Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

4:7-21 ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ SỰ YÊU THƯƠNG

7 Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. 8 Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương. 9 Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. 10 Nầy, sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta.

11 Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau. 12 Chưa hề có ai thấy Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta yêu nhau, thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta. 13 Bởi điều nầy chúng ta biết mình ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta, là Ngài đã ban Thánh Linh Ngài cho chúng ta. 14 Chúng ta lại đã thấy và làm chứng rằng Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian. 15 Ví bằng có ai xưng Đức Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời ở trong người, và người ở trong Đức Chúa Trời. 16 Chúng ta đã biết và tin sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy.

17 Nầy vì sao mà sự yêu thương được nên trọn vẹn trong chúng ta, hầu cho chúng ta được lòng mạnh bạo trong ngày xét đoán, ấy là Chúa thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế gian nầy. 18 Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương. 19 Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước. 20 Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được. 21 Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn nầy: Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình.

 

1. Chúng ta yêu mến lẫn nhau dựa trên căn bản nào (c. 7-8)?

2. Hai yếu tố giúp chúng ta có tình yêu thương là gì (c. 7b)?

3. “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (c. 8b) nghĩa là làm sao?

4. Theo câu 9, đặc điểm của tình yêu thương của Đức Chúa Trời là gì?

5. Câu 10 cho thấy điều gì về tình yêu của Đức Chúa Trời?

6. Dựa trên các câu 11-16, xin cho biết dấu hiệu và đặc tính của người tin Chúa.

7. “Chúa thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế gian nầy” (c. 17b) nghĩa là thế nào?

8. Tác giả nói gì về liên hệ giữa yêu thương và sợ hãi trong câu 18?

9. Xin cho biết liên hệ giữa việc yêu Chúa và yêu anh em (c. 20-21)?

 

Theo 3:24b, Đức Thánh Linh là dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời ở trong chúng ta.  Chữ (Đức Thánh) Linhthần là cùng một từ trong nguyên văn (pneuma) do đó Giăng phân biệt giữa Linh thật và thần giả trong 4:1-6. Sau phần phân biệt nầy, Giăng trở lại với chủ đề yêu thương ông nói trong 3:11-24.

Chủ đề yêu thương được Giăng khai triển trong 4:7-21 với các ý chính sau:

(1) Lời kêu gọi yêu thương (c. 7a).

(2) Lời xác quyết phân biệt giữa người có lòng yêu thương và người không có lòng yêu thương (c. 7b-8).

(3) Tình yêu thương của Đức Chúa Trời được thể hiện qua việc ban Chúa Giê-xu làm của lễ chuộc tội, do đó, người tin Chúa phải yêu thương nhau (c. 9-11).

(4) Dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài là chúng ta:

·      Yêu thương nhau (c. 12-13).

·      Tin Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời và Cứu Chúa (c. 14-15).

·      Sống trong yêu thương (c. 16).

(5) Yêu thương và sợ hãi không đi chung với nhau (c. 17-18).

(6) Đức Chúa Trời là Đấng đi bước đầu trong sự yêu thương (c. 19).

(7) Yêu Chúa và yêu thương anh em phải đi chung với nhau (c. 19-21).

Trở lại với chủ đề yêu thương trong 3:11-24, Giăng bắt đầu với lời kêu gọi:

Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau (c. 7a)

Lý do chúng ta phải yêu mến lẫn nhau là vì Đức Chúa Trời là nguồn của tình yêu:

Sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời (c. 7b)

Giăng xác quyết:

Kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời (c. 7b-8a)

Ông phân biệt hai nhóm người rõ rệt:

 

Người yêu thương

Người không yêu thương

Sinh từ Đức Chúa Trời

Không biết Đức Chúa Trời

Nhìn biết Đức Chúa Trời

 

Người tin Chúa thật là người được tái sinh (sinh từ Đức Chúa Trời) và có mối quan hệ mật thiết với Ngài (nhìn biết Đức Chúa Trời). Dấu hiệu bên ngoài của người đó là yêu thương. Ngược lại, thiếu tình yêu thương là dấu hiệu của người chưa được tái sinh và không có mối tương giao thật với Chúa.

Sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời (c. 7b) và Đức Chúa Trời là sự yêu thương là hai điều tương đương với nhau, cho thấy Đức Chúa Trời là nguồn của tình yêu (yêu thương đến từ Đức Chúa Trời) yêu thương là bản chất của Ngài (Đức Chúa Trời là sự yêu thương).

