Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

Làm Sao Biết Được Niềm vui?

“Chúng tôi viết những điều này cho anh em để niềm vui của anh em được đầy trọn.” 1 Giăng 1:4

Thư Giăng là một bức thư thực tế, không phải là một bài dạy về thần học viết từ quan điểm thần học hay kinh viện, lá thư chỉ có mục đích giúp đỡ, khuyến khích và xây dựng dân Chúa. Chúng ta đã nói đến dân Chúa là những người ”biết mình thuộc về Đức Chúa Trời” và chúng ta muốn được niềm vui trọn vẹn. B2i này sẽ bàn đến làm sao có được niềm vui trọn vẹn.

Đây là vấn đề của những người Cơ-đốc đầu tiên trên thế giới và vẫn là nan đề của chúng ta hiện tại. Sứ đồ Giăng viết lá thư này để cho mọi người biết làm thế nào niềm vui vẫn tồn tại dù họ sống trong hoàn cảnh bất lợi hay sẽ lâm vào tình cảnh như thế.

Thư Giăng thứ nhất có thể chia thành ba phần chính. Phần thứ nhất là ba chương đầu tiên. Phần thứ hai là từ chương 4 cho đến hết câu 12 của chương 5. Các câu còn lại là phần thứ ba.

Trong phần thứ nhất Sứ đồ Giăng đưa ra những điều kiện căn bản trước khi có thể có được niềm vui và duy trì mãi mãi. Trong phần thứ hai, ông khuyến giục mọi người áp dụng các nguyên tắc mà ông đã nêu lên. Phần thứ ba ông kêu nài và tiếp tục khuyến giục. Cuối cùng là kết luận.

Trong Phần thứ nhất ông cho biết chúng ta phải có những căn bản nào trước khi có được niềm vui và bảo vệ được. Điều đầu tiên là vị trí trung tâm của Chúa Giê-xu. Ngay những câu đầu tiên, ông đã nói đến Chúa Cứu Thế, mô tả rõ Chúa Cứu Thế. ”Điều có từ ban đầu, là điều chúng tôi đã nghe, chính mắt chúng tôi đã thấy, chúng tôi đã ngắm nhìn, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là điều về Lời sự sống. (vì sống đã được thể hiện, chúng tôi đã thấy, làm nhân chứng và chỉ cho anh em thấy sự sống vĩnh hằng đó, đã từng ở với Chúa Cha và đã được giãi bầy cho chúng tôi); đó là những gì chúng tôi đã thấy, đã nghe thì thuật lại cho anh em, để anh em cũng được tương giao với chúng tôi; thực sự thì đó là tương giao với Chúa Cha và với con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu.. Chúng tôi viết những điều này cho anh em để niềm vui của anh em được đầy trọn.”

Bạn không thể nào biết được niềm vui ấy cho đến khi bạn biết Chúa Cứu thế Giê-xu. Chúa là gốc của niềm vui, là nguồn của mọi ân phúc. Mọi điều đếu từ ngaì mà xuất hiện. Vì thế trước khi trình bầy về các vấn đề khác, Giăng nói ngay đến Chúa Cứu Thế.

Đây cũng là điểm khác biệt căn bản giữa Cơ-đốc-giáo và các tôn giáo khác, toàn bộ cơ sở niềm tin đặt nơi một mình Chúa Giê-xu. Sứ điệp của giáo hội cho thế gian không có gì khác hơn là Chúa Cứu Thế. Chúa là trung tâm, là chính, là đầu tiên và cuối cùng và Giăng không có gì để nói với độc giả cho đến khi họ hoàn toàn biết rõ Ngài. Vì nhờ Chúa Giê-xu mà chúng ta tiếp xúc được với Chúa Cha, và nhờ Ngài, chúng ta được thông công với Chúa Cha.

Nếu Chúa Giê-xu không phải là con một của Thượng Đế và là Cứu Chúa của chúng ta theo như Kinh Tân Ước dạy, thì sẽ không làm gì có sứ điệp cứu rỗi và niềm vui đầy trọn. Giăng nói rằng: Nếu anh em đã tin nhận Chúa Giê-xu, thì điều quan trọng kế tiếp để anh em luôn luôn được niềm vui đầy trọn trong trần gian này là anh em có tương giao với Thượng Đế - anh em ở trong Ngài và Ngài ở trong anh em..

Như thế điều đầu tiên để duy trì niềm vui là tương giao với Thượng Đế là Cha. Nhưng làm thế nào duy trì được tương giao với Chúa? Giăng giải thích từ 1:3 đến 2:28. Có những điều ngăn cản chúng ta trong mối tương giao này.

Trước tiên là tội. Giăng phân tích ra hành động phạm tội và việc phủ nhận tội hay xưng tội. Đó là cách tội ngăn cản chúng ta với Thượng Đế và làm chúng ta và làm chúng ta không tương giao với ngài được.

