Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 2

A-ga, Người Mẹ Đơn Thân

Sáng thế ký 16, 21, 25

 

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Xin cho biết những diễn tiến trong mối quan hệ giữa A-ga và gia đình Áp-ra-ham (Sáng thế ký 16:1-6)?

 

 

 

 

 

 

2. Xin cho biết những lỗi lầm của Áp-ra-ham, Sa-ra và A-ga trong Sáng thế ký 16:1-6?

 

 

 

 

 

 

3. Sáng thế ký 16:6-7 và 21:14-21 cho thấy A-ga đã phải trải qua những hoàn cảnh nào?

 

 

 

 

 

 

4. Chúa đã giúp đỡ A-ga như thế nào trong những hoàn cảnh đó?

 

 

 

 

 

 

5. Theo Sáng thế ký 16:11, tên Ích-ma-ên mang ý nghĩa gì? 

 

 

 

 

 

 

6. Ý nghĩa đó xứng hợp với hoàn cảnh của bà A-ga như thế nào? Chúng ta học được điều gì qua sự xứng hợp đó?

 

 

 

 

 

 

A-ga

Người Mẹ Đơn Thân

Sáng thế ký 16, 21, 25

Ý nghĩa tên A-ga

A-ga là một thiếu nữ Ai cập, nhưng tên “A-ga” hay “Hagar” là tên Do Thái chứ không phải tên Ai-cập như một số người thường nghĩ.  Tên A-ga phát xuất từ một chữ có nghĩa là đi trốn hay bỏ chạy.  Người ta tin rằng nàng A-ga được chủ Áp-ra-ham đặt tên này cho thích hợp với hoàn cảnh của chính ông lúc chạy xuống Ai cập lánh nạn.  Nhưng tên này cũng thích hợp với hoàn cảnh của A-ga, vì “A-ga” cũng có nghĩa là di dân.  Ðúng như tên gọi, A-ga là một cô gái Ai-cập, được chủ đem về Ca-na-an sống, để giúp việc trong một gia đình Do Thái.

Nguồn gốc gia đình

Kinh Thánh không ghi một chi tiết nào về gia đình hay cha mẹ của A-ga vì thế chúng ta không biết nguồn gốc của bà.  Câu duy nhất nói về nguồn gốc của A-ga là:  “Sa-rai, vợ của Áp-ram, … có một con đòi Ê-díp-tô, tên là A-ga” (Sáng thế ký 16:1).  Qua câu này chúng ta biết A-ga là một thiếu nữ Ai-cập, làm nô lệ trong gia đình Áp-ra-ham.  Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh đoán rằng có lẽ Áp-ra-ham đã mua nàng A-ga khi gia đình ông xuống Ai-cập tránh nạn đói, như ghi trong Sáng thế ký chương 12:10  “Bấy giờ, trong xứ bị cơn đói kém; sự đói kém ấy lớn nên Áp-ram xuống xứ Ê-díp-tô mà kiều ngụ.” Áp-ram mua A-ga để làm đầy tớ cho Sa-rai, vợ ông.  Tuy nhiên, qua sự tính toán của bà Sa-rai, A-ga đã có một đứa con trai và trở nên một bà mẹ đơn thân (a single mom), đối diện với bao nhiêu thách thức trong đời sống.

Quan hệ giữa A-ga và gia đình Áp-ra-ham

Nàng A-ga sở dĩ có một vị trí đặc biệt trong Kinh Thánh là vì do sự tính toán của Sa-ra, nàng đã sinh cho Áp-ra-ham một con trai, tên là Ích-ma-ên. Áp-ra-ham là người được Ðức Chúa Trời chọn và ban phước để trở nên một dân lớn.  Chúa phán cùng Áp-ra-ham: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước” (Sáng 12:2).  Ích-ma-ên là con trai của Áp-ra-ham, nên cũng được Chúa ban phước, trở thành ông tổ của dân Ích-ma-ên, là giống người Ả-rập ngày nay.

Sáng thế ký ghi lại mưu tính của Sa-rai như sau:  “Vả, Sa-rai, vợ của Áp-ram vẫn không sinh con.  Nàng có một con đòi Ê-díp-tô, tên là A-ga.  Sa-rai nói cùng Áp-ram rằng:  Nầy, Ðức Giê-hô-va đã làm cho tôi son sẻ, vậy xin ông hãy lại ăn ở cùng con đòi tôi, có lẽ tôi sẽ nhờ nó mà có con chăng.  Áp-ram bèn nghe theo lời của Sa-rai” (16:1-2).  Dù lời đề nghị của bà Sa-rai phù hợp với phong tục của người trong vùng và đúng với luật nô lệ của thời Cựu Ước, toan tính đó nói lên lòng thiếu đức tin và thiếu kiên trì của ông bà Áp-ra-ham.  Chính vì thế, từ khi Áp-ra-ham nghe theo lời bàn của vợ, cuộc đời của A-ga cũng như đời sống gia đình Áp-ra-ham đã thay đổi, đầy dẫy những xung đột, bất hòa và đau lòng.

Theo Sáng thế ký chương 12, khi Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, ra khỏi quê hương, đi đến vùng đất Chúa hứa ban, ông đã bảy mươi lăm tuổi mà chưa có con.  Một trong những lời Chúa hứa với ông lúc đó là Ngài sẽ làm cho con cháu ông nên một dân lớn.  Một ngày kia Áp-ra-ham hỏi Chúa sẽ cho ông điều gì, vì ông sẽ chết mà không có con nối dõi.  Chúa hứa Ngài sẽ cho ông có con, từ trong gan ruột của ông mà ra, và con cháu của ông sẽ đông như sao trên trời.  Áp-ra-ham tin lời hứa của Chúa và được kể là công bình. 

