Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

5:1-7 KẺ BẮT CHƯỚC ĐỨC CHÚA TRỜI

1 Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài. 2 Hãy bước đi trong sự yêu thương, cũng như Đấng Christ đã yêu thương anh em và vì chúng ta phó chính mình Ngài cho Đức Chúa Trời làm của dâng và của tế lễ, như một thức hương có mùi thơm. 

3 Phàm những sự gian dâm, hoặc sự ô uế, hoặc sự tham lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng đáng cho các thánh đồ. 4 Chớ nói lời tục tỉu, chớ giễu cợt, chớ giả ngộ tầm phào, là những điều không đáng, nhưng thà cảm tạ ơn Chúa thì hơn. 5 Vì anh em phải biết rõ rằng kẻ gian dâm, ô uế, tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không một kẻ nào được dự phần kế nghiệp của nước Đấng Christ và Đức Chúa Trời. 6 Đừng để cho ai lấy lời giả trá phỉnh dỗ anh em, vì ấy là nhân những điều đó mà cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên các con bạn nghịch. 7 Vậy, chớ có thông đồng điều chi với họ hết.

1. Phao-lô khuyên: “Hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời” (c. 1a). Thế nào là “kẻ bắt chước Đức Chúa Trời”?

2. Theo câu 2, làm gì để “trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời”?

3. “Bước đi trong sự yêu thương” (c. 2a) là làm gì?

4. Tại sao “gian dâm, ô uế, tham lam” là những điều “không nên nói đến” (c. 3a)? “Cách xứng đáng cho các thánh đồ” (c. 3b) nghĩa là thế nào?

5. Thay vì “tục tỉu, giễu cợt, giả ngộ tầm phào” (c. 4a), chúng ta nên làm gì? Tại sao?

6. Tại sao “tham lam” tương đương với “thờ hình tượng” (c. 5a)?

7. “Thông đồng” (c. 7) nghĩa là gì?

 

Những chữ vậy trong 4:1; 17 và 5:1 nhằm ôn lại những gì đã nói trước đó và nhấn mạnh trong phần tiếp theo. Trong phần áp dụng (4:1-6:9), sau mỗi chữ vậy là những lời khuyên sống đạo, dành cho tín hữu. Phao-lô nhắc lại ý của 4:32 và phát triển ý tưởng nầy:

Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài (c. 1)

Bắt chước Đức Chúa Trời mang ý nghĩa trở nên giống như Chúa, phản ánh đặc tính của Đức Chúa Trời cho mọi người đều thấy. Như con cái rất yêu dấu của Ngài hàm ý là làm con thì phải giống cha (“Cha nào con nấy”). Chúng ta phải sống như con cái rất yêu dấu của Ngài.  Sống giống như Chúa là sống nhân từ, thương xót, tha thứ (4:32) và sống yêu thương (c. 2). Phao-lô kêu gọi con cái Chúa bắt chước ông vì ông đã bắt chước Chúa (I Cô. 11:1; I Tê. 1:6). Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết, người tin Chúa có thể “dự phần bản tính Đức Chúa Trời” (II Phi. 1:4). Lời kêu gọi trở nên giống như Chúa bắt nguồn từ Cựu Ước: “Hãy nên thánh vì Ta… là thánh” (Lê-vi ký 19:2). Chúa Giê-xu nhắc lại chân lý nầy trong Bài Giảng Trên Núi (Ma-thi-ơ 5:44-45). Là con của Chúa, chúng ta phải giống Chúa, phản ánh hình ảnh của Cha mình trên trần gian nầy.

Tiếp theo lời khuyên: Hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời là lời khuyên: Hãy bước đi trong sự yêu thương (c. 2). Bước đi theo lối nói của người Do-thái có nghĩa là sống: “Hãy sống yêu thương!” Mẫu mực yêu thương chúng ta phải noi theo để sống là Chúa Giê-xu:

… cũng như Đấng Christ đã yêu thương anh em và vì chúng ta phó chính mình Ngài cho Đức Chúa Trời làm của dâng và của tế lễ, như một thức hương có mùi thơm (c. 2b)

Tình yêu Chúa dành cho chúng ta là tình yêu hy sinh: Vì chúng ta phó chính mình Ngài. Đây nói đến cái chết đền tội  cho chúng ta trên thập tự giá. Phao-lô gọi cái chết đó là của dângcủa tế lễ. Của dâng có lẽ nhấn mạnh đến sự vâng phục của Chúa Giê-xu, sẵn sàng dâng hiến và của tế lễ nhấn mạnh đến sự chết của Ngài trên thập tự giá. Như một thức hương có mùi thơm mang ý nghĩa được Đức Chúa Trời chấp nhận. Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá là điều ghê gớm nhưng được Đức Chúa Trời chấp nhận, để qua đó chúng ta được cứu rỗi. Sự hy sinh của Chúa trên thập giá đem lại ơn phước cho chúng ta. Khi sống yêu thương, với tinh thần hy sinh như Chúa Giê-xu, chúng ta cũng đem lại lợi ích cho người khác như vậy và điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Đối chiếu với đời sống bắt chước Đức Chúa Trời là đời sống tội lỗi của trần gian. Ba điều đầu tiên Phao-lô nói đến là gian dâm, ô uếtham lam:

Phàm những sự gian dâm, hoặc sự ô uế, hoặc sự tham lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng đáng cho các thánh đồ (c. 3)

 

 

Gian dâm (porneia) nói đến mọi hình thức vô đạo đức về phương diện tình dục, bao gồm mọi hình thức tình dục bất chính ngoài hôn nhân, không phải chỉ ngoại tình.

