Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 10

BỔN PHẬN VỢ CHỒNG (3:1-7)

1 Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo, 2 vì thấy cách ăn ở của chị em là tinh sạch và cung kính. 3 Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt, 4 nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời. 5 Vì các bà thánh xưa kia, trông cậy Đức Chúa Trời, vâng phục chồng mình, đều trau giồi mình dường ấy, 6 như Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình. Nếu các chị em làm điều lành, không sợ chi hết mà rối trí, thì trở nên con gái của Sa-ra vậy. 

7 Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn, vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em. 

 

1. Lời khuyên cho người vợ là gì (c. 1a)? Thế nào là “phục chồng?”

2. Câu 1-2 nói lên điều gì về sự vâng phục? Áp dụng như thế nào?

3. “Trang sức bề ngoài” và “trang sức bề trong” (c. 3-4) khác nhau thế nào? Áp dụng như thế nào?

4. “Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình” (c. 6a) nghĩa là thế nào?

5. “Trở nên con gái của Sa-ra” (c. 6b) nghĩa là làm sao?

6. Thế nào là: “Tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ” (c. 7a)?

7. Tại sao việc người chồng xử sự với vợ lại ảnh hưởng đến sự cầu nguyện (c. 7b)?

 

Trong cả ba mối quan hệ: công dân với chính quyền, tôi tớ với chủ và vợ với chồng, sứ đồ Phi-e-rơ đều đưa ra lời khuyên, Hãy phục (2:13; 18; 3:1). Chữ phục mang ý nghĩa tuân phục thẩm quyền trên mình. Đây là thứ tự do Đức Chúa Trời thiết lập, kỷ cương của Chúa: chính quyền và chủ nhân trong xã hội, người chồng trong gia đình. Người vợ phục chồng mình là sống đúng với thứ tự Chúa thiết lập.

Nếp sống vâng phục của người vợ theo lời dạy của Chúa sẽ giúp cảm hóa những người chồng chưa tin Chúa:

Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn ở của chị em là tinh sạch và cung kính (c. 1-2)

Đây là không phải là trường hợp người tin Chúa kết hôn với người ngoại nhưng là trường hợp người vợ tin Chúa trước và dùng đời sống mình để cảm hóa người chồng. Phi-e-rơ gọi đây là cách ăn ở tinh sạch và cung kính (c. 2b) nghĩa là nếp sống như vậy sẽ giúp người chồng nhận ra rằng người vợ tin Chúa của mình thật có đời sống trong sạch và cung kính. Cung kính mang ý nghĩa kính sợ Chúa: vì kính sợ Chúa mà vâng phục chồng.

Song song trong bổn phận đối với chồng (vâng phục chồng) là đời sống cá nhân của người vợ:

Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt, nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời (c. 3- 4)

Bản Hiệu Đính dịch câu trên như sau:

Đừng chú trọng sự trang điểm bề ngoài như làm tóc cầu kỳ, đeo vàng, mặc áo quần lòe loẹt, nhưng hãy trang điểm con người bề trong thầm kín bằng vẻ đẹp không phai tàn của tinh thần dịu dàng, yên lặng. Đó là điều quý giá trước mặt Đức Chúa Trời (c. 3-4, BHĐ)

Phi-e-rơ đối chiếu hai sự trang điểm: bề ngoài và bề trong và cho thấy trang điểm con người bề trong mới là điều quan trọng. Con người bề trong được trang điểm bằng tinh thần dịu dàng, yên lặng (c. 4b). Dịu dàng nghĩa là nhu mì (Ma-thi-ơ 5:5; 11:29; 21:5). Đây là tâm tình của Chúa Giê-xu. Yên lặng mang ý nghĩa tin cậy, trông mong, chờ đợi Chúa. Tinh thần nầy chẳng những được người chồng cảm phục mà chính Chúa cũng trân quý: Đó là điều quý giá trước mặt Đức Chúa Trời (c. 4c).

