Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 18

“ĐỨNG VỮNG TRONG ĐỨC TIN” (5:8-14)

8 Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. 9 Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế gian, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình. 10 Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng và thêm sức cho. 11 Nguyền xin quyền phép về nơi Ngài, đời đời vô cùng! A-men.

12 Tôi cậy Sin-vanh, là kẻ tôi coi như một người anh em trung tín, viết mấy chữ nầy đặng khuyên anh em và làm chứng với anh em rằng ấy là ơn thật của Đức Chúa Trời, anh em phải đứng vững trong đó. 

13 Hội thánh của các người được chọn, tại thành Ba-by-lôn, chào anh em, con tôi là Mác cũng vậy. 14 Anh em hãy lấy cái hôn yêu thương mà chào nhau.

Nguyền xin sự bình an ở cùng hết thảy anh em trong Đấng Christ!

 

1. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên độc giả điều gì trong câu 8? Tại sao?

2. “Sư tử rống” (c. 8b) cho thấy hình ảnh gì? “Ma quỷ như sư tử rống” là nó đang làm gì?

3. Câu: “Anh em mình ở rải khắp thế gian, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình” (c. 9) an ủi chúng ta như thế nào?

4. Những chữ “tạm chịu khổ” (c. 10b) cho thấy điều gì?

5. Xin cho biết lời hứa trong câu 10b? Lời hứa nầy giúp chúng ta như thế nào?

6. “Đứng vững trong ơn của Đức Chúa Trời” (c. 12b) nghĩa là thế nào? Làm sao để đứng vững trong ơn Chúa?

7. Ba-by-lôn (c. 13) là địa điểm nào?

8. Xin cho biết ý nghĩa của “cái hôn yêu thương” (c. 14).

 

Kết luận bức thư, sứ đồ Phi-e-rơ khuyên độc giả:

Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được (c. 8)

Phi-e-rơ khuyên độc giả hai điều: tiết độ và tỉnh thức.

Tiết độ (1:13) chẳng những mang ý nghĩa “không chè chén say sưa” nhưng cũng với ý chuẩn bị tâm trí, nhấn mạnh đến tinh thần kỷ luật trong lối suy nghĩ, không để tâm trí “nghiện ngập” với những điều bất xứng.

Tỉnh thức mang ý nghĩa đề cao cảnh giác về phương diện tâm linh, tránh tội ác.

Ngược với tiết độ tỉnh thức là tình trạng “nửa thức nửa ngủ” của người tin Chúa nên đáp ứng trước sự việc chẳng khác gì người chưa tin.

Phi-e-rơ dùng hình ảnh sư tử rống để nói lên đe dọa mà con cái Chúa phải đương đầu. Sư tử là loài hung dữ và rống cho thấy nó đang hoạt động. Hoạt động của ma quỷ là tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. Điều nầy hàm ý, nếu chúng ta đề cao cảnh giác, ma quỷ không thể làm hại chúng ta được.

Tiết độ và tỉnh thức là phòng thủ, Phi-e-rơ bảo chúng ta cũng phải chống cự ma quỷ (c. 9). Cách để chống ma quỷ là đứng vững trong đức tin:

Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó (c. 9a)

Cùng với lời khuyên chống cự ma quỷ, Phi-e-rơ khích lệ con cái Chúa:

Vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế gian, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình (c. 9b)

Khi biết chúng ta không chiến đấu một mình, chúng ta sẽ có thêm can đảm và nghị lực để chịu khổ vì Chúa.

Tiếp tục khích lệ, Phi-e-rơ viết:

Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng và thêm sức cho (c. 10)

Đây là lời hứa đến từ Đức Chúa Trời mà Phi-e-rơ gọi là Đức Chúa Trời ban mọi ơn (c. 10a) nghĩa là mọi ơn đến từ Ngài, Chúa là nguồn của ân sủng. Chúa cũng là Đấng gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài (c. 10b). Chúng ta là những người được Chúa gọi nghĩa là Chúa có mục đích cho đời sống mỗi chúng ta và mục đích đó là sự vinh hiển đời đời của Ngài. Đây là giá trị vĩnh hằng Đức Chúa Trời dành cho mọi người tin Ngài và đây cũng là hy vọng của người tin Chúa. Với hy vọng đó, những khó khăn, khổ nạn của đời nầy chỉ là tạm:

Sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng và thêm sức cho (c. 10c)

Trong cái nhìn đời đời đó, những khó khăn trên trần gian nầy chỉ là tạm (ngắn và sẽ qua). Phi-e-rơ cho biết Chúa sẽ làm những điều sau cho chúng ta:

Chính Ngài sẽ phục hồi, củng cố, xây dựng và ban sức lực cho anh em (c. 10c, BHĐ)

