Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

1:15-23 LỜI CẦU NGUYỆN I

15 Vậy nên, sau khi tôi có nghe đức tin anh em hướng về Đức Chúa Jêsus và tình yêu thương đối với các thánh đồ, 16 thì tôi vì anh em cảm tạ không thôi, thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện. 17 Tôi cầu Đức Chúa Trời của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha vinh hiển, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài, 18 lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao 19 và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào, y theo phép tối thượng của năng lực mình 20 mà Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời, 21 cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế lực, mọi quân chủ cùng mọi danh vang ra, không những trong đời nầy, mà cũng trong đời hầu đến nữa. 22 Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội Thánh. 23 Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, tức là sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài.

 

1. Hai điều Phao-lô nghe về người Ê-phê-sô (c. 15) là gì? Nói lên điều gì?

2. Phao-lô cầu nguyện điều gì cho người Ê-phê-sô (c. 17)? Cho mục đích gì?

3. “Nhận biết” Chúa (c. 17b) nghĩa là thế nào?

4. “Con mắt của lòng” (c. 18a) chỉ về điều gì?

5. Xin giải thích những cụm từ:

o  “Điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài” (c. 18b)

o  “Sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ” (c. 18c)

o  “Quyền vô hạn của Ngài đối với chúng ta” (c. 18a)

5. “Phép tối thượng của năng lực mình” (c. 18b) nói về điều gì?

6. Xin cho biết tầm quan trọng của sự phục sinh qua câu 20.

7. Xin giải thích những chữ: “quyền, phép, thế lực, quân chủ” và “danh” (c. 21a).

8. “Hội Thánh là thân thể Đấng Christ” (c. 23a) mang ý nghĩa gì?

9. “Sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài” (c. 23b) nghĩa là thế nào?

 

Các lá thư của Phao-lô thường bắt đầu với lời tạ ơn hay ca ngợi và tiếp theo là lời cầu nguyện. Thư Ê-phê-sô cũng theo khuôn mẫu đó, sau khi ca ngợi Đức Chúa Trời (c. 3-14), ông cầu nguyện cho Hội Thánh Ê-phê-sô (c. 17-23). Phần cầu nguyện bắt đầu như sau:

Vậy nên, sau khi tôi có nghe đức tin anh em hướng về Đức Chúa Jêsus và tình yêu thương đối với các thánh đồ, thì tôi vì anh em cảm tạ không thôi, thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện (c. 15-16)

Hai điều Phao-lô được nghe về người Ê-phê-sô là đức tintình yêu thương của họ (c. 15a). Đức tin hướng về Chúa còn tình yêu thương thì đối với các thánh đồ. Đây là hai mối quan hệ căn bản của người tin Chúa: với Chúa và với nhau, cũng là tóm tắt điều răn của Chúa (Ma-thi-ơ 22:37-39). Biết về người Ê-phê-sô như vậy, Phao-lô cảm tạ Chúa và cầu nguyện cho họ (c. 16).

Lời cầu nguyện bắt đầu như sau:

Tôi cầu Đức Chúa Trời của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha vinh hiển, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài (c. 17)

Phao-lô gọi Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta (c. 17a). Đây là câu tương tự như: “Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, của Y-sác và của Gia-cốp” trong Cựu Ước. Lời cầu nguyện trong Cựu Ước nhấn mạnh đến lời hứa của Đức Chúa Trời với tổ phụ người Do-thái còn Đức Chúa Trời của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta nhấn mạnh đến ơn cứu rỗi của Ngài qua Chúa Giê-xu.

Vinh hiển của Đức Chúa Trời là điều Phao-lô đã nói đến trong lời ngợi khen (c. 6, 12, 14). Gọi Đức Chúa Trời là Cha vinh hiển trong lời cầu nguyện nói đến tính cách cao trọng của Đức Chúa Trời trong bản chất và việc làm của Ngài.

Phao-lô cầu nguyện cho người Ê-phê-sô được thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra (c. 17b). Thần trí (pneuma) trong câu nầy không chỉ về Đức Thánh Linh nhưng nói đến tâm trí của người Ê-phê-sô (qua quyền năng của Đức Thánh Linh). Khôn sáng là khôn ngoan và sự tỏ ra nói đến mạc khải từ Đức Chúa Trời. Ý của Phao-lô là xin Chúa ban cho người Ê-phê-sô “sự khôn ngoan thuộc linh và cái nhìn sâu sắc đến từ Chúa” (J. B. Phillips). Mục đích của lời cầu xin nầy là để nhận biết Ngài (c. 17c). Nhận biết mang ý nghĩa kinh nghiệm riêng tư với Chúa, không phải chỉ hiểu biết bằng tâm trí (Phi-líp 3:10) và đây là một kinh nghiệm tiệm tiến, ngày càng gia tăng (bản dịch NET).