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời là tình yêu biểu lộ hay thể hiện cách cụ thể:

Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy (c. 9a)

Đây là khuôn mẫu cho chúng ta: tình yêu thương của chúng ta cần phải được biểu lộ rõ ràng và cụ thể trong lời nói và hành động (3:18). Cách Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu của Ngài là:

Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống (c. 9b)

Đây là câu tương đương với Giăng 3:16:

Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời thể hiện trong sự ban cho hay sai Con Một của Ngài đến thế gian. Mục đích của việc ban cho đó là để chúng ta nhờ Con được sống.

Sống là từ thường dùng cả trong Phúc Âm Giăng và trong Thư Giăng. Sống mang ý nghĩa sống đời đời, sống sung mãn, sống có ý nghĩa. Chúa Giê-xu cho biết sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật (Giăng 17:3). Chúa Giê-xu đã đến trần gian để chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời (có mối quan hệ với Đức Chúa Trời) và đó là sự sống thật.

Tiếp nối với ý tình yêu của Đức Chúa Trời là tình yêu thể hiện (c. 9), Giăng viết:

Nầy, sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta (c. 10)

Tình yêu của Đức Chúa Trời chẳng những là tình yêu thể hiện, bày tỏ rõ ràng trong việc ban Con Một của Ngài (c. 9), đó cũng là tình yêu bắt đầu từ Đức Chúa Trời, Chúa khởi động tình yêu của Ngài với chúng ta trước (c. 19). Dù là tình yêu thể hiện (c. 9) hay tình yêu chủ động (c. 10), mục đích là để chúng ta được sống (c. 9) và chúng ta được sống là nhờ Chúa Giê-xu làm của lễ chuộc tội chúng ta. Của lễ chuộc tội (hilasmos) đúng hơn là “của lễ vãn hồi,” nói đến sinh tế khiến Đức Chúa Trời nguôi cơn thạnh nộ thánh khiết của Ngài. Đó là ý nghĩa của câu trong bài hát In Christ Alone: Till on that cross as Jesus died, the wrath of God was satisfied.” Cái chết chuộc tội của Chúa Giê-xu đã “làm thỏa mãn (làm nguôi) cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời” khi Ngài chịu chết trên thập tự giá. Chúa Giê-xu đã chịu chết chuộc tội cho chúng ta trong ý nghĩa, Chúa mang tội thay cho chúng ta và Đức Chúa Trời công bình, thánh khiết, dựa vào cái chết thay thế đó để tha tội chúng ta.

Giăng nói về tình yêu của Đức Chúa Trời trong câu 9-10, dựa vào đó, ông viết:

Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau (c. 11)

Tình yêu của Đức Chúa Trời là khuôn mẫu cho chúng ta noi theo và đây cũng là dấu hiệu cho thấy Chúa đang ngự trong chúng ta:

Chưa hề có ai thấy Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta yêu nhau, thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta (c. 12)

Câu: Sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta được Giăng nhắc đến bốn lần (2:5; 4:12, 17, 18), mỗi lần cho thấy một khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa. Tình yêu của Đức Chúa Trời được trọn vẹn trong chúng ta khi chúng ta:

1. Vâng giữ Lời Chúa (2:5).

2. Yêu thương nhau (4:12).

3. Không sợ hãi trong ngày đoán xét (4:17-18).

Tác giả Kruse nói rằng: “Chu kỳ tình yêu của Đức Chúa Trời chỉ hoàn tất khi chúng ta yêu thương nhau.”

Với ý Đức Chúa Trời ở trong chúng ta (c. 12b), Giăng nhắc lại điều ông nói trong 3:24 về vai trò của Đức Thánh Linh:

 Bởi điều nầy chúng ta biết mình ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta, là Ngài đã ban Thánh Linh Ngài cho chúng ta. (c. 13)

Yêu thương là thể hiện bên ngoài của việc chúng ta có Chúa ngự trị trong lòng và Đức Thánh Linh là dấu hiệu bên trong về sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống người tin Chúa. Đức Thánh Linh chẳng những là bằng chứng sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong chúng ta, Ngài cũng xác chứng về tình yêu của Đức Chúa Trời khi sai Chúa Giê-xu đến trần gian cứu chuộc chúng ta:

Chúng ta lại đã thấy và làm chứng rằng Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian (c. 14)

Câu: Chúng ta lại đã thấy và làm chứng nhắc lại ý của 1:1-4 nhưng ở đây nhấn mạnh sự kiện Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian. Đây là niềm tin chân chính về Chúa Giê-xu cũng như niềm tin về sự nhập thể hoàn toàn của Ngài (4:2). Chúa Giê-xu mang thân xác con người đến trần gian với mục đích cứu chuộc thế gian qua cái chết thay thế của Ngài trong thân xác con người. Đó là niềm tin về sự nhập thể (incarnation) và cứu rỗi (salvation) của Chúa Giê-xu.