Kinh Thánh ghi lại chi tiết này như sau:  

Sau các việc đó, trong sự hiện thấy có lời Ðức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Hỡi Áp-ram, ngươi chớ sợ chi, ta đây là một cái thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn. Áp-ram thưa rằng: Lạy Chúa Giê-hô-va, Chúa sẽ cho tôi chi? Tôi sẽ chết không con, kẻ nối nghiệp nhà tôi là Ê-li-ê-se, người Ða-mách. Áp-ram lại nói rằng: Nầy, Chúa làm cho tôi tuyệt tự, một kẻ tôi tớ sanh đẻ tại nhà tôi sẽ làm người kế nghiệp tôi. Ðức Giê-hô-va bèn phán cùng Áp-ram rằng: Kẻ đó chẳng phải là kẻ kế nghiệp ngươi đâu, nhưng ai ở trong gan ruột ngươi ra, sẽ là người kế nghiệp ngươi. Ðoạn, Ngài dẫn người ra ngoài và phán rằng: Ngươi hãy ngó lên trời, và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi. Ngài lại phán rằng: Dòng dõi ngươi cũng sẽ như vậy. Áp-ram tin Ðức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người (Sáng 15:1-6)

Từ khi Chúa phán hứa, vợ chồng ông Áp-ra-ham chờ đợi mãi mà không thấy lời hứa của Chúa được thành.  Mười năm đã qua, kể từ ngày Ðức Chúa Trời gọi Áp-ra-ham lìa bỏ quê hương đi theo Ngài.  Bây giờ Áp-ra-ham đã 85 còn Sa-ra khoảng 76.  Bà Sa-ra thấy mình đã quá già, không thể sinh con được nữa, vì thế bà nghĩ đứa con mà Chúa hứa có lẽ sẽ do một người khác sinh ra.  Theo sự suy tính của Sa-ra cũng như theo phong tục và luật lệ thời đó, người có thể sinh con thế cho Sa-ra, để Áp-ra-ham có con nối dõi, là nàng hầu A-ga.  Theo luật  thời đó, người chủ có quyền bắt nô lệ sinh con thế cho mình, và con của nô lệ sinh ra trong nhà chủ được kể là con của chủ.  Kinh Thánh ghi:  “Sau khi Áp-ram đã trú ngụ mười năm tại xứ Ca-na-an, Sa-rai, vợ người, bắt A-ga là con đòi Ê-díp-tô mình, đưa cho chồng làm hầu.  Người đi lại cùng con đòi thì nàng thọ thai” (Sáng 16:3-4).  Nàng A-ga, trong thân phận một nô lệ, không có một lựa chọn nào khác hơn là vâng theo yêu cầu của chủ.  Thật ra, mưu tính của bà Sa-ra, là một đặc ân lớn đối với một cô gái nô lệ, nhưng đặc ân đó đã làm xáo trộn đời sống A-ga và đem đến cho nàng nhiều nước mắt. 

Hiềm khích giữa A-ga và Sa-ra

Khi A-ga có thai có lẽ Sa-ra vui mừng vì mưu tính của bà đã thành.  Ðứa con A-ga sinh ra sẽ là con của bà, và là con kế tự của Áp-ra-ham vì từ ruột gan Áp-ra-ham mà ra, như lời Chúa đã hứa. Nhưng sự việc không đơn giản như bà Sa-ra nghĩ.  Kinh Thánh cho biết, khi A-ga thấy mình có thai thì thay đổi thái độ đối với bà chủ. A-ga tỏ vẻ khinh thường Sa-ra và lên mặt kiêu ngạo, nàng nghĩ mình hơn vợ của chủ vì có thể sinh con cho chủ.  Sa-ra bị tổn thương nên trở thành cay đắng, thù ghét A-ga.  Bà phàn nàn và đổ lỗi cho chồng, dù chính bà là người đưa ra ý kiến, còn chồng chỉ  làm theo lời đề nghị của bà.

Thật ra, tất cả mưu tính này là một lỗi lầm lớn trước mặt Ðức Chúa Trời mà vợ chồng Áp-ra-ham phải chấp nhận hậu quả.  Sa-ra vì thiếu kiên nhẫn, không chờ đợi lời hứa của Chúa được thành, nên đã đi trước chương trình và thời điểm của Ngài.  Bà đã thiếu suy nghĩ chín chắn khi sắp đặt cho nàng hầu Ai-cập, là một nô lệ ngoại bang, sinh ra đứa con kế tự mà Chúa hứa ban cho ông bà.  Còn Áp-ra-ham, là người được Chúa phán hứa trực tiếp, đáng lẽ phải ngăn cản ý định của vợ, nhưng trái lại, ông nghe theo lời vợ và khiến gia đình gặp nan đề.  Nàng A-ga, dù là nạn nhân trong mưu đồ này, nhưng cũng lỗi lầm và đáng trách vì đã có thái độ không đúng.  Sáng thế ký 16:4-5 ghi:  “Khi con đòi thấy mình thọ thai thì khinh bỉ bà chủ mình.  Sa-rai nói cùng Áp-ram rằng:  Ðiều sỉ nhục mà tôi bị đây đổ lại trên ông.  Tôi đã phú con đòi tôi vào lòng ông mà từ khi nó thấy mình thọ thai thì lại khinh tôi.  Cầu Ðức Giê-hô-va xét đoán giữa tôi với ông.”  Tất cả sự việc này là ý của Sa-ra nhưng khi A-ga tỏ vẻ khinh miệt Sa-ra, bà đổ lỗi cho chồng và cầu xin Chúa xét lẽ công bình cho bà.  

Một tác giả nọ viết về bà Sa-ra như sau:  “Lòng thiếu đức tin của Sa-ra đã ‘lây’ sang Áp-ra-ham và ông đã nghe lời vợ.  Bây giờ, gặp điều không vừa ý, bà kêu cầu đến Chúa.  Ðáng lẽ Sa-ra phải nghĩ đến Chúa và cầu hỏi Ngài trước khi quyết định.  Bà Sa-ra là người biết Chúa, nhưng vì thiếu đức tin bà đã vấp ngã.  Khi sự việc không được như mình mong muốn, bà đổ lỗi cho chồng, ganh ghét A-ga và hành hạ nàng đến nỗi nàng phải đi trốn.  Trước lời than phiền của Sa-ra, Áp-ra-ham nói:  “Nầy con đòi đó ở trong tay ngươi, phân xử thế nào mặc ý ngươi cho vừa dạ.”  Lỗi lầm của Sa-ra đã sinh ra những kết quả cay đắng cho chính bà.  Không những thế, khi Sa-ra đưa nàng hầu ngoại bang đến cho chồng, bà đã làm một lầm lỗi lớn lao, đó là giúp tạo nên một nhóm dân thù nghịch với con cháu thật của Áp-ra-ham.  Mối thù giữa người Do Thái và người Ả-rập, tức là giữa con cháu Y-sác và con cháu Ích-ma-ên đã kéo dài qua bao nhiêu thời đại, bao nhiêu thế kỷ.  Mối thù đó vẫn còn cho đến ngày hôm nay.  Biết bao nhiêu mạng sống đã bị tiêu diệt chỉ vì mối thù nghịch giữa hai dòng giống này.”

