Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 11

YÊU SỰ SỐNG (3:8-17)

8 Rt lại, hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương xót và tình yêu anh em, có lòng nhân từ và đức khiêm nhường. 9 Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả. Trái lại, phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi để hưởng phước lành. 10 Vả,

Ai muốn yêu sự sống

Và thấy ngày tốt lành,

Thì phải giữ gìn miệng lưỡi,

Đừng nói điều ác và lời gian giảo.

11 Phải lánh điều dữ, làm điều lành,

Tìm sự hòa bình mà đuổi theo,

12 Vì mắt của Chúa đoái trông người công bình,

Tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện người,

Nhưng mặt Chúa sấp lại nghịch với kẻ làm ác. 

13 Ví bằng anh em sốt sắng làm lành, thì có ai làm dữ lại cho anh em? 14 Nếu anh em phải vì sự công bình mà chịu khổ, ấy thật là có phước. Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí. 15 Nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ, 16 phải có lương tâm tốt, hầu cho những kẻ gièm chê cách ăn ở lành của anh em trong Đấng Christ biết mình xấu hổ trong sự mà anh em đã bị nói hành. 17 Vì nếu ý muốn Đức Chúa Trời dường ấy, thì thà làm điều thiện mà chịu khổ, còn hơn làm điều ác mà chịu khổ vậy.

 

1. “Rốt lại” (c. 8a) hàm ý gì?

2. Xin cho biết những điều Phi-e-rơ khuyên trong câu 8 và ý nghĩa mỗi điều.

3. Theo câu 9, tại sao chúng ta nên chúc phước thay vì trả thù?

4. Câu 10 dạy chúng ta điều gì và có hạnh phước gì theo sau?

5. Câu 11-12 bảo chúng ta phải làm những điều gì và vì lý do nào?

6. “Vì sự công bình mà chịu khổ” (c. 14) nghĩa là thế nào? Tại sao “vì sự công bình mà chịu khổ” là có phước (c. 14a)?

7. Xin kể ra những điều Phi-e-rơ nói độc giả phải làm và ý nghĩa mỗi điều (c. 15).

8. Thế nào là “có lương tâm tốt” (c. 16a)?

9. Tại sao “ăn ở lành” lại bị gièm chê (c. 16b)?

10. Câu 17 dạy chúng ta điều gì về vấn đề chịu khổ?

 

I Phi-e-rơ 2:13 – 3:7 là những lời khuyên nói về bổn phận công dân, bổn phận tôi tớ và bổn phận vợ chồng. Phần tiếp theo, 3:8-22 nói về các bổn phận khác. Rốt lại vì vậy hàm ý nói chung, tóm lại.

Lời khuyên đầu tiên (c. 8) gồm những điều sau:

(1) Đồng lòng mang ý nghĩa có đồng tư tưởng và thái độ, sống với nhau trong hài hòa, “có tinh thần hiệp nhất” (BHĐ).

(2) Đầy thương xót mang ý nghĩa “cảm thông” (BHĐ).

(3) Tình yêu anh em tình huynh đệ (philadelphia), nói đến tình thương của anh chị em trong Chúa.

(4) Có lòng nhân từ nghĩa là lo lắng cho người khác, có lòng trắc ẩn.

(5) Đức khiêm nhường chẳng những nói đến thái độ khiêm tốn nhưng là một tâm tình trong cách xử sự, “tâm tình khiêm nhu” (BHĐ).

Phần tiếp theo (c. 9-12) nói đến cách xử sự của người tin Chúa khi chịu khổ:

Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả. Trái lại, phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi để hưởng phước lành (c. 9)

Đây là gương của Chúa Giê-xu (2:23). Người tin Chúa được kêu gọi để sống giống như Chúa (chúc phước thay vì trả thù). Sống như vậy sẽ kinh nghiệm ơn phước của Ngài (Ma-thi-ơ 5:11-12).

Phi-e-rơ nối tiếp phần nầy bằng cách trích dẫn Thi thiên 34:12-16, như muốn nói rằng: “Kinh Thánh Cựu Ước cũng dạy giống như vậy, anh chị em thấy không?” Cựu Ước dạy:

Ai muốn yêu sự sống và thấy ngày tốt lành thì phải giữ gìn miệng lưỡi, đừng nói điều ác và lời gian giảo (c. 10)

Yêu sự sống hàm ý tận hưởng đời sống và thỏa lòng với những điều Chúa ban dù hoàn cảnh ra sao.

Điều áclời gian giảo tương tự như trong 2:1 (độc ác: mưu tính hay hành động gây thiệt hại cho người khác; gian giảo: gây thiệt hại cho người khác bằng sự dối trá hay lường gạt) nhưng ở đây nhấn mạnh về lời nói: giữ gìn miệng lưỡi.

Phải lánh điều dữ, làm điều lành, tìm sự hòa bình mà đuổi theo (c. 11)

Câu nầy cũng trích từ Thi thiên 34 cho thấy người tin Chúa phải xa lánh điều dữlàm điều lành. Tìm sự hòa bình mà đuổi theo (c. 11b) hàm ý chúng ta phải sống hài hòa với người khác và là người “làm cho người hòa thuận” (Ma-thi-ơ 5:9).

Lời hứa Chúa dành cho người sống như vậy là:

Mắt của Chúa đoái trông người công bình, tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện người (c. 12a)

Mắt của Chúa đoái trông người công bình hàm ý Chúa luôn luôn để ý, chăm sóc người công chính và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ. Trái lại, Mặt Chúa sấp lại nghịch với kẻ làm ác (c. 12b). Trong tinh thần của Thi thiên 34, Mặt Chúa sấp lại nghịch với kẻ làm ác nói đến sự đoán phạt của Chúa với người dữ vì Chúa diệt kỷ niệm chúng nó khỏi đất (Thi thiên 34:16b).

