Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Đạo Lành

I Ti-mô-thê 4:1-5

"Mọi vật Đức Chúa Trời dựng nên đều là tốt lành cả, không vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn mà ăn lấy thì được" (c. #4).

Câu hỏi suy ngẫm: Bội đạo là gì? Nguyên nhân nào đưa đến bội đạo? Tại sao có những người chủ trương sống độc thân và kiêng cữ ăn uống? Phao-lô làm sáng tỏ vấn đề này như thế nào? Bạn quan niệm thế nào về vấn đề tình dục? Vấn đề ăn uống?

Đức Thánh Linh cho biết vào thời cuối cùng có những kẻ lầm lạc, bội đạo, bị ma quỉ lừa dẫn mà chỉ cho mình là tốt, mình khôn ngoan, hiểu biết để đưa ra những cấm kỵ cách sai lạc; nhất là về hôn nhân và thức ăn.

Bị ảnh hưởng của triết học Hi Lạp, xem thân xác, vật chất là ác, xấu, cần phải tiêu trừ loại bỏ nó đi; tưởng sống độc thân là thánh thiện, là thiêng liêng, nên họ cấm cưới gả. Họ không biết rằng hôn nhân là do Chúa lập nên, liên hệ tình dục vợ chồng là thiêng liêng, tốt đẹp. Họ cho việc kiêng cữ ăn uống là giải thoát mình khỏi những cái xấu, vì xác thịt vật chất là xấu. Họ không biết rằng mọi sự Chúa dựng nên cho ta sử dụng đều tốt cả. Sa 9:3 "Phàm vật chi hành động và có sự sống thì làm đồ ăn cho các ngươi." Không có gì Chúa dựng nên là xấu, chỉ có ta sử dụng nó không theo sự chỉ dạy, không theo đường lối của Chúa mới trở thành xấu mà thôi. Tình dục, thực phẩm hay bất cứ điều gì Chúa ban cho, nếu ta sử dụng với lòng biết ơn Chúa, theo ý chỉ của Chúa, xin Chúa ban phước lành cho đều là tốt cả.

Lạy Chúa, xin soi sáng cho con, xin giữ con khỏi những lầm lạc bị ma quỉ dẫn dụ mà cứ tưởng mình thiêng liêng, thánh thiện.

Tổng Luận Về Thư Phao-Lô Gửi Cho Tít

Trong các thư tín của sứ đồ Phao-lô, có ba lá thư gọi là thư mục vụ (The Pastoral Epistles). Sở dĩ gọi như thế vì các thư này được gửi riêng cho hai vị giám mục là Ti-mô-thê và Tít. Nội dung chung của cả ba lá thư đều đề cập đến hai điểm quan trọng mà người lãnh đạo phải biết, đó là: Phương cách chống lại tà giáo và phương cách tổ chức giáo hội.

Về tà giáo thì các thư này vạch ra các đặc tính là:

(1) Dạy những điều mới lạ, nhiều khi thuộc khuynh hướng truyền thống Do Thái, hay tranh luận về Giáo Luật.

(2) Dạy những điều quá khích, như cấm hôn nhân, đề cao tu thân khắc kỷ.

(3) Dạy rằng cuộc phục sinh đã xảy ra ngay trong hiện tại.

Về việc tổ chức giáo hội:

Các thư này truyền dạy về thể thức tổ chức Hội thánh địa phương với các hàng giáo phẩm như:

(1) Giám mục: Các vị này nhận lãnh chức vụ bằng việc đặt tay, có nhiệm vụ cai quản, dạy bảo, phân xử.

(2) Các niên trưởng (trưởng lão), tương đương như các vị giám mục. Về sau này mới phân chia hai chức vụ.

(3) Các chấp sự, là những người trợ giúp các giám mục và trưởng lão. Vai trò chính của các chấp sự là lo công tác xã hội.

Thư gửi cho Tít khi ông đang lo tổ chức giáo hội tại đảo Cơ-rết.

Tít là một người Hi Lạp (Ga-la-ti 2:3), được chính Phao-lô đưa đến tin Chúa (Tit 1:4). Tít đi với Phao-lô trong mấy hành trình truyền giáo, và được Phao-lô uỷ nhiệm đi thăm các Hội thánh như Cô-rinh-tô (II Cô-rinh-tô 8:16-18,23; 12:17,18) và Đa-ma-ti ([dc II Ti-mô-thê 4:10). Lá thư này cho biết Phao-lô đã cử Tít ở lại đảo Cơ-rết để thành lập các nhà thờ trên đảo này.

Thư này gần giống như thư Ti-mô-thê thứ nhất, có lẽ viết cùng một thời gian, nghĩa là giữa khoảng hai lần Phao-lô bị tù.

Thư nhấn mạnh về trật tự và kỷ luật trong Hội thánh. Lúc ấy đạo Chúa đã mở rộng trên hòn đảo này, nhưng tổ chức Hội thánh chưa có. Tà giáo cũng hoạt động mạnh, nên Phao-lô có các lời căn dặn thật là nghiêm trọng. Tuy nhiên trên tất cả, thư này nhấn mạnh về sự kêu gọi của người tín đồ và việc bắt buộc phải sống một cuộc đời thánh thiện. Hai khúc quan trọng nhất là Tit 2:11-14 và 3:4-7. Vì vậy mặc dù thư viết cho một vị lãnh đạo Hội thánh, nhưng có các lời dạy quan trọng mà vị lãnh đạo này phải truyền lại cho tín hữu, ngày xưa cũng như chúng ta ngày nay.

(c) 2024 svtk.net