Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1

ĐẤNG ĐÃ KHỞI LÀM VIỆC LÀNH (1:1-11 )

1 Phao-lô và Ti-mô-thê, tôi tớ của Đức Chúa Giê-xu Christ, gởi cho hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Giê-xu Christ, ở thành Phi-líp, cùng cho các giám mục và các chấp sự. 2 Nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta và bởi Đức Chúa Giê-xu Christ!

3 Mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm tạ Đức Chúa Trời tôi 4 và mỗi khi cầu nguyện, tôi hằng cầu cho hết thảy anh em cách hớn hở, 5 vì cớ từ buổi ban đầu cho đến bây giờ, anh em đã được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành. 6 Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Giê-xu  Christ.

7 Tôi nghĩ đến hết thảy anh em dường ấy, là phải lắm vì anh em ở trong lòng tôi, dầu trong vòng xiềng xích tôi, hoặc trong khi binh vực và làm chứng đạo Tin lành, thì anh em cũng có dự phần ân điển đã ban cho tôi. 8 Đức Chúa Trời cũng chứng rằng tôi lấy lòng yêu dấu của Đức Chúa Giê-xu Christ mà tríu mến anh em. 9 Lại, điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng thương yêu của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu, 10để nghiệm thử những sự tốt lành hơn, hầu cho anh em được tinh sạch không chỗ trách được, cho đến ngày Đấng Christ, 11 được đầy trái công bình đến bởi Đức Chúa Giê-xu Christ, làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời.

 

1. Tác giả Thư Phi-líp là sứ đồ Phao-lô, tại sao ông thêm tên Ti-mô-thê trong lời mở đầu (c. 1)?

2. Phao-lô xưng mình là “tôi tớ của Đức Chúa Giê-xu Christ” (c. 1). Xin giải thích cụm từ nầy.

3. Phao-lô cho thấy có ba thành phần trong Hội Thánh Phi-líp: thánh đồ, giám mục và chấp sự (c. 1). Xin cho biết ý nghĩa và nhiệm vụ của mỗi nhóm.

4. Xin giải thích hai từ “ân điển” và “bình an” trong lời chào đầu thư (c. 2).

5. Sứ đồ Phao-lô làm gì mỗi khi ông nhớ đến các tín hữu tại Phi-líp (c. 3)? Tại sao?

6. “Được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành” (c. 5b) nói đến điều gì?

7. Câu 6 dạy chúng ta điều gì?

8. Phao-lô hàm ý điều gì khi ông nói: “Anh em cũng có dự phần ân điển đã ban cho tôi” (c. 7b)?

9. Phao-lô cầu nguyện điều gì cho các tín hữu trong câu 9?

10. Kết quả sau cùng trong lời cầu nguyện của Phao-lô cho Hội Thánh Phi-líp là gì (c. 10-11)?

 

Phao-lô là người viết thư Phi-líp nhưng ông ghi thêm tên Ti-mô-thê vào (c. 1a). Ti-mô-thê là người cùng đi với Phao-lô trong hành trình truyền giáo thứ hai và đã cùng đến thành lập Hội Thánh tại Phi-líp (Công vụ 16:3; 11-15). Điều nầy cho thấy tinh thần đồng đội, tôn trọng người cùng làm việc với mình của Phao-lô dù Ti-mô-thê người trẻ hơn và là học trò của Phao-lô.

Phao-lô xưng mình là tôi tớ của Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 1b). Tôi tớ (doulos) là nô lệ, thuộc quyền sở hữu của Chủ và tuyệt đối vâng lời Chủ. Phao-lô kể ông và Ti-mô-thê là nô lệ đối với Chúa.

Theo câu 1, Thư Phi-líp được gởi cho ba nhóm người: thánh đồ, giám mục và chấp sự.

Thánh đồ trong nguyên văn chỉ là một từ: Gởi cho hết thảy các THÁNH trong Đức Chúa Giê-xu Christ, ở thành Phi-líp. Người tin Chúa được gọi là “thánh” vì được biệt riêng cho Chúa, sống cho mục đích của Ngài. Phao-lô dùng danh hiệu nầy trong hầu hết các thư của ông, nhắc chúng ta về địa vị cao quý và đặc biệt Chúa ban cho chúng ta trong trần gian, hầu sống xứng đáng với danh hiệu nầy (Giăng 17:15). Thánh đồ chỉ về toàn thể tín đồ tại Hội Thánh Phi-líp.

