Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 23

10:1-11 KHÍ GIỚI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

1 Tôi là Phao-lô, bởi sự nhu mì, nhân từ của Đấng Christ mà xin anh em, — tôi là người hèn hạ lắm trong khi gặp mặt giữa anh em, nhưng lúc vắng mặt, đối với anh em, tỏ ra biết bao là dạn-dĩ! — 2 tôi nài xin anh em chớ ép tôi, khi tôi sẽ có mặt, phải dùng sự dạn dĩ mà tôi toan dùng nghịch cùng mấy kẻ kia tưởng chúng tôi ăn ở theo xác thịt. 3 Vì chúng tôi dầu sống trong xác thịt, chớ chẳng tranh chiến theo xác thịt. 4 Vả, những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy. 5 Nhờ khí giới đó chúng tôi đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ. 6 Cũng nhờ khí giới đó, chúng tôi sẵn sàng phạt mọi kẻ chẳng phục, khi anh em đã chịu lụy trọn rồi.

7 Anh em cứ xem bề ngoài sao? Bằng có ai quyết mình thuộc về Đấng Christ, hãy ngẫm nghĩ rằng nếu người thuộc về Đấng Christ, thì chúng tôi cũng thuộc về Ngài. 8 Dầu khi tôi khoe mình khí quá về quyền phép Chúa đã ban cho chúng tôi, để gây dựng anh em, chớ chẳng phải để hủy diệt, thì tôi sẽ không hổ thẹn, 9 song tôi chẳng muốn làm bộ dọa anh em bằng thơ từ của tôi. 11 Có người nói rằng các thơ của người nặng lời và bạo mạnh nhưng đến khi có mặt thì người yếu đuối và lời nói chẳng có giá gì. 11 Kẻ nói như vậy, hãy nghĩ rằng khi chúng tôi vắng mặt, lời trong thơ thể nào, thì khi có mặt, việc làm cũng thể ấy.

 

1. Xin giải thích câu: “Tôi là người hèn hạ lắm trong khi gặp mặt giữa anh em nhưng lúc vắng mặt đối với anh em tỏ ra biết bao là dạn dĩ” (v. 1b). Tại sao Phao-lô nói như vậy?

2. Hai điều Phao-lô dựa vào để “xin anh em” (c. 1a) là gì? Mang ý nghĩa gì?

3. “Mấy kẻ kia” (c. 2) chỉ về ai? Phao-lô hàm ý gì khi ông nói: “Phải dùng sự dạn dĩ mà tôi toan dùng nghịch cùng mấy kẻ kia” (c. 2)?

4. “Ăn ở theo xác thịt” (c. 2b) nghĩa là thế nào?

5. Xin giải thích câu 3.

6. Theo câu 4a, “khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh” (c. 4a) nói đến điều gì?

7. Đối chiếu với “thuộc về xác thịt” (c. 4a) là điều gì? “Đồn lũy” (c. 4b) nói đến điều gì?

8. Xin cho biết những tác dụng của quyền năng Đức Chúa Trời trong câu 5-6.

9. Dựa vào câu 7-11, xin cho biết về mối tranh chấp giữa Phao-lô với các tín hữu tại Cô-rinh-tô và câu trả lời của ông.

 

Nhìn chung, Thư II Cô-rinh-tô gồm ba phần rõ ràng:

1. Chương 1-7: Giải thích lý do Phao-lô thay đổi lịch trình và lộ trình thăm viếng Cô-rinh-tô.

2. Chương 8-9: Việc quyên góp tiền cứu trợ.

3. Chương 10-13: Bênh vực chức vụ sứ đồ.

Điều khó hiểu là giọng văn và cách hành văn trong phần cuối lá thư (Chương 10-13) hoàn toàn khác với những chương trước. Chương 10-13 đầy những lời châm biếm, mỉa mai và Phao-lô rất nặng lời với người Cô-rinh-tô. Có người cho rằng II Cô-rinh-tô 10-13 là lá thư “gay gắt” Phao-lô nhắc đến trong 2:3 hoặc đây là lá thư “thứ năm” của Phao-lô cho người Cô-rinh-tô (xem trang 84 về các lá thư Cô-rinh-tô). Tuy nhiên, vì Thư II Cô-rinh-tô luôn luôn được lưu hành trong dạng chung cả 13 chương nên hai điều vừa nói chỉ là giả thuyết. Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh hiện nay tin rằng sở dĩ có sự khác biệt trong cách hành văn và giọng văn trong các chương cuối của Thư II Cô-rinh-tô là vì Phao-lô nhận thêm những tin tức khác từ Hội Thánh Cô-rinh-tô về các sứ đồ giả (11:13) và người Cô-rinh-tô có khuynh hướng tiếp nhận các sứ đồ giả nầy và khước từ Phao-lô (11:3-4). Chính vì vậy ông phải nghiêm nghị và nặng lời trong phần nầy. Chúng ta sẽ phân tích và học phần còn lại của Thư II Cô-rinh-tô trong bối cảnh đó.

