Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 25

11:1-6 TÔI ĐÃ GẢ ANH EM CHO MỘT CHỒNG MÀ THÔI!

1 Ôi! Chớ chi anh em dung chịu sự rồ dại của tôi một ít! Phải, anh em nên dung chịu. 2 Vì về anh em, tôi rất sốt sắng như sự sốt sắng của Đức Chúa Trời, bởi tôi đã gả anh em cho một chồng mà thôi, dâng anh em như người trinh nữ tinh sạch cho Đấng Christ. 3 Nhưng tôi ngại rằng như xưa Ê-va bị cám dỗ bởi mưu chước con rắn kia, thì ý tưởng anh em cũng hư đi mà dời đổi lòng thật thà tinh sạch đối với Đấng Christ chăng. 4 Vì nếu có người đến giảng cho anh em một Jêsus khác với Jêsus chúng tôi đã giảng, hoặc anh em nhận một Thánh Linh khác với Thánh Linh anh em đã nhận, hoặc được một Tin Lành khác với Tin Lành anh em đã được, thì anh em chắc dung chịu! 5 Nhưng tôi tưởng rằng dầu các sứ đồ ấy tôn trọng đến đâu, tôi cũng chẳng thua kém chút nào. 6 Về lời nói, tôi dầu là người thường, nhưng về sự thông biết, tôi chẳng phải là người thường: đối với anh em, chúng tôi đã tỏ điều đó ra giữa mọi người và trong mọi sự.

 

1. Chữ được nhắc lại trong các câu 11:1, 16-17, 21; 12:11 là chữ gì? Tại sao Phao-lô nói như vậy?

2. “Dung chịu sự rồ dại” (c. 1) nghĩa là gì? Phao-lô muốn nói điều gì trong câu nầy?

3. Phao-lô dùng hình ảnh gì để mô tả mối quan hệ của tín đồ Cô-rinh-tô với Đấng Christ (c. 2)? Nhằm nói lên điều gì?

4. Theo Phao-lô, điểm giống nhau giữa Ê-va và tín đồ Cô-rinh-tô là gì (c. 3)? Áp dụng cho chúng ta như thế nào?

 5. Phao-lô ngụ ý điều gì trong câu 4?

6. Xin cho biết ý của Phao-lô trong câu 6.

 

II Cô-rinh-tô 11:16 – 12:13 thường được gọi là phân đoạn Phao-lô nói về sự rồ dại hay dại dột của ông (c. 16-17, 21; 12:11). Phao-lô kể mình như dại dột vì trong phân đoạn nầy ông nói rất nhiều về chính mình (khoe mình). Ông không muốn làm như vậy nhưng vì thấy người Cô-rinh-tô nhẹ dạ (c. 3-4), tin tưởng và đi theo các sứ đồ giả mới đến với Hội Thánh (c. 13). Do đó, ông muốn người Cô-rinh-tô thấy rằng ông vượt hẳn các sứ đồ giả là người luôn tự phụ và khoe mình. Tuy nhiên, Phao-lô không thoải mái khi phải nói về mình như vậy nên ông kể đây là lời của kẻ dại dột, nói là phải nói vậy thôi.

Trong ý hướng đó, Phao-lô viết:

Ôi! Chớ chi anh em dung chịu sự rồ dại của tôi một ít! Phải, anh em nên dung chịu (c. 1)

Dung chịu nghĩa là “chịu đựng” (BHĐ) hay chấp nhận. Ý của Phao-lô là: xin anh chị em chịu khó nghe những lời có vẻ như là lời điên dại tôi sắp nói. Dầu viết như vậy nhưng đến câu 16 ông mới bắt đầu nói những lời ông cho là điên dại. Trong câu 2-15, Phao-lô nói về hai điều:

1. Tính nhẹ dạ của người Cô-rinh-tô (c. 2-6).

2. Giải thích lý do Phao-lô không nhận trợ cấp của người Cô-rinh-tô (c. 7-15)

Chúng ta biết tính nhẹ dạ, dễ tin theo người khác của người Cô-rinh-tô qua câu 4:

Nếu có người đến giảng cho anh em một Giê-xu khác với Giê-xu chúng tôi đã giảng, hoặc anh em nhận một Thánh Linh khác với Thánh Linh anh em đã nhận, hoặc được một Tin Lành khác với Tin Lành anh em đã được, thì anh em chắc dung chịu (c. 4)

Phao-lô dùng chữ dung chịu ở đây như trong câu 1 nhằm gián tiếp nhắn với người Cô-rinh-tô rằng, nếu họ dung chịu (chấp nhận) các sứ đồ giả (c. 4, 13) thì họ cũng nên chấp nhận tính cách “điên dại” của ông (c. 1). Vì tính nhẹ dạ của người Cô-rinh-tô, ông lo cho họ:

Tôi ngại rằng như xưa Ê-va bị cám dỗ bởi mưu chước con rắn kia, thì ý tưởng anh em cũng hư đi, mà dời đổi lòng thật thà tinh sạch đối với Đấng Christ chăng (c. 3)

Trước đó, Phao-lô dùng hình ảnh cô dâu để mô tả mối quan hệ của tín đồ Cô-rinh-tô với Chúa Giê-xu:

Về anh em, tôi rất sốt sắng như sự sốt sắng của Đức Chúa Trời, bởi tôi đã gả anh em cho một chồng mà thôi, dâng anh em như người trinh nữ tinh sạch cho Đấng Christ (c. 2)

Chúa Giê-xu là người chồng và Hội Thánh là cô dâu, đây là hình ảnh Phao-lô dùng trong Ê-phê-sô 5:22-33. Đây cũng là hình ảnh trong Cựu Ước (Ô-sê 2:19-20). Ý của Phao-lô trong câu 2 dựa trên tiến trình hôn nhân trong thời Phao-lô. “Hôn nhân bao gồm hai lễ: đính hôn và thành hôn. Thời gian giữa hai lễ nầy khoảng một năm. Dù chỉ là hứa hôn nhưng trong khoảng thời gian nầy, người vợ hứa được coi như vợ chính thức trước mặt pháp luật dù vẫn sống đồng trinh. Giao ước hôn nhân trong thời kỳ nầy được tôn trọng triệt để, chỉ có thể hủy bỏ vì cái chết hay chính thức ly dị. Không giữ lời hứa hôn hay trinh tiết người vợ hứa bị xâm phạm sẽ bị kể là gian dâm và chịu hình phạt tương xứng” (Kruse trích tác giả Batey). Câu chuyện Ma-ri/Giô-sép là ví dụ rõ ràng về điều nầy (Ma-thi-ơ 1:18-20).

Trong hình ảnh nầy, Phao-lô coi mình là cha của người vợ hứa (Hội Thánh Cô-rinh-tô) và ông có bổn phận trình cô dâu trong trắng đó (người trinh nữ tinh sạch, c. 2b) cho Chúa Giê-xu khi Ngài tái lâm (Ê-phê-sô 5:27; Cô-lô-se 1:22). Nếu bây giờ người Cô-rinh-tô tin theo các sứ đồ giả, Phao-lô nói: Thì ý tưởng anh em cũng hư đi mà dời đổi lòng thật thà tinh sạch đối với Đấng Christ (c. 3b). Đây là điều đã xảy ra cho Ê-va khi bị ma quỷ cám dỗ và phạm tội với Đức Chúa Trời.

Hai chữ quan trọng trong câu nầy là mưu chướcý tưởng. Tương tự như trường hợp của Ê-va, nguy cơ của người Cô-rinh-tô là bị ma quỷ lừa dối (“mưu mô lừa dối,” BHĐ) và chỗ ma quỷ lừa dối Ê-va là ý tưởng (“tư tưởng,” BHĐ). Điều Phao-lô quan tâm cho người Cô-rinh-tô là tư tưởng của họ bị lừa dối. Hình ảnh Phao-lô dùng là người trinh nữ tinh sạch (c. 2b) nhưng đây không phải là vấn đề đạo đức nhưng là tư tưởng sai lạc. Tư tưởng sai lạc đó liên quan đến niềm tin của họ. Đây là niềm tin về Chúa Giê-xu, về Chúa Thánh Linh và Phúc Âm (c. 4). Các sứ đồ giả (c. 13) chắc hẳn đã rao truyền các tín lý về Chúa Giê-xu, về Đức Thánh Linh và về Phúc Âm khác với điều Phao-lô dạy (xem Ga-la-ti 1:6-9).

Phao-lô nói về các sứ đồ giả nầy như sau:

Tôi tưởng rằng dầu các sứ đồ ấy tôn trọng đến đâu, tôi cũng chẳng thua kém chút nào (c. 5)

Các sứ đồ ấysứ đồ giả, mạo chức sứ đồ (c. 13). Đây là những người dạy sai lầm nhưng người Cô-rinh-tô khâm phục vì tài ăn nói của họ (đối chiếu với Phao-lô là người thường về lời nói, c. 6a). Vì vậy, Phao-lô cho người Cô-rinh-tô biết dù người ta tôn trọng những người đó đến đâu, họ không thể nào sánh với Phao-lô (c. 5b). Lý do là:

Về lời nói, tôi dầu là người thường, nhưng về sự thông biết, tôi chẳng phải là người thường: đối với anh em, chúng tôi đã tỏ điều đó ra giữa mọi người và trong mọi sự (c. 6)

Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau:

Lời nói của tôi có thể kém trôi chảy, nhưng tri thức thì không kém đâu. Tôi đã tỏ rõ điều nầy trong mọi trường hợp và giữa mọi người (c. 6, BHĐ)

Sự thông biết (tri thức) nói đến mầu nhiệm của Phúc Âm (Ê-phê-sô 1:9; 3:1-6; Cô-lô-se 1:26-27) mà Phao-lô nhận được qua mạc khải đặc biệt của Chúa (Ê-phê-sô 3:2-3).

Như vậy, đối với tính nhẹ dạ, dễ tin người của tín hữu Cô-rinh-tô, Phao-lô bày tỏ mối lo ngại về việc họ bị ma quỷ lừa dối (c. 3). Ông nhắc cho họ nhớ họ là người vợ hứa tinh sạch của Đấng Christ (c. 2) và dù ông không có tài hùng biện nhưng có Phúc Âm chân chính của Đức Chúa Trời (c. 6a).