Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

1:8-11 KỀ BÊN CÁI CHẾT

8 Vả, hỡi anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng biết sự khốn nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong xứ A-si và chúng tôi đã bị đè nén quá chừng, quá sức mình, đến nỗi mất lòng trông cậy giữ sự sống. 9 Chúng tôi lại hình như đã nhận án xử tử, hầu cho chúng tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại. 

10 Ấy chính Ngài đã cứu chúng tôi khỏi sự chết lớn dường ấy, và sẽ cứu chúng tôi. Phải, chúng tôi còn mong Ngài sẽ cứu chúng tôi nữa! 11 Chính anh em lấy lời cầu nguyện mà giúp đỡ chúng tôi, hầu cho chúng tôi nhờ nhiều người cầu nguyện mà được ơn, thì cũng nên dịp cho nhiều người vì cớ chúng tôi mà tạ ơn nữa.

 

1. Phao-lô muốn nói điều gì khi ông viết: “Sự khốn nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong xứ A-si” (c. 8a)?

2. “Bị đè nén quá chừng , quá sức mình, đến nỗi mất lòng trông cậy sự sống” (c. 8b) nói lên điều gì?

3. “Hình như đã nhận án xử tử” (c. 9a) nghĩa là thế nào?

4. Câu 11 dạy chúng ta điều vì về cầu nguyện? Áp dụng như thế nào?

 

Hoạn nạn Phao-lô phải trải qua (c. 4) được mô tả như sau:

Vả, hỡi anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng biết sự khốn nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong xứ A-si và chúng tôi đã bị đè nén quá chừng, quá sức mình, đến nỗi mất lòng trông cậy giữ sự sống (c. 8)

Xứ A-si là đơn vị hành chánh của người La-mã, còn gọi là Tiểu Á, thuộc Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Ê-phê-sô là thủ phủ của vùng nầy. Sự khốn nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong xứ A-si có thể là sự việc tại Ê-phê-sô (Công vụ 19:23-41) hay tại Trô-ách (2:12-13). Phao-lô mô tả hoạn nạn nầy là chúng tôi đã bị đè nén quá chừng, quá sức mình, đến nỗi mất lòng trông cậy giữ sự sống (c. 8b). Chúng ta không rõ chi tiết hoạn nạn nầy là gì nhưng đây là kinh nghiệm quá sức chịu đựng của Phao-lô và các bạn. Ông còn nói:

Chúng tôi lại hình như đã nhận án xử tử, hầu cho chúng tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại (c. 9)

Đây là kinh nghiệm kề bên cái chết. Nhận án xử tử nghĩa là bị lên án tử hình và lời xin ân xá bị khước từ. Hoàn cảnh của Phao-lô giống như vậy, đến nỗi hy vọng duy nhất của ông là sự sống lại: Chúng tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại (c. 9b).

Điểm chính của Phao-lô trong phần nầy là, cho tín hữu Cô-rinh-tô thấy rằng Đức Chúa Trời đã cứu ông ra ra khỏi hoạn nạn kề bên cái chết và lời cầu thay của họ là điều cần thiết:

Chính Ngài đã giải cứu chúng tôi khỏi cái chết khủng khiếp như thế. Ngài đang giải cứu chúng tôi và chúng tôi hi vọng Ngài sẽ tiếp tục giải cứu chúng tôi. Anh em cũng hãy hỗ trợ chúng tôi bằng lời cầu nguyện, để nhờ lời cầu nguyện của nhiều người mà chúng tôi nhận được ơn và qua đó, nhiều người sẽ vì chúng tôi mà dâng lời cảm tạ (c. 10-11, BHĐ)