Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 42

LỜI CUỐI (13:20-25)

20 Đức Chúa Trời bình an, là Đấng bởi huyết giao ước đời đời mà đem Đấng chăn chiên lớn là Đức Chúa Giê-xu chúng ta ra khỏi từ trong kẻ chết. 21 Nguyền xin Ngài bởi Đức Chúa Giê-xu Christ khiến anh em nên trọn vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý muốn Ngài và làm ra sự đẹp ý Ngài trong chúng ta. Sự vinh hiển đáng về Ngài đời đời vô cùng! A-men.

22 Hỡi anh em, xin hãy vui lòng nhận lấy những lời khuyên bảo nầy. Ấy tôi đã viết vắn tắt cho anh em vậy. 23 Hãy biết rằng anh em chúng ta là Ti-mô-thê đã được thả ra, nếu người sớm đến, tôi sẽ cùng người đi thăm anh em.

24 Hãy chào thăm mọi người dắt dẫn anh em và hết thảy các thánh đồ. Các thánh đồ ở Y-ta-li gởi lời thăm anh em.

25 Nguyền xin ân điển ở với anh em hết thảy!

1. “Đức Chúa Trời bình an” (c. 20a) mang ý nghĩa gì?

2. Tại sao Chúa Giê-xu được gọi là “Đấng chăn chiên lớn” (c. 20b)?

3. Xin giải thích những điều sau trong lời cầu nguyện (c. 21):

(1) Nên trọn vẹn trong mọi sự lành

(2) Làm thành ý muốn Ngài

(3) Làm ra sự đẹp ý Ngài

 

Thư Hê-bơ-rơ kết thúc với lời cầu nguyện và lời chúc phước của tác giả (c. 20-21). Ông gọi Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời bình an nghĩa là Ngài là nguồn gốc và là Đấng ban bình an cho chúng ta. Bình an trong lời chúc phước thường mang ý nghĩa lai thế học (eschatological), nói đến sự cứu rỗi toàn vẹn trong cõi vĩnh hằng (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

Chẳng những gọi Ngài là Đức Chúa Trời bình an, ông nhấn mạnh sự việc Ngài là Đấng đem Đức Chúa Giê-xu ra khỏi từ trong kẻ chết (c. 20b). Đây nói đến quyền năng của Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:4).

Quyền năng nầy thực hiện trong huyết giao ước đời đời (c. 20b). Huyết nói đến sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá để cứu chuộc nhân loại. Đây là chủ đề của Thư Hê-bơ-rơ: sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu đã thiết lập giao ước mới. Đây là giao ước đời đời vì giao ước cũ chỉ là tạm thời (8:13).

Về Chúa Giê-xu, ông gọi Ngài là Đấng chăn chiên lớn (c. 20c). Đấng chăn chiên là từ dùng để chỉ người lãnh đạo (Thi thiên 77:20; II Sa. 5:2b). Chúa Giê-xu được gọi là Đấng chăn chiên lớn hàm ý Ngài vượt trội hơn mọi lãnh đạo từ trước đến nay, không ai có thể ví sánh với Ngài (I Phi-e-rơ 5:4).

Như vậy, trước khi cầu nguyện cho độc giả, ông đã dùng trọn câu 20 để mô tả Đức Chúa Trời là ai. Ngài là:

o  Đức Chúa Trời bình an

o  Đấng đem Chúa Giê-xu ra khỏi cõi chết

Ông cũng gọi Chúa Giê-xu là Đấng Chăn Chiên Lớn và nhắc đến giao ước đời đời qua sự chết của Chúa Giê-xu.

Đó là nền tảng cho lời cầu nguyện:

Nguyền xin Ngài bởi Đức Chúa Giê-xu Christ khiến anh em nên trọn vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý muốn Ngài và làm ra sự đẹp ý Ngài trong chúng ta (c. 21a)

Chữ trọn vẹn trong câu nầy mang ý nghĩa trang bị (“cung ứng,” BHĐ):

Cung ứng cho anh em mọi ơn lành (c. 21a, BHĐ)

Mục đích là để chúng ta có thể làm theo ý muốn của Ngài (đặng làm thành ý muốn Ngài). Cùng với việc làm thành ý muốn Chúa là “thực hiện điều đẹp ý Ngài” (BHĐ).