Về nàng A-ga, chúng ta ghi nhận những điều sau:  Khi được nâng từ địa vị nô lệ đến địa vị làm vợ thứ, nhất là khi thấy mình có thai, là điều hơn hẳn bà chủ, A-ga đã kiêu ngạo và khinh rẻ Sa-ra.  Ðây là lỗi lầm của A-ga, nàng không biết thân phận của mình nhưng lại lên mình kiêu ngạo.  Thái độ hợm hĩnh và kiêu ngạo của A-ga là nỗi nhục nhã, đau đớn cho Sa-ra.  Vua A-gu-rơ ngày xưa viết về nan đề này như sau:  “Có ba vật làm cho trái đất rúng động, và bốn điều nó chẳng chịu nổi được:  Là tôi tớ khi được tức vị vua, kẻ ngu muội khi được no nê đồ ăn; người đàn bà đáng ghét khi lấy chồng, và con đòi khi kế nghiệp bà chủ” (Châm Ngôn 30:21-23).  

Khi biết mình sẽ sinh con cho ông chủ có lẽ A-ga nghĩ rằng nàng sẽ kế nghiệp bà chủ nên đã lên mình kiêu ngạo.  Sa-ra không chịu nổi nên phàn nàn với Áp-ra-ham và xin ông phân xử.  Một lần nữa, Áp-ra-ham không làm chủ gia đình, không quyết định theo khôn ngoan của người chồng nhưng chỉ chiều theo ý vợ.  Ông nói thật tàn nhẫn:  “Nầy, con đòi đó ở trong tay ngươi, phân xử thế nào mặc ý ngươi, cho vừa dạ.”  Ðược phép của Áp-ra-ham, “Sa-rai hành hạ A-ga thì nàng trốn đi khỏi mặt người” (Sáng thế ký 16:6).  Sự kiện Sa-ra ganh ghét và hành hạ A-ga không những tàn ác nhưng cũng thật là vô lý và bất nhân.  Tất cả đều do mưu tính của Sa-ra mà ra, nhưng khi bị A-ga xem thường, Sa-ra tức giận, ganh tị và từ đó đưa đến thù ghét.  

Khi một người vì một lý do gì, có ác cảm hay ganh tị với một người nào, người đó làm gì cũng thấy dễ ghét và không chấp nhận được.  A-ga hãnh diện vì mình sẽ sinh cho ông chủ một đứa con nối dõi, nhưng niềm hãnh diện của A-ga nhắc cho Sa-ra nhớ đến thất bại của chính bà, và vì thế bà không muốn nhìn mặt A-ga nữa.  Có lẽ Sa-ra đã hành hạ A-ga bằng cách bắt nàng làm việc nặng nhọc, mắng mỏ nặng lời và không cung cấp những điều cần yếu.  A-ga biết mình ở trong địa vị thấp kém, cô thế, không ai bênh vực, nên đã phải chạy trốn trong đồng vắng.

 A-ga trốn khỏi nhà Áp-ra-ham

Từ khi Áp-ra-ham nói với Sa-ra:  “Nầy con đòi đó ở trong tay ngươi, phân xử thể nào mặc ý ngươi cho vừa dạ,” bà Sa-ra như được cái giấy phép của chồng để đối xử tàn tệ với A-ga.  Bà đã đối xử tàn tệ đến nỗi dù đang có thai, yếu đuối và cô đơn, A-ga đã phải bỏ nhà đi trốn.  Ra khỏi nhà Áp-ra-ham, A-ga không biết đi đâu nên nàng định quay trở về quê hương là Ai cập.  Chúng ta biết điều đó vì Kinh Thánh cho biết thiên sứ của Ðức Giê-hô-va thấy A-ga “nơi mé đường đi về Su-rơ.”  Su-rơ là địa điểm gần biên giới Ai cập.  Sáng thế ký 16:6,7 ghi:  “Ðoạn Sa-rai hành hạ A-ga thì nàng trốn đi khỏi mặt người.  Nhưng thiên sứ của Ðức Giê-hô-va thấy nàng ở trong đồng vắng, gần bên suối nước, nơi mé đường đi về Su-rơ.”  Theo luật thời đó, nô lệ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của chủ, không có phép trốn khỏi nhà chủ, bất cứ vì lý do gì.  Hành động của A-ga là sai, vì nàng bỏ trốn chứ không phải được chủ cho phép đi.  Dù Sa-ra cư xử không phải lẽ và thiếu lòng nhân đối với một người nô lệ, nhưng theo luật A-ga không có phép bỏ nhà chủ đi như thế.

Ra khỏi nhà Áp-ra-ham, A-ga không những vi phạm luật nhưng cũng ở trong một hoàn cảnh thật cùng khốn: Một phụ nữ yếu đuối, đơn độc, mệt mỏi vì đang mang thai, lại không có nơi che mưa nắng, không chỗ nằm nghỉ; một mình giữa một nơi nguy hiểm, đầy dẫy thú dữ, rắn rết…  Dù cho có gặp được người đi nữa, chưa chắc đó là người tốt, sẽ cứu mình.  A-ga đương đầu với một hoàn cảnh thật đen tối.  Không biết đi đâu, cũng không biết cầu cứu với ai, A-ga nghĩ đến Ai cập, nơi quê hương đó nàng có bà con và những người quen biết, có lẽ nàng sẽ tìm được sự giúp đỡ.  Nghĩ thế, A-ga đi về hướng Su-rơ, gần biên giới Ai cập.

