Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 14

“SỰ CUỐI CÙNG CỦA MUÔN VẬT ĐÃ GẦN” (4:7-11)

7 Sự cuối cùng của muôn vật đã gần, vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện. 8 Nhất là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi. 9 Người nầy người khác phải tiếp đãi nhau, chớ có cằn rằn. 10 Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. 11 Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời. Nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Giê-xu Christ, là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A-men.

1. “Sự cuối cùng của muôn vật đã gần” (c. 7a) nói đến điều gì?

2. Lời khuyên khi thấy “sự cuối cùng của muôn vật đã gần” là gì? Xin giải thích.

3. “Sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi (c. 8b) nghĩa là thế nào?

4. Xin giải thích những từ “tiếp đãi” và “cằn rằn” (c. 9).

5. Chúng ta “lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau” (c. 10a) nghĩa là làm gì?

6. “Người quản lý” là người làm việc gì? Chúng ta thi hành chức vụ nầy như thế nào?

7. “Giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời” (c. 11a) nghĩa là thế nào?

8. “Làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban” (c. 11b) nhắc nhở chúng ta điều gì?

 

Sự cuối cùng của muôn vật đã gần nghĩa là chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời cho nhân loại sắp đến hồi kết thúc. Phi-e-rơ hàm ý rằng tất cả những sự kiện liên quan đến sự cứu rỗi đều đã xảy ra chỉ còn chờ một điều là việc Chúa Giê-xu tái lâm. Vì Chúa Giê-xu có thể trở lại bất cứ lúc nào cho nên điều người tin Chúa phải làm là khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện (c. 7b).

Khôn ngoan (“tỉnh táo,” BHĐ) mang ý nghĩa có trí óc minh mẫn, suy nghĩ và lượng giá sự việc cách đúng đắn. Tỉnh thức (“tiết độ,” 1:13) nghĩa là chuẩn bị tâm trí, nhấn mạnh đến tinh thần kỷ luật trong lối suy nghĩ, không để tâm trí “nghiện ngập” với những điều bất xứng.

Hai thái độ nầy (khôn ngoantỉnh thức) là để cầu nguyện: Hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện. Điều nầy hàm ý rằng chúng ta phải biết nhìn vào những diễn biến chung quanh trong đời sống, nhận định đúng và cầu nguyện với hiểu biết đó.

Đó là đối với bản thân, còn đối với người chung quanh, Phi-e-rơ khuyên:

Nhất là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi. Người nầy người khác phải tiếp đãi nhau, chớ có cằn rằn. Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời (c. 8-10)

Ba điều Phi-e-rơ khuyên các tín hữu là: yêu thương, tiếp đãi và giúp lẫn nhau. Về yêu thương, Phi-e-rơ nói: Phải có lòng yêu thương SỐT SẮNG. Sốt sắng mang ý nghĩa “tha thiết” (BHĐ). Con cái Chúa chẳng những yêu thương nhau nhưng phải hết lòng yêu thương nhau! Lý do là vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi (c. 8b). Câu nầy không hàm ý vì yêu thương, chúng ta khỏa lấp hay lấp liếm tội lỗi nhưng có nghĩa là khi yêu thương nhau tha thiết, chúng ta sẽ không để ý đến lỗi lầm của nhau, nhưng sẵn sàng tha thứ.

Lòng yêu thương sốt sắng của con cái Chúa được thể hiện qua hai điều:

(1) Tiếp đãi nhau (c. 9).

(2) Giúp nhau (c. 10).

Tiếp đãi mang ý nghĩa thân thiện, bày tỏ lòng hiếu khách, chấp nhận nhau. Phi-e-rơ nói thêm: Chớ có cằn rằn (“cằn nhằn,” BHĐ). Cằn nhằn hàm ý oán trách, than phiền như cách con dân Chúa đã làm trong đồng vắng với Môi-se. Phàn nàn như vậy là oán trách chính Đức Chúa Trời là Đấng cho phép sự việc xảy ra. Phàn nàn, oán trách sẽ khiến đức tin chúng ta suy yếu, niềm vui và lòng biết ơn sẽ không còn!

Chữ giúp (c. 10a) mang ý nghĩa phục vụ. Người tin Chúa phải giúp đỡ, phục vụ lẫn nhau và sự phục vụ nầy dựa trên ơn mình đã được (c. 10b). Ơn nói đến ân tứ, điều Đức Chúa Trời ban cho mỗi người tin Chúa. Câu nầy cho thấy, mỗi người tin Chúa đều có ơn và chúng ta phải sử dụng ơn nầy để phục vụ nhau. Chúng ta làm như vậy vì mỗi chúng ta người quản lý (c. 10c). Quản lý là người có trách nhiệm quản trị tài sản cho chủ. Tài sản là của chủ còn người quản lý chịu trách nhiệm về tài sản đó. Phi-e-rơ gọi chúng ta là người quản lý trung tín, mang ý nghĩa tốt hay “khéo léo” (BHĐ). Mọi ân tứ chúng ta có là do Chúa ban cho và chúng ta phải sử dụng những ân tứ nầy để phục vụ lẫn nhau. Đó là mục đích Chúa ban ân tứ cho chúng ta.

Phi-e-rơ đặc biệt nhắc đến ân tứ rao giảng Lời Chúa:

Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời (c. 11a)

Bản Hiệu Đính dịch: “Nếu có ai giảng luận thì hãy giảng như rao truyền lời của Đức Chúa Trời.” Điều nầy cho thấy tính cách nghiêm trọng của việc rao giảng Lời Chúa. Người giảng là người rao truyền chính Lời của Đức Chúa Trời, không phải nói lời riêng hay ý riêng.

Câu tiếp theo nói chung đến việc sử dụng mọi ân tứ:

Nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban (c. 11b)

Làm chức gì mang ý nghĩa dù phục vụ trong lãnh vực nào, người hầu việc Chúa phải luôn nhớ nguồn sức mạnh đến từ Đức Chúa Trời và những gì chúng ta làm được ấy là do Chúa, nhờ Chúa. Vì vậy Phi-e-rơ viết:

Hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Giê-xu Christ, là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A-men (c. 11c)

Hầu việc Chúa là nhờ sức Chúa và để đem vinh quang về cho Chúa, không phải cho con người.