lời của Đức Chúa Trời như nhiều kẻ khác (2:17). Những người như vậy mới cần thư gởi gắm. Ông nói:

Hay là như người khác cần có thơ gởi gắm cho anh em (c. 1b)

Đối với Phao-lô, Hội Thánh Cô-rinh-tô chính là thư gởi gắm của ông:

Ấy chính anh em là thơ gởi gắm của chúng tôi, viết trong lòng chúng tôi, mọi người đều biết và đều đọc (c. 2)

Thư gởi gắm là bằng chứng trung thực của chức vụ, Hội Thánh Cô-rinh-tô chính là bằng chứng đó. Viết trong lòng chúng tôi hàm ý những gì Chúa làm tại Cô-rinh-tô ghi đậm nét trong lòng ông và ông có thể dựa vào đó để minh chứng. Sự hiện hữu của Hội Thánh Cô-rinh-tô là bằng chứng chân thật về chức vụ Phao-lô. Ông không cần thư gởi gắm nào khác!

Từ hình ảnh thư gởi gắm, Phao-lô mô tả:

Vả, rõ thật rằng anh em là bức thơ của Đấng Christ, bởi chức vụ chúng tôi viết ra, chẳng phải viết bằng mực, nhưng bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống, chẳng phải viết trên bảng đá, nhưng trên bảng thịt, tức là trên lòng anh em (c. 3)

Những yếu tố thường có trong một lá thư là: người viết, phương tiện dùng để viết và chất liệu để viết lên. Phao-lô nói đến những yếu tố đó về Hội Thánh Cô-rinh-tô là lá thư của Đấng Christ như sau:

 

 

BỨC THƯ THÔNG THƯỜNG

BỨC THƯ CỦA ĐẤNG CHRIST

NGƯỜI VIẾT

Phao-lô

Chức vụ Phao-lô

PHƯƠNG TIỆN DÙNG ĐỂ VIẾT

Mực

Thánh Linh của Đức Chúa Trời

CHẤT LIỆU ĐỂ VIẾT LÊN

Bảng đá

Bảng thịt

 

Bảng đá chỉ về Mười Điều Răn Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên tại núi Si-nai (Xuất 24:12; 31:18). Về sau, qua tiên tri Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên, Đức Chúa Trời hứa ban cho họ tấm lòng bằng thịt và luật pháp của Chúa được chép vào lòng (Giê-rê-mi 31:33; Ê-xê-chi-ên 11:19; 36:26). Phao-lô cho thấy lời tiên tri nầy đã được hiện thực tại Hội Thánh Cô-rinh-tô: Bảng thịt, tức là trên lòng anh em (c. 3b).

Đối với Hội Thánh Cô-rinh-tô cũng như chúng ta hôm nay, khi tin nhận Chúa, luật pháp Chúa được đặt vào lòng chúng ta và chúng ta tự nhiên làm theo luật pháp của Ngài (Phi-líp 2:13; Hê-bơ-rơ 8:10-11). Viết trên bảng thịt là như vậy!

Vì nhắc đến những người giả mạo Lời Đức Chúa Trời (2:17a) nên Phao-lô nói đến thư gởi gắm (c. 1-3). Bây giờ Phao-lô trả lời câu hỏi, Ai xứng đáng cho những sự nầy? (2:16b) trong câu 4-6 – chữ xứng đáng (2:16b) và chữ tài năng (c. 5) là cùng một chữ trong nguyên văn.

Câu trả lời đó là:

Không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời (c. 5)

Phao-lô ý thức sâu xa rằng, những gì ông đã làm được cho Chúa đều đến từ Đức Chúa Trời, không phải do sức mạnh hay khả năng riêng của mình. Sự tin chắc (c. 4a) nói về Hội Thánh Cô-rinh-tô là bức thư của Đấng Christ. Đó là thành quả của chức vụ Phao-lô, đến từ Đức Chúa Trời.

Tiếp tục nói về tài năng hay khả năng, Phao-lô cho thấy đó là tài năng… giúp việc giao ước mới (c. 6a). Giao ước mới đối chiếu với giao ước cũ là luật pháp Môi-se, ông nói trong câu 7-11. Giao ước mới là lời tiên tri trong Cựu Ước (Giê-rê-mi 31:31-32), được Chúa Giê-xu thực hiện qua sự chết của Ngài (Ma-thi-ơ 26:28). Phao-lô nhắc lại giao ước nầy trong lời dạy về Tiệc Thánh (I Cô. 11:25). Tác giả Thư Hê-bơ-rơ cũng cho thấy lời tiên tri về giao ước mới được ứng nghiệm (Hê-bơ-rơ 9:15-28). Đây là giao ước được thực hiện qua cái chết của Chúa Giê-xu, vượt trổi và xóa bỏ giao ước cũ mà Chúa ban qua Môi-se. Phao-lô đối chiếu hai giao ước đó như sau:

 

GIAO ƯỚC CŨ

GIAO ƯỚC MỚI

Chữ

Thánh Linh

Làm cho chết

Làm cho sống

 

Giao ước cũ nói đến luật pháp Môi-se được viết bằng chữ trên bảng đá (Xuất 31:18). Chữ làm cho chết nghĩa là, luật pháp của Đức Chúa Trời được viết ra, buộc tội và kết án con người. Không ai có thể vâng giữ hoàn toàn luật pháp của Chúa để có thể sống (Rô-ma 7:10). Thánh Linh làm cho sống nghĩa là:

o  Đức Thánh Linh làm những điều luật pháp không thể làm (Rô-ma 8:2-4).

o  Đức Thánh Linh đặt luật của Đức Chúa Trời trong lòng người tin (Giê-rê-mi 31:31-34; Ê-xê-chi-ên 36:25-27).

o  Đức Thánh Linh ban ơn và giúp người tin Chúa chiến thắng tội lỗi và sống đẹp lòng Đức Chúa Trời (Rô. 7:4, 6).

 Chữ nhấn mạnh về luật pháp Môi-se, không nói đến chữ viết trong Kinh Thánh. Kinh Thánh luôn luôn là căn bản của mọi tín lý và khuôn mẫu đạo đức của người tin Chúa (II Ti-mô-thê 3:16-17). Đức Thánh Linh dạy dỗ chúng ta qua chữ trong Kinh Thánh. Câu: Chữ làm cho chết song Thánh Linh làm cho sống không loại bỏ Lời Kinh Thánh. Đức Thánh Linh luôn luôn hướng dẫn chúng ta qua Kinh Thánh.