A-ga gặp thiên sứ của Chúa 

Ðức Chúa Trời biết rõ hoàn cảnh khốn cùng của A-ga nên Ngài đã sai thiên sứ đến giúp.  Kinh Thánh ghi: “Nhưng thiên sứ của Ðức Giê-hô-va thấy nàng trong đồng vắng gần bên suối nước, nơi mé đường đi về Su-rơ, thì hỏi rằng: Hỡi A-ga, đòi của Sa-rai, ngươi ở đâu đến và sẽ đi đâu? Nàng thưa rằng: Tôi lánh xa mặt Sa-rai, chủ tôi” (Sáng 16:7, 8). A-ga thành thật trả lời thiên sứ là nàng đi trốn khỏi chủ là Sa-rai.  Thiên sứ thấy hoàn cảnh nguy hiểm và tuyệt vọng của A-ga, cũng biết điều nàng làm là không đúng nên thiên sứ đã khuyên bảo, khích lệ và hướng dẫn nàng thật tận tình.  Kinh Thánh ghi:  

Thiên sứ của Ðức Giê-hô-va dạy nàng rằng: ngươi hãy trở về chủ ngươi và chịu lụy dưới tay người.  Thiên sứ của Ðức Giê-hô-va lại phán rằng:  Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều, đông đảo đến đỗi người ta đếm không đặng nữa.  Lại phán rằng:  Nầy, ngươi đang có thai, sẽ sanh một trai, đặt tên là Ích-ma-ên; vì Ðức Giê-hô-va có nghe sự sầu khổ của ngươi.  Ðứa trẻ đó sẽ như một con lừa rừng, tay nó sẽ địch cùng mọi người, và tay mọi người địch lại nó.  Nó sẽ ở về phía đông, đối mặt cùng hết thảy anh em mình (Sáng 16:9-12)

Sự hiện đến và sự chỉ bảo của thiên sứ đối với A-ga trong hoàn cảnh khốn cùng cho chúng ta niềm an ủi lớn lao, nhất là nếu chúng ta cũng đang ở trong hoàn cảnh cô đơn nghiệt ngã.  Dù A-ga không phải là tuyển dân của Chúa và dù nàng có lỗi, vì chính nàng có một phần trách nhiệm về hoàn cảnh khó khăn của mình, nhưng Ðức Chúa Trời là Ðấng yêu thương, Ngài biết và thông cảm với hoàn cảnh của A-ga, và Ngài đã sai thiên sứ đến giúp.  Ngày nay Chúa cũng nhìn thấy hoàn cảnh của mỗi chúng ta, Chúa thấy rõ sự yếu đuối, cô đơn và khốn cùng của chúng ta, Chúa cũng biết những vấp váp, lỗi lầm khiến chúng ta lâm vào hoàn cảnh khó khăn.  Dù vậy, nếu chúng ta đặt đức tin nơi Chúa và kêu cầu với Chúa, Ngài cũng sẽ quan tâm, cứu giúp chúng ta.

Ðức Chúa Trời là Ðấng yêu thương nhưng cũng là Ðấng thánh khiết và công bình, Ngài muốn giúp A-ga nhưng trước hết, nàng phải vâng lời Chúa, làm điều mình phải làm.  Chúa biết vì sao A-ga đi vào nơi đồng vắng nhưng Ngài vẫn hỏi để xem A-ga trả lời như thế nào.  Khi thấy A-ga nói thật, Chúa bảo:  “Hãy trở về với chủ ngươi và chịu lụy dưới tay người.”  Ðây là một mạng lệnh thật khó cho A-ga vâng theo.  Vì không chịu nổi sự đối xử tàn ác của Sa-rai, A-ga đã phải chạy trốn.  Bây giờ thiên sứ bảo nàng hãy trở về, chịu lụy dưới tay chủ.  Ðể an ủi và khích lệ A-ga, Chúa hứa Ngài sẽ làm cho dòng dõi của A-ga thêm nhiều, đông đảo đến nỗi người ta không đếm được.  Chúa sẽ ban cho nàng một đứa con trai, vì Ngài đã nghe nỗi sầu khổ của nàng.  

Dù A-ga là người bất toàn, nàng có lỗi vì đã kiêu ngạo, xem thường chủ khi thấy mình hơn chủ, nhưng Ðức Chúa Trời vẫn yêu thương và đoái đến A-ga.  Chúa vẫn cho nàng cơ hội được hưởng ơn lành của Chúa.  Ngày nay chúng ta cũng là những con người bất toàn, có nhiều lỗi lầm, làm nhiều điều không đẹp lòng Chúa.  Tuy nhiên không vì vậy mà Chúa bỏ mặc chúng ta, nhất là khi chúng ta rơi vào những hoàn cảnh bi đát tuyệt vọng.  Trái lại, nếu chúng ta có đức tin và sẵn sàng thuận phục ý Chúa, Ngài sẽ đoái xem, hướng dẫn và cứu giúp chúng ta ra khỏi hoàn cảnh khó khăn.

A-ga là một cô gái nô lệ Ai cập, một dân tộc thờ hình tượng và không nhìn biết Ðức Chúa Trời, nhưng có lẽ trong thời gian sống với gia đình Áp-ra-ham, nàng nhìn thấy đức tin trong đời sống của chủ nên đã nhận Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham làm Ðức Chúa Trời của chính mình.  Tại bên giếng nước trong đồng vắng, A-ga đã gặp Chúa một cách cụ thể và cá nhân.  Ðức tin của A-ga được củng cố, nàng kinh nghiệm sự thăm viếng của Chúa nên nàng gọi Chúa là “Ðức Chúa Trời hay đoái xem.”  Kinh Thánh ghi:  “Nàng gọi Ðức Giê-hô-va mà đã phán cùng mình, danh là “Ðức Chúa Trời hay đoái xem,” vì nàng nói rằng:  Chính tại đây tôi há chẳng có thấy được Ðấng đoái xem tôi sao? Bởi cớ ấy, người ta gọi cái giếng nầy ở về khoảng giữa của Ca-đe và Bê-re, là giếng La-chai-roi” (Sáng thế ký 16:13,14).  Trong hoàn cảnh khó khăn, A-ga đã tìm đến với Chúa.  Ðức tin đơn sơ nhưng chân thành đã giúp A-ga ‘gặp’ Chúa một cách rõ ràng.  Qua sự gặp gỡ đó A-ga đã trở nên một người mới, nhận biết Chúa và biết ơn Ngài.  Chính sự nhận biết Chúa cách mới mẻ đó đã giúp A-ga có đủ nghị lực vâng theo lời Chúa phán dạy.  Nếu quý chị em đang gặp hoàn cảnh tương tự như A-ga: vì sự ganh ghét của người khác mà chị em trở nên một người cô đơn hay người mẹ đơn thân, không nơi nương tựa, quý chị em hãy chạy đến với Chúa, Ngài sẽ giúp đỡ và hướng dẫn chị em trong hoàn cảnh khó khăn.

