Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Kỷ Luật Con Cái

Châm-ngôn 13:24

“Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình. Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó.”

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao cha mẹ cần phải sửa trị con cái? Kỷ luật con cái nghiêm minh phải xuất phát từ động cơ nào? Trong những xứ luật pháp cấm sử dụng roi vọt, cha mẹ phải sửa dạy con như thế nào?

Châm-ngôn 13:24 dạy: “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình. Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó.” Do di truyền bản chất tội lỗi nên trẻ con nào cũng có mặt tốt mặt xấu, khen chúng mặt tốt nhưng cũng phải sửa dạy chúng mặt xấu để chúng nhận biết điều sai mà chừa bỏ. Nếu chúng không biết điều sai hoặc biết mà cứ làm vì không hề bị phạt thì dễ sinh ra hư hỏng, phóng túng. Một cuộc nghiên cứu của Đại học Colombia, Hoa Kỳ, trên một ngàn học sinh từ 12 đến 17 tuổi, so sánh sự quan tâm hoặc không mấy quan tâm của gia đình về việc học hành và chúng có sử dụng cần sa hay không. Kết quả cho thấy số học sinh sử dụng cần sa gấp ba lần ở những gia đình có kỷ luật lỏng lẻo.

Sách Châm-ngôn nhiều lần đề cập đến việc sửa phạt con cái bằng roi vọt (Châm-ngôn 13:24; 23:13; 29:15). Việc dùng roi để kỷ luật con cái là thông thường ở một số quốc gia, nhưng hiện nay ở một số quốc gia khác, nhất là những nước chịu ảnh hưởng văn hóa tây phương, việc đánh con bằng roi bị xem là ngược đãi trẻ con và bị luật pháp luận tội. Con dân Chúa tại các nước này lâm vào cảnh khó xử, làm theo Lời Kinh Thánh dạy hay phải tuân theo luật pháp quốc gia?

Thật ra, roi vọt chỉ là một phương tiện, mà mục đích là để giúp trẻ con sửa chữa lỗi lầm. Cha mẹ có thể dùng những phương tiện khác để phạt khiến con sợ mà phải sửa đổi chứ không phải chỉ dùng roi; chẳng hạn tạm thời cấm con đi chơi vào dịp cuối tuần, cấm xem những chương trình truyền hình con thích v.v... Nói chung là tạm thời ngăn cấm những đam mê không muốn mất của con cho đến khi chúng chịu sửa đổi điều xấu.

Sứ đồ Phao-lô cũng khuyên các bậc cha mẹ, nhất là cha, “chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” (Cô-lô-se 3:21). Những đòi hỏi quá đáng, không hợp lý của cha mẹ gây ra những phản ứng tiêu cực từ con cái. Kỷ luật nghiêm minh phải xuất phát từ động cơ yêu thương (câu 24b), muốn điều tốt cho con chớ không phải vì tự ái, vì giận dữ, hoặc vì muốn bày tỏ uy quyền. Một cuộc nghiên cứu trong mười năm của Đại học Harvard, Hoa Kỳ, đưa đến kết luận: Làm cha mẹ nuôi dạy con có hiệu quả cần quân bình hai yếu tố: yêu thương và kỷ luật nghiêm minh. Xin Chúa cho các bậc cha mẹ quan tâm nuôi dạy con và cũng không quên sửa trị con theo Lời Chúa dạy, giúp con trở nên người ích lợi cho Chúa và luôn sống đẹp lòng Ngài để làm tròn lời hứa với Chúa khi làm lễ dâng con.

Bạn có quan tâm kỷ luật con cái trong tình yêu thương không?

Lạy Chúa, xin hướng dẫn và ban cho con sự khôn ngoan để biết kỷ luật con cái trong tình yêu thương, giúp con cái trở nên những người kính sợ Chúa và sống đẹp lòng Ngài.

(c) 2024 svtk.net