Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 16

CÁC TRƯỞNG LÃO (5:1-4)

1 Tôi gởi lời khuyên nhủ nầy cho các bậc trưởng lão trong anh em, tôi đây cũng là trưởng lão như họ, là người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ và cũng có phần về sự vinh hiển sẽ hiện ra: 2 Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em, làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, 3 chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy. 4 Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra, anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo.

 

1. Phi-e-rơ viết những lời khuyên nầy cho ai? Trưởng lão là ai? Làm chức vụ gì?

2. Xin cho biết hai điều Phi-e-rơ nói về chính mình trong câu 1b? Hai điều nầy mang ý nghĩa gì?

3. Xin cho biết những điều Phi-e-rơ viết về người chăn bầy trong câu 2-3.

4. “Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên” (c. 4a) là ai? Mang ý nghĩa gì?

5. “Mão triều thiên vinh hiển” (c. 4b) chỉ về điều gì?

 

Trong phần cuối của Chương 4, sứ đồ Phi-e-rơ nói đến việc sự phán xét sẽ khởi từ nhà Đức Chúa Trời (4:17a) nghĩa là từ trong Hội Thánh của Chúa, vì vậy nối tiếp với điều đó, ông có lời nhắn nhủ với những người lãnh đạo trong Hội Thánh là các bậc trưởng lão trong anh em (c. 1a). Để cho thấy ông không phải chỉ là người trên truyền dạy, Phi-e-rơ kể mình là một với họ: Tôi đây cũng là trưởng lão như họ (c. 1b).

Hai điều Phi-e-rơ nói về mình là (c. 1c):

(1) Người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ.

(2) Người có phần về sự vinh hiển sẽ hiện ra.

Chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ chứng tỏ thẩm quyền sứ đồ của ông (Công vụ 3:15; I Cô. 9:1). Chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ cũng cho thấy thất bại của Phi-e-rơ trong quá khứ (ông đã chối Chúa khi Ngài chịu đau đớn) và điều nầy cho thấy ân sủng của Chúa đã đoái thương ông. Đối chiếu với sự đau đớnsự vinh hiển sẽ hiện ra để các tín đồ đang chịu khổ thấy hy vọng trong Chúa, từ đau đớn đến vinh hiển như ông nói trong 4:13.

Trách nhiệm của người trưởng lão là chăn bầy của Đức Chúa Trời (c. 2a). Chăn bầy là hai chữ cùng một gốc trong nguyên văn (poimaino/poimnion) nên có thể dịch là “shepherd the sheep” trong tiếng Anh. Đây cũng là điều Chúa nói với Phi-e-rơ sau khi Ngài phục sinh (Giăng 21:16). Nhiệm vụ của trưởng lão (mục sư) không gì khác hơn là chăm sóc đàn chiên của Chúa.

Phương cách chăm sóc đàn chiên của Chúa được Phi-e-rơ trình bày như sau:

·      Chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng.

·      Chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm.

·      Chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy.

Đây là những điều đối chiếu với nhau (theo BHĐ):

 

KHÔNG

NHƯNG

Vì ép buộc

Tự nguyện

Vì lợi lộc thấp hèn

Với cả nhiệt tâm

Dùng quyền uy cai trị

Làm gương tốt

 

“Không vì ép buộc nhưng tự nguyện” nói đến thái độ của người hầu việc Chúa. Chúng ta không hầu việc Chúa vì đó là bổn phận phải làm cho xong nhưng là điều chúng ta mong ước được làm (I Ti. 3:1).

“Không vì lợi lộc thấp hèn nhưng với cả nhiệt tâm” nói đến động cơ thúc đẩy chúng ta hầu việc Chúa. Người hầu việc Chúa cần được chu cấp đầy đủ, nhưng nếu chúng ta hầu việc Chúa chỉ vì đồng tiền, đó là điều sai. “Với cả nhiệt tâm” đối chiếu với thái độ gắng gượng (“vì ép buộc”) Phi-e-rơ nói ở trên.

“Không dùng quyền uy cai trị nhưng làm gương tốt” nói đến phương cách hầu việc Chúa. “Dùng quyền uy cai trị” mang ý nghĩa làm chủ bầy chiên là điều không nên, trái lại phải là người “làm gương tốt.”

Quyền lực và tiền bạc là hai cám dỗ lớn nhất của người hầu việc Chúa mà Phi-e-rơ cảnh cáo ở đây.

Danh từ đặc biệt Phi-e-rơ dùng ở cuối lời khuyên cho các trưởng lão là Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên (c. 4a). Điều nầy cho thấy Chúa Giê-xu mới là Người Chăn của Hội Thánh vì Ngài là Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên. Các trưởng lão (mục sư) là những người chăn chiên phụ, giúp Chúa Giê-xu chăn bầy chiên của Ngài.

Câu 4 là lời khích lệ người hầu việc Chúa về phần thưởng cuối cùng, trong ngày Chúa trở lại:

Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra, anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo (c. 4)

Mão triều thiên thường chỉ về phần thưởng ở thiên đàng. Chẳng hề tàn héo nói đến giá trị đời đời của phần thưởng đó.

“Các trưởng lão trong Hội Thánh địa phương cần thi hành trách nhiệm được giao phó cho mình không phải cho danh dự hay lợi lộc đời nầy nhưng cho giá trị trường tồn ở thiên đàng” (Grudem, trang 191).