Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 14

5:11-15 SỐNG VÌ ĐẤNG ĐÃ CHẾT VÀ SỐNG LẠI CHO MÌNH

11 Vậy chúng tôi biết Chúa đáng kính sợ, nên tìm cách làm cho người ta đều tin. Đức Chúa Trời biết chúng tôi, và tôi mong anh em cũng biết chúng tôi trong lương tâm mình. 12 Chúng tôi chẳng lại phô mình cùng anh em, nhưng muốn trao cho anh em cái dịp khoe mình về chúng tôi, đặng anh em có thể đối đáp lại cùng những kẻ chỉ khoe mình về bề ngoài, mà không về sự trong lòng. 13 Vả, hoặc chúng tôi cuồng, ấy là vì Đức Chúa Trời hoặc chúng tôi dè giữ, ấy là vì anh em. 14 Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết. 15 Lại Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình.

 

1. Phao-lô nói: “Chúng tôi biết Chúa đáng kính sợ” và rồi nói: “Nên tìm cách làm cho người ta đều tin” (c. 11a). Hai điều nầy liên quan với nhau như thế nào?

2. Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời biết chúng tôi” và rồi nói thêm: “Tôi mong anh em cũng biết chúng tôi trong lương tâm mình.” Ông nói như vậy hàm ý gì?

3. “Phô mình” (c. 12a) nghĩa là gì? Phao-lô dùng chữ “phô mình” trước đó trong phân đoạn nào?

4. “Trao cho anh em cái dịp khoe mình về chúng tôi” (c. 12b) nghĩa là thế nào?

5. “Khoe mình về bề ngoài mà không về sự trong lòng” nghĩa là thế nào? Làm thế nào để tránh lỗi lầm nầy?

6. “Cuồng” (c. 13a) nghĩa là gì? Tại sao Phao-lô nói: “Chúng tôi cuồng ấy là vì Đức Chúa Trời ?”

7. Xin giải thích chữ “cảm động” trong câu 14a.

8. “Nếu có một người chết vì mọi người thì mọi người đều chết” (c. 14b) nghĩa là thế nào?

9. Câu 15 dạy chúng ta điều gì? Áp dụng như thế nào?

Tiếp theo ý “luôn luôn muốn làm đẹp lòng Chúa” (c. 9) và việc “mỗi người phải trình diện trước tòa án của Chúa” (c. 10), Phao-lô tìm cách làm cho người ta đều tin (c. 11). Ông trình bày điều nầy trong ý niệm hòa thuận lại với Đức Chúa Trời (c. 20). Nhưng trước khi trình bày điều nầy (hòa thuận lại với Đức Chúa Trời, c. 16-21), Phao-lô phải trả lời cho những người phê phán về cách ông thi hành chức vụ (c. 11-15).

Phao-lô cho thấy động cơ thúc đẩy ông hầu việc Chúa là vì chúng tôi biết Chúa đáng kính sợ (c. 11a). Đáng kính sợ mang ý nghĩa Chúa dò xét và biết tất cả, chúng ta không thể làm điều gì gian dối hay với động cơ bất khiết. Trong tinh thần đó, Phao-lô tìm cách làm cho người ta đều tin (c. 11b). Phao-lô bộc bạch với người Cô-rinh-tô về động cơ thúc đây ông hầu việc Chúa:

Bởi vậy, do lòng kính sợ Chúa, chúng tôi cố thuyết phục những người khác. Đức Chúa Trời biết rõ chúng tôi và tôi hi vọng lương tâm anh em cũng biết rõ chúng tôi (c. 11, Bản Hiệu Đính)

Phô mình (c. 12a) nghĩa là khoe khoang, tự đề cao (BHĐ). Đây là điều Phao-lô nói trong 3:1 cho thấy Hội Thánh Cô-rinh-tô là kết quả cụ thể của chức vụ Phao-lô, ông không cần khoe khoang hay tự đề cao. Ý nầy được nhắc lại (c. 12) gián tiếp nói với những người gièm pha chức vụ Phao-lô tại Cô-rinh-tô. Họ là những kẻ chỉ khoe mình về bề ngoài, mà không về sự trong lòng (c. 12b). Phao-lô muốn nói với các tín hữu Cô-rinh-tô rằng, ông không biện hộ hay đề cao chính mình nhưng muốn chính họ nói về ông cho những người gièm pha chức vụ của ông:

Chúng tôi không tự đề cao mình với anh em một lần nữa, nhưng muốn dành cho anh em một cơ hội tự hào về chúng tôi, để anh em có thể đối đáp lại những người chỉ tự hào về vẻ bề ngoài, chứ không phải trong tâm hồn (c. 12, BHĐ)

Chữ cuồng (c. 13) có thể mang nghĩa “cuồng nhiệt” (BHĐ) hay “điên cuồng” (NIV). Trong văn mạch, chúng ta nên hiểu theo nghĩa “điên cuồng” vì đây là lời những người gièm pha nói về Phao-lô. Đây là câu Phao-lô trả lời cho họ: “Cho dù là chúng tôi điên cuồng đi nữa thì đó cũng chỉ vì Đức Chúa Trời mà thôi!” Thật ra, Phao-lô và các bạn là những người dè giữ (c. 13b). Dè giữ mang ý nghĩa “điềm tĩnh” (BHĐ) hay “bình thường” (không phải điên cuồng). Phao-lô và các bạn đã rao giảng Phúc Âm chân chính do sự thúc đẩy của Đức Chúa Trời mà người khác có thể cho là điên cuồng. Thật ra, ông và các bạn không điên cuồng nhưng đã rao giảng với tâm trí bình thường để mang lợi ích lại cho họ, vì ích lợi của họ.

Tiếp tục nói về cách xử sự trong chức vụ, Phao-lô cho thấy động cơ hầu việc Chúa của ông:

Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết. Lại Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình (c. 14-15)

Cảm động mang ý nghĩa “bị ép” hay “thúc đẩy.” Sự thúc đẩy nói đến động cơ từ bên trong. Động cơ đó là tình yêu thương của Đấng Christ. Tình yêu thương của Đấng Christ là tình yêu thương hy sinh Chúa dành cho chúng ta, chịu chết thay cho chúng ta (c. 14b). Ý nghĩa của sự chết thay được thấy trong phần câu còn lại: Thì mọi người đều chết (c. 14c). Chúa Giê-xu chết thay cho chúng ta, chết thế chỗ cho chúng ta cho nên dù không chết, chúng ta được kể như đã chết, đã chịu án chết. Nếu Chúa yêu thương đến nỗi chết thế cho chúng ta như vậy thì chúng ta chỉ còn một lý do để sống mà thôi, đó là sống cho Chúa. Chúa Giê-xu chẳng những chết vì chúng ta nhưng Chúa cũng đã sống lại, chứng tỏ quyền năng của Ngài để cứu chúng ta. Giáo lý phục sinh là yếu tố quan trọng trong chương trình cứu rỗi Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Điều Phao-lô nói trong câu 14-15 phải là tâm niệm của mỗi chúng ta cho đời sống: “Không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình!”