Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 21

III GIĂNG 9-15 NGƯỜI THÍCH ĐỨNG ĐẦU

9 Tôi đã viết mấy chữ cho Hội thánh rồi nhưng Đi-ô-trép là kẻ ưng đứng đầu Hội thánh không muốn tiếp rước chúng ta. 10 Cho nên, nếu tôi đến, tôi sẽ bới việc xấu người làm, là lấy lời luận độc ác mà nghịch cùng chúng ta. Điều đó còn chưa đủ, người lại không tiếp rước anh em nữa, mà ai muốn tiếp rước, thì người ngăn trở và đuổi ra khỏi Hội thánh. 11 Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ bắt chước điều dữ, nhưng bắt chước điều lành. Ai làm điều lành là thuộc về Đức Chúa Trời, còn kẻ làm điều dữ, chẳng hề thấy Đức Chúa Trời.

12 Mọi người đều làm chứng tốt cho Đê-mê-triu và chính lẽ thật cũng chứng cho. Chúng tôi cũng làm chứng riêng cho người, anh biết rằng lời chứng của chúng tôi là hiệp với lẽ thật.

13 Tôi còn nhiều điều muốn viết cho anh, nhưng không muốn viết bằng mực và bút: 14 tôi ước ao tới thăm anh cho sớm và chúng ta sẽ đối mặt nói chuyện với nhau. 15 Nguyền xin sự bình an ở với anh! Các bạn hữu chào thăm anh. Hãy chào thăm các bạn hữu theo đích danh từng người.

 

1. Xin cho biết những đặc điểm của Đi-ô-trép.

2. Lời khuyên cho chúng ta trước việc làm của Đi-ô-trép là gì?

3. Chúng ta học được điều gì về Đê-mê-triu?

4. “Không muốn viết bằng mực và bút” (c. 13) nghĩa là thế nào?

 

Gai-út là người được sứ đồ Giăng khen ngợi về lòng hiếu khách (c. 5-8). Ngược lại với Gai-út là Đi-ô-trép, chẳng những không tiếp rước anh em (c. 10b) mà còn ngăn cản và gây khó khăn cho những ai tiếp rước (c. 10c). Đi-ô-trép có lẽ thuộc thành phần lãnh đạo trong Hội Thánh, dùng quyền hành của mình để ngăn cản người khác làm điều tốt.

Sứ đồ Giăng nói ông đã viết mấy chữ cho Hội thánh rồi (c. 9a) hàm ý ông đã cho Hội Thánh biết phải xử sự với Đi-ô-trép như thế nào. Tuy nhiên Giăng cho biết Đi-ô-trép không muốn tiếp rước chúng ta (c. 9c). Không muốn tiếp rước chúng ta hàm ý Đi-ô-trép không tiếp rước những anh em đi giảng lưu hành, theo lời yêu cầu của vị sứ đồ (c. 10b). Giăng cho thấy, không tiếp rước những người Giăng sai đi là không tiếp rước chính ông là người đã gởi họ đi. Lời này tương tự như lời dạy của Chúa Giê-xu (Giăng 5:23b; 13:20). Đi-ô-trép coi thường thẩm quyền của sứ đồ Giăng vì ông là người ưng đứng đầu Hội thánh (c. 9b). Đây là người muốn nắm quyền trong Hội Thánh.

Sứ đồ Giăng cho biết, khi ông đến, ông sẽ bới việc xấu người làm (c. 10a) hàm ý sẽ “nhắc lại những gì anh ta đã làm” (BHĐ). Việc xấu Đi-ô-trép đã làm là:

1. Lấy lời luận độc ác mà nghịch cùng chúng ta (c. 10b).

2. Không tiếp rước anh em ai muốn tiếp rước, thì người ngăn trở và đuổi ra khỏi Hội thánh (c. 10c).

Lời luận chỉ về việc nói xấu, rêu rao những điều không đúng về vị sứ đồ và những cộng sự của ông. Đi-ô-trép là người xấu cả trong lời nói và việc làm. Việc làm xấu của Đi-ô-trép là không tiếp rước người đi truyền giảng và gây khó khăn cho những ai tiếp rước (c. 10c).

Về người xấu đó, Giăng khuyên Gai-út:

Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ bắt chước điều dữ, nhưng bắt chước điều lành. Ai làm điều lành là thuộc về Đức Chúa Trời, còn kẻ làm điều dữ, chẳng hề thấy Đức Chúa Trời (c. 11)

Qua lời khuyên nầy, sứ đồ Giăng gián tiếp cho thấy người xử sự như Đi-ô-trép không phải là con cái thật của Chúa: Kẻ làm điều dữ, chẳng hề thấy Đức Chúa Trời (c. 11b). Vì vậy, Đi-ô-trép là gương xấu chúng ta nên tránh và Đê-mê-triu (c. 12) là gương tốt nên theo.

Đê-mê-triu có lẽ là người mang lá thư nầy đến cho Gai-út và là một trong những người truyền giáo lưu động mà sứ đồ  Giăng kêu gọi tiếp rước. Đê-mê-triu là người được mọi người làm chứng tốt (c. 12a) và Giăng nói thêm: Chính lẽ thật cũng chứng cho (c. 12b). Lẽ thật nói đến chân lý Phúc Âm, điều nầy cho thấy Đê-mê-triu là người rao giảng Phúc Âm và đời sống ông phù hợp với những gì ông rao giảng. Những gì Đê-mê-triu rao giảng cũng thật như đời sống của ông vậy. Chính sứ đồ Giăng cũng làm chứng tốt về Đê-mê-triu (c. 12c). Đê-mê-triu là gương cho chúng ta noi theo vì ông được xác nhận với ba lời chứng:

(1) Lời chứng của mọi người.

(2) Lời chứng của Phúc Âm.

(3) Lời chứng của vị sứ đồ.

Tương tự như lời kết của Thư Giăng II, Giăng viết:

Tôi còn nhiều điều muốn viết cho anh, nhưng không muốn viết bằng mực và bút. Tôi ước ao tới thăm anh cho sớm và chúng ta sẽ đối mặt nói chuyện với nhau (c. 13-14)

Mực và bút mang cùng ý nghĩa với giấy và mực trong II Giăng. Lời kết nầy cho thấy vị sứ đồ còn nhiều điều để nói nhưng ông muốn được trực tiếp chuyện trò hơn là viết thư. Đối mặt trong nguyên văn là “miệng giáp miệng,” cho thấy rõ điều nầy.

Lời chào cuối thư của Giăng là:

Nguyền xin sự bình an ở với anh! Các bạn hữu chào thăm anh. Hãy chào thăm các bạn hữu theo đích danh từng người.

Bình an là lời chào thông thường nhưng cũng mang ý nghĩa thịnh vượng cả hồn lẫn xác (c. 2). Thư III Giăng chẳng những là thư riêng cho Gai-út nhưng cũng cho thấy mối thân tình của sứ đồ đối với Hội Thánh, ông muốn chào họ đích danh từng người.