Điều cản trở thứ hai Giăng nói đến trong chương 2:3 là thiếu tình thương yêu anh em. Nếu có gì sứt mẻ giữa mối quan hệ của tôi và Chúa, tôi mất tương giao và niềm vui. Nhưng nếu có gì sứt mẻ giữa tôi và anh em chị em trong Chúa tôi cũng mất niềm vui. Mất liên lạc với anh em là mất liên lạc với Chúa, và cũng sẽ mất tình yêu đối với Chúa.

Điều cản trở thứ ba là lòng ham mê thế gian. Đó là yêu thế gian, ước muốn và chạy theo thú vui của thế gian với tất cả tinh thần tội lỗi của nó. Điều này làm ngăn cách tương giao với Chúa. Ta không thể trộn lẫn sáng và tối, ta cũng không thể nào trộn lẫn Chúa và ma quỷ với nhau được. Vì vậy, nếu ta yêu thế gian, ta sẽ bỏ chúa và niềm vui cũng sẽ mất.

Điều cản trở cuối cùng làm gián đoạn tương giao với Chúa là việc giảng dạy sai lạc về Chúa Giê-xu. Khi nào người ta làm như thế là làm mất niềm vui Chúa ban.

Đó là những điều ngăn cản trong tương giao của ta và Chúa. Nhưng Giăng không ngừng ở đó, ông nói rằng có một nguồn an ủi và tăng cường sức lực, đó là ân sủng của Chúa Thánh Linh, đấng biện hộ cho chúng ta trước mặt Cha. Thánh Linh mở mắt tâm linh cho ta thấy những vật cản này, và chỉ cho nơi nào để được giải thoát.

Điều quan trọng thứ hai để có niềm vui thật khi sống trong đời này là ý thức được mình sở hữu sự sống vĩnh hằng. Thứ nhất là tương gia với Chúa Cha và thứ hai là ý thức được sự sống vĩnh hằng trong mình. Từ chương 2:28 đến 3:24 Giăng dạy về điểm này. Ông cũng nêu lên những trở ngại.

Thứ nhất cũng là tội. Khi không giữ được điều Chúa răn cấm thì ta mất đi ý thức sở hữu sự sống vĩnh hằng. Khi nào ta sống đời đạo đức hẳn hoi, chúng ta có bảo đảm này và niềm sung sướng này, nhưng nếu ta sa ngã phạm tội, ta bắt đầu nghi ngờ, và ma quỷ thúc đẩy cho nghi ngờ càng nhiều thêm.

Thứ hai cũng là mất tình thương anh em. Mất tình thương anh em cũng làm mất ý thức về sự sống vĩnh hằng. vì ta có thể hỏi rằng: ”Nếu ta không thương những người tín đồ của Chúa như ta, ta tự hỏi không biết mình có tin Chúa thật hay không?”

Thứ ba cũng là việc giảng dạy sai lạc về Chúa Giê-xu. Nếu một giây phút nào ta thấy không thỏa mãn về việc tìm hiểu Chúa, nếu ta có những ý niệm sai về Ngài, thì ta lập tức sẽ mất ngay sự bảo đảm về cứu rỗi, mất ý thức về sự sống của Chúa trong đời mình.

Như thế ta có ba điều cản trở y như trường hợp tương giao với Chúa. Nhưng cảm tạ Chúa Thánh Linh Giăng dạy trong 3:24 rằng: ”Ai vâng giữ các điều răn Chúa thì ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy; chúng ta biết Ngài ở trong lòng chúng ta là nhờ Thánh Linh mà Ngài đã ban cho chúng ta.” Cảm tạ Chúa vì Thánh Linh luôn luôn hiện diện khi ta phải đối diện với các kẻ thù cản bước chúng ta, Thánh Linh luôn luôn hành động và sẽ phục hồi lại sức lực cho chúng ta.

Đó là những điều Giăng dạy trong phần đầu, tức là những điều kiện ta phải tuân giữ để có được niềm vui đầy trọn mà ông nói đến trong 1:4.

Chúng ta sang đến phần thứ hai, trong phần này Giăng khuyến giục và kêu gọi chúng ta thực hành những điều đó một cách cụ thể.

Chúng ta phải áp dụng những gì Giăng đã dạy; đó chính là chủ đề của phân đoạn 2 từ chương 4 đến hết câu 9 của chương 5., có thể tóm tắt như sau:

1 Giăng 4:1-6, Giăng dạy phải cẩn thận về các thần linh. Câu 1: ”Hỡi anh em thân yêu, đừng tin tưởng mọi thần linh”, nghĩa là phải biết rõ thần linh ở trong anh em là Thánh Linh của Đức Chúa Trời; phải nắm vững là anh em không bị thần linh giả mạo lường gạt, đó là lời khuyến giục đầu tiên.