Phục hồi, củng cố, xây dựng và ban sức lực là những điều chúng ta cần mỗi ngày khi còn sống trên đời. Đó cũng là điều Chúa hứa sẽ làm cho chúng ta. Lời hứa nầy được xây dựng trên quyền tối thượng của Đức Chúa Trời như lời Phi-e-rơ kết luận:

Nguyện quyền tể trị thuộc về Ngài đời đời vô cùng! A-men (c. 11, BHĐ)

Phi-e-rơ kết thúc lá thư với những lời sau:

Tôi cậy Sin-vanh, là kẻ tôi coi như một người anh em trung tín, viết mấy chữ nầy đặng khuyên anh em và làm chứng với anh em rằng ấy là ơn thật của Đức Chúa Trời, anh em phải đứng vững trong đó (c. 12)

Sin-vanh là tên khác của Si-la, bạn đồng hành của sứ đồ Phao-lô (Công vụ 15:40; I Tê. 1:1). Câu: Tôi cậy Sin-vanhviết mấy chữ nầy có thể có hai nghĩa:

(1) Sin-vanh là người thư ký (amanuensis) viết thư cho Phi-e-rơ.

(2) Sin-vanh là người mang thư đến cho người nhận.

Nhiều học giả cho rằng nên hiểu theo nghĩa Sin-vanh là người mang thư đến cho người nhận là thích hợp hơn vì điểm nhấn mạnh là người anh em trung tín. Ngày xưa, chỉ những người đáng tin cậy mới được giao cho trách nhiệm mang thư đi như vậy.

Trong lời nói về người mang thư, Phi-e-rơ cho thấy mục đích lá thư là để khuyên anh em và làm chứng với anh em rằng ấy là ơn thật của Đức Chúa Trời, anh em phải đứng vững trong đó (c. 12). Hai điểm ông nhấn mạnh là ơn của Chúađứng vững trong ơn đó. Đây cũng là hai điều chúng ta ghi nhớ để đứng vững trong Chúa.

Phần chót của lá thư như sau:

Hội Thánh của các người được chọn, tại thành Ba-by-lôn, chào anh em, con tôi là Mác cũng vậy. Anh em hãy lấy cái hôn yêu thương mà chào nhau. Nguyền xin sự bình an ở cùng hết thảy anh em trong Đấng Christ! (c. 13-14)

Ba-by-lôn là thủ đô của đế quốc Ba-by-lôn xưa, đã bị hoang tàn trong thời Tân Ước vì vậy đây là tên Phi-e-rơ dùng để gọi Rô-ma, thủ đô của đế quốc La-mã, nơi ông viết lá thư. Phi-e-rơ gọi Rô-ma là Ba-by-lôn trong ý nghĩa con dân Chúa bị lưu đày ngày xưa, người tin Chúa cũng như bị lưu đày trên trần gian tội lỗi nầy và chỉ là những người ở trọ kẻ đi đường (2:11). Sách Khải Huyền và các tác giả người La-mã cũng thường dùng Ba-by-lôn để chỉ về Rô-ma.

Người tên Mác được nhắc đến ở đây là Giăng Mác (Công vụ 12:12; 13:5). Mác là anh em chú bác với Ba-na-ba (Cô-lô-se 4:10). Ông là bạn đồng hành với sứ đồ Phao-lô trong chuyến truyền giáo thứ nhất đã bỏ cuộc nửa đường (Công vụ 13:13) và không được Phao-lô chấp nhận trong chuyến truyền giáo tiếp theo (Công vụ 15:38). Tuy nhiên, trước khi qua đời, Phao-lô đã đặc biệt hoan nghênh Mác trong chức vụ (II Ti-mô-thê 4:11). Phi-e-rơ gọi Mác là con trong ý nghĩa con tinh thần. Giáo phụ Papias cho biết Mác từng là người thông dịch cho sứ đồ Phi-e-rơ trong công tác truyền giáo. Chúng ta không chắc chắn lắm về điều nầy vì thiếu bằng chứng rõ ràng nhưng các học giả tin rằng, ông Mác chính là tác giả Phúc Âm mang tên ông với những thông tin ông thu nhận từ Phi-e-rơ.

Hãy lấy cái hôn yêu thương mà chào nhau (c. 14a) tương đương với lời chào trong các thư của sứ đồ Phao-lô (Rô-ma 16:16; I Cô. 16:20; II Cô. 13:12; I Tê. 5:26). Đây là một động tác bày tỏ lòng yêu thương trong Hội Thánh theo phong tục thời bấy giờ, tương đương với việc bắt tay hay ôm chào. Lời khuyên nầy nhấn mạnh đến việc bày tỏ mối thông công giữa những người tin Chúa.

Bình an là lời chào thông thường của người Do-thái, mang ý nghĩa hưng thịnh cả hồn lẫn xác (III Giăng 2). Đối với người tin Chúa, đây là bình an chúng ta có chung với nhau khi liên kết với Chúa (trong Đấng Christ), sự bình an của Chúa (Giăng 14:27).