Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 38

TIẾP ĐÃI THIÊN SỨ (13:1-3)

1 Hãy hằng có tình yêu thương anh em. 2 Chớ quên sự tiếp khách, có khi kẻ làm điều đó, đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết. 3 Hãy nhớ những kẻ mắc vòng xiềng xích, như mình cùng phải xiềng xích với họ, lại cũng hãy nhớ những kẻ bị ngược đãi, vì mình cũng có thân thể giống như họ.

1. “Tình yêu thương anh em” (c. 1) nói đến điều gì?

2. “Tiếp đãi thiên sứ” (c. 2) hàm ý gì?

3. “Như mình cùng phải xiềng xích với họ” và “cũng có thân thể giống như họ” (c. 3) nói lên điều gì?

 

Thư Hê-bơ-rơ kết thúc với những lời khuyên thực tế về những mối quan hệ trong Hội Thánh, gia đình và xã hội. Trong Hội Thánh, tác giả viết:

Hãy hằng có tình yêu thương anh em (c. 1)

Hằng mang ý nghĩa liên tục, thường xuyên, trước đã làm nay cũng tiếp tục làm như vậy. Đây phải là thói quen của người tin Chúa. Tình yêu thương anh em (adelphia) là tình huynh đệ (BHĐ), nói đến tình yêu thương của anh chị em trong Hội Thánh. Chúng ta cần ghi nhớ để sống mỗi ngày trong tình yêu thương nầy.

Sự tiếp khách (c. 2a) nói đến lòng hiếu khách (BHĐ), đặc biệt tiếp đón khách lạ đến tạm trú trong nhà. Thời đó, quán trọ thường không an toàn và người đến trọ cũng thường bị mang tiếng. Cho nên tiếp đón khách về ở nhà của mình là điều các tín hữu thường làm và tác giả khích lệ họ làm như vậy.

Tiếp đãi thiên sứ mà không biết nói đến câu chuyện Áp-ra-ham đón tiếp ba người khách lạ ở Mam-rê (Sáng thế ký 18:2). Hai trong số ba người khách lạ nầy sau đó đã đến Sô-đôm và được gọi là hai thiên sứ (Sáng thế ký 19:1). Ý tác giả muốn nói là khi sẵn sàng tiếp đón khách lạ, “khách lạ đó có thể là sứ giả thật của Đức Chúa Trời, đem đến cho họ nhiều ơn phước” (O’Brien, trang 507).

Lời khuyên thứ ba trong phân đoạn nầy liên quan đến các tín hữu bị bách hại:

Hãy nhớ những kẻ mắc vòng xiềng xích, như mình cùng phải xiềng xích với họ, lại cũng hãy nhớ những kẻ bị ngược đãi, vì mình cũng có thân thể giống như họ (c. 3)

Các chi tiết trong 10:32-34 cho thấy độc giả Thư Hê-bơ-rơ lúc bấy giờ đang phải đương đầu với những khó khăn, có khi phải tù tội. Tác giả gọi họ là những kẻ mắc vòng xiềng xích (“đang bị cầm tù,” BHĐ) và những kẻ bị ngược đãi. Với những người nầy, ông kêu gọi độc giả có sự đồng cảm (empathy):

…như chính mình cũng bị cầm tù với họ mình cũng có thân thể giống như họ (c. 3, BHĐ)