Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

CÔNG DÂN TRÊN TRỜI (3:17-21)

 

17 Hỡi anh em, hãy bắt chước tôi, lại xem những kẻ ăn ở theo mẫu mực mà anh em thấy trong chúng tôi. 18 tôi đã thường nói điều nầy cho anh em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ19 Sự cuối cùng của họ là hư mất, họ lấy bụng mình làm chúa mình và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi. 20 Nhưng chúng ta là công dân trên trời, ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Giê-xu Christ, 21 Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật.

 

1. “Hãy bắt chước tôi” (c. 17a) là điều dễ hay khó nói? Tại sao?

2. Phao-lô hàm ý gì khi nói, “Hãy bắt chước tôi?” Bắt chước điều gì?

3.  “Xem những kẻ ăn ở theo mẫu mực (c. 17b) nghĩa là thế nào?

4. “Tôi lại khóc mà nói nữa” (c. 18a) cho thấy tâm tình gì nơi Phao-lô?

5. Thế nào là “ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ” (c. 18b)?

6. “Lấy bụng mình làm chúa mình” (c. 19) nghĩa là thế nào?

7. “Công dân trên trời” (c. 20a) hàm ý điều gì?

8. Xin cho biết hy vọng của công dân trên trời (c. 20-21) và ý nghĩa của hy vọng đó.

 

Sứ đồ Phao-lô cho tín hữu tại Phi-líp thấy rõ mục đích sống của ông (c. 12-16) và ông khuyên họ:

Hỡi anh em, hãy bắt chước tôi (c. 17a)

Đây không phải là điều dễ nói, một người phải có đời sống tốt đẹp mới có thể nói như vậy. Sở dĩ Phao-lô có thể nói như vậy là vì chính ông đã bắt chước Chúa Giê-xu (I Cô. 11:1). Chúa Giê-xu là khuôn mẫu toàn bích cho chúng ta bắt chước. Ở đây Phao-lô khuyên toàn thể tín hữu bắt chước ông:

Thưa anh em, hãy cùng nhau bắt chước tôi (c. 17a, BHĐ)

Phao-lô nói thêm:

Lại xem những kẻ ăn ở theo mẫu mực mà anh em thấy trong chúng tôi (c. 17b)

Bản Hiệu Đính dịch là:

Hãy chú tâm đến những người sống theo mẫu mực mà anh em thấy trong chúng tôi (c. 17b, BHĐ)

Ăn ở hay sống tương đương với chữ halakah trong Cựu Ước, nhấn mạnh đến lối sống hàng ngày (Thi thiên 1:1). Phao-lô và các bạn ông đã sống theo mẫu mực của Phúc Âm và ông kêu gọi tín hữu Phi-líp cũng sống như vậy.

Ngược lại là lối sống thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ (c. 18):

Tôi đã thường nói điều nầy cho anh em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ (c. 18)

Phao-lô thật tha thiết khi nói lời nầy: Tôi lại khóc mà nói nữa! Điều nầy cho thấy người tin Chúa mà không sống đúng với niềm tin, đem lại đau đớn cho người hầu việc Chúa.

Thập tự giá của Đấng Christ chỉ về sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, nhờ đó chúng ta được cứu rỗi. Kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ là người phủ nhận sự hy sinh chuộc tội đó, qua nếp sống đi ngược với niềm tin của mình. Vì vậy, Phao-lô cho biết: Sự cuối cùng của họ là hư mất (c. 19a). Người phủ nhận sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu chắc chắn không thể nào được cứu!

Phao-lô cho thấy đặc tính của những người sống như kẻ thù của thập tự giá Đấng Christ như sau:

(1) Lấy bụng mình làm chúa mình. Bụng nói đến những tham muốn thấp hèn, nhục dục của một người. Lấy bụng mình làm chúa mình hàm ý chỉ sống theo những nhục dục đó.

(2) Lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển nghĩa là phạm tội, làm điều xấu xa nhưng lại hãnh diện. Những người chủ trương tính dục đồng giới, sống với nếp sống tội lỗi nhưng gọi đó là “niềm tự hào của những người đồng tính” (gay pride) là ví dụ rõ ràng nhất trong thời đại chúng ta!

(3) Chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi nghĩa là đeo đuổi, sống theo những dục vọng thấp hèn.

Đối chiếu với những người nầy, Phao-lô nhắc các tín hữu Phi-líp: Nhưng chúng ta là công dân trên trời (c. 20a).

Một trong những điều người dân thành Phi-líp hãnh diện là là thành phố nầy là thuộc địa của đế quốc La-mã (Công vụ 16:12) và người sống tại đây đương nhiên được kể là công dân La-mã. Đây là quyền lợi mà nhiều người phải bỏ tiền ra mua (Công vụ 22:28).

Trong ý hướng đó, Phao-lô nhắc các tín hữu Phi-líp nhớ rằng họ còn có vinh dự lớn hơn công dân La-mã nữa, họ là công dân trên trời.

Hy vọng và mục đích sống của công dân trên trời như sau:

y là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Giê-xu Christ, Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật (c. 20b-21)

Từ nơi đó tức là trên trời chúng ta có hy vọng về việc Chúa tái lâm. Ngài được gọi là Cứu Chúa nói đến sự cứu rỗi toàn vẹn khi Chúa trở lại. Trong sự cứu rỗi toàn vẹn nầy:

Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài (c. 21)

Đây là điều Phao-lô đã dạy khi ông nói về sự sống lại (I Cô-rinh-tô 15:50-52) và sứ đồ Giăng nói trong I Giăng 3:2. Điều nầy xảy ra để minh chứng quyền tể trị cuối cùng của Chúa Giê-xu khi Đức Chúa Trời khiến muôn vật quy phục Ngài (I Cô. 15:27).

Đây là hy vọng chắc chắn của người tin Chúa. Là công dân thiên quốc, trong ngày Chúa trở lại, thân thể chúng ta sẽ được biến hóa trở nên giống như Chúa. Chính Chúa sẽ cầm quyền cai trị trên muôn vật và chúng ta là thần dân của Ngài.