A-ga vâng lời thiên sứ phán dạy

Sau khi nghe thiên sứ của Chúa phán dạy, A-ga tin vào lời hứa của Chúa nên đã vâng lời Chúa, quay trở về nhà Áp-ra-ham, chịu lụy dưới tay Sa-ra.  Sáng thế ký 16:15-16 ghi:  “Rồi nàng A-ga sinh được một con trai, Áp-ram đặt tên đứa trai đó là Ích-ma-ên.  Vả lại, khi A-ga sinh Ích-ma-ên cho Áp-ram, thì Áp-ram đã được tám mươi sáu tuổi.”  A-ga không những vâng lời thiên sứ trở về nhà chủ và sinh con trong nhà chủ nhưng nàng cũng nói cho Áp-ra-ham biết tên thiên sứ đặt cho đứa bé, vì thế Áp-ra-ham đặt tên nó là Ích-ma-ên, đúng như lời thiên sứ phán bảo.  Trong hoạn nạn, A-ga đã được Chúa thăm viếng, an ủi.  Ngài hứa ban phước cho con của A-ga, nhưng trước hết nàng phải vâng theo lời Ngài phán dạy.  Ðiều Chúa muốn A-ga vâng theo thật là khó chấp nhận và đi ngược với điều nàng mong ước nhưng A-ga đã vâng lời và vì thế Chúa đã ban phước cho nàng.  

A-ga không những vâng lời Chúa, trở lại nhà chủ Áp-ra-ham nhưng bà cũng đã bằng lòng sống dưới quyền của chủ, trong một khung cảnh thiếu yêu thương, thiếu tự do trong suốt một thời gian dài.  Kinh Thánh cho biết, khi Ích-ma-ên ra đời, Áp-ra-ham được 86 tuổi và cũng cho biết, khi Y-sác, đứa con của lời hứa, được sinh ra thì Áp-ra-ham đã 100 tuổi (Sáng 21:5).  Như vậy A-ga đã tiếp tục sống trong nhà Áp-ra-ham suốt 14 năm với con là Ích-ma-ên trong khi đứa con Chúa hứa cho ông bà Áp-ra-ham vẫn chưa chào đời.

Khi chúng ta kêu cầu Chúa cứu giúp ra khỏi hoàn cảnh khó khăn, Chúa thường chỉ cho chúng ta biết những điều chúng ta phải làm.  Và thường thường, những điều Chúa phán dạy thật khó vâng theo, nhưng đó là những điều mang lại lợi ích cho chúng ta.  Những điều Chúa muốn quý chị em làm có thể là phải thay đổi cách chúng ta cư xử với chồng, con, hay với một người nào đó trong gia đình.  Cũng có thể Chúa muốn chúng ta bỏ đi thái độ tự mãn, tự kiêu hoặc bỏ đi tính hay phàn nàn trách móc.  Cũng có thể Chúa muốn chúng ta kiên nhẫn chịu đựng hoàn cảnh hiện tại một thời gian nữa, rồi đến đúng thời điểm, Chúa sẽ đem chúng ta ra và ban lại niềm vui cho đời sống chúng ta.  Ðiều quan trọng là chúng ta cần có đức tin vững chắc và mối quan hệ mật thiết với Chúa, có như thế chúng ta mới đủ sức vâng lời Chúa.

Hiềm khích trong gia đình Áp-ra-ham

Dù Kinh Thánh không nói nhiều về mối quan hệ giữa Sa-ra và A-ga trong thời gian A-ga trở lại nhà Áp-ra-ham nhưng chúng ta có thể tưởng tượng được sự căng thẳng và ganh tị giữa hai người.  Khi Ích-ma-ên chưa sinh ra, mối quan hệ giữa Sa-ra và A-ga đã không tốt đẹp.  A-ga khinh khi Sa-ra, còn Sa-ra thì thù ghét A-ga.  Khi hai người đàn bà cùng yêu thương hay có quan hệ mật thiết với cùng một người đàn ông thì không thể nào thương nhau hay hòa thuận với nhau, đó là điều tự nhiên.  Trong hoàn cảnh của Sa-ra, mỗi ngày nhìn thấy đứa con trai mà A-ga đã sinh cho chồng mình có lẽ bà càng buồn giận và ganh tức, nhất là khi lời Chúa hứa cho bà vẫn chưa thành sự thật.  Chờ đợi lời Chúa hứa được thành trong suốt mười bốn năm trong một hoàn cảnh như thế không phải là dễ.  Hoàn cảnh của A-ga cũng thật đáng thương.  Nàng được làm mẹ và có một đứa con trai, nhưng không có chồng; hay nói đúng hơn, cha của con nàng không chính thức là chồng của nàng, nhưng là chồng của một người khác.  Nàng A-ga sống trong nhà Áp-ra-ham, nuôi con trong nhà cha của nó nhưng riêng nàng không được sống trong tình yêu và sự chăm sóc của chồng như những người vợ khác.  Biết bao nhiêu chị em chúng ta ngày nay đang sống trong hoàn cảnh tương tự như A-ga, đầy đau buồn và nước mắt.