Phao-lô mở đầu:

Tôi là Phao-lô, bởi sự nhu mì, nhân từ của Đấng Christ mà xin anh em, — tôi là người hèn hạ lắm trong khi gặp mặt giữa anh em, nhưng lúc vắng mặt, đối với anh em, tỏ ra biết bao là dạn dĩ! — tôi nài xin anh em chớ ép tôi, khi tôi sẽ có mặt, phải dùng sự dạn dĩ mà tôi toan dùng nghịch cùng mấy kẻ kia tưởng chúng tôi ăn ở theo xác thịt (c. 1-2)

Đây là lời Phao-lô kêu gọi người Cô-rinh-tô đừng xử sự để ông phải dùng biện pháp mạnh với những người cho rằng ông và các bạn ăn ở theo xác thịt (c. 2b). Phần câu 1b mang ý mỉa mai vì đó là điều mà những người chống đối gán cho ông. Họ cho rằng ông chỉ “cứng rắn” khi ở xa, còn “mềm yếu” khi gặp họ (c. 10-11).

Mấy kẻ kia (c. 2) là những người giảng Phúc Âm khác, là sứ đồ giả (11:4, 13). Dùng sự dạn dĩ mà tôi toan dùng nghịch cùng mấy kẻ kia hàm ý áp dụng biện pháp kỷ luật với những người dẫn tín hữu Cô-rinh-tô đi sai lạc (c. 6).

Mặc dù dùng lời lẽ mạnh mẽ (c. 2), Phao-lô cho biết, lời khuyên của ông đặt nền tảng trên sự nhu mì và nhân từ của Đấng Christ (c. 1a). Ông muốn cho người Cô-rinh-tô thấy rằng Chúa Giê-xu nhu mì không phải là Chúa mềm yếu. Cũng vậy, Phao-lô sẽ không mềm yếu khi đương đầu với những người nói rằng ông là người ăn ở theo xác thịt, nghĩa là “theo tiêu chuẩn của đời” (NIV).

Phao-lô cho thấy ông và các bạn không ăn ở theo xác thịt như sau:

1. Sống trong xác thịt nhưng không tranh chiến theo xác thịt (c. 3). Sống trong xác thịt nghĩa là sống đời sống bình thường với những hữu hạn của con người nhưng trong chức vụ, Phao-lô không làm theo cách của con người hay sức người (ông dùng chữ tranh chiến vì trong cả phần nầy ông dùng những hình ảnh quân sự để lý luận).

2. Khí giới dùng để chiến tranh không thuộc về xác thịt (c. 4). Khí giới không thuộc về xác thịt là khí giới bởi quyền năng của Đức Chúa Trời (c. 4b). Đây là khí giới có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy (c. 4c). Đồn lũy là danh từ quân sự (“chiến lũy”) thường được dùng để chỉ về những lý luận sắc bén khó chống đối nhưng Phao-lô cho biết quyền năng của Đức Chúa Trời có thể phá đổ các điều đó. Ông giải thích thêm:

Nhờ khí giới đó chúng tôi đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ (c. 5)

Mọi sự tự cao (c. 5a) là hình ảnh cái tháp hay thành lũy cao và kiên cố. Cả hai (đồn lũysự tự cao) nói đến những lý luận người ta thường dùng để chống đối và khước từ Phúc Âm. Tuy nhiên, quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ phá đổ và đánh hạ những điều đó:

… quyền năng của Đức Chúa Trời để phá đổ các thành lũy, đánh hạ các lý luận và mọi sự kiêu căng chống lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời (c. 4-5, BHĐ)

Tiếp tục dùng hình ảnh quân sự trong lý luận của mình, Phao-lô viết:

bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ (c. 5b)

Làm tôi nghĩa là “bắt làm tù binh.” Ông cho thấy quyền năng của Đức Chúa Trời chẳng những phá đổ thành lũy nhưng cũng bắt mọi suy nghĩ của con người thuận phục Chúa: “buộc mọi ý tưởng phải thuận phục Đấng Christ” (BHĐ), nghĩa là quyền năng của Đức Chúa Trời chẳng những phá đổ lập luận của con người nhưng cũng khiến người ta quy phục Tin Lành của Đấng Christ (Rô-ma 1:16, 5).

