Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 16

6:1-13 HÃY MỞ RỘNG LÒNG ANH EM!

1 Ấy vậy, vì chúng tôi làm việc với Chúa, nên xin anh em chớ chịu ơn Đức Chúa Trời luống không. 2 Vì Ngài phán rằng:

Ta đã nhậm lời ngươi trong thì thuận tiện,

Ta đã phù hộ ngươi trong ngày cứu rỗi. 

Kìa, hiện nay là thì thuận tiện!

Kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!

3 Chúng tôi chẳng làm cho ai vấp phạm, hầu cho chức vụ của mình khỏi bị một tiếng chê bai nào. 4 Nhưng chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời, bởi lòng nhịn nhục lắm trong những sự hoạn nạn thiếu thốn, khốn khổ, 5 đòn vọt, lao tù, rối loạn, khó nhọc, tỉnh thức, kiêng ăn. 6 Bởi sự thanh sạch, thông biết, khoan nhẫn, nhân từ, bởi Đức Thánh Linh, bởi lòng yêu thương thật tình, 7 bởi lời chân thật, bởi quyền phép Đức Chúa Trời, cầm những khí giới công bình ở tay hữu và tay tả. 8 Dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu, dầu được tiếng tốt. 9 Ngó như kẻ phỉnh dỗ, nhưng là kẻ thật thà, ngó như kẻ xa lạ, nhưng là kẻ quen biết lắm, ngó như gần chết, mà nay vẫn sống, ngó như bị sửa phạt, mà không đến chịu giết, 10 ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng, ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có, ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!

11 Hỡi người Cô-rinh-tô, miệng chúng tôi hả ra vì anh em, lòng chúng tôi mở rộng. 12 Chẳng phải chúng tôi hẹp hòi đãi anh em, nhưng ấy là lòng anh em tự làm nên hẹp hòi. 13 Hãy báo đáp chúng tôi như vậy — tôi nói với anh em như nói với con cái mình — cũng hãy mở rộng lòng anh em!

 

1. Phao-lô muốn nói điều gì trong câu: “Anh em chớ chịu ơn Đức Chúa Trời luống không”  (c. 1) Tại sao ông nói như vậy?

2. Xin cho biết liên hệ giữa câu 1 và câu 2.

3. Xin cho biết nguyên tắc hầu việc Chúa của Phao-lô trong câu 3. “Chẳng làm cho ai vấp phạm” nghĩa là thế nào?

4. “Làm cho mình đáng trượng trong mọi sự” (c. 4a) nghĩa là thế nào?

5. Điều Phao-lô “làm cho mình đáng trượng” là “nhịn nhục” (c. 4b). Xin kể ra những điều Phao-lô “nhịn nhục” hay “chịu đựng” trong câu 4-5:

(1) ____________________________________________________________

(2) ____________________________________________________________

(3) ____________________________________________________________

(4) ____________________________________________________________

(5) ____________________________________________________________

(6) ____________________________________________________________

(7) ____________________________________________________________

(8) ____________________________________________________________

(9) ____________________________________________________________

6. Những điều Phao-lô trình bày chứng tỏ ông là người hầu việc Chúa chân thật (câu 6-7a):

(1) ____________________________________________________________

(2) ____________________________________________________________

(3) ____________________________________________________________

(4) ____________________________________________________________

(5) ____________________________________________________________

(6) ____________________________________________________________

(7) ____________________________________________________________

(8) ____________________________________________________________

7. Xin giải thích câu: “Cầm những khí giới công bình ở tay hữu và tay tả” (c. 7b):

8. Những điều Phao-lô mô tả về chức vụ của ông trong câu 8-10 là:

(1) ____________________________________________________________

(2) ____________________________________________________________

(3) ____________________________________________________________

(4) ____________________________________________________________

(5) ____________________________________________________________

(6) ____________________________________________________________

(7) ____________________________________________________________

(8) ____________________________________________________________

(9) ____________________________________________________________

9. Phao-lô kêu gọi tín hữu Cô-rinh-tô điều gì trong câu 11-13?

 