Sau khi Y-sác ra đời, sự căng thẳng giữa Sa-ra và A-ga không giảm bớt mà lại còn gia tăng.  Bây giờ không những là sự ganh tị giữa hai bà mẹ mà còn có sự tranh giành quyền lợi giữa hai dòng con.  Y-sác tuy nhỏ tuổi hơn nhưng là con của bà lớn, còn Ích-ma-ên, lớn tuổi hơn nhưng là con của bà nhỏ.  Không những thế, Ích-ma-ên là con của nô lệ, còn Y-sác là con của lời hứa.  Sự đố kỵ giữa hai bà mẹ đã ảnh hưởng đến hai đứa con.  Y-sác còn nhỏ không biết gì, nhưng Ích-ma-ên, có lẽ qua những chuyện mẹ kể lại, cũng không ưa Y-sác.  

Sau đó, trong ngày lễ mừng Y-sác thôi bú, bà Sa-rai hầu như không chấp nhận sự có mặt của A-ga và Ích-ma-ên trong gia đình bà nữa.  Kinh Thánh ghi như sau:

Khi Y-sác ra đời thì Áp-ra-ham đã được một trăm tuổi. ... Ðứa trẻ lớn lên thì thôi bú.  Chánh ngày Y-sác thôi bú, Áp-ra-ham bày một tiệc lớn ăn mừng.  Sa-ra thấy đứa trai của A-ga, người Ê-díp-tô đã sinh cho Áp-ra-ham cười cợt thì người nói với Áp-ra-ham rằng:  Hãy đuổi con đòi với con nó đi đi, vì đứa trai của con đòi này sẽ chẳng được kế nghiệp cùng con trai tôi là Y-sác đâu.  Lời này lấy làm buồn lòng Áp-ra-ham lắm, vì cớ con trai mình (Sáng 21:5, 8-11)

Bằng chứng rõ ràng về mối quan hệ không tốt đẹp giữa Sa-ra và A-ga là trong ngày tiệc mừng Y-sác thôi bú, vì Ích-ma-ên nhạo cười, Sa-ra đã xin Áp-ra-ham đuổi cả hai mẹ con A-ga ra khỏi nhà.  Theo lệ của người Do Thái, khi đứa bé được khoảng ba tuổi thì thôi bú, và Áp-ra-ham đã mở một tiệc lớn ăn mừng.  Y-sác được ba tuổi thì Ích-ma-ên lúc đó khoảng mười bảy tuổi.  Trong bữa tiệc này Ích-ma-ên nhạo cười Y-sác.  Thấy điều đó bà Sa-ra không chịu được nên bà xin Áp-ra-ham đuổi A-ga và Ích-ma-ên đi.  Thật ra, đây chỉ là giọt nước cuối cùng khiến cho nước trong ly tràn ra mà thôi.  Cũng có thể vì ảnh hưởng của hai bà mẹ mà hai đứa con trong gia đình không có mối quan hệ tốt với nhau.  Bà Sa-ra có lẽ muốn đuổi hai mẹ con A-ga từ lâu nhưng không có lý do chính đáng, hơn nữa bà không chắc mình có thể sinh con cho Áp-ra-ham như lời Chúa hứa hay không.  Bây giờ đã có Y-sác, là đứa con kế tự do chính mình sinh ra, Sa-ra thấy không còn lý do gì phải chịu đựng hai mẹ con A-ga nữa.  Hơn nữa Sa-ra nghĩ, nếu tiếp tục để hai mẹ con A-ga sống trong gia đình, một ngày kia bà sẽ phải chia gia tài cho Ích-ma-ên, vì đó cũng là con của Áp-ra-ham.  Vì lòng ích kỷ và ganh ghét, Sa-ra đã làm áp lực để Áp-ra-ham đuổi A-ga và đứa con trai đi.

Trong ngày tiệc mừng Y-sác thôi bú, có lẽ A-ga cũng buồn vì con của bà không được ưu đãi như thế, còn Ích-ma-ên cũng ganh tị nên đã cười cợt và trêu chọc Y-sác.  Chữ “cười cợt”  trong nguyên ngữ có nghĩa là chế giễu, nhạo báng; dùng lời nói, giọng nói hay tiếng cười để bày tỏ lòng khinh khi, khinh miệt.  Sa-ra vốn đã không thương Ích-ma-ên, bây giờ cậu bé còn trêu chọc, cười cợt vô lễ, Sa-ra không thể chấp nhận được nên bà bảo Áp-ra-ham đuổi hai mẹ con A-ga đi.  Ngày nào A-ga và Ích-ma-ên còn ở trong nhà, Sa-ra không những còn phải nhìn thấy những người khinh khi chế nhạo bà nhưng sự có mặt của hai người cũng nhắc cho bà nhớ lại lỗi lầm lớn lao của bà trước kia.  Vì thế, cách đơn giản nhất để giải quyết nan đề là đuổi hai mẹ con A-ga đi.  Lần này, Sa-ra không những đuổi hai mẹ con A-ga ra khỏi nhà và ra khỏi gia đình bà nhưng cũng vĩnh viễn ra khỏi cuộc đời bà.

Nỗi khổ của Áp-ra-ham

Tuy Kinh Thánh chỉ ghi mấy câu ngắn ngủi nhưng chúng ta có thể tưởng tượng được tình trạng căng thẳng trong gia đình Áp-ra-ham. Thay vì vui mừng được bế trong tay đứa con mà Chúa hứa ban cho mình đã bao nhiêu năm nay, và sung sướng trong ngày tiệc mừng Y-sác thôi bú, trong gia đình Áp-ra ham có sự đố kỵ và ganh ghét, sự có mặt của Ích-ma-ên đã khiến niềm vui của Sa-ra và Áp-ra-ham không trọn vẹn.  Thật ra, Áp-ra-ham đã rất buồn lòng trước những sự việc xảy ra.  Kinh Thánh cho biết, khi Sa-ra yêu cầu đuổi mẹ con A-ga ra khỏi nhà, Áp-ra-ham rất đau buồn trước lời yêu cầu đó vì ông cũng thương yêu Ích-ma-ên.  Từ ngày Áp-ra-ham đi ra ngoài ý Chúa và làm theo lời vợ cho đến lúc này, ông đã phải đối diện với những chuyện thật nan giải.  Nan đề của gia đình Áp-ra-ham cũng là điều chúng ta thấy trong nhiều gia đình ngày nay.  Sự căng thẳng, đố kỵ, ganh ghét là điều không thể tránh được trong những gia đình có nhiều vợ, nhiều chồng và nhiều dòng con khác nhau. 