1 Giăng 4:7-21, Giăng dạy: Phải biết chắc chắn rằng mình đang sống trong tình thương cỷa Chúa; đây là điều quan trọng chính yếu. Tất cả những gì anh em có được là do tình thương của Đức Chúa Trời cả, như thế phải cương quyết sống trong tình yêu đó và phải thực hành.

1 Giăng 5:1-4, Giăng dạy rằng mỗi người phải tuân giữ giới răn của Chúa một cách cụ thể và phải hiểu rằng chúng ta đang chiến thắng thế gian là đối phương của chúng ta.

1 Giăng 5:5-9, Giăng dạy rằng mọi người phải có cái nhìn thật đúng vào Chúa Giê-xu và phải sống trong tương giao chân thật với Ngài. Mỗi người cần hiểu biết chắc chắn tuyệt đối về Chúa, vì nếu không, anh em sẽ không có gì cả.

Đó là phần thứ hai của lá thư. Sang phần cuối cùng của thư này, là 1 Giăng 5:10-21. Giăng dạy rằng mỗi người phải biết chắc chắn mình là con của Chúa. Ai biết rõ như vậy thì có chứng tá trong con người của mình. Biết chắc chắn mình là con của Chúa còn đưa đến kết qua thứ hai là tin tưởng trong khi cầu nguyện. 1 Giăng 5:14 ghi: ”Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì thì Ngài nghe chúng ta. Kết quả thứ ba là chúng ta sẽ chiến thắnf tội ác và trần gian này. Kết quả cuối cùng là chúng ta biết được chiều sâu nhiệm của sự sống mình vì chúng ta là con của Chúa. Dù rằng thế gian này chao đảo dưới chân chúng ta, và dù hoả ngục tiến công đủ hướng, trong tin ưởng, yên lặng biết rằng mình là con của Chúa, ta sẽ có một thứ an bình mà không gì trên đời cướp đi được.

Như thế ngày trong dàn bài, chúng ta cũng đã thấy rõ các lý luận của Sứ Đồ Giăng, đó chính là phương cách chúng ta sở hữu niềm vui và duy trì mặc dù có gì xảy ra.

Khi chúng ta học qua những lý luận của Giăng, chúng ta sẽ thấy một điều khác nữa, quan trọng vô cùng, đó là giáo lý căn bản của niềm tin Cơ-đốc. Lá thư này mặc dù không phải là một luận thuyết triết học, như đã nói ở đầu, lại đầy dẫy thần học. Các vị sứ đồ không bao giờ viết một lá thư thực tế mà lại không đầy dẫy giáo lý thần học.

Giăng khởi đầu với giáo lý căn bản về cuộc nhập thể của Chúa Giê-xu, nhưng dù chương 1 ngắn, chỉ có 10 câu, ông cũng đã trình bầy rõ về giáo lý Chuộc Tội.

Sau đó ông vội vàng sang ngay giáo lý tái sinh và đổi mới - có lẽ đây là một trong những đoạn văn chính nói về tái sinh và đổi mới trong toàn bộ Kinh Thánh. đồng thời Giăng cũng đề cập đến giáo lý thánh hóa - chương 3 trở thành bãi chiến trường lớn cho những lý thuyết về giáo lý này. Nhưng giăng không quên giáo lý về tội và giáo lý về ma quỷ hay điều ác. Không có đoạn văn nào rõ hơn đoan văn về ma quỷ của Giăng. Giăng còn gói ghém toàn bộ giáo lý về cuộc tái lâm của Chúa Cứu Thế Giê-xu nữa.

Như thế chỉ trong mấy trang sách mà Giăng đã trình bầy những nguyên tắc vĩ đại đời đời của tín lý Cơ-đốc. Thư Giăng như một đại dương mênh mông mà chúng ta lặn hụp trong đó, biết rằng không ai có thể vượt qua được ranh giới với những thứ tuyệt đối này, nhưng nguyên tắc không bao giờ dời đổi, những điều tuyệt đối trong lĩnh vực thần linh và vĩnh hằng. Trong một thế giới thay đổi, biến động, không có gì chắc chắn, và dường như không có nguyên tắc cuối cùng nào để con người có thể đặt cơ sở cho toàn bộ quan điểm về cuộc đời, mà tại đây, chúng ta sống giữa những khoảng mênh mông và vô tận.