Phần tiếp theo, Phi-e-rơ nói về việc người tin Chúa bị người không tin bắt bớ:

Ví bằng anh em sốt sắng làm lành, thì có ai làm dữ lại cho anh em? (c. 13)

Câu nầy nhắc người tin Chúa nhớ rằng thông thường ở đời người lành sẽ không bị đối xử ác. Tuy nhiên, Phi-e-rơ cảnh báo, có khi chúng ta sẽ phải chịu khổ, dù sống công chính:

Nếu anh em phải vì sự công bình mà chịu khổ, ấy thật là có phước (c. 14a)

Có phước trong câu nầy đồng nghĩa với lời dạy của Chúa Giê-xu:

PHƯỚC cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy! Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được PHƯỚC (Ma-thi-ơ 5:10-11)

Phi-e-rơ nói thêm:

Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí (c. 14b)

Chớ sợ điều họ sợ nghĩa là “đừng sợ cái sợ của họ” (cái sợ thường tình ở đời). Do đó, Chớ sợ điều họ sợ mang ý nghĩa, đừng sợ những người bắt bớ chúng ta. Rối trí mang ý nghĩa dao động tinh thần (“đừng nao núng,” BHĐ). Thay vì sợ, Phi-e-rơ bảo:

Nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. (c. 15a)

I Phi-e-rơ 3:14b-15a trích ý từ Ê-sai 8:12b-13 cho nên tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình hàm ý chỉ nên sợ Chúa (Ma-thi-ơ 10:28). Tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình cũng mang ý nghĩa tin quyết rằng Chúa là Đấng cầm quyền tể trị trên tất cả. Đó là tin quyết bên trong, trong lòng. Còn bên ngoài, Phi-e-rơ bảo:

Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ (c. 15b)

Câu nầy mang ý nghĩa biện giáo (bênh vực cho niềm tin của mình). Trả lời hàm ý trả lời về những cáo buộc của người khác. Sự trông cậy trong anh em nói đến sự tin quyết trong lòng người tin Chúa mà người khác thấy rõ, khiến họ phải đặt câu hỏi (4:4). Thái độ của chúng ta khi bênh vực niềm tin của mình là: Phải hiền hòa và kính sợ (c. 15c). Hiền hòa dịch là dịu dàng (3:4) mang ý nghĩa nhu mì (“ôn tồn,” BHĐ). Kính sợ mang ý nghĩa “trân trọng,” BHĐ). Khi phải bênh vực cho niềm tin, chúng ta phải biết chắc (sẵn sàng để trả lời) và trả lời với thái độ “ôn tồn và trân trọng” (BHĐ).

Song song với việc sẵn sàng trả lời để bênh vực cho niềm tin của mình, Phi-e-rơ khuyên các tín hữu:

Phải có lương tâm tốt, hầu cho những kẻ gièm chê cách ăn ở lành của anh em trong Đấng Christ biết mình xấu hổ trong sự mà anh em đã bị nói hành (c. 16)

Lương tâm tốt nói đến mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa. Có lương tâm tốt hàm ý chúng ta phải giữ lòng trong sạch, không bợn nhơ bằng cách vâng giữ Lời Chúa dạy và khi lầm lỡ phạm tội, sẵn sàng ăn năn, xưng tội để giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa chúng ta với Chúa. Động cơ giúp chúng ta giữ lương tâm tốt là để những người chống đối chúng ta (những kẻ gièm chê cách ăn ở lành của anh em) không có lý do để phê phán. Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau:

Khi bị nói xấu, anh em phải giữ lương tâm mình trong sáng, để những kẻ xuyên tạc cách cư xử tốt đẹp của anh em trong Đấng Christ phải hổ thẹn (c. 16, BHĐ)

Phi-e-rơ kết luận phần nầy với câu:

Vì nếu ý muốn Đức Chúa Trời dường ấy, thì thà làm điều thiện mà chịu khổ, còn hơn làm điều ác mà chịu khổ vậy (c. 17)

Nếu ý muốn Đức Chúa Trời dường ấy (c. 17a) nghĩa là nếu chịu khổ là điều Chúa muốn chúng ta phải trải qua (Phi-líp 1:29) thì thà làm điều thiện mà chịu khổ, còn hơn làm điều ác mà chịu khổ (c. 17b). Thà làm điều thiện mà chịu khổ, còn hơn làm điều ác mà chịu khổ nói lên ý trong 2:12 về việc chịu khổ  vì điều tốt sẽ đem lại kết quả tích cực. Phi-e-rơ dùng ví dụ Chúa Giê-xu chịu khổ trong các câu tiếp theo để minh chứng cho điều nầy. Nhờ sự chịu khổ của Chúa mà chúng ta được dẫn đến cùng Đức Chúa Trời (c. 18a).

Chữ Vả trong câu 18 là hoti trong nguyên văn, mang ý nghĩa “vì” hay “bởi vì” hàm ý việc chúng ta chịu khổ cũng tương tự như việc Chúa đã chịu khổ để cứu chúng ta. Việc chịu khổ của Chúa mang lại ích lợi thể nào thì việc chịu khổ của chúng ta cũng mang lại lợi ích tương tự. Dĩ nhiên là việc chịu khổ của chúng ta không thể so sánh với sự chết của Chúa nhưng điểm tương đồng là chịu khổ vì điều tốt đem lại lợi ích.