Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

GƯƠNG CHÚA GIÊ-XU (2:5-11)

 

5 Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, 6 Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ. 7 Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người. 8 Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. 9 Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, 10 hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Giê-xu, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống 11 và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-xu Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha. 

 

1. Thế nào là “có đồng một tâm tình” (c. 5)?

2. Chúa Giê-xu có những điều gì và Ngài đã từ bỏ những gì?

3. Thế nào là “tự bỏ mình đi” (c. 7a)?

4. “Hình tôi tớ” (c. 7b) là hình gì?

5. Chữ “thậm chí” (c. 8c) mang ý nghĩa gì?

6. “Danh trên hết mọi danh” (c. 9b) nghĩa là thế nào?

7. “Đầu gối” và lưỡi” (c. 10-11) chỉ về gì?

8. Gương Chúa Giê-xu chúng ta phải học theo là gì?

 

Để giúp độc giả thấy rõ ý nghĩa của khiêm nhường và biết quan tâm đến phúc lợi người khác, Phao-lô dùng gương của chính Chúa Giê-xu. Phi-líp 2:6-11 có thể là lời của một bài thánh ca trong Hội Thánh thời đó mà Phao-lô trích dẫn để hỗ trợ điều ông muốn nói.

Chữ tâm tình trong câu 5 cũng là chữ ýtư tưởng (c. 2) Phao-lô vừa nói. Do đó, hiệp cùng một ý, có đồng một tư tưởng nghĩa là có ý, có tư tưởng hay tinh thần và tâm tình của Chúa Giê-xu. Tâm tình và ý tưởng đó là:

1. Không nắm giữ

Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời: Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời (c. 6a). Hình (morphe) không mang ý nghĩa hình dạng hay hình thể nhưng nói đến “thể hiện bên ngoài của yếu tính bên trong.” Chúa Giê-xu có hình Đức Chúa Trời nghĩa là Chúa Giê-xu mang bản chất của Đức Chúa Trời, Ngài chính là Đức Chúa Trời, như câu tiếp theo xác nhận: Ngài bình đẳng với Đức Chúa Trời.

Nắm giữ mang ý nghĩa “ôm chặt một điều quý báu, không chịu bỏ ra.” Chúa Giê-xu có mọi uy quyền của Đức Chúa Trời dầu vậy, Ngài không khư khư giữ lấy nhưng sẵn sàng từ bỏ.

2. Tự bỏ mình

Từ nầy trong nguyên văn nghĩa là “tự đổ mình ra, làm cho mình thành trống không.” Tự bỏ mình đi không có nghĩa Chúa không còn là Đức Chúa Trời nhưng Ngài bỏ sang một bên mọi vinh quang và đặc quyền của Ngài là Đức Chúa Trời và đến trần gian trong thân phận một con người.

 

3. Lấy hình tôi tớ

Lấy hình tôi tớ đối chiếu với có hình Đức Chúa Trời (c. 6a): (morphe theou/morphe doulou). Hình tôi tớ, giống như loài người, hiện ra như một người đều nói về sự nhập thể (incarnation), nói đến nhân tính của Chúa Giê-xu. Ngài hoàn toàn là người khi giáng sinh ở thế hạ.

4. Hạ mình

Hạ mình mang ý nghĩa khiêm nhường (c. 3) và thể hiện của hạ mình là vâng phục (c. 8b). Sự vâng phục của Chúa Giê-xu đối chiếu với sự không vâng phục của A-đam (Rô-ma 5:19). Chúa Giê-xu vâng phục tuyệt đối vì Chúa vâng phục cho đến chết (c. 8c). Chẳng những vậy, đây là cái chết của một tử tội: Thậm chí chết trên cây thập tự. Chịu chết trên thập hình đối với người La-mã là một sự sỉ nhục (Cicero) còn với người Do-thái, đó là sự rủa sả (Ga-la-ti 3:13b; Phục 21:23).

Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá vì vậy mang tính cách thay thế, Chúa gánh tội của chúng ta và chịu rủa sả thay cho chúng ta (Ga-la-ti 3:13a).

Đó là những bước đi xuống hay hạ mình của Chúa Giê-xu: từ tuyệt đỉnh là Đức Chúa Trời, xuống ngang hàng với con người, rồi trở nên một tử tội, chết thay cho con người tội lỗi.

Đây là bài thánh ca, bắt đầu với lời ca ngợi Chúa về sự hy sinh chuộc tội của Ngài và kết thúc với việc tôn cao Chúa:

Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Giê-xu, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-xu Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha (c. 9-11)

Cũng vì đó nghĩa là nhờ sự vâng lời tuyệt đối cho đến chết của Chúa Giê-xu mà Đức Chúa Trời đã:

(1) Đem Ngài lên rất cao bao gồm ý nghĩa phục sinh và thăng thiên.

(2) Ban cho Ngài danh trên hết mọi danh. Đây là điều được ban cho, không phải nhờ đeo đuổi hay tìm kiếm. Danh trên hết mọi danh nghĩa là tột bực, không có ai cao hơn. Danh ấy là Chúa: Mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-xu Christ là Chúa (c. 11a). Chữ Đức Chúa (c. 10a) không có trong nguyên văn: Hầu cho nghe đến danh Giê-xu. Danh Giê-xu nhấn mạnh đến nhân tánh của Chúa: con người Giê-xu. Chúa Giê-xu trong thân xác con người, đã khiêm nhường, hạ mình, vâng phục, chịu chết. Đó là con người Giê-xu mà chúng ta phải bắt chước, phải có đồng một tâm tình.

  Những chữ đầu gốilưỡi (c. 10-11) chỉ về tôn thờ và xưng tụng. Trên trời, dưới đất, bên dưới đất nói đến mọi thế lực đều thần phục (quỳ xuống) và xưng nhận Giê-xu Christ là Chúa (Đấng quyền năng, cao cả nhất). Đức Chúa Giê-xu là Chúa nhưng vinh quang sau cùng thuộc về Đức Chúa Cha, khởi nguyên của muôn vật, mọi loài.

Phi-líp 2:1-11 là phần dạy về yêu thương, hiệp một và khiêm nhường mà Chúa Giê-xu là gương cho chúng ta noi theo. Chúa Giê-xu đã từ bỏ chính mình, hy sinh tất cả để đem ơn cứu rỗi đến cho nhân loại. Noi gương Chúa Giê-xu, chúng ta cần khiêm nhường, hy sinh và vâng lời để đem phúc lợi đến cho người khác. Phần thưởng sau cùng cho chúng ta sẽ vô cùng lớn lao dù đó không phải là điều chúng ta đeo đuổi, tìm kiếm.