Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1

1:1-4 ĐIỀU CÓ TỪ TRƯỚC HẾT

1 Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống —  2 vì sự sống đã bày tỏ ra, chúng tôi có thấy và đang làm chứng cho, chúng tôi rao truyền cho anh em sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha và đã bày tỏ ra cho chúng tôi rồi 3 chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ. 4 Chúng tôi viết những điều đó cho anh em, hầu cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy.

 

1. Xin kể ra những kinh nghiệm của tác giả đối với “điều có từ trước hết” (c. 1). Những kinh nghiệm nầy nói lên điều gì?

2. “Điều có từ trước hết” là “về Lời sự sống” (c. 1). Xin cho biết những điều liên quan đến sự sống trong câu 2.

3. Xin cho biết lý do sứ đồ Giăng lấy “điều đã thấy đã nghe” mà truyền cho độc giả (c. 3)?

4. “Giao thông” (c. 3) nghĩa là gì?

5. “Sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy” (c. 4) nghĩa là thế nào?

 

Hai tác phẩm lớn của sứ đồ Giăng trong Tân Ước là Phúc Âm Giăng và Thư I Giăng. Phúc Âm Giăng được viết với mục đích sau:

Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống (Giăng 20:31)

Còn Thư I Giăng được viết cho mục đích:

Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời (5:13)

Như vậy, Phúc Âm Giăng được viết để người đọc tin và được sự sống còn Thư I Giăng được viết để người đã tin BIẾT MÌNH CÓ SỰ SỐNG. Có thể nói Phúc Âm Giăng là truyền giảng còn Thư I Giăng là chăm sóc. Đây là lá thư viết cho người tin Chúa xác nhận niềm tin của mình và thực hành niềm tin đó.

Thư I Giăng như một bài trắc nghiệm để chúng ta thấy rõ niềm tin của mình. Chúng ta sẽ học Thư I Giăng trong ý hướng đó để áp dụng cho mình.

Trước hết, Giăng cho thấy căn bản và mục đích của lá thư:

Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống (c. 1)

Điều có từ trước hết (c. 1a) là điều về lời sự sống (c. 1b). Chữ lời (logos) trong Phúc Âm Giăng chỉ về Chúa Giê-xu (Giăng 1:1-3) nhưng lời sự sống trong câu nầy mang ý nghĩa Phúc Âm hay nội dung Phúc Âm vì đó là điều mà Giăng rao truyền cho anh em (c. 2b). Trước khi rao truyền, kinh nghiệm của Giăng đối với Lời sự sống là: nghe, thấy, ngắm và rờ (c. 1b), nói lên kinh nghiệm bản thân của vị sứ đồ với Chúa Giê-xu.

Lời sự sống nói về Phúc Âm nhưng Lời sự sống cũng chính là Chúa Giê-xu. Phúc Âm không gì khác hơn là Chúa Giê-xu. Kinh nghiệm của Giăng với Chúa Giê-xu chính là kinh nghiệm của ông với Phúc Âm. Những động từ nghe, thấy, ngắmrờ cho thấy đây là kinh nghiệm cá nhân, gần gũi với Chúa Giê-xu, một kinh nghiệm trực tiếp: nghe Chúa nói, nhìn thấy Chúa và đụng đến chính Chúa. Chữ ngắm mang ý nghĩa chiêm ngưỡng (Giăng 1:14).

Phúc Âm là điều có từ trước hết hàm ý Phúc Âm cứu rỗi nằm trong kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời để cứu rỗi nhân loại, không phải là điều mới có sau nầy. Có từ trước hết cũng liên kết với Chúa Giê-xu là Đấng có từ ban đầu (Giăng 1:1) vì Chúa Giê-xu là Ngôi Lời có từ ban đầu, Ngài chính là Lời sự sống trong Phúc Âm. Sứ điệp Phúc Âm chính là Chúa Giê-xu, Ngài là Lời sự sống:

vì sự sống đã bày tỏ ra, chúng tôi có thấy và đang làm chứng cho, chúng tôi rao truyền cho anh em sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha và đã bày tỏ ra cho chúng tôi rồi (c. 2)

Câu nầy nói về Chúa Giê-xu với những mô tả sau:

(1) Ngài là sự sống đời đời.

(2) Ngài vốn ở cùng Đức Chúa Cha.

(3) Ngài đã bày tỏ.

Đây chính là điều Giăng gọi là Ngôi Lời trở nên xác thịt trong Giăng 1:1, 14. Như vậy, câu 2 là lời giải thích về Lời sự sống và rồi Giăng trở lại với ý của câu 1:

Chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi (c. 3a)

Giăng muốn nói với độc giả rằng, Phúc Âm mà ông rao truyền cho họ là chính Chúa Giê-xu, là Đấng mà ông và các bạn sứ đồ khác đã có kinh nghiệm cá nhân và gần gũi với Ngài. Họ là những nhân chứng sống. Mục đích hay lý do sứ đồ Giăng rao truyền Phúc Âm Chúa Giê-xu cho họ là: Hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi (c. 3a).

Giao thông không mang ý nghĩa vận chuyển nhưng nói lên mối tương giao (thông công). Đây là một trong những đặc điểm của Hội Thánh đầu tiên (Công vụ 2:42) nói đến mối tương giao đặc biệt của những người cùng đức tin.

Thật ra, mối tương giao nầy phát xuất từ cùng một nguồn:

Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha và với Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 3b)

Lý do sứ đồ Giăng có mối tương giao với độc giả vì ông và họ đều cùng liên kết với Đức Chúa Cha và với Chúa Giê-xu. Đây là ơn phước của mọi người tin Chúa: chúng ta có mối tương giao chiều đứng (với Chúa) và mối tương giao chiều ngang (với nhau).

Sứ đồ Giăng kết thúc lời mở đầu lá thư với câu:

Chúng tôi viết những điều đó cho anh em, hầu cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy (c. 4)

Lý do Giăng viết lá thư nầy là hầu cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy. Giăng mở đầu lá thư với Lời sự sống, là Phúc Âm, là chính Chúa Giê-xu (c. 1-2). Ông nói ông rao truyền Phúc Âm đó cho các tín hữu (c. 3a). Sự rao truyền nầy tạo nên mối thông công giữa ông và các tín hữu và với Chúa (c. 3b). Tất cả những điều nầy đem lại cho ông niềm vui trọn vẹn (BHĐ). Trong Thư Giăng II và III, ông cũng nói lên cùng một điều (II Giăng câu 4 và III Giăng câu 4). Niềm vui của vị sứ đồ không gì khác hơn là thấy những người tiếp nhận Phúc Âm tiếp tục đi trong đường lối của Chúa, sống trong mối tương giao với Đức Chúa Trời.

Niềm vui của người hầu việc Chúa là thấy con cái Chúa tiếp tục sống trong mối tương giao chân chính với Chúa theo lời dạy của Phúc Âm, không bị dẫn dụ bước vào các mối tương giao khác của tà giáo.