Giám mục(episkopos) được dịch là kẻ coi sóc (Công vụ 20:28) và đồng nghĩa với trưởng lão (presbyteros, Công vụ 2:17). Đây là những người giữ chức vụ chăn bầy trong Hội Thánh đầu tiên. Mỗi khi thành lập Hội Thánh, Phao-lô đều chọn các trưởng lão để hướng dẫn Hội Thánh (Công vụ 14:23). Sứ đồ Phi-e-rơ và sứ đồ Giăng cũng xưng mình là trưởng lão như vậy (I Phi-e-rơ 5:1; III Giăng 1). Phao-lô mô tả điều kiện làm giám mục trong I Ti-mô-thê 3:1-7 và cũng cho biết quyền lợi của họ (I Ti-mô-thê 5:17-20). Giám mục hay trưởng lão vì vậy chỉ về ban lãnh đạo tâm linh trong Hội Thánh đầu tiên, tiêu biểu là trong Hội Thánh Phi-líp.

Chấp sự(diakonos) là chức vụ trong Hội Thánh Đầu Tiên, lo các công tác xã hội (Công vụ 7:1-6). Tuy nhiên, họ cũng là những người lãnh đạo tinh thần với tư cách tương đương như giám mục (I Ti-mô-thê 3:8-13). Các chấp sự như Ê-tiên và Phi-líp cũng là những người có khả năng lãnh đạo và giảng dạy (Công vụ 6:8-15; 8:26-40).

Tiếp theo là lời chào đầu thư với hai chữ ân điểnbình an (c. 2). Trong tiếng Hy-lạp, hai chữ “chào” và “ân điển” rất gần nhau (chareincharis). Lẽ ra Phao-lô phải dùng chữ charein là lời chào (như lời mở đầu Thư Gia-cơ) nhưng ông đã đổi charein thành charis để nhấn mạnh về giáo lý ân sủng trong Đạo Chúa. Ân sủng hay ân điển là ơn ban cho người không đáng được nhận. Đây là căn bản của sự cứu rỗi Chúa dành cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:8). Đây là lời chào, lời chúc thích hợp cho người tin Chúa. Bình an (shalom) là lời chào của người Do-thái trong mọi trường hợp: gặp nhau, từ giã, chúc nhau… Bình an nói đến sự hưng thịnh, lành mạnh của toàn thể con người (III Giăng 2).

Cả hai từ ân điểnbình an vì vậy rất thích hợp cho người tin Chúa, đây là căn bản cũng là kết quả của sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu. Chúng ta được cứu bởi ân sủng của Chúa, không do công sức, công đức hay cố gắng của con người. Khi đã được cứu, chúng ta tận hưởng bình an, hài hòa trong mối quan hệ với Chúa, với người và với chính mình (bình an trong tâm hồn).

Nguồn của bình an và ân điển là Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu:

Nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta và bởi Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 2)

Điều nầy xác nhận thần tính của Chúa Giê-xu (Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời) và cũng nói lên mối quan hệ Cha-con giữa chúng ta với Đức Chúa Trời.

Mở đầu lá thư, Phao-lô viết:

Mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm tạ Đức Chúa Trời tôi và mỗi khi cầu nguyện, tôi hằng cầu cho hết thảy anh em cách hớn hở (c. 3-4)

Mỗi lần nghĩ đến các tín hữu tại Phi-líp, Phao-lô cảm tạ Chúa về họ. Lý do là:

Vì cớ từ buổi ban đầu cho đến bây giờ, anh em đã được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành (c. 5)

Buổi ban đầu nói đến lúc Phao-lô bắt đầu đến truyền giáo tại Phi-líp (Công vụ 16:11-40). Từ đó đến nay, Phao-lô nói: Anh em đã được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành (c. 5b). Chữ quan trọng ở đây là thông công (koinonia) mang ý nghĩa “tham dự một điều gì với một người nào” (Martin, trang 50). Được thông công trong câu nầy mang ý nghĩa các tín hữu tại Phi-líp đã giúp đỡ vật chất cho Phao-lô khi ông rao giảng Phúc Âm. Được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành vì vậy hàm ý nhờ sự giúp đỡ của Hội Thánh Phi-líp mà Phúc Âm của Chúa được phát triển.

Phao-lô cũng nói ông cầu nguyện cho các tín hữu tại Phi-líp cách hớn hở (c. 4b). Hớn hở nghĩa là “vui mừng,” đây là từ  ông dùng đến mười sáu lần trong lá thư nầy. Phao-lô đang ở trong tù (bị giam lỏng) nhưng ông thật sự có niềm vui của Chúa trong lòng, vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn.

Câu tiếp theo là lời khẳng định để giúp các tín hữu thêm lòng tin nơi Chúa:

Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 6)

Việc lành chỉ về việc Chúa đã làm tại Phi-líp khi Hội Thánh được thành lập. Dựa vào đó, Phao-lô có hy vọng là Chúa sẽ hoàn tất cho đến khi Ngài trở lại.