Câu 6 nhắc lại ý của câu 2, hàm ý Phao-lô sẵn sàng “sửa trị những người bất phục” (BHĐ) là các sứ đồ giả (11:13). Khi anh em đã chịu lụy trọn rồi (c. 6b) nghĩa là “một khi anh em đã hoàn toàn thuận phục” (BHĐ) hàm ý là lúc người Cô-rinh-tô vâng lời, đứng cùng một phía với Phao-lô.

Tiếp tục lý luận với người Cô-rinh-tô về các sứ đồ giả (11:13), những người giảng Tin Lành khác (11:4), Phao-lô viết:

Anh em cứ xem bề ngoài sao? Bằng có ai quyết mình thuộc về Đấng Christ, hãy ngẫm nghĩ rằng nếu người thuộc về Đấng Christ, thì chúng tôi cũng thuộc về Ngài (c. 7)

Người Cô-rinh-tô có khuynh hướng xét người theo bề ngoài, họ nghe lời những sứ đồ giả nói rằng họ thuộc về Đấng Christ (c. 7a).  Thuộc về Đấng Christ nghĩa là làm đầy tớ và sứ đồ của Chúa. Bằng có ai quyết mình thuộc về Đấng Christ (c. 7a) hàm ý rằng đó là những người cho rằng họ thuộc về Đấng Christ, họ nói như vậy, bề ngoài của họ là như vậy. Do đó, Phao-lô nhắc cho người Cô-rinh-tô nhớ rằng ông và các bạn cũng vậy: Chúng tôi cũng thuộc về Ngài (c. 7b).

Trong phần bênh vực chức vụ sứ đồ (Chương 10-13) chúng ta thấy Phao-lô dùng chữ khoe mình rất nhiều. Ông rất ngại và cảm thấy như dại dột, điên rồ khi khoe mình như vậy (11:16-18). Tuy nhiên, Phao-lô thấy rằng ông phải khoe mình để người Cô-rinh-tô thấy, nếu không, họ sẽ cứ xem bề ngoài và đi theo các sứ đồ giả, chống lại Phao-lô. Trước hết, Phao-lô nói rằng:

Dầu khi tôi khoe mình khí quá về quyền phép Chúa đã ban cho chúng tôi, để gây dựng anh em, chớ chẳng phải để hủy diệt, thì tôi sẽ không hổ thẹn (c. 8)

Khí quá nghĩa là hơi nhiều, hơi quá:

Ngay cả khi chúng tôi có tự hào hơi thái quá về uy quyền Chúa ban cho chúng tôi (c. 8a, BHĐ)

Từ đầu (c. 1-7) Phao-lô nhấn mạnh về thẩm quyền sứ đồ của ông:

·      Sự dạn dĩ mà tôi toan dùng nghịch cùng mấy kẻ kia (c. 2)

·      Chúng tôi sẵn sàng phạt mọi kẻ chẳng phục (c. 6)

Mục đích Phao-lô sử dụng thẩm quyền nầy là “để xây dựng chứ không phải để phá đổ (BHĐ). Phao-lô ngại phải khoe mình và sử dụng thẩm quyền sứ đồ nhưng ông không xấu hổ khi làm như vậy (c. 8b) vì ông làm với mục đích xây dựng.

Phao-lô nói thêm:

Tôi chẳng muốn làm bộ dọa anh em bằng thơ từ của tôi (c. 9)

Sở dĩ ông nói như vậy là vì:

Có người nói rằng các thơ của người nặng lời và bạo mạnh nhưng đến khi có mặt thì người yếu đuối và lời nói chẳng có giá gì (c. 10)

Do đó, Phao-lô xác định:

Kẻ nói như vậy, hãy nghĩ rằng khi chúng tôi vắng mặt, lời trong thơ thể nào, thì khi có mặt, việc làm cũng thể ấy (c. 11)

Ý của Phao-lô là, ông sẽ làm điều ông đã nói: Chúng tôi sẵn sàng phạt mọi kẻ chẳng phục (c. 6) chứ không phải chỉ là lời dọa nạt.