II Cô-rinh-tô 5:11-21, Phao-lô nói về chức vụ giảng hòa mà ông là đại sứ (khâm sai) với sứ điệp giảng hòa (5:20). Trong phần tiếp theo (6:1-7:4), Phao-lô tiếp tục nói về điều nầy với điểm nhấn mạnh áp dụng cho người Cô-rinh-tô. Mối quan hệ giữa Phao-lô và người Cô-rinh-tô lúc nầy không mấy tốt đẹp vì có người phạm tội trong Hội Thánh (7:12) và có những sứ đồ giả mà người Cô-rinh-tô nhẹ dạ đi theo (11:13). Để cải thiện và vãn hồi mối quan hệ nầy, Phao-lô kêu gọi họ chớ chịu ơn Đức Chúa Trời luống không (c. 1-2). Ông cũng nói lên những lời bênh vực chức vụ sứ đồ của mình (c. 3-10) và kêu gọi họ mở lòng ra đối với ông (c. 11-13; 7:2-4). Phần trong các câu 6:14-7:2 là lời Phao-lô kêu gọi các tín hữu Cô-rinh-tô sống thánh khiết.

 

Mở đầu phần nầy, Phao-lô viết:

Vì cùng làm việc với Đức Chúa Trời, chúng tôi nài xin anh em đừng nhận ân điển của Ngài một cách vô ích (c.1, BHĐ)

Dù những chữ “với Đức Chúa Trời” (với Chúa) không có trong nguyên văn nhưng đây là ngụ ý trong câu nầy vì Phao-lô nói, Xin anh em chớ chịu ơn Đức Chúa Trời luống không (c. 1b). Ơn Đức Chúa Trời (c. 1b) nói đến điều Đức Chúa Trời đã làm qua cái chết thay thế của Chúa Giê-xu (5:21). Người Cô-rinh-tô đã nhận được ơn cứu rỗi nầy thì không nên khước từ Phao-lô là người đem sự cứu rỗi đó đến cho họ, như điều ông nói trong câu 11-13.

Theo câu 1, ơn của Đức Chúa Trời và việc Phao-lô cùng làm việc với Chúa đi chung với nhau vì Phao-lô là người đem ơn của Chúa đến với họ. Câu 2a là lời trích từ Ê-sai 49:8, Phao-lô áp dụng điều đó cho ông và Hội Thánh Cô-rinh-tô hàm ý rằng, ơn cứu rỗi của Chúa đến thì họ phải tiếp nhận thay vì từ khước. Và tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa cũng có nghĩa là tiếp nhận chức vụ sứ đồ của Phao-lô như điều ông minh giải trong những câu tiếp theo.

Lời kêu gọi, Xin anh em chớ chịu ơn Đức Chúa Trời luống không (c. 1b) liên quan đến những điều Phao-lô nói trong câu 3-10 là những lời ông bênh vực chức vụ sứ đồ của mình. Trước hết, ông nói:

Chúng tôi chẳng làm cho ai vấp phạm, hầu cho chức vụ của mình khỏi bị một tiếng chê bai nào (c. 2)

Nghĩa là: “Chúng tôi không làm cớ vấp phạm cho ai, để chức vụ mình không bị chỉ trích” (BHĐ). “Chỉ trích” mang ý nghĩa mất hiệu năng. Ý trong câu nầy là, nếu người ta tìm thấy lỗi lầm nơi Phao-lô (gây vấp phạm cho người khác) thì chức vụ của Phao-lô sẽ bị chê bai, không còn hiệu năng và người ta có lý do để khước từ sứ điệp Phúc Âm Phao-lô rao giảng. Thay vì làm cho người khác vấp phạm, Phao-lô nói: Chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự (c. 4a) – đáng trượng nghĩa là “đáng trọng.” Ý của Phao-lô là: “Trong mọi sự, chúng tôi chứng tỏ mình là đầy tớ của Đức Chúa Trời” (BHĐ). Trước hết Phao-lô chứng tỏ điều đó trong sự nhịn nhục (c. 4b). Đó là nhịn nhục trong hoạn nạn thiếu thốn, khốn khổ, đòn vọt, lao tù, rối loạn, khó nhọc, tỉnh thức, kiêng ăn (c. 4-5). Bản Hiệu Đính dịch như sau:

Trong mọi sự, chúng tôi chứng tỏ mình là đầy tớ của Đức Chúa Trời: rất mực kiên trì trong hoạn nạn, gian khổ, tai ương, đòn vọt, tù đày, loạn lạc, nhọc nhằn, mất ngủ, nhịn đói (c. 4-5, BHĐ)

Những điều Phao-lô chịu đựng kiên trì trong hai câu 4 và 5 có thể xếp loại như sau:

·      Tổng quát: hoạn nạn, gian khổ, tai ương.