Chương trình của Ðức Chúa Trời khi thiết lập hôn nhân là, hôn nhân là kết hợp giữa một người nam và một người nữ, và hai người ràng buộc với nhau suốt đời.  Vì bản tính tội lỗi, con người đã đi ra ngoài chương trình tốt đẹp của Chúa, làm theo ý riêng và chạy theo những ham muốn riêng. Nhiều người không tôn trọng hôn nhân, không ràng buộc với vợ/chồng suốt đời nhưng thay vợ đổi chồng một cách dễ dàng hoặc không chung thủy với nhau và phạm tội ngoại tình.  Từ đó sinh ra nhiều nan đề trong gia đình.  Kết quả là gia đình thiếu hiệp nhất, thiếu yêu thương nhưng đầy dẫy tranh cạnh và ganh ghét.  Hậu quả mà Áp-ra-ham và Sa-ra phải gặt lấy khi làm theo ý riêng là gia đình mất yên vui hạnh phúc.  Tương tự như thế, ngày nay nhiều gia đình trong hội thánh của Chúa cũng sống trong tình trạng thiếu yên vui hạnh phúc chỉ vì chúng ta đã làm theo ý riêng thay vì sống theo lời Chúa dạy.  Xin Chúa giúp chúng ta nhìn thấy những khó khăn trong gia đình Áp-ra-ham cũng như những gia đình trong hoàn cảnh tương tự chung quanh chúng ta, và quyết tâm sống theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh, giữ cho quan hệ vợ chồng được bền chặt tốt đẹp cho đến cuối cùng.  Sống theo Lời Chúa dạy, chúng ta có thể phải hy sinh, phải chịu thiệt thòi về một mặt nào đó nhưng Chúa sẽ ban phước lại cho đời sống chúng ta và gia đình chúng ta bội phần hơn.

Dù Áp-ra-ham đã lầm lỗi và bây giờ phải gặt hái kết quả của lầm lỗi đó, Ðức Chúa Trời vẫn yêu thương ông và giúp ông giải quyết nan đề. Kinh Thánh ghi:  “Ðức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng:  ngươi chớ buồn bực vì con trai và con đòi ngươi.  Sa-ra nói thể nào, hãy nghe theo tiếng người nói; vì do nơi Y-sác sẽ sanh ra dòng dõi lưu danh ngươi.  Ta cũng sẽ làm cho đứa trai của con đòi trở nên một dân, vì nó cũng do nơi ngươi mà ra” (c.12,13).  Sở dĩ lời yêu cầu của Sa-ra khiến Áp-ra-ham buồn vì Ích-ma-ên cũng là con của ông, cũng từ gan ruột ông mà ra.  Sau gần mười bảy năm sống bên cạnh Ích-ma-ên, giữa hai cha con có một sự gần gũi, yêu thương nên Áp-ra-ham không muốn đuổi Ích-ma-ên và A-ga đi.  Nhưng Ðức Chúa Trời bảo ông hãy làm theo lời Sa-ra.  Chúa hứa Ngài cũng sẽ ban phước cho Ích-ma-ên và khiến con cháu của Ích-ma-ên trở nên một dân tộc hùng mạnh, vì Ích-ma-ên cũng từ nơi Áp-ra-ham mà ra.  Và một lần nữa, Áp-ra-ham đã vâng lời Chúa.  Kinh Thánh ghi:  “Áp-ra-ham dậy sớm, lấy bánh và một bầu nước, đưa cho A-ga, để các món đó trên vai nàng, rồi đuổi đi” (Sáng 21:14)

A-ga được thiên sứ cứu giúp lần thứ hai

Với lời hứa của Chúa, sáng hôm sau, Áp-ra-ham dậy sớm, chuẩn bị lương thực và nước uống cho hai mẹ con A-ga rồi vĩnh viễn chia tay hai người. Thật là một hình ảnh thương tâm.  Một người đàn bà với đứa con trong tuổi thiếu niên làm sao có thể sống còn trong đồng vắng nguy hiểm, đầy thú dữ.  Áp-ra-ham lo ngại lắm, nhưng tin vào lời hứa của Chúa, ông đành lòng cho hai mẹ con A-ga lên đường.  Một lần nữa, A-ga, người mẹ đơn thân, lại phải một mình đương đầu với cuộc sống, với một thế giới đầy nguy hiểm và đe dọa.  Lương thực và nước uống của Áp-ra-ham cho chẳng là bao nhiêu nên hai mẹ con nàng A-ga đi trong đồng vắng được ít lâu thì hết nước uống.  Thấy con sắp bị chết vì khát, A-ga kêu khóc, và thiên sứ của Chúa đã đến cứu giúp.  Chi tiết này cũng được Kinh Thánh ghi lại như sau:  

Nàng A-ga ra đi, đi dông dài trong đồng vắng Bê-e-Sê-ba.  Khi nước trong bầu đã hết, nàng để đứa trẻ dưới một cội cây nhỏ kia, đi ngồi đối diện cách xa xa dài chừng một khoảng tên bắn; vì nói rằng:  Ôi, tôi nỡ nào thấy đứa trẻ phải chết!  Nàng ngồi đối diện đó, cất tiếng la khóc.  Ðức Chúa Trời nghe tiếng đứa trẻ khóc thì thiên sứ của Ðức Chúa Trời từ trên trời kêu nàng A-ga mà phán rằng:  Hỡi A-ga, ngươi có điều chi vậy?  Chớ sợ chi, vì Ðức Chúa Trời đã nghe tiếng đứa trẻ ở đâu đó rồi.  Hãy đứng dậy, đỡ lấy đứa trẻ và giơ tay nắm nó, vì ta sẽ làm cho nó nên một dân lớn (Sáng 21:14-18)

