Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

ĐẶC TÍNH CỦA GIÁO SƯ GIẢ (2:10b-16)

10 Bọn đó cả gan, tự đắc, nói hỗn đến các bậc tôn trọng mà không sợ, 11 dẫu các thiên sứ, là đấng có sức mạnh quyền phép hơn chúng nó, còn không hề lấy lời nguyền rủa mà xử đoán các bậc đó trước mặt Chúa. 12 Nhưng chúng nó cũng như con vật không biết chi, sanh ra chỉ làm thú vật để bị bắt mà làm thịt, hay chê bai điều mình không biết, rồi chết đi như con vật, dường ấy chúng nó lãnh lấy tiền công về tội ác mình.

13 Chúng nó lấy sự chơi bời giữa ban ngày làm sung sướng, là người xấu xa ô uế, ưa thích sự dối trá mình đang khi ăn tiệc với anh em. 14 Cặp mắt chúng nó đầy sự gian dâm, chúng nó phạm tội không bao giờ chán, dỗ dành những người không vững lòng, chúng nó có lòng quen thói tham dục: ấy là những con cái đáng rủa sả. 15 Chúng nó đã bỏ đường thẳng mà đi sai lạc theo đường của Ba-la-am, con trai Bô-sô, là kẻ tham tiền công của tội ác nhưng người bị trách về sự phạm tội của mình, 16 bởi có một con vật câm nói tiếng người ta, mà ngăn cấm sự điên cuồng của người tiên tri đó.

 

1. Theo câu 10b, đặc điểm đầu tiên của các giáo sư giả là gì?

2. Xin đọc Giu-đe câu 9 và giải thích câu 11.

3. Câu: “Chúng nó cũng như con vật không biết chi, sanh ra chỉ làm thú vật để bị bắt mà làm thịt” (c. 12a) nói lên điều gì về giáo sư giả?

4. “Chê bai điều mình không biết” (c. 12b) nghĩa là thế nào?

5. “Lãnh lấy tiền công về tội ác mình” (c. 12c) nghĩa là gì?

6. “Lấy sự chơi bời giữa ban ngày làm sung sướng” (c. 13a) nghĩa là thế nào?

7. Xin giải thích câu: “Ưa thích sự dối trá mình đang khi ăn tiệc với anh em” (c. 13b)?

8. Xin kể ra những đặc tính của giáo sư giả trong câu 14 và ý nghĩa của mỗi điều.

9. Xin đọc Dân số ký 22-24 và cho biết “đường của Ba-la-am” (c. 15) là con đường như thế nào?

 

Sứ đồ Phi-e-rơ mô tả đặc tính của các giáo sư giả (tiên tri giả) như sau:

1. Cả gan (“lì lợm,” BHĐ) nói lên thái độ coi thường cả Chúa lẫn người.

2. Tự đắc (“kiêu căng,” BHĐ) nghĩa là quyết tâm đề cao chính mình bằng mọi giá.

Câu 11 là ví dụ Phi-e-rơ dùng để làm sáng tỏ đặc tính nầy. Câu tương đương với câu 11 là Giu-đe câu 9. Sự việc trong Giu-đe là câu chuyện trong sách ngoại kinh Môi-se Lên Trời (Assumption of Moses) nói về việc thiên sứ trưởng Mi-chen dành xác Môi-se với Sa-tan. Trong sự việc nầy, chính thiên sứ trưởng Mi-chen cũng không nặng lời với Sa-tan mà chỉ nói: Cầu Chúa phạt ngươi! (Giu-đe câu 9b).

Trong khi đó, các giáo sư giả lại cả gan, tự đắc nói hỗn đến các bậc tôn trọng mà không sợ (c. 10). Các bậc tôn trọng trong nguyên văn là doxai (“thần linh vinh hiển”). Ý nói các giáo sư giả là những người kiêu ngạo, dám xúc phạm đến các bậc thần linh, trong khi thiên sứ (như thiên sứ Mi-chen trong Giu-đe) còn không nặng lời với ma quỷ. Các bậc tôn trọng cũng có thể được hiểu là những người lãnh đạo Hội Thánh mà các giáo sư giả nầy không tuân phục.

Câu 12 nói lên số phận của các tiên tri giả:

Nhưng chúng nó cũng như con vật không biết chi, sanh ra chỉ làm thú vật để bị bắt mà làm thịt, hay chê bai điều mình không biết, rồi chết đi như con vật, dường ấy chúng nó lãnh lấy tiền công về tội ác mình (c. 12)

Bản Hiệu Đính dịch câu nầy như sau:

Nhưng, như những con thú vô tri, sống theo bản năng, được sinh ra để bị săn bắt và làm thịt, những người nầy xúc phạm cả đến những điều mà họ không biết, sẽ cùng bị diệt vong như thú vật và nhận tiền công cho hành vi bất chính của mình (c. 12, BHĐ)

Những chữ “sống theo bản năng” (không có trong Bản Truyền Thống) cho thấy rõ ý nghĩa của chữ vô tri, nghĩa là thiếu hiểu biết, chỉ sống theo bản năng. Phi-e-rơ so sánh họ với “những con thú vô tri… được sinh ra để bị săn bắt và làm thịt.” Đây là hình ảnh của những con thú vì ham ăn mà sập phải bẫy lưới để rồi bị bắt làm thịt.

Một đặc tính khác của các giáo sư giả là hay chê bai điều mình không biết (c. 12b) nghĩa là “xúc phạm cả đến những điều mà họ không biết” (BHĐ), hàm ý vì thiếu hiểu biết mà họ đã làm điều nầy. Như con vật bị bắt làm thịt, các giáo sư giả sẽ bị diệt vong như vậy! Tiền công (c. 12c) nói đến hậu quả (Rô. 6:23a). Hậu quả tội ác của các giáo sư là sự diệt vong của họ.