Sứ đồ Giăng khẳng định giáo lý về Chúa Giê-xu cho các tín hữu chân chính, đối lại với nhóm người chủ trương tà giáo đã rời bỏ Hội Thánh như sau:

Ví bằng có ai xưng Đức Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời ở trong người và người ở trong Đức Chúa Trời (c. 15)

Xưng Đức Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời là niềm tin chân chính và căn bản và đảm bảo của niềm tin đó là: Đức Chúa Trời ở trong người và người ở trong Đức Chúa Trời. Đây là giáo lý Liên Hiệp Với Chúa: chúng ta có sự sống của Chúa và sự sống của chúng ta liên hiệp cách nhiệm mầu với sự sống của Chúa như nhánh nho trong cây nho (Giăng 15:4-6). Ý niệm về sự sống Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Đức Chúa Trời được nhắc đến nhiều lần trong lá thư nầy (3:24; 4:13, 15-16). Sự kiện nầy được xác định với:

(1) Sự hiện diện của Chúa Thánh Linh trong đời sống của người tin Chúa (3:24; 4:13).

(2) Việc xưng nhận Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời (4:15).

(3) Việc ở trong sự yêu thương (4:16).

I Giăng 4:7-21 là phần sứ đồ Giăng dạy về tình yêu thương. Khi nói đến việc Đức Chúa Trời ở trong chúng ta (c. 12) ông giải thích thêm về ý niệm “ở trong” qua các câu 13-16. Kết thúc phần nầy, sứ đồ Giăng viết:

Chúng ta đã biết và tin sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ở trong người ấy (c. 16)

Biết và tin là dùng hai chữ khác nhau với cùng một ý nghĩa, tương tự như trong Giăng 6:69. Giăng cho thấy đây là điều các tín hữu đã tin và kinh nghiệm về tình yêu của Đức Chúa Trời. Đây là tình yêu thể hiện trong việc Đức Chúa Trời sai Chúa Giê-xu đến trần gian chịu chết chuộc tội cho chúng ta (c. 10).

Giăng nhắc lại câu: Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương là điều ông đã nói trong câu 8. Đức Chúa Trời là sự yêu thương không nói về bản thể của Đức Chúa Trời nhưng nói về thể hiện của tình yêu Đức Chúa Trời trong việc ban Con Ngài làm của lễ chuộc tội (c. 10) và làm Cứu Chúa thế gian (c. 14).

I Giăng 4:7-21 cho thấy dấu hiệu của một người thật sự biết Chúa là yêu thương anh chị em. Giăng cho độc giả thấy rằng, không giống như những người đã rời bỏ Hội Thánh, họ là những người có lòng yêu thương lẫn nhau và dấu hiệu là Chúa ở trong họ và họ ở trong Chúa:

Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ở trong người ấy (c. 16b)

Câu: Sự yêu thương được nên trọn vẹn được nhắc đến bốn lần trong Thư I Giăng:

·      2:5: Ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là TRỌN VẸN trong người ấy.

·      4:12: Nếu chúng ta yêu nhau, thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và sự yêu mến Ngài được TRỌN VẸN trong chúng ta.

·      4:17: Nầy vì sao mà sự yêu thương được nên TRỌN VẸN trong chúng ta, hầu cho chúng ta được lòng mạnh bạo trong ngày xét đoán, ấy là Chúa thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế gian nầy.

·      4:18: Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương TRỌN VẸN thì cất bỏ sự sợ hãi vì sự sợ hãi có hình phạt và kẻ đã sợ hãi thì không được TRỌN VẸN trong sự yêu thương.

Như vậy, yêu thương trọn vẹn là khi chúng ta vâng giữ Lời Chúa (2:5) và yêu thương nhau (4:12). Yêu thương trọn vẹn cũng giúp chúng ta được lòng mạnh bạo trong ngày xét đoán (4:17) và không sợ hãi (4:18).

