Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 10

4:1-3 ĂN Ở XỨNG ĐÁNG VỚI CHỨC PHẬN

1 Vậy, tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, 2 phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chiều nhau, 3 dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.

 

1. “Ăn ở một cách xứng đáng với chức phận” (c. 1) nghĩa là thế nào?

2. “Đến điều” (c. 2a) nghĩa là thế nào?

3. Hai mạng lệnh trong câu 2-3 là:

(1) “Lấy lòng thương yêu mà chiều nhau” (c. 2b)

(2) “Giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh” (c. 3)

Xin giải thích mỗi mạng lệnh.

 

Những lá thư của sứ đồ Phao-lô thường gồm hai phần: lý thuyết và thực hành hay giáo lý và sống đạo. Ê-phê-sô 1-3 là khía cạnh thần học về Hội Thánh, các chương còn lại là hình ảnh của Hội Thánh trong trần gian, hoạt động và thể hiện như thế nào. Dù là phần thực hành nhưng một số vấn đề thần học vẫn được nhắc đến để làm nền tảng (4:4-13; 6:10-13).

Phao-lô bắt đầu phần thực hành với chữ vậy (c. 1a) hàm ý bao gồm tất cả những điều đã nói trong ba chương đầu: ân sủng cứu rỗi của Chúa, việc Ngài kết hợp mọi dân tộc vào nhân loại mới và thiết lập Hội Thánh của Ngài. Bây giờ Hội Thánh đó sẽ sống và hoạt động như thế nào.

Trước hết là lời khuyên hiệp một (c. 1-4). Trong lời khuyên nầy, Phao-lô cho thấy nền tảng của sự hiệp một là: Ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em (c. 1b). Ăn ở trong nguyên văn là “bước đi,” nói đến nếp sống hàng ngày. Chức phận là tiếng gọi hay “sự kêu gọi” (BHĐ). Tin Chúa là chúng ta đi theo một tiếng gọi và sống với tiếng gọi đó. Đức Chúa Trời đã chọn và gọi chúng ta làm con của Ngài (1:4; Rô-ma 8:30). Sống đời sống của người tin Chúa là sống theo tiếng gọi đó nên chúng ta phải sống xứng đáng, phù hợp với sự kêu gọi của Ngài:

Tôi nài khuyên anh em hãy sống một đời sống xứng đáng với sự kêu gọi mà Chúa đã kêu gọi anh em (c. 1, BHĐ)

Phao-lô cho thấy, sống xứng đáng với tiếng gọi là:

Phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chiều nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh (c. 2-3)

Hai mạng lệnh trong câu nầy là:

1. Lấy lòng thương yêu mà chiều nhau.

2. Giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.

Để có thể lấy lòng thương yêu mà chiều nhau, Phao-lô nói: Phải khiêm nhường, mềm mại và nhịn nhục. Đến điều nghĩa là “hết sức”: “Phải hết sức khiêm nhu, mềm mại và nhẫn nhục” (BHĐ). Khiêm nhu, mềm mại và nhẫn nhục đều là đặc tính của tình yêu thương. Tình yêu thương giúp chúng ta có thể chiều nhau. Chiều mang ý nghĩa chịu đựng hay chấp nhận, tha thứ lỗi lầm và chấp nhận tính khí của những người chung quanh chúng ta.

Sự hiệp một của Thánh Linh là điều đã có, Phao-lô khuyên phải giữ gìn (“duy trì,” BHĐ), đừng để sự hiệp một đó tan rã. Yếu tố để duy trì hiệp một là dây hòa bình (c. 3a). Dây hòa bình nói đến mối dây liên kết người tin Chúa với nhau. Đây là mối dây đặt căn bản trên sự bình an (hòa bình) mà Chúa đã kết nối chúng ta với nhau (2:14). Theo John Stott, lời khuyên nầy hàm ý người trong Hội Thánh phải bày tỏ sự hiệp một để người ngoài thấy được sự hiệp một đó.