Hai đặc tính nổi bật của các giáo sư giả là:

(1) Theo lòng tư dục ô uế mình mà ham mê sự sung sướng xác thịt (c. 10a)

(2) Khinh dể quyền phép rất cao (c. 10b).

Câu 13-14 mô tả đặc tính thứ nhất như sau:

Chúng nó lấy sự chơi bời giữa ban ngày làm sung sướng, là người xấu xa ô uế, ưa thích sự dối trá mình đang khi ăn tiệc với anh em. Cặp mắt chúng nó đầy sự gian dâm, chúng nó phạm tội không bao giờ chán, dỗ dành những người không vững lòng, chúng nó có lòng quen thói tham dục: ấy là những con cái đáng rủa sả (c. 13-14)

Bản Hiệu Đính dịch như sau:

Họ xem việc chè chén giữa ban ngày là lạc thú. Họ là những dấu dơ, vết bẩn, thích thú với đủ kiểu lừa dối khi ngồi ăn uống chung với anh em. Cặp mắt họ chứa đầy tư tưởng ngoại tình, phạm tội không biết chán. Họ dụ dỗ những người nhẹ dạ; tâm địa họ quen thói tham lam. Họ là những đứa con đáng nguyền rủa (c. 13-14, BHĐ)

Lạc thú là chủ trương của các giáo sư giả, họ tìm lạc thú trong việc chè chén và công khai sống như vậy, không có gì che giấu (giữa ban ngày). Xấu xa, ô uế là hai điều ngược với đặc tính của người tin Chúa (Ê-phê-sô 5:27). Đang khi ăn tiệc với anh em hay đám tiệc (Giu-đe câu 12a) chỉ về Bữa Ăn Thân Ái (Agapae) mà các tín hữu thường có tiếp theo giờ Tiệc Thánh. Hội Thánh Cô-rinh-tô đã có những tệ nạn trong đám tiệc nầy (I Cô. 11:17-22) và đây cũng là điều các giáo sư giả đang làm: Ưa thích sự dối trá mình đang khi ăn tiệc với anh em. Điều nầy hoàn toàn đi ngược lại với ý nghĩa của Bữa Ăn Thân Ái.

Ngoài việc chè chén, giáo sư giả là những người mà cặp mắtđầy sự gian dâm (c. 14a). Cặp mắt đầy sự gian dâm là “cặp mắtchứa đầy tư tưởng ngoại tình” (BHĐ) hàm ý họ nhìn mỗi phụ nữ với tư tưởng chiếm đoạt.

Phạm tội không bao giờ chán (c. 14b) cho thấy tội lỗi không bao giờ đem lại thỏa mãn cho người phạm tội, họ chỉ muốn phạm tội thêm! Điều nầy cũng cho thấy sức mạnh của tội, luôn luôn bắt con người làm nô lệ.

Dỗ dành những người không vững lòng (c. 14c). Dỗ dành là hình ảnh của người dùng mồi để câu cá, mang ý nghĩa lừa dối để đưa người vào chỗ tội lỗi (“dụ dỗ,” BHĐ).

Đối tượng của các giáo sư giả dỗ dành những người không vững lòng (“nhẹ dạ,” BHĐ). Người không có lập trường vững chắc, không sâu nhiệm trong Chúa là miếng mồi ngon cho các giáo sư giả nầy!

Chúng nó có lòng quen thói tham dục (c. 14d). Trong nguyên văn mang ý nghĩa “họ được huấn luyện để tham lam.” Bản NIV gọi họ là “chuyên gia tham lam” (experts in greed)!

y là những con cái đáng rủa sả (c. 14e) là lối nói của người Do-thái mang ý nghĩa “sự rủa sả của Đức Chúa Trời sẽ giáng trên họ!”

Sự sai lầm và tội lỗi của các giáo sư giả được so sánh với đường lối của Ba-la-am (Dân số ký 22-24). Đường thẳng (c. 15a) mang ý nghĩa vâng lời (I Sa. 12:23; E-xơ-ra 8:21; Công vụ 13:10). Đi sai lạc (c. 15a) vì vậy nghĩa là không vâng lời Chúa. Tội của Ba-la-am, theo lời sứ đồ Phi-e-rơ, là tham tiền công của tội ác (c. 15b). Ba-la-am nói: “Dầu Ba-lác sẽ cho ta nhà người đầy vàng và bạc, ta cũng chẳng được vượt qua mạng của Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của ta, đặng làm một việc hoặc nhỏ hay lớn” (Dân số ký 22:18) tuy nhiên Đức Chúa Trời biết rõ lòng ông nên đã dùng con lừa nói tiếng người để ngăn cản ông (Dân số ký 22:28-30) và lời thiên sứ nói cho thấy rõ ý định của Ba-la-am:

Sao ngươi đã đánh lừa cái ngươi ba lần? Nầy, ta đi ra đặng cản ngươi, vì ta thấy ngươi đi theo một con đường dẫn mình đến nơi hư nát (Dân số ký 22:32)

Ba-la-am cũng là người đã đưa con dân Chúa đi vào con đường thờ hình tượng:

Kìa, ấy là chúng nó theo mưu-kế của Ba-la-am mà dụ dỗ dân Y-sơ-ra-ên cúng thờ Phê-ô và phạm một tội trọng cùng Đức Giê-hô-va và tội đó xui cho hội chúng của Đức Giê-hô-va bị tai vạ (Dân số ký 31:16)

Phi-e-rơ cho độc giả thấy rằng các giáo sư giả cũng là những con người vì lòng tham tiền bạc sẽ đưa họ vào con đường sai lạc như vậy.