Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

“ĐẤNG CHRIST ĐÃ CHỊU KHỔ” (4:1-6)

1 Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt, thì anh em cũng phải lấy ý đó làm giáp trụ, vì người nào đã chịu khổ trong xác thịt, thì đã dứt khỏi tội lỗi, 2 hầu cho còn sống trong xác thịt bao lâu thì chớ lại theo những sự người ta ưa thích, một phải theo ý muốn Đức Chúa Trời. 3 Ngày trước cũng đã đủ làm theo ý muốn người ngoại đạo rồi, mà ăn ở theo tà tịch, tư dục, say rượu, ăn uống quá độ, chơi bời, và thờ hình tượng đáng gớm ghiếc. 4 Họ thấy anh em chẳng cùng họ theo sự dâm dật bậy bạ ấy, thì họ lấy làm lạ và gièm chê. 5 Nhưng họ sẽ khai trình với Đấng đã sẵn sàng xét đoán kẻ sống và kẻ chết. 6 Vì ấy bởi điều đó mà Tin Lành cũng đã giảng ra cho kẻ chết, hầu cho sau khi chịu xét đoán theo loài người về phần xác, thì họ được sống theo Đức Chúa Trời về phần hồn.

 

1. “Lấy ý đó làm giáp trụ” (c. 1b) nghĩa là thế nào?

2. Tại sao “Chịu khổ trong xác thịt, thì đã dứt khỏi tội lỗi” (c. 1c)?

3. Câu 2 khuyên chúng ta điều gì?

4. Câu 3-4 cho thấy người không tin Chúa thường “bắt bớ” người tin Chúa điều gì?

5. Câu 5 cho thấy lời cảnh cáo gì?

6. “Tin Lành cũng đã giảng ra cho kẻ chết” (c. 6a) nghĩa là thế nào?

7. Cả phần Kinh Thánh nầy (c. 1-6) dạy chúng ta điều gì?

 

Chịu khổ (c. 1a) là vấn đề đã nói từ 3:17, bây giờ Phi-e-rơ trở lại với ý đó:

Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt, thì anh em cũng phải lấy ý đó làm giáp trụ, vì người nào đã chịu khổ trong xác thịt, thì đã dứt khỏi tội lỗi (c. 1)

Phi-e-rơ lấy gương chịu khổ của Chúa Giê-xu và khuyên độc giả theo đó để sống. Lấy ý đó làm giáp trụ (c. 1b) nghĩa là “hãy lấy tư tưởng ấy làm vũ khí” (BHĐ) hàm ý chúng ta hãy nhớ đến việc Chúa Giê-xu chịu khổ và suy nghĩ luôn về điều đó để trang bị cho tư tưởng và thái độ của mình. Khi chịu khổ, chúng ta cần tự nhắc mình rằng, Chúa cũng đã chịu khổ như vậy!

Người nào đã chịu khổ trong xác thịt, thì đã dứt khỏi tội lỗi (c. 1c) không có nghĩa là người nào chịu khổ thì không còn phạm tội. Dứt khỏi tội lỗi mang ý nghĩa “đoạn tuyệt với tội lỗi” (BHĐ). Đây là ý nối tiếp với 3:14, 16-18 ở trên. Đây là người chịu khổ vì làm điều lành (3:17) hàm ý người ấy thà chịu khổ chứ không phạm tội. Sẵn sàng chịu khổ chứ không chịu phạm tội chứng tỏ người ấy đã dứt khoát với tội lỗi! Câu tiếp theo cho thấy rõ ý nghĩa nầy:

Hầu cho còn sống trong xác thịt bao lâu thì chớ lại theo những sự người ta ưa thích, một phải theo ý muốn Đức Chúa Trời (c. 2)

Còn sống trong xác thịt bao lâu nghĩa là ngày nào còn sống trên đời (“để bao lâu còn sống,” BHĐ). Câu nầy cho thấy người tin Chúa là người sống theo ý muốn của Chúa, không sống theo những gì mình ưa thích:

Để bao lâu còn sống trong thể xác thì anh em không sống theo những dục vọng con người, mà theo ý muốn Đức Chúa Trời (c. 2, BHĐ)

Lý do người tin Chúa không còn sống theo những dục vọng của con người được Phi-e-rơ giải thích như sau:

Ngày trước cũng đã đủ làm theo ý muốn người ngoại đạo rồi, mà ăn ở theo tà tịch, tư dục, say rượu, ăn uống quá độ, chơi bời, và thờ hình tượng đáng gớm ghiếc (c. 3)

Phi-e-rơ nhắc độc giả về nếp sống tội lỗi cũ của họ, nếp sống theo dục vọng của con người: Ăn ở theo tà tịch, tư dục, say rượu, ăn uống quá độ, chơi bời, và thờ hình tượng đáng gớm ghiếc (c. 3b). Bản Hiệu Đính dịch như sau:

Ngày trước anh em đã phí thời gian để làm những việc dân ngoại thích làm, như sống phóng đãng, tham dục, say sưa, cuồng loạn, trác táng, thờ hình tượng gớm ghiếc (c. 3, BHĐ)

“Phóng đãng” (tà tịch) mang ý nghĩa sống buông thả trên phương diện tình dục hay sống hung bạo.

“Tham dục” (tư dục) nói đến dục vọng xấu xa trong con người, xui khiến làm những điều tội lỗi.

“Say sưa” (say rượu) đi chung với “cuồng loạn” (ăn uống quá độ) và “trác táng” (chơi bời). Cả ba điều nầy nói đến những tiệc tùng cuồng loạn, say sưa và buông thả.

“Thờ hình tượng gớm ghiếc” chỉ về những hành vi tội lỗi đi chung với việc cúng tế thần tượng là điều người thời đó thường làm.

Phi-e-rơ cho thấy, một người sau khi tin Chúa không còn sống nếp sống tội lỗi như vậy nữa và điều nầy khiến người ngoại ngạc nhiên:

Họ thấy anh em chẳng cùng họ theo sự dâm dật bậy bạ ấy, thì họ lấy làm lạ và gièm chê (c. 4)

Chẳng những ngạc nhiên, họ cũng gièm chê (c. 4b). Gièm chê hàm ý “nói xấu” (BHĐ) hay vu khống nghĩa là đưa ra những lời đồn đãi không thật về những người tin Chúa, nói rằng người tin Chúa là những người vô luân.

Để khích lệ các tín hữu, Phi-e-rơ nhắc cho họ nhớ rằng những người đó sẽ khai trình với Đấng đã sẵn sàng xét đoán kẻ sống và kẻ chết (c. 5). Nói như vậy nghĩa là, người tin Chúa có thể bị vu khống bây giờ nhưng những người gièm chê người tin Chúa rồi sẽ chịu sự xét đoán của Chúa trong tương lai. Trong sự tin quyết đó, Phi-e-rơ viết:

Vì ấy bởi điều đó mà Tin Lành cũng đã giảng ra cho kẻ chết, hầu cho sau khi chịu xét đoán theo loài người về phần xác, thì họ được sống theo Đức Chúa Trời về phần hồn (c. 6)

Câu nầy không hàm ý người chết sẽ có hy vọng được nghe Phúc Âm lần thứ hai để được cứu nhưng nói về những người tin Chúa nay đã chết. Tin Lành cũng đã giảng ra cho kẻ chết (c. 6a) nghĩa là Tin Lành đã được giảng ra cho những người tin Chúa mà nay đã chết. Bối cảnh của câu nầy là sự phán xét cuối cùng. Điều đó là sự phán xét Phi-e-rơ nói trong câu 5. Ý của Phi-e-rơ trong câu nầy là, dù đã tin nhận Chúa, người tin Chúa vẫn phải chết về phần xác như bao nhiêu người khác, nhưng trên phương diện tâm linh, họ được sống.

Phần Kinh Thánh nầy là lời khuyên của Phi-e-rơ về vấn đề chịu khổ. Ông khuyên chúng ta noi gương chịu khổ của Chúa Giê-xu nhưng cũng cho thấy rằng người sẵn sàng chịu khổ là người đã dứt khoát với tội lỗi. Ông nhắc độc giả về nếp sống tội lỗi của họ ngày trước và bảo họ đừng phí phạm đời sống như vậy nữa. Phi-e-rơ nói rằng, dù sống thiện lành, họ sẽ bị người đời vu khống. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ phân xử công minh cho họ trong ngày phán xét cuối cùng, tương tự như cách Chúa đối với những người tin Chúa mà nay đã qua đời.