Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 12

ĐỨNG VỮNG VÀ HIỆP MỘT (4:1-3)

 

1 Vậy thì, hỡi anh em rất yêu rất thiết, là sự vui mừng và mão triều thiên cho tôi, kẻ rất yêu dấu ơi, hãy đứng vững trong Chúa. 2 Tôi khuyên Ê-vô-đi và khuyên Sin-ty-cơ phải hiệp một ý trong Chúa. 3 Hỡi kẻ đồng liêu trung tín, tôi cũng xin anh giúp hai người đàn bà ấy, nhân hai bà ấy cùng tôi đã vì đạo Tin Lành mà chiến đấu. Cơ-lê-măn và các bạn khác đồng làm việc với tôi cũng vậy, có tên những người đó biên vào sách sự sống rồi.

 

1. Xin cho biết những từ Phao-lô dùng để gọi tín hữu tại thành Phi-líp (c. 1a)? Những từ nầy cho thấy điều gì?

2. Thế nào là “đứng vững trong Chúa” (c. 1b)?

3. Phao-lô có lời khuyên gì cho Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ (c. 2)? “Hiệp một ý” mang ý nghĩa gì?

4. “Kẻ đồng liêu trung tín” (c. 3a) nghĩa là gì?

5. “Sách sự sống”(c. 3b) chỉ về gì?

6. Quý vị có cảm nghĩ gì khi đọc những tên Phao-lô nhắc đến và những lời khuyên trong các câu trên?

 

Phao-lô gọi tín hữu tại Hội Thánh Phi-líp bằng những từ đặc biệt: Anh em rất yêu rất thiết, sự vui mừng và mão triều thiên cho tôi, kẻ rất yêu dấu (c.1a). Rất yêu rất thiết dịch đúng là: “Những người thân mến và thương nhớ” (BHĐ). Ông cũng gọi họ là sự vui mừng và mão triều thiên nghĩa là họ là niềm vui và phần thưởng của Phao-lô. Tất cả những từ nầy cho thấy lòng yêu thương và mối thân tình của Phao-lô đối với các tín hữu tại Phi-líp.

Sau khi gọi họ bằng những từ thân thiết đó, ông khuyên họ: Hãy đứng vững trong Chúa! Động từ đứng vững mang ý nghĩa tiếp tục đứng vững: “Hãy cứ đứng vững trong Chúa!” (BHĐ). Đứng vững nghĩa là kiên trì, không lui bước trước chống đối hay nghịch cảnh. Điều nầy có thể làm được nhờ liên kết với Chúa, ở trong Chúa. Trong Chúa cũng mang ý nghĩa tiếp tục ở trong mối tương giao với Ngài.

Hai nhân vật nữ được Phao-lô nhắc đích danh là Ê-vô-đi và Syn-ty-cơ. Hai người nầy có thể đã có những bất hòa với nhau liên quan đến sự hiệp một trong Hội Thánh nên ông có lời khuyên riêng cho họ. Từ khuyên được nhắc đến cho mỗi người: Tôi KHUYÊN Ê-vô-đi và KHUYÊN Sin-ty-cơ” (BHĐ) cho thấy việc hiệp một đòi hỏi cố gắng của mỗi một người. Hiệp một ý mang ý nghĩa có cùng một suy nghĩ, tương tự như đồng một tâm tình trong 2:5. Việc hiệp một nầy cũng là hiệp một ý TRONG CHÚA, nhấn mạnh đến sự liên kết với Chúa và vì mỗi người đều ở trong thân thể của Ngài.

Phao-lô nhắc đến một người khác mà ông gọi là kẻ đồng liêu trung tín tức là “người bạn đồng lao chân thành” (BHĐ). Chúng ta không rõ người bạn nầy là ai nhưng Phao-lô muốn nhắn nhủ người đó đóng vai hòa giải trước sự bất đồng ý kiến giữa Ê-vô-đi và Syn-ty-cơ. Ông nói: Hai bà ấy cùng tôi đã vì đạo Tin Lành mà chiến đấu hàm ý đây là những người đã hợp tác với Phao-lô tại Phi-líp trong công tác truyền giảng Phúc Âm, có lẽ là những người đã giúp đỡ phương tiện cho Phao-lô hầu việc Chúa như bà Ly-đi (Công vụ 16:15). Cùng với Ê-vô-đi và Syn-ty-cơ, Phao-lô cũng nhắc đến Cơ-lê-măn và các bạn khác đồng làm việc (c. 3b).

Phao-lô cho biết có tên những người đó biên vào sách sự sống rồi (c. 3c). Sách sự sống là “sách ghi tên những người tin Chúa thật, những người được chọn trong cả Cựu Ước và Tân Ước” (Martin, trang 173) hàm ý trong Xuất 32:32, Thi thiên 69:28, 139:16, Lu-ca 10:20 và hơn năm lần trong sách Khải Huyền.

Phi-líp 4:1-3 cho thấy:

1. Thân tình giữa Phao-lô và con cái Chúa tại Hội Thánh Phi-líp, đây là điều cần có trong mỗi Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

2. Kiên trì trong đức tin trước nghịch cảnh là điều chúng ta phải tâm niệm để tiếp tục sống cho Chúa.

3. Tinh thần hiệp một là điều không thể thiếu trong Hội Thánh, nếu có tranh chấp hay bất hòa, chúng ta phải cố gắng giải hòa.

4. Việc giải hòa có thể cần đến những người ngoài cuộc là người trong vai trò “làm cho người hòa thuận” (peace maker).

5. Hội Thánh của Chúa bao gồm nhiều người và Phao-lô đã không quên một ai trong Hội Thánh là những người đã góp phần hầu việc Chúa trong nhiều cương vị khác nhau.

6. Người tin Chúa là người được bảo đảm “có tên trong sách sự sống,” là điều khích lệ chúng ta trên đường theo Chúa.