Như vậy, tác giả cầu nguyện để Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu, cung ứng cho chúng ta mọi điều tốt lành để chúng ta có thể:

(1) Làm theo ý muốn Chúa.

(2) Làm điều đẹp ý Ngài.

Đây là lời cầu nguyện chúng ta cần có!

Tiếp theo lời cầu nguyện là lời chúc phước:

Sự vinh hiển đáng về Ngài đời đời vô cùng! A-men (c. 21b)

Vinh hiển hay vinh quang của Đức Chúa Trời luôn luôn là mục đích  tối hậu của đời sống người tin Chúa!

Kết thúc lá thư là những lời nhắn cuối cùng:

1. Trước hết, ông gọi lá thư nầy là “lời khuyên bảo” và yêu cầu họ tiếp nhận

Hỡi anh em, xin hãy vui lòng nhận lấy những lời khuyên bảo nầy (c. 22a)

Hãy vui lòng nhận lấy mang ý nghĩa “xin hãy chịu đựng.” Đây là lối nói tế nhị hàm ý xin độc giả hãy chịu khó lắng nghe. Ông cũng nói:

y tôi đã viết vắn tắt cho anh em vậy (c. 22b)

Thư Hê-bơ-rơ không phải là lời vắn tắt nhưng đây là cách nói, khuyến khích người đọc lắng nghe những gì mình trình bày.

2. Ông cho biết tin tức về Ti-mô-thê

Hãy biết rằng anh em chúng ta là Ti-mô-thê đã được thả ra, nếu người sớm đến, tôi sẽ cùng người đi thăm anh em (c. 23)

Câu nầy cho thấy tác giả là người đồng thời với Ti-mô-thê và cũng rất gần gũi với ông.

3. Lời chào

Hãy chào thăm mọi người dắt dẫn anh em và hết thảy các thánh đồ. Các thánh đồ ở Y-ta-li gởi lời thăm anh em (c. 24)

Đây là lời chào những người lãnh đạo Hội Thánh và con cái Chúa trong Hội Thánh. Các thánh đồ ở Y-ta-li chỉ về các tín hữu ngày trước ở Y-ta-li nay đang ở nơi khác. Điều nầy cũng gợi ý Y-ta-li (Rô-ma) là nơi nhận lá thư nầy.

4. Lời chúc cuối thư

Nguyền xin ân điển ở với anh em hết thảy! (c. 25)

Tương tự như vinh quang thuộc về Đức Chúa Trời (c. 21b), ân điển hay ân sủng của Chúa là điều mà mỗi người tin Chúa cần có để sống mỗi ngày.

 

 

 

 

Thư Hê-bơ-rơ là lá thư tuyệt vời về Chúa Giê-xu, chẳng những cho các tín hữu Do-thái, chưa có nhận định đúng về Ngài và muốn trở lại với Do-thái giáo. Đây cũng phải là cái nhìn đúng và nhận định đúng của chúng ta về Chúa Giê-xu, đối tượng của niềm tin chúng ta.

1. Chúa Giê-xu là Đấng vượt trội hơn tất cả vì Ngài là tiếng nói sau cùng của Đức Chúa Trời cho loài người (1:1-2).

2. Chúa Giê-xu là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, ban Mên-chi-xê-đéc, thay thế cho chức tế lễ của A-rôn và dòng dõi Lê-vi (7:1-28).

3. Chúa Giê-xu dâng chính mình Ngài làm sinh tế một lần đủ cả, không cần một sinh tế nào khác (9:1-28).

4. Chúa Giê-xu thiết lập giao ước mới giữa Đức Chúa Trời và con người, giao ước được đặt vào lòng người tin nhận Ngài (8:6-13).

5. Chúa Giê-xu là cội rễ và cuối cùng của đức tin chúng ta, chúng ta chỉ cần nhìn xem Chúa để sống (12:1-3).

Chúng ta cũng để ý đến lời khuyến cáo về những nguy cơ chúng ta có thể rơi vào nếu không cẩn thận:

1. Nguy cơ bị trôi lạc (2:1-4)

2. Nguy cơ của lòng không tin (3:7-19)

3. Nguy cơ bội đạo(6:4-8)

4. Nguy cơ cố ý phạm tội (10:26-31)

5. Nguy cơ khước từ (12:25-29)