Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 20

6:5-9 TỚ VÀ CHỦ

5 Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy run sợ, lấy lòng thật thà mà vâng phục kẻ làm chủ mình theo phần xác, như vâng phục Đấng Christ, 6 không phải vâng phục trước mặt người mà thôi, như các ngươi kiếm cách làm đẹp lòng người ta, nhưng phải như tôi tớ của Đấng Christ, lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. 7 Hãy đem lòng yêu mến hầu việc chủ, cũng như hầu việc Chúa, chẳng phải như hầu việc người ta, 8 vì biết rằng bất luận tôi mọi hay tự chủ, mỗi người đều sẽ nhận lãnh của Chúa tùy việc lành mình đã làm.

9 Hỡi anh em là người làm chủ, hãy đối đãi kẻ tôi tớ mình đồng một thể ấy, đừng có ngăm dọa chúng nó, vì biết rằng mình với chúng nó đều có một chủ chung ở trên trời và trước mặt Ngài chẳng có sự tây vị ai hết. 

 

1. Tại sao Phao-lô so sánh giữa “vâng phục trước mặt người” với “phải như tôi tớ của Đấng Christ.” So sánh như vậy nghĩa là thế nào?

2. Lý do phải làm theo mạng lệnh trong câu 7 là gì? Tại sao?

3. “Đối đãi… đồng một thể ấy” (c. 9a) là đối đãi như thế nào?

4. Xin cho biết lý do phải thi hành mạng lệnh trong câu 9.

 

Sau các mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ con cái, Phao-lô nói đến quan hệ tớ và chủ. Tôi tớ đây là nô lệ:

Hỡi những người nô lệ, hãy run sợ, lấy lòng thành thật vâng phục người chủ trần gian, như vâng phục Đấng Christ (c. 5, BHĐ)

Trong thời Phao-lô số nô lệ trong xã hội rất đông, từ 30 đến 40 phần trăm dân số. Họ giống như những người làm công không được trả lương vì đã được chủ bỏ tiền ra mua hay là tù binh trong các cuộc chiến. Nguyên tắc Phao-lô nêu ra về quan hệ chủ tớ trong phân đoạn nầy, áp dụng cho chúng ta hôm nay trong quan hệ chủ nhân và công nhân hay người có quyền hành với kẻ dưới quyền.

Theo Phao-lô, điều người đi làm hay người dưới quyền phải làm là: “Run sợ, lấy lòng thành thật vâng phục người chủ trần gian, như vâng phục Đấng Christ” (c. 5, BHĐ). Vâng phục nghĩa là vâng lời: nghe và làm theo, như con cái đối với cha mẹ (6:1). Ba điều đi chung với sự vâng lời nầy là: run sợ, thành thậtnhư vâng phục Đấng Christ.

Run sợ không hàm ý kinh hãi, khiếp sợ nhưng mang ý nghĩa tôn trọng thẩm quyền của người chủ (I Cô. 2:3).

Thành thật hàm ý trung tín, liêm chính.

Như vâng phục Đấng Christ nghĩa là công nhận rằng mọi thẩm quyền đều đến từ Chúa. Người vâng phục quyền hành trên mình là vâng phục Chúa, coi đó là thẩm quyền Chúa đặt trên mình.

Đó là tích cực, trên phương diện tiêu cực, người nô lệ (làm công) phải tránh điều nầy: chỉ vâng phục trước mặt muốn được lòng người (c. 6a, BHĐ). Bản NIV dịch câu nầy: “Không chỉ vâng lời để được lòng chủ khi chủ có mặt.” Người tin Chúa dù làm công việc gì cũng cần tránh điều giả dối nầy. Thay vào đó: Mà như những nô lệ của Đấng Christ, hết lòng thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời (c. 6b, BHĐ). Điều người tin Chúa phải tâm niệm là luôn luôn coi mình là nô lệ của Chúa, sống hay làm việc là hết lòng thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời!

Với tâm niệm đó, Phao-lô viết:

Hãy phục vụ với nhiệt tâm như phục vụ Chúa, chứ không phải phục vụ người ta (c. 7, BHĐ)

Coi mọi việc mình làm là làm cho Chúa, chúng ta sẽ phục vụ với nhiệt tâm và trung tín. Chẳng những vậy, Phao-lô viết tiếp:

Vì biết rằng bất luận nô lệ hay tự do, mỗi người sẽ nhận được phần thưởng từ Chúa, tùy việc tốt mình đã làm (c. 8, BHĐ)

Điều nầy hàm ý rằng sẽ có thưởng phạt về sau, chúng ta không thể tránh hậu quả khi làm việc cách gian dối, thiếu thành thật.

Với chủ hay người có quyền hành, Phao-lô viết:

Hỡi người làm chủ, hãy đối xử với các nô lệ của mình cùng một cách ấy. Đừng đe dọa họ, vì biết rằng cả họ lẫn anh em đều có cùng một Chủ ở trên trời và Ngài không thiên vị ai hết (c. 9, BHĐ)

Cùng một cách ấy nghĩa là nguyên tắc áp dụng cho nô lệ (người làm công) cũng áp dụng cho chủ và người có quyền hành. Nguyên tắc đó là thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời (c. 6b), như phục vụ Chúa (c. 7) và với nhiệt tâm (c. 7). Cùng một cách cũng hàm ý người chủ phải ý thức rằng Chúa nhìn thấy cách mình sử dụng quyền hành.

Đừng đe dọa cho thấy đó là cách chủ thường đối xử với nô lệ ngày xưa và Phao-lô bảo phải chấm dứt cách đối xử đó. Người chủ ngày nay cũng có những cách hăm dọa tương tự khi đối xử với người dưới quyền và đó là điều nên tránh. Phao-lô nêu lên một ý niệm quan trọng về vấn đề chủ tớ mà người chủ hay người có quyền hành cần ghi nhớ, đó là:

Cả họ lẫn anh em đều có cùng một Chủ ở trên trời (c. 9b)

Người chủ hay người có quyền cần nhớ rằng, trước mặt Chúa cả hai, chủ và nô lệ, đều là nô lệ của Chúa. Như vậy, trước mặt Chúa, chủ và nô lệ giống nhau và Chúa không thiên vị nghĩa là Chúa sẽ xử đoán công minh mọi hành động của chủ và tớ như nhau.