Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 17

“TRANG SỨC BẰNG KHIÊM NHƯỜNG” (5:5-7)

5 Cũng khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường. 6 Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên. 7 Lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em.

 

1. Thế nào là “phục theo các trưởng lão” (c. 5a)?

2. Tại sao Phi-e-rơ  dùng chữ “trang sức” để nói về sự khiêm nhường (c. 5b). “Trang sức bằng khiêm nhường” hàm ý gì?

3. Thế nào là “hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời” (c. 6a)?

4. “Kỳ thuận hiệp” (c. 6b) là khi nào?

5. Chúng ta “trao mọi điều lo lằng mình cho Chúa” (c. 7a) như thế nào?

6. Chúa săn sóc chúng ta (c. 7b) như thế nào?

 

Phân đoạn 5:1-4 là lời khuyên cho các trưởng lão là những người lãnh đạo Hội Thánh, câu 5a là lời khuyên cho những người trẻ. Hãy phục theo các trưởng lão mang ý nghĩa hãy tuân phục thẩm quyền của những người lãnh đạo Hội Thánh. Phi-e-rơ chỉ nói đến người trẻ ở đây có lẽ vì họ là những người bồng bột, cần được nhắc nhở về việc thuận phục thẩm quyền trong Hội Thánh.

Câu 5b-7 là một phân đoạn riêng với câu 1-4, nói đến các mối quan hệ chung trong Hội Thánh. Trước hết, Phi-e-rơ bảo:

 Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường (c. 5b)

Trang sức trong nghĩa đen là “thắt lưng,” đây là hình ảnh của một người nô lệ, sẵn sàng phục vụ. Đó là hình ảnh Chúa Giê-xu rửa chân cho các môn đồ (Giăng 13:4-5; 15-16). Khiêm nhường mang ý nghĩa “đặt người khác trước mình, quan tâm đến nhu cầu và ý kiến của người khác hơn của chính mình” (Grudem, trang 194). Phi-líp 2:3-4 là mô tả rõ ràng nhất về đức tính khiêm nhường mà chúng ta cần có khi đối xử với nhau.

Phần còn lại của câu 5 trích từ Châm Ngôn 3:34 tương tự như trong Gia-cơ 4:6:

Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường (c. 5c)

“Người kiêu ngạo là người ngạo mạn, luôn luôn coi mình quan trọng hơn người khác, chỉ tin tưởng vào chính mình, còn người khiêm nhường tin cậy Chúa. Người kiêu ngạo tìm vinh hiển riêng cho mình còn người khiêm nhường dâng vinh quang cho Đức Chúa Trời” (Grudem, trang 194).

Ban ơn nghĩa là ban ân sủng, là điều Chúa ban cho dù chúng ta không xứng đáng. Chúng ta cần ơn trong sự cứu rỗi và cũng cần ơn để có thể sống với nhau trong khiêm nhường. Câu trích trên trong thì hiện tại, mang ý nghĩa: “Đức Chúa Trời luôn luôn chống cự người kiêu ngạo và Ngài luôn luôn ban ơn cho người khiêm nhường” (Grudem, trang 194).

Chúng ta chẳng những khiêm nhường với người nhưng cũng khiêm nhường với Chúa:

Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên (c. 6)

Chữ “vậy” ở đầu câu nầy tiếp nối ý của câu trước: Vì Đức Chúa Trời ban ơn cho kẻ khiêm nhường cho nên khiêm nhường trước mặt Chúa chúng ta sẽ để nhận được ơn của Ngài. Chữ hạ mình cũng là chữ khiêm nhường ở câu trên: “Hãy khiêm nhường dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời.”

Khiêm nhường dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời mang ý nghĩa thuận phục sự dẫn dắt khôn ngoan của Chúa dù làm như vậy có thể chúng ta sẽ bị thiệt thòi trên một phương diện nào đó. Tuy nhiên: Đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên (c. 6b). Trong thời điểm của Chúa, người khiêm nhường sẽ được sự ban thưởng mà người khác sẽ thấy rõ!

Ý chính của Phi-e-rơ trong phần nầy là sự khiêm nhường. Hai câu 6 và 7 tiếp nhau trong ý khiêm nhường đó. Động từ chính trong phần nầy là Hạ mình (c. 6a), còn Trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài (c. 7a) là phân từ, bổ nghĩa cho động từ hạ mình. Phi-e-rơ cho thấy, người trao mọi lo lắng cho Chúa là người tùy thuộc vào Chúa, không cậy vào sức riêng, đó là người khiêm nhường. Khiêm nhường bằng cách trao mọi lo lắng của mình cho Chúa.

Động từ trao mang ý nghĩa “ném vào” cùng với chữ “trải” trong Lu-ca 19:35. Trao lo lắng cho Chúa nghĩa là giao hết cho Chúa, “quăng” mọi lo lắng của mình vào tay Chúa. Những chữ hay săn sóc anh em mang ý nghĩa “anh em là quan trọng, có giá trị trước mặt Chúa.” Tác giả Grudem viết: “Trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài là con đường dẫn đến khiêm nhường vì nó giúp ta không còn quan tâm đến chính mình nữa và giúp ta quan tâm đến nhu cầu của người khác” (Grudem, 195).