Phi-e-rơ kết luận:

Vì các bà thánh xưa kia, trông cậy Đức Chúa Trời, vâng phục chồng mình, đều trau giồi mình dường ấy, như Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình. Nếu các chị em làm điều lành, không sợ chi hết mà rối trí, thì trở nên con gái của Sa-ra vậy (c. 5-6)

Các bà thánh xưa kia (c. 5a) chỉ về các phụ nữ trong Cựu Ước là những người vâng phục chồng. Sống như vậy là sống với lòng trông cậy Đức Chúa Trời (c. 5a). Đó là trau giồi hay trang điểm con người bề trong của mình (c. 5b).

Phi-e-rơ dùng bà Sa-ra làm ví dụ cho việc vâng phục nầy:

Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình (c. 6a)

Gọi người là chúa mình mang ý nghĩa vâng phục, sẵn sàng vâng theo thẩm quyền Chúa đã đặt trên mình. Những người vợ sẵn sàng vâng phục chồng như vậy có thể bị chồng lợi dụng và bắt hiếp, nhưng Phi-e-rơ khuyên:

Nếu chị em làm điều lành, không để điều gì làm cho mình lo sợ, thì đã là con gái của Sa-ra vậy (6b, BHĐ)

Phi-e-rơ cho thấy: vâng phục chồng là làm điều lành nên không có gì phải lo sợ. Ngoài ra, sống như vậy là trở nên con gái của Sa-ra (c. 6b). Người có đức tin là con cháu Áp-ra-ham thể nào, thì cũng vậy, người vợ vâng phục chồng là con gái của Sa-ra như vậy!

Sau lời khuyên cho người vợ, Phi-e-rơ nhắc đến bổn phận của người chồng:

Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn, vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em (c. 7)

Trong nguyên văn, lời khuyên nầy có chữ “cũng vậy:”

Những người làm chồng cũng vậy, hãy tỏ ra hiểu biết khi chung sống với vợ mình, quý trọng vợ như phái yếu hơn, vì họ sẽ cùng anh em thừa hưởng ân điển sự sống, để không có điều gì ngăn trở sự cầu nguyện của anh em (BHĐ)

“Cũng vậy” mang ý nghĩa tương ứng: người vợ phục chồng thì người chồng phải tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ. Tỏ điều khôn ngoan nghĩa là “tỏ ra hiểu biết” (BHĐ). Hiểu biết mang ý nghĩa thông cảm như câu tiếp theo cho thấy: Như là với giống yếu đuối hơn. Ý thức vợ là phái yếu, người chồng sẽ xử sự tương xứng. Phụ nữ là phái yếu trên cả hai phương diện: thể xác và tình cảm. Người chồng phải nhạy cảm về hai điều nầy trong cách xử sự: giúp vợ trong những việc nặng nhọc và thông cảm với vợ trong những suy nghĩ của mình.

Phi-e-rơ nói thêm: Phải kính nể họ (c. 7b). Kính nể mang ý “quý trọng” (BHĐ) hay tôn trọng, trân quý, không coi thường. Người chồng phải xử sự với vợ như vậy họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống (c. 7c). Nam và nữ được tạo dựng với giá trị như nhau trong sáng tạo: cùng mang hình ảnh Đức Chúa Trời  (Sáng 1:27) và cũng giống như nhau trong sự cứu rỗi: “cùng anh em thừa hưởng ân điển sự sống.”

Phi-e-rơ cho thấy tương quan giữa vợ và chồng cũng ảnh hưởng đến tương quan giữa chúng ta với Chúa: Hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em (c. 7d). Rối loạn sự cầu nguyện nghĩa là “ngăn trở sự cầu nguyện” (BHĐ). Ngăn trở sự cầu nguyện hàm ý người chồng không thể có mối quan hệ tốt với Chúa nếu người ấy không có quan hệ tốt với vợ nghĩa là sống thiếu đi lòng quý trọng đối với vợ.