Phao-lô tiếp tục với câu:

Tôi nghĩ đến hết thảy anh em dường ấy, là phải lắm vì anh em ở trong lòng tôi, dầu trong vòng xiềng xích tôi, hoặc trong khi binh vực và làm chứng đạo Tin lành, thì anh em cũng có dự phần ân điển đã ban cho tôi (c. 7)

Động từ nghĩ (Tôi NGHĨ đến hết thảy anh em dường ấy) không chỉ mang ý nghĩa suy nghĩ nhưng nói đến lòng quan tâm của Phao-lô đối với các tín hữu tại Phi-líp. Câu tiếp theo cho thấy rõ điều đó:

Vì anh em ở trong lòng tôi, dầu trong vòng xiềng xích tôi, hoặc trong khi binh vực và làm chứng đạo Tin lành, thì anh em cũng có dự phần ân điển đã ban cho tôi (c. 7b)

Anh em ở trong lòng tôi là một lời nói chí tình cho thấy mối thân tình giữa Phao-lô với các tín hữu tại Phi-líp. Trong mọi hoàn cảnh (trong vòng xiềng xích, khi binh vực và làm chứng đạo Tin Lành), Phao-lô cho thấy các tín hữu tại Phi-líp cũng đều có phần với ông.

Bài học cho chúng ta là, mỗi người được Chúa kêu gọi và ban ân tứ khác nhau nhưng tất cả chúng ta đều cùng làm việc chung với nhau, cho mục đích của Phúc Âm.

Lời của Phao-lô trong câu tiếp theo cho thấy tình yêu thương đậm đà giữa ông với các tin hữu:

Đức Chúa Trời cũng chứng rằng tôi lấy lòng yêu dấu của Đức Chúa Giê-xu Christ mà tríu mến anh em (c. 8)

Chữ lòng yêu dấu là một từ rất mạnh, có cùng gốc với động từ động lòng thương xót (Ma-thi-ơ 9:36) mô tả cảm xúc sâu xa tận đáy lòng. Phao-lô cho thấy ông thật lòng yêu thương họ, ông yêu thương như chính Chúa yêu thương họ vậy!

Với tâm tình đó, Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu:

Lại, điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng thương yêu của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu, để nghiệm thử những sự tốt lành hơn, hầu cho anh em được tinh sạch không chỗ trách được, cho đến ngày Đấng Christ, được đầy trái công bình đến bởi Đức Chúa Giê-xu Christ, làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời (c. 9-11)

Bản Hiệu Đính dịch lại như sau:

Điều tôi cầu xin, ấy là tình yêu thương của anh em ngày càng gia tăng, cùng với sự hiểu biết và mọi nhận thức sâu sắc, giúp anh em phân biệt điều gì là tốt nhất, để trong ngày của Đấng Christ anh em được tinh sạch, không chỗ chê trách, được đầy trái công chính bởi Đức Chúa Jêsus Christ để tôn vinh và ca ngợi Đức Chúa Trời (c. 9-11, BHĐ)

Điểm chính trong lời cầu nguyện của Phao-lô là tình yêu thương của anh em ngày càng gia tăng. Sự gia tăng nầy đi chung với hiểu biết và mọi nhận thức sâu sắc.

Hiểu biết nói đến việc hiểu biết Chúa qua đức tin, hiểu biết chân lý thuộc linh.

Nhận thức (insight) mang ý nghĩa sử dụng tâm trí trong những quyết định đạo đức.

Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu được gia tăng trong tình yêu thương nhưng là tình yêu thương đi chung với hiểu biết và nhận thức sâu sắc. Đây không phải là yêu thương nông nổi của cảm xúc mà là yêu thương được sự hướng dẫn của hiểu biết và nhận thức tâm linh.

Hiểu biết và nhận thức nầy đưa đến hai kết quả:

(1) Giúp anh em phân biệt điều gì là tốt nhất.

(2) Được tinh sạch, không chỗ chê trách, được đầy trái công chính.

Hiểu biết tâm linh giúp chúng ta có những quyết định đúng hay nói đúng hơn, có những lựa chọn tốt nhất. Đồng thời đưa đến một đời sống tâm linh trong sạch, kết quả. Tuy nhiên, kết quả sau cùng là Đức Chúa Trời được tôn vinh và ca ngợi (c. 11b).

Những điểm chính trong lời cầu nguyện nầy là:

1. Tình yêu thương gia tăng.

2. Hiểu biết và nhận thức tâm linh là điều quan trọng.

3. Hiểu biết và nhận thức tâm linh đúng sẽ đưa đến quyết định đúng và đời sống kết quả.

4. Chúa được vinh danh.

Đây cũng là lời cầu nguyện chúng ta cần có cho chính mình.