Nầy vì sao mà sự yêu thương được nên trọn vẹn trong chúng ta, hầu cho chúng ta được lòng mạnh bạo trong ngày xét đoán, ấy là Chúa thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế gian nầy (c. 17)

Câu: Lòng mạnh bạo trong ngày xét đoán tương đương với ý trong 2:28:

Vậy bây giờ, hỡi các con cái bé mọn ta, hãy ở trong Ngài, hầu cho, nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ thẹn và quăng xa khỏi Ngài trong kỳ Ngài ngự đến (2:28)

Hai điều giúp chúng ta không có gì phải sợ hãi, bất an lúc Chúa trở lại là:

·      Tiếp tục vâng giữ Lời Chúa (2:28)

·      Tiếp tục yêu thương (4:17)

Câu: Chúa thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế gian nầy (c. 17b) nhắc lại việc khi còn ở thế gian, Chúa đã yêu thương các môn đệ của Ngài (Giăng 13:1; 34; 15:9, 12) thì ngày nay, chúng ta cũng có tình yêu thương giống như vậy. Tình yêu thương đó xác nhận đức tin thật của chúng ta, do đó không có gì phải sợ hãi trong ngày đoán xét. Đây cũng là câu xác định chúng ta phải trở nên giống như Chúa khi sống trên trần gian nầy (Rô-ma 8:29; Ê-phê-sô 4:13). Trở nên giống như Chúa phải là mục tiêu của mỗi người tin nhận Ngài.

Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi vì sự sợ hãi có hình phạt và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương (c. 18)

Hai điều Giăng đối chiếu trong câu nầy là yêu thươngsợ hãi. Sợ hãi nói đến sợ hình phạt. Đây là hình phạt đời đời, dành cho người không có Chúa (Ma-thi-ơ 25:46). Người tin Chúa thật không phải sợ về hình phạt nầy và bằng chứng về đức tin thật là lòng yêu thương: yêu Chúa và yêu người. Chúng ta yêu Chúa và yêu người vì đã kinh nghiệm tình yêu Chúa dành cho chúng ta. Đó là tình yêu thương trọn vẹn. Một khi đã dầm thấm trong tình yêu nầy sẽ không còn gì cho chúng ta lo sợ. Tóm lại, sợ hãi và yêu thương không thể đi chung với nhau. Chúng ta còn sợ là vì thiếu yêu thương, khi đã yêu thương thì không còn gì phải sợ.

Chủ đề của I Giăng 4:7-21 là yêu thương. Người tin Chúa yêu thương nhau vì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta (c. 12, 16) mà Đức Chúa Trời là sự yêu thương (c. 8, 16). Tình yêu của Đức Chúa Trời là tình yêu thể hiện (c. 9) và là tình yêu chủ động (c. 10). Giăng nhắc lại điều đó ở đây:

Chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta TRƯỚC (c. 19)

Chúa đi bước đầu trong tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta và đó là động cơ thúc đẩy chúng ta yêu Chúa. Còn tình yêu của Đức Chúa Trời là tình yêu thể hiện thì áp dụng cho chúng ta, chúng ta cũng phải bày tỏ lòng yêu thương đối anh chị em chung quanh mình như vậy:

Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được (c. 20)

Đây là ý được Giăng nhắc lại nhiều lần trong lá thư (2:9-11; 3:11-24; 5:2) cho thấy tình yêu thật là tình yêu phải được minh chứng bằng hành động cụ thể. Có người đặt câu hỏi: “Yêu người và yêu Chúa, yêu ai dễ hơn?” Thực tế cho thấy yêu Chúa có lẽ dễ hơn! Tuy nhiên, theo lời dạy nầy, khi nói yêu Chúa, chúng ta cũng phải yêu anh chị em, nếu không, tình yêu của chúng ta đối với Chúa không phải là tình yêu thật, chúng ta là kẻ nói dối (c. 20a). Tóm lại một lời, Giăng viết:

Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn nầy: Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình (c. 21)

Chúa Giê-xu dạy trong Giăng 14:15:

Nếu các ngươi yêu mến Ta thì giữ gìn các điều răn Ta.

Theo câu nầy (c. 21), điều răn của Chúa không gì khác hơn là yêu Chúa và yêu anh em. Chúng ta thấy có một vòng tròn ở đây: yêu Chúa thì vâng giữ điều răn Chúa, điều răn Chúa không gì khác hơn là yêu Chúa và yêu Chúa nghĩa là yêu anh em mình. Gồm tóm lại một lời, chúng ta chỉ cần yêu anh chị em mình là đủ!