Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 18

II GIĂNG 7-13 KHÔNG VIẾT BẰNG GIẤY MỰC

7 Trong thế gian đã rải nhiều kẻ dỗ dành, là kẻ chẳng xưng Đức Chúa Jêsus Christ lấy xác thịt mà đến: ấy đó thật là kẻ dỗ dành và kẻ địch lại Đấng Christ. 8 Chính các ngươi hãy giữ, hầu cho khỏi mất kết quả của công việc mình nhưng cho được phần thưởng đầy đủ. 9 Hễ ai đi dông dài, chẳng bền lòng theo đạo Đấng Christ, thì người ấy không có Đức Chúa Trời. Còn ai bền lòng trong đạo ấy, thì người đó có Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. 10 Nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem đạo ấy theo, thì chớ rước họ vào nhà và đừng chào hỏi họ. 11 Vì người nào chào hỏi họ, tức là dự vào công việc ác của họ.

12 Ta còn nhiều điều muốn viết cho các ngươi, ta không muốn viết bằng giấy và mực nhưng ta ước ao đi thăm các ngươi và đối mặt nói chuyện cùng nhau, hầu cho sự vui mừng của chúng ta được đầy dẫy. 13 Con cái của chị em bà, là bà được chọn kia, chào thăm bà.

 

1. Xin cho biết dấu hiệu của “kẻ dỗ dành” và “kẻ địch lại Đấng Christ”(c. 7).

2. “Mất kết quả của công việc mình” (c. 8a) nghĩa là thế nào?

3. “Được phần thưởng đầy đủ” (c. 8b) nói đến điều gì?

4. Thế nào là “Đi dông dài” (c. 9a)?

5. “Đạo Đấng Christ” (c. 9a) chỉ về điều gì?

6. Xử sự như trong câu 10 có phải là quá đáng không? Tại sao?

7. “Không muốn viết bằng giấy và mực” (c. 12a) nghĩa là thế nào?

8. “Con cái của chị em bà” (c. 13a) chỉ về ai?

 

Bối cảnh của hai lá thư Giăng I và II là vấn đề tà giáo do những người địch lại Đấng Christ chủ trương (I Giăng 2:18, II Giăng 7). Giăng cũng gọi họ là kẻ dỗ dành (“lừa dối,” BHĐ) như lời Chúa Giê-xu đã nói trước (Ma-thi-ơ 24:4). Đặc điểm của những người nầy là chẳng xưng Đức Chúa Giê-xu Christ lấy xác thịt mà đến (c. 7). Họ phủ nhận nhân tính của Chúa Giê-xu, không tin Chúa Giê-xu là người hoàn toàn vì chịu ảnh hưởng của triết học Hy-lạp cho rằng vật chất là xấu ác, chỉ thần linh mới tốt đẹp. Theo họ, Đức Chúa Trời là Đấng thần linh không thể nào mang thân xác con người (xem phần giải thích I Giăng 4:2, trang 51).

Chúa Giê-xu phải mang thân xác con người mới có thể chịu chết chuộc tội cho con người. Đây là chính giáo (Hê-bơ-rơ 2:17). Chúa Giê-xu là Đấng Thần Nhân (Đức Chúa Trời và người) mang cả hai bản tính Trời và người, không thể tách rời. Giáo lý nào phủ nhận một trong hai điều trên là tà giáo.

Kết quả của công việc mình (c. 8a) nói đến phần thưởng của những đầy tớ trung tín (Ma-thi-ơ 25:21). Mất kết quả của công việc mình hàm ý rằng nếu độc giả nghe theo lời dẫn dụ của những người lừa dối, phủ nhận nhân tính của Chúa Giê-xu sẽ mất phần thưởng đó. Vì vậy, Giăng khuyến cáo họ, Hãy giữ (giữ mang ý nghĩa canh phòng cẩn thận) để không bị dụ dỗ và không được phần thưởng đầy đủ.

Đi dông dài nghĩa là “đi quá xa:”

Ai đi quá xa và không tiếp tục ở trong sự dạy dỗ của Đấng Christ thì không có Đức Chúa Trời. Còn ai tiếp tục ở trong sự dạy dỗ thì có cả Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con (c. 9, BHĐ)

“Đi quá xa” chỉ về những người dạy tà giáo, cho rằng mình tiến bộ nên đã đi xa ra ngoài những dạy dỗ của chính giáo. Người ở trong chính giáo (đạo Đấng Christ) không thể đi quá xa như vậy vì như thế là hoàn toàn sai lạc: Không có Đức Chúa Trời (c. 9a). Đạo Đấng Christ nói đến “sự dạy dỗ của Đấng Christ” (BHĐ). Bền lòng nghĩa là “tiếp tục” (BHĐ). Tiếp tục làm theo lời dạy của Chúa Giê-xu (vâng giữ điều răn, yêu thương anh em). là dấu hiệu của chính giáo: Có cả Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con (c. 9b).

Giăng dặn dò các tín hữu về cách đối xử với những người dạy tà giáo như sau:

Nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem đạo ấy theo, thì chớ rước họ vào nhà và đừng chào hỏi họ. Vì người nào chào hỏi họ, tức là dự vào công việc ác của họ (c. 10-11)

Lời dạy nầy nghe có vẻ khắc nghiệt, tuy nhiên chúng ta phải hiểu những điều sau:

1. Đến cùng các ngươi là đến nhà nhưng cũng có thể là đến với Hội Thánh để giảng dạy tà giáo. Giăng nói rõ: Mà không đem đạo ấy theo (c. 10a) nói đến người dạy tà giáo, phủ nhận nhân tính của Chúa Giê-xu.

2. Rước vào nhàchào hỏi hàm ý chấp nhận sự dạy dỗ của những người nầy.

3. Trong thời sứ đồ Giăng, phải có người đón tiếp vào nhà thì mới có thể tiếp tục công việc vì vậy rước vào nhàchào hỏi cũng mang ý nghĩa hỗ trợ công tác của họ (c. 11).

4. Giăng gọi việc dạy tà giáo nầy là việc ác (c. 11) vì tin theo đó là phủ nhận phương cách cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua cái chết thay thế của Chúa Giê-xu trên thập tự giá và sẽ đưa con người đến chỗ hư vong đời đời.

Đó là lý do khiến sứ đồ Giăng đưa ra những lời dặn dò mạnh mẽ trên.

Cuối thư, sứ đồ Giăng viết:

Ta còn nhiều điều muốn viết cho các ngươi, ta không muốn viết bằng giấy và mực nhưng ta ước ao đi thăm các ngươi và đối mặt nói chuyện cùng nhau, hầu cho sự vui mừng của chúng ta được đầy dẫy (c. 12)

Lời kết nầy cho thấy vị sứ đồ còn nhiều điều để nói nhưng ông muốn được trực tiếp chuyện trò hơn là viết thư. Đối mặt trong nguyên văn là “miệng giáp miệng” cho thấy rõ điều nầy. Được chuyện trò trực tiếp như vậy sẽ đem lại niềm vui cho ông và độc giả.

Con cái của chị em bà, là bà được chọn kia, chào thăm bà (c. 13)

Nếu người nhận thư là một cá nhân thì câu: Con cái của chị em bà chỉ về con cái của một phụ nữ khác, cũng là tín hữu (được chọn) ở nơi sứ đồ Giăng viết thư. Nếu người nhận thư là một Hội Thánh (xem trang 76) thì câu nầy chỉ về các tín hữu nơi ông viết thư gởi lời thăm các tín hữu nơi nhận lá thư.