Phao-lô giải thích thêm về sự hiểu biết nầy:

Lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào (c. 18-19a)

Con mắt của lòng anh em (c. 18a) nói đến sự soi sáng trong tâm hồn, nhận thức từ bên trong. Con mắt của lòng cần được soi sáng (khai sáng) mới có thể biết chân lý của Đức Chúa Trời. Những điều mà con mắt của lòng nhận biết khi đã được khai sáng là:

(1) Điều trông cậy về sự kêu gọi (c. 18b) nói đến hy vọng của người tin Chúa. Phao-lô nói đến hy vọng nầy trong câu 10 với ý niệm cứu chuộc toàn vẹn (Rô-ma 8:23).

(2) Sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển (c. 18c) nói đến điều mà người tin Chúa sẽ thừa hưởng (Cô-lô-se 1:12; I Phi-e-rơ 1:4-5).

(3) Quyền vô hạn của Ngài (c. 18d) nói đến “quyền năng vĩ đại không dò lường được” của Đức Chúa Trời (BHĐ). Với quyền năng nầy, Phao-lô viết:

Y theo phép tối thượng của năng lực mình mà Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời, cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế lực, mọi quân chủ cùng mọi danh vang ra, không những trong đời nầy, mà cũng trong đời hầu đến nữa (c. 19b-21)

Y theo phép tối thượng của năng lực mình nghĩa là “theo sự tác động của quyền năng siêu việt của Ngài” (BHĐ). Sau khi nói về quyền năng của Đức Chúa Trời (c. 18d) Phao-lô cho thấy quyền năng đó thể hiện trong:

(1) Sự phục sinh của Chúa Giê-xu:

Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại (c. 20a)

Giáo lý phục sinh là căn bản của Phúc Âm, nói lên quyền năng của Đức Chúa Trời vì chỉ một mình Đức Chúa Trời là Đấng ban sự sống mới có thể khiến người chết sống lại. Đây là bằng chứng về thần tính của Chúa Giê-xu (Rô-ma 1:4).

(2) Quyền cai trị của Chúa Giê-xu:

Làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời, cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế lực, mọi quân chủ cùng mọi danh vang ra, không những trong đời nầy, mà cũng trong đời hầu đến nữa (c. 20b-21)

Bên hữu là vị trí của quyền lực và chiến thắng (Xuất 15:6; Thi thiên 89:13; Ê-sai 41:10; 48:13). Chúa Giê-xu ngồi bên hữu Đức Chúa Trời nghĩa là Ngài chia sẻ danh dự và vinh quang với Đức Chúa Cha.

Quyền, phép, thế lực, quân chủ là những danh hiệu chỉ về các cấp bậc thiên sứ (thiện và ác – 6:12a). Để không thiếu sót, Phao-lô viết: Cùng MỌI DANH vang ra và: Không những trong đời nầy, mà cũng trong đời hầu đến nữa (c. 21b). Điều nầy cho thấy uy quyền của Chúa Giê-xu vượt lên trên tất cả, thế giới vật chất, thế giới thần linh, hiện tại và tương lai.

(3) Vị trí của Chúa Giê-xu trên Hội Thánh:

Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội Thánh (c. 22)

 Trong chương trình sáng tạo, A-đam được ban cho quyền quản trị muôn vật (Sáng 1:28; Thi thiên 8:6). Chúa Giê-xu là A-đam thứ hai (I Cô. 15:45) và muôn vật phục dưới chân Đấng Christ không phải chỉ quản trị như con người nhưng Ngài cầm quyền trên toàn cõi vũ trụ (I Cô. 15:27).

Câu 22 trong Bản Hiệu Đính như sau:

Ngài đã đặt vạn vật dưới chân Đấng Christ và lập Đấng Christ làm đầu mọi sự vì Hội Thánh (BHĐ)

Câu nầy gần với nguyên văn hơn, nhấn mạnh ý nghĩa Đấng Christ làm đầu mọi sự. Đầu mang ý nghĩa cầm quyền, Ngài có thẩm quyền. Thẩm quyền nầy là vì Hội Thánh hay cho Hội Thánh. Thẩm quyền của Hội Thánh đến từ Chúa Giê-xu.

Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ (c. 23a) mang ý nghĩa chúng ta tùy thuộc nơi Chúa, Chúa là sự sống của Hội Thánh. Hội Thánh được gọi là sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài cho thấy Hội Thánh là kết quả tối hậu của chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Qua Hội Thánh mà người ta thấy rõ Chúa Giê-xu và những gì Ngài đã làm (3:10). Hội Thánh thể hiện sự đầy đủ của Chúa nhưng Ngài cũng là Đấng làm cho đầy đủ: Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài (c. 23b). Chúa Giê-xu vừa là sự đầy đủ, vừa là Đấng làm cho đầy đủ.

Lời cầu nguyện của Phao-lô cho thấy điều quan trọng nhất trong đời sống người tin Chúa là chúng ta phải thật sự nhận biết Chúa về những gì Ngài đã làm cho chúng ta, đặc biệt là ơn cứu rỗi qua Chúa Giê-xu. Cao điểm của ơn cứu rỗi là Hội Thánh của Chúa, tức là mỗi người chúng ta. Qua đó, người khác biết được Chúa Giê-xu và ơn lành của Ngài.