Hoàn cảnh tuyệt vọng của A-ga một lần nữa đã trở thành cơ hội cho Ðức Chúa Trời bày tỏ quyền năng và tình yêu của Ngài.  Ðây cũng là điều thường xảy ra trong cuộc đời người tin Chúa.  Khi chúng ta gặp hoạn nạn và đến bước đường cùng, nếu chúng ta kêu cầu Chúa với lòng nhờ cậy hoàn toàn, Chúa sẽ đoái nghe và bày tỏ quyền năng của Ngài để giải cứu chúng ta.  Sau đó, Chúa mở mắt A-ga và bà nhìn thấy một cái giếng nước gần đó.  Bà múc nước cho hai mẹ con uống và nhờ đó hai mẹ con được cứu sống.  Khi A-ga đi khỏi nhà chủ, Áp-ra-ham cho bà một bình nước, và chẳng bao lâu bình nước cạn.  Trong khi đó Chúa cho A-ga một cái giếng nước và cái giếng đã nuôi sống hai mẹ con A-ga trong bao nhiêu năm.  Sự tiếp trợ của Chúa bao giờ cũng đúng với điều chúng ta cần và luôn luôn dư dật.  Kinh Thánh cho biết, Ðức Chúa Trời vùa giúp Ích-ma-ên, hai mẹ con tiếp tục sống trong đồng vắng Pha-ran.  Ðứa trẻ lớn lên, có tài bắn cung tên và sống về nghề săn bắn.  Hoàn cảnh đau thương của A-ga chính là hoàn cảnh của nhiều chị em chúng ta ngày nay.  Nhưng ước mong kinh nghiệm quý báu của A-ga về sự tiếp trợ dư dật của Chúa cũng là kinh nghiệm của chúng ta hôm nay, khi chúng ta đến với Chúa với đức tin và nhờ cậy Ngài hoàn toàn.

Ðức Chúa Trời đã làm thành lời hứa của Ngài, khiến con cháu Ích-ma-ên trở nên một dân tộc hùng mạnh, nhưng điều đáng tiếc là A-ga đã quay trở về nguồn gốc thờ hình tượng của mình.  Kinh Thánh cho biết, A-ga cưới cho Ích-ma-ên một người vợ Ai-cập, và từ đó chúng ta không thấy Kinh Thánh nhắc đến A-ga hay Ích-ma-ên nữa.  Con cháu Ích-ma-ên không nhìn biết Ðức Chúa Trời, không thờ phượng Ngài và sau này trở thành giống dân Ả-rập, là giòng giống thù nghịch với dân Israel, con cháu Áp-ra-ham và là tuyển dân của Chúa.  Giống người Ả-rập là con cháu Áp-ra-ham, nhưng từ Ích-ma-ên mà ra, và người ta tin rằng, Mohammed, người sáng lập ra Hồi giáo là từ dòng dõi Áp-ra-ham và A-ga mà ra.  Nhóm người theo Hồi giáo ngày nay rất đông và mạnh, và tuy họ nói là họ thờ Ðức Chúa Trời nhưng luôn chống nghịch với người Do-thái, tuyển dân của Chúa.

Sứ đồ Phao-lô khi viết thư cho các tín hữu tại thành phố Ga-la-ti có nhắc đến A-ga và Sa-ra, như là hình bóng về hai giao ước cũ và mới.  Ông trách các tín hữu thời đó sống theo giao ước cũ của luật pháp mà không theo giao ước mới bởi đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.  Tên bà A-ga được nhắc đến khi sứ đồ Phao-lô dùng câu chuyện A-ga và Ích ma-ên, Sa-ra và Y-sác làm hình bóng cho vấn đề ông trình bày.  Phao-lô nói:  Ích-ma-ên là con của người nữ nô lệ còn Y-sác là con của người nữ tự chủ.  A-ga và Ích-ma-ên tượng trưng cho luật pháp, còn Sa-ra và Y-sác tượng trưng cho ân điển trong Chúa Cứu Thế.  Khi Y-sác đến thì Ích-ma-ên phải bị loại bỏ.  Tương tự như thế, luật pháp là giao ước tạm, trong một thời gian cho con dân Chúa.  Khi Chúa Giê-xu đến ban cho chúng ta ân điển và sự cứu rỗi, chúng ta không còn phải sống dưới luật pháp nữa.  Lời dạy này được ghi trong thư Ga-la-ti 4:21-31.

Kết luận

A-ga không chọn và cũng không muốn là một người mẹ đơn thân, nhưng hoàn cảnh và sự đối xử ích kỷ của người chung quanh đã đưa nàng vào tình trạng đáng thương đó.  Ngày nay nhiều chị em chúng ta cũng trở thành những người mẹ đơn thân vì những lý do, những hoàn cảnh khác nhau.  Có khi vì lòng ganh tị ganh ghét của một người nào đó, có khi vì sự vấp váp, yếu đuối hoặc thiếu khôn ngoan của chính mình mà chúng ta lâm vào hoàn cảnh một mình nuôi con.   Nhưng có thể nói, hầu hết hoàn cảnh đau thương của chị em chúng ta là vì sự bội ước và thiếu chung thủy của người đàn ông mà chúng ta đã tin cậy. Tuy nhiên, dù ở trong hoàn cảnh đơn chiếc, đau buồn như bà A-ga ngày xưa, chúng ta không tuyệt vọng nhưng có hy vọng và an ủi từ nơi Ðức Chúa Trời, Người Cha thiêng liêng của chúng ta.  Dù Chúa là Ðấng cao cả vĩ đại, Ngài không bao giờ quên những người nhỏ bé, cô thế.  Chúng ta cảm tạ Chúa vì chính Chúa hứa rằng Ngài sẽ là cha của kẻ mồ côi, người góa bụa.  Ðiều chúng ta cần làm là học theo gương của A-ga, lấy đức tin kêu cầu với Chúa, vâng lời Chúa phán dạy và hết lòng tin cậy vào sự dẫn dắt của Ngài.  Chúa sẽ khiến hoàn cảnh tuyệt vọng của chúng ta trở nên tươi sáng, thay tiếng khóc than của chúng ta bằng tiếng cười và tiếng hát ca ngợi Ngài.