Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 19

6:1-4 CHA MẸ VÀ CON CÁI

1 Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. 2 Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), 3 hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất. 

4 Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó. 

 

1. “Vâng phục cha mẹ mình trong Chúa” nghĩa là thế nào?

2. “Lời hứa nối theo” (c. 2b) là lời hứa gì?

3. Xin kể ra một vài điều cha mẹ có thể “chọc cho con cái mình giận dữ?”

4. Xin cho biết thế nào là “sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa?”

Sau quan hệ vợ chồng (5:21-33), Phao-lô nói đến quan hệ cha mẹ con cái (6:1-4). Đây cũng là mối quan hệ hỗ tương: con cái vâng phục cha mẹ và cha mẹ không làm chọc cho con cái giận.

Điều Răn Thứ Năm trong Cựu Ước là: Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (c. 2a) và cách con cái bày tỏ lòng tôn kính cha mẹ là vâng phục hay vâng lời (c. 1a). Vâng phục hàm ý nghe và làm theo (Ma-thi-ơ 21:28-32). Bổn phận của con cái là nghe và làm theo lời cha mẹ dạy.

Phao-lô viết: Hãy vâng phục cha mẹ mình TRONG CHÚA (c. 1a). Trong Chúa hàm ý vì là con cái của Chúa, thuộc về Chúa, cũng có nghĩa là đẹp lòng Chúa (Cô-lô-se 3:20). Điều đó là phải lắm (c. 1b) nghĩa là đó là điều đúng, nên làm (chữ phải trong nguyên văn là “công chính”). Bản Hiệu Đính dịch: “Vì đây là điều phải lẽ.”

Phao-lô nhắc lại Điều Răn Thứ Năm để hỗ trợ cho lời dạy của ông:

Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất (c. 2-3)

Những chữ: Ấy là điều răn thứ nhất, và: Có một lời hứa nối theo không đi chung với nhau nhưng tách rời trong ý nghĩa. Ý của Phao-lô là: Điều răn thứ năm (Hãy tôn kính cha mẹ ngươi) là điều răn quan trọng (thứ nhất mang ý nghĩa chính yếu, quan trọng). Và đây là điều răn có kèm theo lời hứa (BHĐ). Lời hứa đó là: Hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất (c. 3).

Được phước trong nguyên văn là “tốt lành” hàm ý bình an và hòa thuận trong gia đình. Sống lâu là một trong những dấu hiệu của người được ơn phước của Chúa trong Cựu Ước (Sáng 50:22-23; Thi thiên 91:16). Phao-lô cho thấy ơn phước Chúa ban cho người tin Chúa bao gồm cả đời nầy và đời sau (I Ti. 4:8).

Mạng lệnh trong câu 4 dành cho các người làm cha nhưng hàm ý cho cả cha lẫn mẹ là người có trách nhiệm nuôi dạy con.

Trên phương diện tiêu cực: Chớ chọc cho con cái mình giận dữ (c. 4a).  Chọc cho con giận hàm ý thi hành biện pháp kỷ luật hay la mắng con quá đáng, khiến cho con ngã lòng (Cô-lô-se 3:21).

Tích cực: Hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó (c. 4b). Động từ chính trong câu nầy là nuôi nấng:

Hãy nuôi nấng chúng trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa (BHĐ)

Nuôi nấng mang ý nghĩa trưởng dưỡng, nuôi dạy, làm cho con lớn lên. Hai khía cạnh trong việc nuôi nấng con cái là kỷ luật và khuyên dạy. Kỷ luật và khuyên dạy của Chúa nghĩa là theo khuôn mẫu của Chúa, theo đường lối Chúa dạy trong Kinh Thánh (Châm Ngôn 22:6).