Ô uế (akatharsia) chỉ về mọi hành vi vô đạo, ngược lại ý muốn của Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết (“bất khiết,” BHĐ).

Tham lam (pleonexia) nói đến việc dùng thủ đoạn để đoạt lấy của cải người khác về cho mình.

Nói đến hay chỉ nhắc đến những điều nầy cũng đã là điều bất xứng cho người tin Chúa vì người tin Chúa là thánh đồ, đã được biệt riêng khỏi trần gian tội lỗi:

Còn sự gian dâm và mọi điều bất khiết, hoặc tham lam, thì không được nói đến giữa anh em, như vậy mới xứng đáng là các thánh đồ (c. 3, BHĐ)

Lời khuyên tiếp theo liên quan đến việc sử dụng lời nói (qua những chữ chớ nên nói đến, c. 3):

Chớ nói lời tục tỉu, chớ giễu cợt, chớ giả ngộ tầm phào, là những điều không đáng, nhưng thà cảm tạ ơn Chúa thì hơn (c. 4)

Tội lỗi chẳng những liên quan đến những gì chúng ta làm (gian dâm, ô uế, tham lam) nhưng cũng là những điều chúng ta nói:

Tục tĩu là thô tục, bẩn thỉu nói chung, không phải chỉ trong lời nói (khác với chữ được dùng trong Cô-lô-se 3:8 nói về tục tĩu trong lời nói).

Giễu cợt là những lời nói vô nghĩa, không đem lại ích lợi. Tác giả Best gọi đó là “ngôn ngữ của kẻ dại” (Bock trích Best, trang 149). Giễu cợt cũng mang ý nghĩa bất kính.

Giả ngộ tầm phào là đùa cợt bằng những lời nói thô bỉ, bẩn thỉu.

Thay vì nói những lời như vậy, Phao-lô viết:

Đừng nói những lời tục tĩu, nhảm nhí, thô bỉ, là những điều không thích hợp, tốt hơn nên dâng lời cảm tạ Chúa (c. 4, BHĐ)

Lời cảm tạ dâng lên cho Chúa là phương thuốc chữa trị những lối nói xấu xa bẩn thỉu. Phao-lô cho thấy, những hành động gian dâm, bất khiết, tham lam (c. 3) và những lời nói tục tĩu, nhảm nhí, thô bỉ (c. 4) tất cả đều không xứng hợp với người tin Chúa.

Phao-lô nhắc lại những tội trong câu 3 và nhấn mạnh:

Anh em phải biết rõ rằng kẻ gian dâm, ô uế, tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không một kẻ nào được dự phần kế nghiệp của nước Đấng Christ và Đức Chúa Trời (c. 5)

Dự phần kế nghiệp nói đến ơn cứu rỗi, vì vậy những người tiếp tục với lối sống gian dâm, ô uế, tham lam chứng tỏ họ chưa thất sự được cứu. Phao-lô gọi những người tham lam là thờ hình tượng vì đặc điểm của thờ hình tượng là tập trung vào đối tượng mình tôn thờ. Người tham lam là người tập trung vào chính mình, chỉ biết có mình, thu vét cho mình, thờ chính mình. Đó là hình tượng người đó tôn thờ.

Có thể có người cho rằng dù đã tin Chúa nhưng tiếp tục nếp sống cũ cũng không sao nên Phao-lô nghiêm trọng cảnh cáo:

Đừng để cho ai lấy lời giả trá phỉnh dỗ anh em, vì ấy là nhân những điều đó mà cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên các con bạn nghịch (c. 6)

Phao-lô cho thấy chủ trương tiếp tục nếp sống cũ là lời gian trá phỉnh dỗ, đó là “lừa dối” (BHĐ). Thật ra cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, nghĩa là án phạt Chúa dành cho người tội lỗi vẫn không thay đổi. Con bạn nghịch nói đến toàn thể những người chống lại Chúa (“dòng dõi không vâng phục,” BHĐ).

Vì lý do đó, Phao-lô bảo các tín hữu Ê-phê-sô:

Vậy, chớ có thông đồng điều chi với họ hết (c. 7)

Thông đồng nghĩa là liên kết, kể mình làm một, hòa đồng với những con người tội lỗi.

Người tin Chúa (con cái Đức Chúa Trời) và người tội lỗi được phân biệt rõ ràng như ánh sáng với bóng tối (5:8) nên nếp sống của chúng ta phải hoàn toàn khác, không thể sống giống như người đời!