Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 16

II GIĂNG 1-3 BÀ ĐƯỢC CHỌN CÙNG CON CÁI

1 Trưởng lão đạt cho bà được chọn kia cùng con cái bà mà tôi thật yêu dấu, — nào những tôi yêu dấu thôi đâu, nhưng hết thảy mọi người biết lẽ thật cũng yêu dấu nữa. 2 Điều đó, vì cớ chính lẽ thật ở trong chúng ta, lại sẽ ở với chúng ta đời đời: — 3 nguyền xin ân điển, sự thương xót, sự bình an, bởi Đức Chúa Trời là Cha và bởi Đức Chúa Giê-xu Christ là Con của Cha, được ở cùng chúng ta, trong lẽ thật và sự yêu thương!

 

1. Xin cho biết người viết và người nhận lá thư. “Trưởng lão” là ai? “Bà được chọn” là ai?

2. “Hết thảy mọi người biết lẽ thật cũng yêu dấu nữa” (c. 1a) hàm ý gì?

3. “Lẽ thật ở với chúng ta đời đời” (c. 2b) nghĩa là thế nào?

4. Xin cho biết ba yếu tố trong lời chúc và hai yếu tố căn bản của lời chúc và ý nghĩa mỗi điều.

 

Người viết Thư Giăng II và III xưng mình là trưởng lão (presbyteros). Trưởng lão nói đến chức vụ hay tuổi tác. Một số nhà giải nghĩa Kinh Thánh cho rằng, trong thời sứ đồ Giăng có một trưởng lão cũng tên là Giăng, đã viết Thư Giăng II và III. Tuy nhiên, chúng ta không có bằng chứng gì về điều nầy. Ngoài ra, giọng văn cũng như nội dung của hai lá thư có nhiều điểm tương đồng với Thư Giăng I và Phúc Âm Giăng nên người viết thư không ai khác hơn là sứ đồ Giăng.

Người nhận thư được gọi là bà được chọn (Electa Kyria). Electa nghĩa là “được chọn” và Kyria nghĩa là “Bà.” Cả hai từ nầy cũng có thể là danh từ riêng, là tên của một người. Do đó Electa Kyria có thể hiểu theo những nghĩa sau:

(1) “Bà, người được chọn” (BHĐ).

(2) Bà Electa.

(3) Kyria, người được chọn.

(4) Electa Kyria.

Tuy nhiên, danh hiệu bà được chọn (“Bà, người được chọn”) có lẽ là hợp lý nhất. Bà được chọn cũng có thể là một cách nói để chỉ về một Hội Thánh và con cái bà là tín đồ của Hội Thánh đó.

Thư Giăng II là thư gởi cho một cá nhân (bà được chọn) hay cho một Hội Thánh là điều vẫn có nhiều ý kiến khác nhau (xem Lời Mở Đầu). Tác giả Leon Morris cho rằng, có lẽ nên xem đây là thư gởi cho một cá nhân, tương đương với Thư III Giăng, gởi cho Gai-út cũng là thư mang tính cách cá nhân.

Những chữ, Mà tôi thật yêu dấu (c. 1a) dịch sát hơn là “những người tôi quý mến trong chân lý” (BHĐ). Yêu thươnglẽ thật (chân lý) là hai điều nổi bật trong thư nầy cũng như trong Thư I Giăng. Sứ đồ Giăng viết, “Yêu thương trong lẽ thật” rồi ông lại viết, Mọi người biết lẽ thật cũng yêu dấu nữa. Điều nầy cho thấy tình thương và chân lý (lẽ thật) đi chung với nhau: yêu chân lý đưa đến yêu thương nhau. Có người đã nói, cộng đồng lẽ thật và cộng đồng yêu thương là hai cộng đồng rộng lớn như nhau: có yêu thương thì phải có lẽ thật và có lẽ thật thì phải có yêu thương!

Sứ đồ Giăng lại viết:

Điều đó, vì cớ chính lẽ thật ở trong chúng ta, lại sẽ ở với chúng ta đời đời (c. 2)

Như vậy chúng ta có thể biết lẽ thật (c. 1b). Lẽ thật ở trong chúng ta và sẽ ở với chúng ta đời đời (c. 2). Cách sứ đồ Giăng dùng chữ lẽ thật như vậy cho thấy lẽ thật không gì khác hơn là chính Chúa Giê-xu, Đấng tuyên bố, “Ta là lẽ thật” (Giăng 14:6).

Lời chào đầu thư II Giăng khác với những lời chào thường thấy trong các thư tín như sau:

1. Ngoài ân điểnbình an, Giăng nhắc đến thương xót:

Nguyền xin ân điển, sự thương xót, sự bình an, bởi Đức Chúa Trời là Cha và bởi Đức Chúa Giê-xu Christ là Con của Cha, được ở cùng chúng ta, trong lẽ thật và sự yêu thương (c. 3)

2. Chúa Giê-xu được gọi là Con của Cha, nhấn mạnh về thần tính của Ngài, điều mà tà giáo thời đó phủ nhận (I Giăng 2:22-23; 4:15).

3. Được ở cùng chúng ta cho thấy đây không phải chỉ là lời chúc thông thường nhưng mang tính khẳng định. Những chữ nầy nằm ở đầu câu trong nguyên văn cho thấy Giăng muốn nhấn mạnh điều nầy.

4. Lời chào thông thường sẽ là, Được ở cùng ANH EM nhưng trong lời chào nầy, Giăng kể mình chung với độc giả: Được ở cùng CHÚNG TA.

5. Sau ân điển, thương xót và bình an, Giăng còn thêm: Trong lẽ thật và sự yêu thương, hai yếu tố quan trọng trong các lá thư của Giăng.