·      Trường hợp rõ ràng: đòn vọt, tù đày, loạn lạc (quấy động trong quần chúng).

·      Những khó khăn tự nguyện: nhọc nhằn, mất ngủ, nhịn đói.

II Cô-rinh-tô 11:23-29 mô tả chi tiết hơn về những điều nầy cũng như những chi tiết trong sách Công vụ.

Những điều Phao-lô trình bày chứng tỏ ông là người hầu việc Chúa chân thật (câu 6-7a):

Thanh sạch, tri thức, nhẫn nhục, nhân từ, trong Đức Thánh Linh, trong tình yêu thương chân thành, trong lời nói chân thật và trong quyền năng của Đức Chúa Trời (BHĐ).

Cầm những khí giới công bình ở tay hữu và tay tả (c. 7b) mang ý nghĩa sẵn sàng chống đỡ mọi phía với vũ khi tấn công như gươm ở tay hữu và khiên để chống đỡ trong tay tả. Khí giới công bình nói đến khí giới Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khi tin nhận Ngài, đây là khí giới do việc xưng công chính đem lại cho người tin Chúa (Ê-phê-sô 6:10-17).

Trong câu 8-10, Phao-lô mô tả chức vụ của ông theo cái nhìn của con người và dưới cái nhìn của Chúa. Những điều nầy tương phản nhau dựa trên nhận định của con người hay theo định giá của Chúa. Những điều tương phản trong chức vụ của Phao-lô (theo từ của Bản Hiệu Đính):

 

CÁI NHÌN CỦA CON NGƯỜI

CÁI NHÌN CỦA CHÚA

Vinh

Nhục

Mang tiếng xấu

Được tiếng tốt

Bị đối xử như kẻ lừa đảo

Là người chân thật

Bị xem như xa lạ

Được mọi người biết đến

Bị xem như gần chết

Vẫn sống

Xem như bị hình phạt

Không bị giết chết

Xem như buồn bã

Luôn vui mừng

Xem như nghèo thiếu

Làm cho nhiều người giàu có

Xem như không có gì

Có tất cả

 

Phao-lô kể ra những khó khăn (c. 4-5), những động cơ hầu việc Chúa (c. 6-7) và những kinh nghiệm khác nhau (c. 8-10) cho thấy rằng không ai có thể tìm thấy lỗi lầm nào trong chức vụ của ông. Dựa vào đó, ông kêu gọi người Cô-rinh-tô trở lại với mối quan hệ tốt đẹp giữa ông với họ:

Thưa anh em tại Cô-rinh-tô, chúng tôi thật lòng nói với anh em lòng chúng tôi rộng mở. Chúng tôi không hẹp hòi đối với anh em, nhưng chính lòng anh em hẹp hòi. Hãy đối xử với chúng tôi như chúng tôi đối xử với anh em — tôi nói với anh em như nói với con cái mình — anh em cũng hãy mở rộng lòng mình! (c. 11-13, BHĐ)

Chúng ta nhìn thấy tâm tình yêu thương tràn đầy của Phao-lô với người Cô-rinh-tô trong các câu nầy:

1. Phao-lô nói thật lòng (miệng chúng tôi hả ra) và lòng ông cũng rộng mở (c. 11)

2. Ông đối chiếu tấm lòng của ông và tấm lòng của các tín hữu Cô-rinh-tô (hẹp hòi/không hẹp hòi), c. 12.

3. Ông coi họ như con (c. 13b).

4. Ông kêu gọi họ đối xử với ông như ông đối xử với họ (c. 13a).

Đây phải là cách chúng ta xử sự với mọi người: thật lòng, mở lòng, quảng đại, yêu thương.