Giăng không phải chỉ viết theo kiểu tích cực, ông cũng viết tiêu cực nữa, vì vào cuối thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đầu tiên gặp rất nhiều khó khăn. Ông viết để xây dựng nhưng con người trong thời ấy nhưng đồng thời cũng cảnh cáo và căn dặn họ phải đề phòng kẻ thù khôn quỷ đã xuất hiện. Một loại giáo lý giả tạo đã len lỏi vào Hội Thánh ngay từ những ngày đầu tiên. Đừng ai tưởng rằng tà giáo mop71i có gần đây, chúng đã có ngay từ cuối thế kỷ thứ nhất. Sứ Đồ Giăng chỉ nói đến một tà giáo nổi danh nhất thời đó, là Gnosticism, tức là Khả Tri Thuyết.

Đây là một loại trộn lẫn giữa triết học và huyền bí học và được nhiều người ham chuộng. Khả Tri Thuyết len lỏi cả vào Hội Thánh. Những người theo phái này nói rằng họ có thể vào tận tình trạng huyền bí và được mạc khải những điều chưa bao giờ người thường được mạc khải. Đó là ý nghĩa của Khả Tri Thuyết - một loại hiểu biết đặc biệt, một cái biết kỳ lạ. Họ nói: ”Những người đặc biệt như chúng tôi đã thấy được nhiều điều, chúng tôi đã hiểu được những việc mà không ai hiểu.” Nhưng tất cả chỉ là võ đoán, và họ võ đoán đặc biệt đối với một số giáo lý.

Phao-lô cũng đề cập đến phái triết học này trong thư Cô-lô-se chương 2. Giáo lý sai lạc mà chủ thuyết triết học này đưa ra là phủ nhận tính chất vừa là Thần Linh lại vừa là người thật của Chúa Giê-xu.

Khả Tri Thuyết có hai quan điểm. Một số người nói rằng Chúa giê-xu thực sự không có thân xác, mà chỉ là một bóng ma. Họ bảo rằng Ngôi Lời không trở thành xác thể, nhưng trở thành một loại ma, vì thế Ngài không bao giờ thực sự bị đau thương trên thập giá.

Quan điểm thứ hai cho rằng ta cần phân biệt rõ con người Giê-xu và Chúa Cứu Thế vĩnh hằng. Họ nói rằng Chúa Cứu Thế vĩnh hằng đã nhập vào con người Giê-xu khi Ngài chiụ báp tem trên sông Giô-đanh. Rồi trên đồi Gô-gô-tha Chúa Cứu Thế ra khỏi con người Giê-xu, và con ngườ ấy bị hành hình, Chúa Cứu Thế không bị. Họ bảo rằng, Chúa Cứu Thế không chết vì tội nhân loại, chỉ có con người Giê-xu chết trên thập giá.

Đó là những lý thuyết tà giáo về con người của Chúa Giê-xu. Một điểm sai lạc thứ hai là triết thuyết này coi vật chất là ác độc, là tội lỗi, vì vậy bất cứ những gì huộc về vật chất đều là tà ác cả.

Thái độ đối với quan niệm này khác nhau. Một đàng có những người cố công làm chết thân xácm vì như thế là diệt tà ác. Họ cổ võ cho việc ẩn tu, ép và hành xác. Đây là khuynh hướng khổ tu.

Một phản ứng khác ngược hẳn lại. Những người này bảo rằng, thân xác là tà ác, linh hồn không thuộc về thân xác, vì linh hồn là thiêng liêng. Hồn với xác như thế phân biệt hẳn, thân xác làm gì cũng được, không ảnh hưởng gì đến linh hồn. Họ nói rằng, tôi có làm gì với thân xác đi nữa cũng không sao, vì đằng nào thân xác cũng sẽ bị tiêu diệt, và linh hồn bao giờ cũng về với Chúa. Do việc dạy đạo như thế mà phái Khả Tri này buông thả trong nhục dục, phạm tất cả những tội lỗi xấu xa. Giăng và Phao lô cực kỳ lên án tà thuyết này, vì hoàn toàn chống lại Chúa Giê-xu cũng như giáo lý của Ngài.

Giăng mặt khác nhấn mạnh vào chân lý quan trọng, đó là trung tâm của cả nền đạo đức, và chính là Chúa Giê-xu. Mọi người muốn được niềm vui đầy trọn đó, chỉ có một con đường là tin nhận các điều dạy chân thật và lánh xa các tà thuyết nguy hiểm.

Những cột trụ quan trọng trong giáo lý căn bản là: cuộc nhận thể của Chúa Cứu Thế, Công cuộc Chuộc tội của Ngài, tái sinh, thánh hóa, giáo lý về tội ác, về ma 1uỷ, về Tái Lâm. Nếu ta tin và thực hành những điều dạy này trong mối tương giao với Chúa và với anh em, niềm vui sẽ xuất hiện và ở mãi với chúng ta.

Thật ra, niềm vui sẽ gia tăng và tiếp tục gia tăng, cuối cùng ta sẽ thấy mình đứng trước Chúa Chí Thánh với niềm vui không tả được và đầy vinh quang.